* Diễn Từ của ông Quốc Vụ Khanh Đặc Trách Văn Hóa nhân buổi lễ Phật Đản 2513 (30.5.69) tại Viện Đại Học Vạn Hạnh.
Một vấn đề nóng bỏng được đặt ra cho ở đây và khắp thế giới: Vấn đề Hòa bình.
Hòa bình được hàng ngày nhắc nhở, nhiều cuộc hội nghị lớn nhỏ luôn được tổ chức đó đây, năm này sang năm khác, là vì hòa bình bị phá vỡ, xáo trộn, đe dọa, tùy nơi, dù rằng biết bao sáng kiến và nỗ lực đã được thực hiện để chấm dứt chiến tranh hay diệt mầm chiến tranh.
Có một sự trái ngược mà tất cả ai quan tâm đến sự an lạc của nhân loại không sao không nhận thấy: văn minh cơ khí và kỹ thuật càng phát triển, sự tập trung tư bản càng khuếch trương thì khoảng thời gian cách biệt giữa các trận chiến lớn càng rút ngắn. Lịch sử thế giới từ năm 1914 đến nay, trong vòng nửa thế kỷ, chứng minh một cách kinh khủng sự thật này.
Nguyên do tại đâu? Rất có thể là tại ai và quốc gia nào cũng chỉ chú trọng giải quyết vấn đề chiến tranh bằng chiến tranh, lấy võ lực chống võ lực, đem tư tâm trừ tư tâm, tuy rằng ngoài miệng người người, nước nước, đều kêu gọi hòa bình, tỏ ra là muốn xây dựng hòa bình.
Tư tâm ấy ở mỗi cá nhân kết hợp thành cộng nghiệp của loài người. Nghiệp là nhân. Nhân đã là nhân tranh chấp thì quả chiến tranh không sao tránh khỏi.
Đã đành có những hòa bình quốc gia, hòa bình quốc tế đã được tái thiết, sau những cuộc xung đột gây ít nhiều đau thương, chết chóc, nhưng phải thành thực mà nói, đó không phải là hòa bình mà là hưu chiến. Dưới đống tro lạnh trên mặt, có cục than hỏng cháy đỏ.
Muốn thật sự vãn hồi hòa bình và muốn cho hòa bình miên viễn phải đặt vấn đề hòa bình cho từng cá nhân một. Mỗi phần tử có thực tâm sống không lơi lạc riêng tư, thì toàn thế mới có cơ chung vui trong ánh một bình minh trong sáng.
Thật vậy, giải quyết vấn đề của cá nhân là đồng thời giải quyết luôn vấn đề của xã hội, của quốc gia, của các quốc gia, của thế giới. Xã hội, quốc gia, tự chúng không có những rắc rối phải giải quyết. Chính cá nhân đem vấn đề vào xã hội, vào quốc gia, cho nên không vấn đề nào mà chẳng đặt ra, trên hết và trước hết, cho cá nhân. Hạnh phúc cá nhân làm ra hạnh phúc nhân loại. Hòa bình nhân loại làm bằng hòa bình của cá nhân. Kinh nói: «Tâm bình thế giới bình» là vậy. Thế giới loạn, vì chính cá nhân ta loạn.
Trên đây là tóm lược giáo pháp của Đức Thế Tôn mà hôm nay, khắp thế giới, trên 700 triệu Phật Tử thành kính làm lễ kỷ niệm. Nhiều triết gia, học giả Đông Tây, kim cổ, đều đồng ý xưng tán giáo pháp của Ngài mà người thì tôn trọng như một Thông Điệp Từ Bi, kẻ thì quý mến như một Thông Điệp Hòa Bình. Và hiện nay, Thông điệp Hòa Bình quan trọng hơn bất cứ lúc nào, bởi lẽ chính đây là lúc mà nhân loại bị sân hận, tham lam, ganh tỵ, ích kỷ và kiêu mạn đầu độc nặng nề hơn hết.
Đời Đức Phật là một gương hòa bình chói sáng vào bậc nhất, chẳng những dung thứ biết bao kẻ ác tâm làm hại, mà còn ra tay vét ngút để cho thấy mặt trời Giác ngộ. Trong các cuộc tranh luận về giáo lý của Ngài, nét ôn hòa đã nổi bật. Ngài không vì cái ta mà bàn nói, mà chỉ vì Sự thật, một Sự thật có lợi cho đối phương.
Sau Niết Bàn, đạo pháp của Ngài được truyền rộng khắp nơi mà không một bạo hành nào đã xảy ra, không một giọt máu nào đã phải đổ. Hàng môn đệ chân chính của Phật không thể phản lại Hòa bình mà Ngài là hiện thân.
Rất mong rằng tinh thần Hòa bình hàm chứa trong đạo pháp của Phật được các cấp lãnh đạo nhân quyền trên thế giới thấu triệt và ứng dụng đúng phép. Dù tin, dù không, giáo pháp của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni luôn luôn có công dụng cho mọi dân tộc. Việc quy y chỉ là hình thức bề ngoài.
MAI THỌ TRUYỀN