*Diễn văn của Thượng tọa Viện trưởng Viện Đại Học Vạn Hạnh
vào ngày lễ Đản sinh hai ngàn năm trăm mười ba của đấng Thế Tôn.
Chúng ta phải hãnh diện vì được sống vào giai đoạn đen tối nhất và quyết liệt nhất của lịch sử Việt Nam. Trận chiến tranh tàn sát liên tục trong mấy chục năm trời đã biến đổi đất nước này trở thành một nghĩa địa rộng lớn chôn chung cả một dân tộc, nhưng đến giây phút quyết liệt nhất hiện nay, dù bao nhiêu thế hệ người Việt đã luân phiên bỏ mình một cách âm thầm nhục nhã, chúng ta vẫn nhất quyết từ chối mọi sự tuyệt vọng, chúng ta vẫn nhất quyết từ chối mọi giải quyết dễ dãi, chúng ta vẫn nhất quyết từ chối mọi ảo tưởng huyễn hoặc, mọi sự lường gạt an bài. Tất cả chúng ta, dù tiêu cực hay tích cực, tất cả chúng ta đều chịu trách nhiệm đối với thảm trạng hiện nay của đất nước.
Giờ phút quyết định vận mệnh của Việt Nam đã đến, giờ phút trang trọng cực điểm của lịch sử đã đến, mọi người trong chúng ta phải tự mình chuẩn bị cho sự quyết định tối thượng trước sự phục hồi quê hương, hòa bình có thể thực hiện hay không là chính do sự quyết định của mỗi người Việt Nam, chúng ta hãy từ bỏ thái độ thối thác, không có một lãnh tụ chính trị hay một chính khách quốc tổ nào có khả năng quyết định cho vận mệnh của Việt Nam, không có một ý thức hệ nào hay một đảng phái nào, dù thiên tả hay thiên hữu, dù trung lập hay siêu lập, không có một khuynh hướng phe nhóm nào có thể còn có khả năng quyết định cho vận mệnh của Việt Nam. Chỉ có một điều duy nhất khả dĩ quyết định vận mệnh của Việt Nam, đó là sức mạnh của tinh thần, sức mạnh của tinh thần một con người tỉnh thức, của những con người tỉnh thức trước cơn thụy miên hôn trầm của thời đại; những thế lực tuyên truyền và những khẩu hiệu ồn ào đã ru ngủ con người hiện nay trong một tiết nhịp tàn khốc. Chúng ta cần phải đánh thức sức mạnh của tinh thần, cần phải giữ cho tinh thần được tỉnh thức thường xuyên đề khỏi bị lung lạc ru ngủ trong những phong trào hòa bình giả hiệu; chúng ta đã bị lường gạt quá nhiều, nhưng một sự lường gạt đáng sợ nhất là sự lường gạt xuất phát từ sự yếu đuối bạc nhược của tinh thần; chính tinh thần yếu đuối bạc nhược này sẽ đưa chúng ta trở thành nạn nhân tích cực cho những lý tưởng hòa bình giả hiệu. Chiến tranh là một tai họa, nhưng hòa bình giả hiệu lại là một tai họa nguy hiểm hơn nữa. Một nền hòa bình thực sự chỉ có thể thực hiện được, đó là nền hòa bình xuất phát từ sự cách mệnh toàn triệt của tinh thần nằm trong ý nghĩa của Bát Chánh Đạo, tức Trung Đạo con đường đem lại «sự an tĩnh, trí huệ, giác ngộ, Niết Bàn».
Ngày lễ Phật Đản năm nay, 2513, là ngày kỷ niệm một nền hòa bình đầu tiên, trọn vẹn, đúng nghĩa, được thực hiện lần đầu tiên cách đây trên hai ngàn năm trăm năm. Niết Bàn chỉ có một ý nghĩa duy nhất là hòa bình, ý nghĩa căn bản của hòa bình chính là tịch tịnh. Chữ Hán tịch dùng để dịch ý nghĩa những chữ prasama, vivikta, sànti của chữ Phạn, những chữ Phạn này có nghĩa là «im lặng, tĩnh lặng, thanh bình, an tĩnh, hòa bình, Niết Bàn»; trong truyền thống Phật kinh, Niết Bàn (Nirvana) có lúc cũng được gọi là «bến bờ của hòa bình» tức là «tịch ngạn»; đức Phật Thích Ca Mâu Ni còn có danh hiệu là «Sư tử của hòa bình», tức là «tịch nghiệp Sư tử»! «Nghiệp» là chiến tranh, «tịch nghiệp» là hòa bình. Đức Phật qua danh hiệu «tịch nghiệp Sư tử» có nghĩa là «Đức Phật, hiện thân của hòa bình», chủ đề của buổi kỷ niệm ngày Phật đản năm nay. «Hiện thân của hòa bình» được thể hiện qua «Hóa thân» (Nirmànakàya) của Đức Phật, «hòa bình» là «Pháp thân» (Dharmakàya), «Sự an hưởng hòa bình» là «Báo thân» (Sambhogakàya); thuyết «Tam thân» (Trikaya) cũng được gọi là «Tam bửu thân», «pháp», «báo» và «hóa» là ý nghĩa tam hướng của Phật tánh: «Pháp thân» hướng về «tự tánh», «Bảo thân» hướng về «thọ dụng» và «Hóa thân» hướng về «biến hóa». Tam thân đều có ý nghĩa nhất trí, «hóa thân của hòa bình» cũng có nghĩa là «Pháp thân» và báo thân của hòa bình».
Chỉ có một nền hòa bình thực sự là hòa bình trong thân nghiệp, hòa bình trong khẩu nghiệp, và hòa binh trong ý nghiệp, «tịch nghiệp» là hòa bình trong thân, khẩu và ý. Đạo Phật không chấp nhận bất cứ hình thức chiến tranh nào, từ chiến tranh ngoại giới cho đến chiến tranh nội tâm. Không có một cuộc chiến tranh nào, đối với đạo Phật, có thể là «một cuộc chiến tranh chân chính» hay «một thánh chiến». Chúng ta còn nhớ rằng có một lần chính đức Phật thân hành đi đến chiến trường để can thiệp và ngăn chận chiến tranh giữa những người dòng Sàkyas và Koliyas Đức Thế tôn luôn luôn chú tâm đến sự thiết lập một nền móng xã hội công bình và hòa bình. Trong Jàtaka, đức Phật đã nói đến «thập vương pháp» (dasa-ràjadhamma), nghĩa là «mười nhiệm vụ của một lãnh tụ quốc gia», thứ nhất là «dàna» (bố thí, rộng lòng), thứ hai là «sila» (đạo đức cao cả), thứ ba là «pariccàga» (hy sinh tất cả, từ bỏ tất cả vì hạnh phúc của toàn dân), thứ tư là «ajjava» (trực hạnh, xa lìa sợ hãi thiên vị, thành thật trong tâm ý, không lừa bịp dân chúng), thứ năm là «tapa» (khổ hạnh, sống đơn giản, không xa hoa, chế ngự bản thân), thứ sáu là «maddava» (nhu hòa, hòa nhã), thứ bảy là «akkodba» (vô sân, không ác độc, không thù hận, không tư thù cá nhân), thứ tám là «avihimsà» (bất hại, không hại ai cả mà cố gắng tạo lập hòa bình, ngăn chận chiến tranh), thứ chín là «khanti» (chịu đựng những khó khăn, chịu đựng mọi nhục mạ mà vẫn điềm đạm khiêm tốn), thứ mười là «avirodha» (không đối lập, không đi ngược lại ý chí của toàn dân, thuận theo ý dân). Trong lịch sử nhân loại, chúng ta thấy lời dạy trên đã được thể hiện cụ thể nơi A Dục Vương (Asolea) của Ấn Độ ở thể kỷ thứ III trước Tây lịch, vị vua Ấn độ bách chiến bách thắng ấy đã hối hận về hành động chinh phục của mình, đã tự cải hóa để sống theo Phật Pháp. A Dục Vương đã tự bỏ mọi cuộc chiến tranh chinh phục và mong muốn rằng «con cháu ta sẽ đừng bao giờ nghĩ về một cuộc chinh phục nào khác nữa… Hãy nghĩ đến một cuộc chinh phục duy nhất, đó là sự chinh phục bằng Đạo đức».
Hòa bình thật sự đúng nghĩa không phải là hòa bình theo ý thức hệ nào, những nhà thức hệ chỉ là những kẻ tự đánh lừa và đánh lừa kẻ khác bằng những ảo ảnh trừu tượng. Trong bài diễn thuyết dịp nhận giải hòa bình ở Đức, Gabriel Marcel có trình bày quan điểm của ông về vấn đề hòa bình và có định nghĩa rằng: «một nhà ý thức hệ chính là một người có tinh thần bị chìm đắm huyễn hoặc trong ảo ảnh của những sự trừu tượng thuần túy» (un idéologue, c’est un esprit qui se laisse prendre au mirage des pures abstractions) nhưng sau cùng, khi nói đến hòa bình, Gabriel Marcel lại quan niệm hòa bình theo thần học Ky tô giáo: «hòa bình là một ý niệm có tính cách thế mạt luận» (La paix est un concept escbatologique) (Gabriel Marcel, Paix sur la tcrre, Aubier, ‘1965, trang 57). Gabriel Marcel, nhà tư tưởng gia tiến bộ nhất của giáo hội La mã, lại cho rằng chỉ có một nền hòa bình thực sự là hòa bình nằm trong lãnh vực siêu cảm giác giới (la dimensión suprasensible qui est celle òu réside effectivement la paix) (op.cit.,p.58). Đó là quan niệm hòa bình của Thiên chúa giáo, còn đối với Phật giáo thì hòa bình có ý nghĩa khác hẳn, hòa bình của Phật giáo nằm trong lãnh vực vô phân biệt giữa hai lãnh vực cảm giác và siêu cảm giác, không thuộc «dimension sensible» và cũng không thuộc «dimension suprasensible», đứng trên một ý nghĩa tối hậu thì hòa bình phải được thể hiện ngay giữa Niết bàn và Luân hồi, vì theo Nàgàrjuna trong Màdhyamika Sàstra thì không còn sự phân biệt giữa Niết bàn và Luân hồi:
Samsàrasya ca nirvànât kincid asti vicesanam:
Na nirvânasya samsârât kincid asti viọesanam
Vì Niết bàn là Luân hồi, không còn sự dị biệt giữa hai bên:
Nirvânasya ca yâ kotib kotih samsârasya ca,
Vidyâdanantaram kiacit susuksnam vidyate
Chúng ta phải quan niệm ý nghĩa hòa bình trong ý nghĩa tối thượng trong giáo lý tối thượng của Phật giáo thì mới hiểu triệt để rằng tất cả những sự tương tranh mâu thuẫn đã được phủ nhận toàn triệt ngay từ căn bản tối hậu của đạo Phật.
Ở trên là trình bày quan niệm hòa bình trong đệ nhất nghĩa đế nhưng trở lại bình diện ngôn ngữ thông dụng thì đức Phật có dạy một lời đáng cho chúng ta suy niệm: «Người ta có thể chinh phục hàng triệu người trong trận chiến, nhưng chỉ có người nào tự chinh phục được mình mới là người chiến thắng vinh quang nhất» (Dhammapada VIII 4).
Tự chinh phục mình, nghĩa là tỉnh thức thường xuyên, luyện sạch tinh thần, làm cho tinh thần cường tráng, an tĩnh, thanh bình, sống một đời sống theo tinh thần đạo đức của Bát chính đạo. Nhưng luận điệu và hành động của chính trị, theo sự diễn tả của Kant, thì gồm những tiêu điểm sau đây, những tiêu điểm trái ngược với Bát chính đạo:
1. «Fac et excusa» (tóm lấy thời vận, rồi tìm cách biện minh sự việc đã rồi);
2. «Si fecisti, nega» (bất cứ những gì mình đã làm thì đừng nhận rằng mình có lỗi, hãy đổ lỗi cho kẻ khác hoặc đổ lỗi cho tâm tính con người);
3. «Divide et impera» (gây chia rẽ phân hóa giữa những người cộng sự với mình và đối phương của mình, giả vờ giúp đỡ kẻ yếu, và mình sẽ chinh phục tất cả họ).
Chúng tôi trích những khẩu hiệu trên mà Kant đã nêu ra khi đề cập tới sách lược của chính trị, vì không phải chỉ ở thế kỷ thứ XVIII thôi mà ngay đến ở thế kỷ XX này, sách lược chính trị của thế giới Tây phương và của thế giới Cộng sản đều vẫn trung thành với những khẩu biệu châm ngôn trên, và hơn ai hết, vào năm 1795. Kant có viết một tiểu luận về «Nền hòa bình vĩnh cửu» và những điều Kant đã nói về Hòa bình vẫn có giá trị và giá trị nhất đối với thế giới hiện nay (chính Karl Jaspers, khi viết về quan niệm Hòa bình của Kant, cũng đề cao giá trị đặc biệt của Kant trong ý niệm về hòa bình hiện nay ở thế giới). Trong bản khởi thảo về hòa bình của Kant có một tiết mục đáng đơn cử ra đây, tiết mục thử nhất:
«Không có một bản ký kết hòa bình nào có thể được nhận là đúng nghĩa hòa bình nếu bản ký kết ấy đã được ký trong tinh thần đề phòng chuẩn bị kín đáo cho việc khai chiến tương lai».
Chúng tôi thấy câu trên của Kanl thực là có ý nghĩa, nhất là đối với cuộc hòa đàm ở Paris hiện nay. Karl Jaspers đã cắt nghĩa câu trên của Kant như sau: «Dựng nên một cuộc đình chiến và cho rằng đó là hòa bình thì quả thực chỉ là một sự man trá, xảo trá, lừa phỉnh, lừa gạt (theo bản dịch chữ Anh: «To represent an armistice as peace is a fraud», Karl Jaspers, philosophy and the world, page 88), Karl Jaspers lại cắt nghĩa thêm câu của Kant. «Kẻ nào muốn hòa bình thì không nên lường gạt, lừa phĩnh. Sự nói dối, sự dối trá là nguyên tắc của chiến tranh và của tất cả mọi thứ chính trị đưa tới chiến tranh tiềm ẩn sắp tới» (He who wants peace must not deceive. The lie is a principle of war, and of all politics geared to potential war). Chúng ta thấy trong Bát Chánh Đạo (Ariya atthangika Magga), Đức Phật có dạy về Chính Ngữ (Sammà và ca), «Chính Ngữ» có nghĩa là: không nói dối, không nói vu khống, không nói lời gây thù hận, bất hòa, gây gổ, «Chính Ngữ» cũng có nghĩa là «không nói lời ác độc, thóa mạ, thô lỗ, không mách lẻo, vô ích». Chúng ta phải nhận ngay rằng điều thiếu thốn hiện nay, đối với hạng người nói về hòa bình, là« chính ngữ».
Trong chương cuối nhan đề «Những đề nghị cho hòa bình» (Suggestions for peace) nơi quyển «May Man prevail?», Erich Fromm nói như vầy:
«Như chúng ta đã lặp đi lặp lại bao nhiêu lần rồi, trận chiến đấu hiện nay là trận chiến đấu cho tâm thức con người. Người ta không thể thắng được trận chiến này bằng những khẩu hiệu trống rỗng và bằng những mánh khóe tuyên truyền mà không còn ai tin nổi nữa, chỉ trừ ra chính tác giả của những khẩu hiệu và những mánh khóe ấy mới tin nổi chúng mà thôi». (As has been said over and over again, the present struggle is a struggle for men’s minds.One cannot win this struggle with empty slogans and propaganda tricks, which nobody except their own authors believe) (May Man prevail? trang 251) «Chính ngữ» cũng có nghĩa là «không dùng những khẩu hiệu trống rỗng và những mánh khỏe tuyên truyền». Con đường của Phật giáo theo nghĩa Bát Chánh Đạo là con đường đưa đến tinh thần hòa bình cường dũng, đưa đến một hùng khí của hòa bình như triết gia nổi danh Max Scheler đã viết trong quyển l’Idée de Paix et le Pacifisme,trang 42:
«Có một hùng khí của hòa bình, vĩ đại hơn và sâu thẳm hơn tất cả mọi anh hùng tính của chiến tranh, đó là hùng khí của Đức Phật».
Và khi bàn đến những nền hòa bình giả hiệu (mà Max Scheler gọi là «semi pacifisme», Max Scheler có đề cập đến một hình thức hòa bình mà ông gọi là «hòa bình anh hùng tính» (le pacifisme heroique) một kiểu hòa bình bất bạo động trong tám hình thức của những phong trào hòa bình rầm rộ ở Tây phương, Max Scheler cho rằng hình thức phong trào hòa bình bất bạo động của Tây phương chỉ có kết quả và thành công khi nào «Tây phương trở lại theo về với Đức Phật», vì chỉ có một nền hòa bình bất bạo động đúng nghĩa thực sự là nền hòa bình bất bạo động của Phật giáo (op. cit., page 89), còn nếu không thế thì hòa bình bất bạo động của Tây phương chỉ là hiểu sai những lời nói trong Thánh kinh (op. cit., page 84), khi đề cập đến hình thức hòa bình của Giáo hội La Mã (le Pacifisme Chrétien), Max Scheler, mặc dù là người công giáo, đã nhận rằng: (Tinh thần hòa bình công giáo thực sự tích cực không thể thực hiện được vì lý do là tinh thần hòa bình ấy va chạm với giáo lý về sự sa ngã và về tội tổ tông, đồng thời va chạm với thần học của Thomas d‘Aquin vì Thomas d’Aquin chấp nhận chiến tranh hợp lệ, tự vệ «(l’impossibilité d’un pacifisme chrétien pleinement positif tient à ce qu’un tel pacifisme heurte à ỉa fois la doctrine de la chute et du péché originel, et la doclrme de Thomas d’Àquin qui admet la guerre «légitime» ‘ défense) (Max Scheler, l’Idée de Paix et le Pacifisme, trang 92). Tuy nhiên, đó là đứng về mặt lý thuyết nhưng trên thực tế thì chúng ta phải nhìn nhận rằng những vị Thánh tuẩn đạo của Thiên Chúa Giáo là những người đã thực hiện tinh thần hòa bình, bất bạo động.
Khi chúng tôi đề cập hòa bình của Thiên chúa giáo và hòa bình của Phật giáo, chúng tôi hoàn toàn không chủ trương rằng chỉ Phật giáo mới độc tôn có tinh thần hòa bình thật sự, còn những tôn giáo khác thì không thể. Chúng tôi không bao giờ vô ý thức như vậy đâu. Điều mà chúng tôi lưu tâm nhất là «chính ngữ», vì hòa bình đúng nghĩa là hòa bình của tất cả mọi người, của tất cả, không phân biệt kẻ có đạo và kẻ ngoại đạo, và chính kẻ nào trung thành với giáo lý đức Phật thì vẫn phải hiểu rằng đề cao đạo Phật và hạ thấp những đạo khác là chỉ phản bội Phật pháp mà thôi. Đạo Phật đúng nghĩa là đạo Phật thì không chống đối ai cả, chính đức Thế tôn đã nói: «Ta không chống lại thế gian mà chính thế gian chống lại ta, hỡi các con, kẻ nào nói lên sự thật, kẻ ấy không bao giờ chống đối ai trên đời này».
«Không bao giờ chống đối ai trên đời này», đó là tinh thần thuần túy của đức Phật, hiện thân của hòa bình.
Đó là một nền hòa bình mà tất cả sự phân biệt đã biến mất, một nền hòa bình của «Vô Phân Biệt Trí». Chúng tôi muốn kết luận bằng câu nói của Lévi Strauss trong phần kết luận của quyển Tristes Tropiques, một tác phẩm nổi danh nhất gần đây ở Tây phương, Lévi-Strauss, người cha khai sinh cơ cấu luận, đã viết:
«Những giải đáp có tính cách lịch sử của nền đạo đức Phật giáo đưa ta tới sự chọn lựa lạnh người: hoặc là con người phải trả lời đồng ý với vấn đề mà tôi đã vạch ra và tronq trường hợp này thì phải đi vào chùa tu, hoặc là con người nghĩ khác đi và lay hoay tránh né dễ dãi bằng cách hành sử một thứ chủ nghĩa ích kỷ nhân nhượng… Đạo Phật vẫn có thể giữ được lý nhất quán của mình mà đồng thời cung ứng được những yêu sách của thế giới bên ngoài», ở một trang trước câu trích dẫn trên, Lévi Strauss đã viết:
«Sau rốt, thực ra tôi đã học được gì với những bậc thầy mà tôi đã nghe dạy, với những triết gia mà tôi đã đọc, với những xã hội mà tôi đã nghiên cứu, với chính nền khoa học mà tây phương đã kiêu hãnh tự hào? Thực ra chỉ học một hoặc hai bài học rời rạc manh mún mà nếu ghép lại từ đầu đến cuối thì may ra sẽ gợi thành lại những buổi thiền định của đấng Minh sư dưới cội cây của Ngài». Và Lévi-Strauss gợi lại đức Phật qua hình ảnh của «Sự hiện diện trì cửu duy nhất» mà trong sự hiện diện ấy thì «tất cả sự phân biệt giữa ý nghĩa và vô nghĩa đều biến mất» và «chính từ sự hiện diện ấy mà chúng ta đã bắt đầu khởi sự trước tiên», và Lévi-Strauss nói tiếp rằng từ lúc đức Phật giác ngộ cho đến nay, đã hai ngàn năm trăm rồi mà «chúng ta vẫn không khám phá ra cái gì mới lạ cả», nghĩa là con người tiện bộ hiện nay của thời đại này chỉ là tiến bộ trong vòng lẩn quần, đức Phật đã chứng ngộ và sự chứng ngộ ấy vẫn là sự kiện tối thượng mà chưa có trí óc vĩ đại nào hiện nay đạt tới được.
Sau cùng, chúng tôi muốn kết luận một lần nữa bằng một câu trong Dhammapata, XIV, 5:
Sabba pâpassa akaranam,
Kusalassa upasampada,
Sacitta pariyodapamnm,
Etam buddhâna Sâsanam.
«Chấm dứt việc làm mọi sự ác hại,
Gắng làm các hạnh lành
Giữ tâm ý trong sạch
Đây mới là đạo của những bậc Giác ngộ».
T.T. THÍCH MINH CHÂU
[Trích Tạp chí Tư Tưởng số 2 (01-7-1969)]