Lấy cái gì để biểu lộ bổn sắc độc đáo của một dân tộc? Đó chính là câu hỏi mà chúng tôi đã cố gắng tìm lời giải đáp cho nó qua một nhơn vật điển hình: Lý Công Uẩn, người đã lập nên triều đại Nhà Lý (1009-1225), một triều đại đã thành công trong việc chứng tỏ thế nào là ý nghĩa sanh tồn của một quốc gia và chứng tỏ bằng cách nào về một dân tộc được quyền tồn tại không phải chỉ giới hạn trong cương thổ mà còn tồn tại với tất cả bổn sắc độc đáo của nó. Chúng tôi muốn cái “bổn sắc độc đáo của một dân tộc” có nghĩa là cái mà dân tộc đó là.
Lý Công Uẩn vốn là con nuôi của một vị tăng tên Lý Khánh Vân, trù trì chùa làng Cổ pháp và được giáo dục bởi Thiền sư Vạn Hạnh. Triều đại nhà Lý được lập nên với Lý Công Uẩn không phải là một biến cố ngẫu nhiên của lịch sử mà có lẽ đã được Thiền sư Vạn Hạnh chuẩn bị từ lâu; sự chuẩn bị này không phải chỉ để thay thế chánh sách bạo ngược của Lê Long Đĩnh, một vị vua vô cùng tàn ác nhưng bất tài, mà còn là nhắm quay ngược lịch sử Việt nam sang một chiều hướng mới; đó là chiều hướng tất cả sự cố gắng thể hiện quyền sống của một dân tộc trên hai phương diện: quyền được sống trong lãnh thổ toàn vẹn của mình, không bị một thế lực vĩ đại nào chi phối; quyền sống bằng yếu tố tinh thần cá biệt của mình. Chính cái sau đã là động lực thúc đẩy những cuộc đề kháng một mất một còn với chánh sách muốn biến nước Việt nam thành một quận huyện của mình mà các triều đại Trung hoa trước kia không ngừng theo đuổi.
Người Trung hoa trước kia thường gọi Việt nam là Nam man. Điều này có lẽ không phải là quá đáng. Suốt mấy nghìn năm lập quốc, cho đến thế kỷ XI, nghĩa là cho đến triều đại nhà Lý, những vua chúa Việt nam dựng triều đại của mình bằng bạo lực, cai trị bằng bạo lực, và cũng bị tiêu diệt bằng bạo lực. Chính cái chánh sách cai trị bằng bạo lực mà người Trung hoa đã mệnh danh là nước Man di. Một sử gia Việt nam ngày nay, Hoàng Xuân Hãn, đã viết rằng: “Các vua vũ biền đời trước (nghĩa là trước nhà Lý) đã đem những thói giết chóc thời loạn rat hi hành ở thời bình. Những cực hình dùng hằng ngày, chứng tỏ rằng các vua ấy vẫn còn giữ tập tính của người rừng rú.”(((Hoàng Xuân Hãn, Lý Thường Kiệt, Tu thư Viện Đại Học Vạn Hạnh, tái bản lần thứ I, 1966 trang 426).))
Ngay cả như nhà Đinh (968), có thể nói là triều đại đầu tiên biết cư xử có tính cách “văn hóa” một chút, cũng không thoát khỏi sự cai trị bằng bổn tánh hung hãn của mình. Sử chép: “Niên hiệu Thái bình năm đầu (968), vua (Đinh Tiên Hoàng) mới lên ngôi… muốn lấy oai quyền chế ngự thiên hạ, đặt cái vạc to ở sân, nuôi con mãnh hổ ở trong cũi, ra lệnh ai trái mệnh lệnh phải chịu cái tội lửa nấu, hùm nhai.”(((Ngô Thời Sỹ, Việt sử Tiêu án, bản dịch Việt văn của Hội Việt nam Nghiên cứu Liên lạc Văn hóa Á châu xuất bản, 1960).))
Đến như Lê Long Đĩnh (1005-1009) thì sự cai trị tàn ác đã quá độ: róc mía lên đầu chư tăng, buộc cỏ vào lưng tù mà đốt, giam người vào chuồng rồi đẩy xuống nước cho chết ngộp, trồng cây sắt nung đỏ bắt leo… Quả thật, sử gọi là ác hơn cả vua Kiệt vua Trụ của Trung hoa.
Dù chưa thoát ly được bổn tánh hung hãn, vua chúa Việt nam thời đó đã sớm ý thức được như lời Tiêu Hà nói với Cao Tổ nhà Hán: “Bệ hạ có thể ngồi trên ngựa mà lấy thiên hạ, nhưng không thể ngồi trên ngựa mà cai trị thiên hạ”. Nhứt là về phương diện ngoại giao, họ cố gắng làm cho Thượng quốc – chỉ cho Trung hoa – không khinh thị mình bằng một phương sách ngoại giao rất ngoạn mục. Năm 987, Thái Tông nhà Tống sai sứ thần là Lý Giác sang phong cho Lê Hoàn (980-1005) làm Tĩnh hải Tiết độ sứ. Vua nhờ Pháp sư Đỗ Thuận giả bộ làm người chèo đò để tiếp sứ. Câu chuyện ứng đối văn chương giữa vị sứ thần của Trung hoa và người chèo đò Việt nam đã trở thành câu chuyện kỳ thú trong lịch sử văn học Việt nam. Rồi ở trong Triều lại có Pháp sư Ngô Chân Lưu tiếp sứ làm thơ tiễn sứ, khiến cho sứ thần sanh lòng kính phục, và hai câu thơ trong bài thơ Lý Giác để lại kính tặng vua đã chứng tỏ lòng kính phục – dĩ nhiên là kính phục cái đời sống văn hóa của một nước nhược tiểu thường bị mệnh danh là Man di Hai câu thơ ấy là:
Thiên ngoại hữu thiên ưng viễn chiếu
Khê đàm ba tịnh kiến thiềm thu.
(Ngoài trời còn rời nên xét thấu,
Khe đầm sóng lặng, thấy trăng thu).
Ý nói rằng ngoài vua (bầu trời) Trung hoa ra còn có một ông vua (bầu trời) khác nữa, đó là vua Việt nam.
Có thể nói, đây là bước đầu lịch sử Việt nam chuyển hướng từ Võ trị sang Văn trị. Chuyển hướng ấy bắt đầu với những dòng ghi trong lịch sử: “Niên hiệu Thái bình II (971), dưới triều Đinh Tiên Hoàng đế vua ban cho Tăng thống Ngô Chân Lưu trước hiệu Khuông Việt Đại sư.”((Trích của Trần Văn Giáp, Phật giáo Việt nam, phần phụ lục ; bản dịch Việt văn của Tuệ Sỹ, tr. 151 ; Tu Thư Viện Đại học Vạn Hạnh.))
Một sự kiện khác chứng tỏ là vua chúa Việt nam bắt đầu tha thiết với đời sống văn hóa. Đó là niên hiệu Thiên Ứng thứ 14 (1008) vua Lê Đại Hành sai sứ sang cống phẩm vật cho triều đình Trung hoa để thỉnh Đại Tạng Kinh.
Trên đây chỉ là những tương quan giữa chánh sách võ trị và văn trị của các vua chúa Việt nam thời cổ. Không những vào lúc đó Phật giáo mới có căn bổn của nó ở Việt nam. Phật giáo được truyền bá vào đây rất sớm, trước thế kỷ II là ít, nếu không trước Trung hoa thì ít ra cũng là đồng thời, như các sử gia về lịch sử Phật giáo Việt nam đã công nhận Việt nam không những chỉ thừa hưởng cái gia tài đồ sộ của Phật giáo Trung hoa, mà trong những ngày đầu, Việt nam đã đóng góp công lao không ít cho lịch sử Phật giáo Trung hoa. Tỷ dụ như Khang Tăng Hội trước khi trở thành một trong những dịch giả quan trọng đầu tiên của Phật giáo Trung hoa đã là người sanh sống rất lâu tại Bắc kỳ, Việt nam. Sử gia về Phật giáo Việt nam, Trần Văn Giáp đã viết: “… chúng ta không lấy gì làm ngạc nhiên khi thấy rằng phần nhiều các bản kinh phiên dịch lần đầu tiên ở tại Bắc kỳ.”((Sách đã dẫn, tr. 85.)) Ngoài ra, người Việt nam đã tham dự không ít vào công việc sang Ấn độ học Phật, vượt qua những con đường vô cùng gian khổ của người Trung hoa. Mặc dù là không có ai thành công vĩ đại như Huyền Trang (Hsuan-Tsang) hay Nghĩa Tịnh (I-Tsing). Do đó, ta cũng đủ thấy cái cao độ khát vọng một đời sống tâm linh như thế nào ở những người Việt nam rồi.
Sự kiện lịch sử chứng minh rằng đạo Phật được truyền vào Việt nam chậm lắm cũng là đồng thời với Trung hoa, có thể chứng tỏ cho thấy có một yếu tố nào đó trong đời sống tâm linh mà người Việt nam được quyền nghĩ đến tánh cách độc lập cả về đời sống tinh thần của một dân tộc. Nghĩa là nước Việt nam không thể thành một quận huyện Trung hoa, thì trước hết người Việt nam phải là người người Việt nam. Thế nên, nếu Phật giáo có truyền bá vào Việt nam thì đó cũng chỉ là một yếu tố, hay đúng hơn là một phương tiện nhờ đó mà người Việt nam có đủ khả năng biểu lộ bổn sắc độc đáo của chính mình. Những cố gắng, những công lao của Phật giáo Việt nam dưới thời Lý chứng tỏ điều này.
Những trình bày đại cương trên đây chỉ là những chuẩn bị dai dẳng để đưa đến một chuẩn bị lớn lao của Thiền sư Vạn Hạnh với sự thành hình của triều đại nhà Lý và được tiếp tục kiện toàn với thời đại nhà Trần.
Sự kiện Thiền sư Vạn Hạnh đã làm tất cả những gì mà ngài có thể làm được để trao tay cho Lý Công Uẩn, một sứ mạng rất lớn là thực hiện một chuyển hướng thực thụ cho lịch sử Việt nam, có thể đây là điều khó mà nghi ngờ. Những hiện tượng gán cho là điềm trời báo trước sự xuất hiện của một triều đại mệnh danh là Lý hình như đều do Thiền sư Vạn Hạnh tạo ra. Dù sao chăng nữa, đó cũng chỉ là những phương sách chánh trị nhằm cố gắng gây một niềm tin tưởng nào đó đối với quần chúng. Điều quan trọng nhứt là sự giáo dục của Thiền sư Vạn Hạnh đối với Lý Công Uẩn. Ta có thể nói rằng sự giáo dục ấy cốt để làm sao cho Lý Công Uẩn một khi đã nắm được uy quyền tuyệt đối của một đế vương trong tay mà không bị uy quyền ấy biến mình trở thành một kẻ bạo ngược. Ngoài ra còn phải làm thế nào cho di phong của một triều đại nhơn đạo có thể lan đến các triều đại khác, một khi nhà Lý bị thay thế – hiển nhiên không thể ngây thơ đến độ tin rằng không có một triều đại thứ hai thay thế triều Lý. Chính nhà Trần, một dòng họ của một triều đại khác đã cướp ngôi nhà Lý, chứng minh cho điều đó. Vua Dụ Tôn nhà Trần đã khen Tiên tổ của mình là Trần Thái Tôn – vị vua đầu tiên của triều đại Trần (1225-1258) – rằng nước Đường (Trung hoa) và nước Việt nam đều có vua danh hiệu Thái Tôn; nhưng Đường Thái Tôn đã giết anh là Kiến Thành, vì mưu phản, nhưng Trần Thái Tôn của Việt nam cũng có anh là An Sinh mưu phản mà lại không bị giết. Dù đó chỉ là lời tán tụng thông thường thôi, nhưng biểu lộ được niềm kiêu hãnh nào đó qua lối cư xử nhơn đạo của dòng họ mình; nhơn đạo hơn cả một triều đại vẻ vang là nhà Đường của Trung hoa mới là một kiêu hãnh đáng giá.
Nhơn đạo có thể chỉ là một xảo thuật chính trị. Nhưng trường hợp nhơn đạo mà vua Nhân Tông (1072-1127) đối với quan Tể tướng Lê Văn Thương, vị khoa bảng đầu tiên của Việt nam được coi là có âm mưu giết vua cướp ngôi, có lẽ không còn là một xảo thuật chánh trị nữa, như lời của sử gia cổ là Ngô Sĩ Liên trách: “Nhân thần mà mưu giết vua cướp ngôi, thế mà còn tha tội. Làm sai hành chánh như vậy; ấy bởi vì lỗi vua quá sùng Phật.” Đức tính nhơn đạo ấy người ta còn thấy biểu lộ ở những người quanh, như bà Ỷ Lan xin vua cấm việc giết trâu, và buộc tội nặng những người trộm trâu; lý do của bà đưa ra là vì thấy nông dân cùng quẫn, nghèo nàn; mấy nhà phải cày chung một trâu. Còn đối với người, như việc bà Ỷ Lan phu nhơn xuất tiền chuộc lại những người con gái nghèo bị bán làm nô lệ và định vợ gả chồng cho họ v.v… Những điều này chứng tỏ cho ta thấy cái phong thái sanh hoạt của một thời đại được mở đầu bởi Lý Công Uẩn. Phong thái ấy thực ra không có gì là lạ hết, nhưng nó đánh dấu một chuyển hướng trong đời sống của người Việt nam, kể cả đời sống chánh trị, như chúng tôi đã nêu rõ ở đoạn đầu.
Thực ra, không phải Lý Công Uẩn đã làm xong tất cả những gì phải làm cho một chuyển hướng như vậy, mà ông chỉ là người bắt đầu. Những việc đáng kể đều do các vị vua sau này lần lượt thực hiện. Như vua Thái Tôn (1028-1954) niên hiệu Minh Đạo thứ I (1042) xuống chiếu sai quan Trùng Thư định ra bình luật để xét xử công minh và nhơn đạo hơn trước. Hay vua Nhân Tôn mở khoa thi Nho học Tam trường năm 1075; đó là kỳ thi cử đầu tiên trong lịch sử Việt nam.
Tuy nhiên, trong những sấm ngôn dự đoán về điềm lên ngôi của Lý Công Uẩn – mà tác giả được coi là Thiền sư Vạn Hạnh có bài sấm này:
Thọ căn niểu niểu
Mộc biểu thanh thanh
Hòa đao mộc lạc
Thập bát Tử Thành
Đông Á nhập địa
Dị mộc cành sanh
Chấn cung nhật xuất
Đoài cung ẩn tinh
Lục thất niên gian
Thiên hạ thái bình.
Đại ý bài sấm này là dự đoán nhà Lê sẽ sụp đổ, nhà Lý sẽ ra đời, và tiếp theo đó là nhà Trần. Phải chăng Vạn Hạnh Thiền sư đã tiên liệu rằng nhà Lý chỉ là thiết định nền tảng và đến nhà Trần thì việc kiến thiết một cái gì đó cho Việt nam mới hoàn thành? Dù sao chăng nữa chúng tôi cũng không muốn đặt vào Thiền sư Vạn Hạnh lắm điều kỳ bí, mà ở đây, chỉ muốn lấy Lý Công Uẩn làm cái mốc cho một chuyển hướng mới mà thôi.
Thực như đã nói sự chuyển hướng mới ấy là cố gắng thoát ly sự kềm tỏa quá chặt chẽ của văn hóa Trung hoa. Ở đây, chúng tôi chỉ lấy trường hợp Phật giáo làm điển hình. Hiển nhiên, chúng tôi không được phép bám chặt lấy cái nhìn phiến diện. Điều này có nghĩa rằng, chúng tôi chỉ có thể coi một vài thành quả của Phật giáo Việt nam trong những thời đại đó chỉ là một trong những cố gắng chung của dân tộc Việt nam, cố gắng biểu lộ cái quyền sống của mình không bị một lệ thuộc quá chặt chẽ nào cả.
Sau thời nhà Đường, Phật giáo Trung hoa đã thành hình xong một cơ cấu vĩ đại, ngang hàng với Ấn độ. Nhà Lý ở Việt nam đã là nhà Tống của Trung hoa. Thế thì người Phật tử Việt nam làm thế nào đã không bị sức thu hút đến độ không tự chủ được đối với một nền Phật giáo toàn bích và vĩ đại như thế! Nói một cách khác, trong trường hợp này, người Việt nam đã chứng tỏ cái tư thế độc lập về đời sống tinh thần của mình như thế nào? – Lẽ dĩ nhiên, một dân tộc tự chủ phải thể hiện đời sống tinh thần của mình như thế nào cho thích hợp với hoàn cảnh quốc gia của mình.
Kể từ khi bắt đầu du nhập, Phật giáo Việt nam chỉ là tín ngưỡng bình dân, không có một đường hướng nghiên cứu nào cả. Cho đến năm 580 TL. khi Tỳ Ni Đa Lưu Chi (594) được coi là truyền nhân của Tăng Xáng (606) đệ tam tổ Thiền tông Trung hoa, Phật giáo Việt nam mới có một hình thức rõ ràng, và đó là hình thức Phật giáo Thiền tông. Cho đến tận bây giờ, dù có nhiều biến đổi qua thời gian, như về thực hành thì có thêm Tịnh Độ tông và thỉnh thoảng có cả Mật tông, về học lý thì có Trung quán, Duy thức, nhứt là Thiên thai, hình thức duy nhứt vẫn là Thiền tông. Trong những giai đoạn đầu, Thiền tông được trực tiếp từ Trung hoa truyền sang. Nhưng đến thế kỷ XI, thì một phái Thiền mới được thành lập ngay tại Việt nam mệnh danh là Thảo Đường. Vị tổ sư thứ nhứt của phái này là Vua Thánh Tôn (1054-1072) nhà Lý.
Thảo Đường là một nhà sư Trung hoa, được cho là đệ tử của Tuyết Đậu Minh Giác. Vị sau này có viết nhiều sách về Thiền tông mà một số nay còn thấy trong Đại Tạng kinh (Taisho). Thảo Đường có ở tại Chiêm thành một thời gian. Khi vua Thánh Tông đánh Chiêm thành, có bắt được vị sư này, về sau,vua mới hay là một bậc đã ngộ Đạo nên đã đến học yếu chỉ của Thiền với Ngài, rồi đắc pháp và lập nên một phái Thiền mới. Sự thành lập một phái Thiền mới này ở Việt nam, do một vị vua, có ẩn ý gì không. Chúng tôi không muốn đặt một giả thuyết quá xa. Dù sao chăng nữa, sự kiện Thảo Đường xuất hiện ở Chiêm thành rồi sang Việt nam cũng cho ta thấy ngay phái Thiền mới này có cái gì đó khác hẳn với hai phái Thiền trước kia từ Trung hoa trực tiếp truyền vào. Dĩ nhiên hai phái Thiền thuần túy của Trung hoa này không mang tinh thần thực nghiệm của Trung hoa. Nhưng, với phái Thảo Đường, với thân thế của Thảo Đường có cái gì mang tính chất thần bí rồi, huống chi xuất xứ từ Chiêm thành, là một nước nặng tính thần bí của Ấn độ. Vả lại, người Việt nam vốn dĩ cũng nặng đầu óc thần bí không kém. Như vua Đinh Tiên Hoàng (986) cho dựng một trăm trụ đá ghi bài chú Phật Đảnh Tôn Thắng Đà La Ni, trong đó có một trụ đã được khai quật mới đây, 1962, tại Hoa Lư, nguyên Kinh đô nhà Đinh; đó là một thí dụ điển hình. Ngay cả Vạn Hạnh Thiền sư cũng là người chuyên tu tập môn Tổng trì tam ma địa. Triều đình nhà Lý là một triều đình lắm chuyện thần kỳ quái dị nhứt. Thông thường, thần bí mà không được đặt trên một nền tảng hợp lý thì nó sẽ bị coi là mê tín. Dĩ nhiên tư tưởng thần bí vượt ra ngoài mọi giải thích thuần lý. Nhưng nếu các bài kinh Vệ đà (Rig-Veda) mà không có những giải thích của Áo Nghĩa thơ (Upanisads) thì ngày nay chúng ta có thái độ nào đối với Vệ đà? Do đó, nếu chúng tôi được phép gán việc làm của vua Thánh Tông nhà Lý một ẩn ý nào đó, thì ẩn ý ấy chúng tôi thấy khỏi cần phải giải thích chi nhiều.
Tuy nhiên, phải đợi đến nhà Trần (1225-1258), Phật giáo Việt nam mới biểu lộ được tinh thần tự chủ phần nào trong đời sống tâm linh của mình. Vị vua của triều đại này Trần Nhân Tôn, tự lập một phái Thiền mới, mang tên là “Trúc Lâm Yên Tử”. Ta không thấy mối liên hệ truyền thừa nào giữa phái Thiền này với Trung hoa hay Ấn độ như các phái trước. Vua Trần Nhân Tôn, sau khi từ giã ngai vàng xuất gia đầu Phật, được gọi là “Trúc Lâm Tĩnh Tuệ Giác Hoàng Điều Ngự Thánh Tổ”. Phái Thiền Trúc Lâm Yên Tử có để lại một số sách vở, nhưng rất tiếc chúng tôi không thể trình bày được ở đây.
Có thể những điều chúng tôi vừa trình bày trên đây cho thấy rằng: bởi đâu một số người Việt nam ngày nay thường có thái độ của một thứ chủ nghĩa quốc gia hạn hẹp hay cực đoan. Nhưng trên tất cả, chúng cho chúng ta thấy rõ thế nào là ý nghĩa sanh tồn của một quốc gia này đối với những quốc gia khác. Không phải chính yếu tố kinh tế đã vẽ ra biên giới quốc gia để thỏa mãn nhu cầu sanh tồn của một dân tộc, mà chính là ước vọng biểu lộ bổn sắc độc đáo của mình để mà sanh tồn trong quốc gia đó đã vẽ ra biên giới quốc gia. Một biên giới như vậy không phải là đóng kín, nhưng là mở rộng để thân ái những tinh hoa ở nơi khác làm cho đời sống tinh thần càng lúc càng vươn cao lên.
Kết luận từ đây, chúng tôi có thể nói, với tinh thần từ bi và vô ngã của Phật giáo, dân tộc Việt nam trong suốt trường kỳ lịch sử, đã học hỏi được chút ít rằng thế nào là thích ứng để mà sống còn. Ngày nay, chúng tôi còn phải cố gắng nhiều hầu thích ứng với điều kiện hiện tại của thế giới, nhưng không phải vì vậy mà trong một sớm một chiều người Việt nam thôi không là người Việt nam nữa.
THÍCH MÃN GIÁC