Xưa kia Chùa nằm phía trên chùa Hội Phước Khai cơ là Viên Giác Thiền sư, pháp danh Đạt Khương, tục danh Tô Văn Ninh, quán làng Vạn Thạnh (Nha Trang, đệ tử của Huệ Giáo Hòa thượng, pháp danh Liễu Đức, tổ khai sơn chùa Thiên Đức Hòn Khói (Ninh Hoà).
Chùa dựng vào khoảng cuối triều Tự Đức (1847-1833).
Ban đầu lấy tên là Duyên Sanh Tự và chỉ là một thảo am sơ sài.
Năm Thành Thái thứ 3 (1891), mới mở rộng qui mô, đúc chuông tạc tượng, tạo thành một tự viện tráng lệ nghiêm trang và đổi tên là: Hải Đức Tự.
Viên Giác Thiền sư viên tịch, các môn đệ kế tiếp nhau trụ trì:
– Chánh Niệm đại sư, húy Chơn Minh.
– Nhân Thụy giáo thọ, huý Như Khánh.
– Phước Huệ hòa thượng, huý Ngộ Tánh.
Phước Huệ Hòa thượng, tục danh là Nguyễn Hưng Long, người Quảng Trị, được Viên Giác Thiền sư thọ ký lúc 16 tuổi (1890). Năm 20 tuổi (1894) phải bái biệt bổn sư về quê hương lo báo hiếu cho thân phụ. Rồi vào Huế tu hành. Mãi 15 năm sau (1909) mới trở lại Nha Trang((Tiểu sử Huệ Giáo Hòa thượng đã nói rõ ở mục “Chùa Thiên Đức”. Tiểu sử Phước Huệ Hòa thượng đã nói rõ trong tập Chùa Hải Đức do Phật Học Viện Nha Trang xuất bản năm 1964.)).
Đối với Chánh Niệm Đại sư và Nhân Thụy giáo thọ, Hòa thượng ở hàng trên((Quí Ngài trụ trì chùa Hải Đức thuộc phái Lâm Tế, dòng Tổ Vạn Phong. Xem mục “Phật giáo” ở sau.)). Nhưng vì khi Viên Giác Thiền sư qui Tịnh độ, Hòa thượng không hiện diện, nên không kế túc ngay bổn sư để trụ trì chùa Hải Đức.
Khi Hoà thượng trở lại Nha Trang thì chùa Hải Đức đã bị hư dột vì lâu đời. Hòa thượng ra công sửa chữa, và khôi phục được quang cảnh ngày xưa. Từ ấy thiện tín đến tu tập và qui y thọ giới mỗi ngày một đông. Những ngày sóc ngày vọng, các hàng tăng giới và cư sĩ lại thường hội họp để bàn về Phật sự. Do đó người địa phương mới gọi là “chùa Hội” để diễn tả cảnh tụ tập đông đảo nơi chùa.
Trước khi vào Nha Trang, Phước Huệ Hòa thượng đã trụ trì chùa Kim Quang ở Huế do bà Từ Minh Hoàng Thái Hậu triều Thành Thái xây cất. Cho nên năm Khải Định thứ sáu (1921) Hòa Thượng được triệu thỉnh về Huế để trụ trì chùa Kim Quang và làm Tăng Cang chùa Báo Quốc. chùa Hải Đức phải giao cho đệ tử coi sóc. Thỉnh thoảng Hoà thựơng mới vào thăm.
Rồi tuổi già sức yếu, việc đi lại khó khăn. Năm Bảo Đại thứ 14 (1938), Hoà thượng bèn giao nhiệm vụ trụ trì chùa Hải Đức cho Bích Không Đại sư.
Bích Không Đại sư, pháp danh Trừng Đàn, tục danh Hoàng Hữu Đàng, quê quán Quảng Trị. Xuất thân trong một gia đình khoa bảng. Đậu tú tài năm Mậu Ngọ (1918) Đắc pháp đại sư năm Ất Hợi (1935) trong giới đàn chùa Sắc Tứ Tịnh Quang tỉnh Quảng Trị, nên cũng gọi là Giác Phong Đại sư((Tiểu sử của Đại sư đã nói rõ trong tập “Chùa Hải Đức”)).
Khi nhận lãnh chùa Hải Đức, thì chùa đã quá cũ. Lại thêm thành phố Nha Trang mỗi ngày lại thêm đông đúc, xe ngựa mỗi lúc thêm ồn ào, cảnh thiền môn khó giữ được không khí trang nghiêm thanh tịnh. Đại sư với sự đồng ý của Hoà thượng Phước Huệ, bèn lo chọn một thắng địa thích hợp để cải tạo chùa Hải Đức.
Sau ba năm dấn bước khắp danh sơn thắng địa tỉnh Khánh Hòa, Đại sư mới tìm được nơi vừa hợp với cảnh tu tâm dưỡng tánh của các bậc xuất gia, vừa tiện cho việc độ tha của hạnh nguyện đại thừa. Đó là: Hòn Trại Thủy.
Rồi phải trải bao nhiêu khó khăn, bao nhiêu cực nhọc, Đại sư mới trưng được đất mới dỡ được non.
Đại sư dời Tổ tháp và phần mộ của các bổn đạo nơi vườn chùa cũ lên Trại Thủy và khởi công xây chùa.
Khởi công từ đầu năm Quý Mùi (1943) đến đầu năm Ất Dậu (1945) mới cáo thành.
Cảnh trí đẹp đẽ, cao sáng. Tuy gần thành phố mà ly trần thoát tục. Tuy dựa chốn đô hội phồn hoa mà vẫn giữ được vẻ thanh u tĩnh mịch.
Chùa cất theo kiểu thức Á Đông, trang nghiêm cổ kính.
Tuy không nguy nga tráng lệ bằng các chùa lớn ở Thần Kinh như Thiên Mụ, Diệu Đế, không kỳ cổ đồ sộ bằng Tổ đình Thập Tháp ở Bình Định song so với tất cả các chùa cũ mới ở Khánh Hòa, thì chùa Hải Đức to lớn nhất, đẹp đẽ nhất.
Khi tìm được chỗ đất tốt, Đại sư tâm nguyện sẽ mở một đại tòng lâm cơ sở đào tạo tăng tài cho nền Phật giáo tương lai. Và khi chùa làm xong, có ý định mở trường kỳ khai đại giới đàn trong dịp khánh thành.
Nhưng chùa chưa kịp lạc thành thì liền gặp quốc biến năm Ất Dậu (1945):
– Mùa xuân Nhật lật đổ Pháp
– Mùa thu Việt Minh đứng dậy cướp chính quyền
Công việc hoằng pháp bị bế tắc.
Kế Pháp tái chiếm Khánh Hòa. Cuộc kháng chiến chống xâm lăng bùng nổ.
Đại sư Giác Phong phải theo đồng bào tản cư. Khi thì Huế, khi thì Quảng Trị, Nghệ An. Rồi ngày rằm tháng chín năm Giáp Ngọ (1954), thì tịch tại Nam Đàn (Nghệ An). Đất nước phân chia, nhục thân không thể đưa về Nha Trang được.
Đại sư khuất mà không mất.
Vốn nhà khoa bảng xuất thân, Đại sư văn hay chữ tốt. Vào thăm chùa Hải Đức, du khách nhận thấy tinh thần và cốt cách của Đại sư chẳng những nơi kiểu kiến trúc của ngôi chùa, mà còn ở tác phẩm văn chương nơi tự tích của Đại sư khắc chạm trên vách cột mà mưa nắng vẫn còn nguyên.
Có thể nói một cách mạnh dạn rằng đó là những tuyệt phẩm của Thiền môn Khánh Hòa.
Nơi hàng cột ở trước chánh điện, có ba câu đối liên.
Câu chính giữa:
Hải thủy trừng thanh vạn tượng tề hiện;
Đức hương ôn nhã nhất thiết mông huân
Câu kế:
Hạnh thảo tác thân mao đoan hiện sát;
Vi phong thuyết pháp ngoạn thạch điểm đầu.
Câu hai bên:
Kim Sơn Long Sơn tại kỳ tả hữu;
Nha Hải Phước Hải bổn bất khứ lai
Nơi vách mái hiên ngó ra sân, mỗi vách khắc bốn đại tự mỗi bề rộng đến bốn tấc tây.
Bốn chữ vách tả (vách phía Đông):
Trú bình đẳng hội
Bốn chữ nơi vách hữu (vách phía Tây):
Tác như thị quán
Nơi lầu chuông ờ phía Đông khắc 8 chữ:
Thanh siêu Pháp giới, Giai chứng viên thông
Nơi lầu trống ở phía Tây khắc 8 chữ:
Phổ đoạn sanh tử, Hường biến hà sa
Ý nghĩa thâm viễn. Phải thấm đạo thuộc kinh mới thưởng thức nổi những cái hay cái đẹp dưới những nét thanh lão, của ngọn bút tài ba đã được nhuần Chánh Pháp.
Chùa Hải Đức hiện nay thuộc Hội Phật giáo Trung Phần Việt Nam và đã trở thành một Đại Tòng Lâm gọi là Phật Học Viện Trung Phần để tăng chúng Trung Việt Nam Việt về tu học. Đó là niệm tâm sơ khởi của cố TT Giác Phong.
Mấy dãy học viện, tăng phòng, tịnh thất mới cất thêm gần đây nới rộng phạm vi của chùa. Một con đường mới trổ, chạy ngang qua lưng đồi Trại Thủy, từ Tây xuống Đông, nối liền chùa Hải Đức và chùa Long Sơn, làm cho cảnh chùa thêm linh động nhờ bóng tu sĩ bóng du khách thấp thoáng trong đá trong cây. Và cây bồ đề trước sân chùa, những cây mít, cây xoài, cây khế ở chung quanh chùa, ở triền đồi mỗi ngày mỗic cao cội sum cành, giúp cho cảnh chùa thêm thâm u tĩnh mịch.
Đứng nơi chùa nhìn ra bốn mặt, vọng cảnh thật bao la. Núi đồi sông biển ngoài xa; nhà cửa vườn tược dưới thấp; đồng ruộng mênh mông, phố phường chen chúc, ở trước mặt. Muôn màu nghìn sắc, càng thêm ưa.
Cho nên chùa Hải Đức chẳng những liệt vào hàng danh lam mà còn liệt vào hàng thắng cảnh của tỉnh Khánh Hòa vậy.
Đối với hàng văn nhân thi sĩ, chùa Hải Đức lại có nhiều nhân duyên. Một phen đến nơi, không mấy ai không tìm thấy cảm hứng, không lưu lại ít nhiều cảm tình.
Như:
– Nhà văn Võ Hồng có bài “Hoa khế lưng đồi, đã đăng ở Hải Triều Âm năm 1964. (trang 278)
– Nhà văn Tuấn Huy, trong tác phẩm “Hương Cỏ May” có nhắc đến Phật học viện
– Thạch Trung Giả, trong năm 1960 và 1961, suốt ba tháng hè, lên ở tịnh dưỡng nơi gác trống của chùa. Trong thời gian ấy đã sáng tác được nhiều giai phẩm. Một số thơ đã đăng tải ở tập san Liên Hoa Huế. Như bài sau đây là một:
LẦN TRÀNG
Hoàng hôn buông xuống
Chiều xanh xanh huyền
Tiếng ai dâng lên
Lầu kinh Bát Nhã
Triều yên sóng cả
Bàn tay lần tràng
Nổi trên mênh mang
Vần xoay hạt hạt
Kim ô chìm tắt
Song nhỏ bừng châu
Bàn tay truyền mau
Vần xoay đỉnh đầu.
– Phạm Công Thiện lúc ở tu tại Phật Học Viện (1962-1964) sáng tác được nhiều giai phẩm, trong đó có câu:
Mưa chiều tối thứ bảy tôi về muộn
Cây khế đồi cao trổ hết bông.
Và những câu:
Hồi chuông chùa vọng luân hồi
Chim chiền chiện hót ngang trời đau thương
Trùng dương nằm đợi vô thường
Đồi cao bặt gió hai đường âm u.
– Trong Mộng Ngân Sơn,
Bài Bồi Hồi, gởi TT Thích Trí Thủ
Trăng lên đồi trại thủy
Chuông khuya ngời âm ba
Bồi hồi mây khóa viện
Sân bồ đề sương sa.
Bài Lịu Địu, gởi Phạm Công Thiện
Áo giũ ngày sương gió
Lên chùa thăm cố nhân
Non nghiên thềm nắng xế
Lịu địu bóng nhàn vân.
Và bài Chuông Khuya trong Đọng Bóng Chiều:
Từng giọt châu rơi mắt mẹ hiền
Mừng con lưu lạc trở đoàn viên
Neo thu bến tạnh thuyền sương sóng
In bóng chùa xa trăng nửa hiên.
v.v..
Đều mang hình ảnh chùa Hải Đức, hoặc ít hoặc nhiều, hoặc mờ hoặc đậm.
Nhớ khi chùa Hải Đức thương lượng xong, Đại Đức Giác Phong cùng người bạn thơ dắt nhau lên đỉnh đồi, nhìn xuống chùa, nhìn ra bốn mặt, nói:
– Cất chùa xong, sẽ cất một tiểu đình nơi đây để cùng nhau đàm đạo xứng thù.
Mầm thiện đã gieo, chắc có ngày sẽ đâm chồi nảy lộc. Và biết đâu chùa Hải Đức lại không trở thành nơi hòa hợp đạo lý và văn chương, nơi trồng tỉa dị thảo kỳ ba để phong phú cho vườn văn hóa dân tộc.
(Trích Xứ Trầm Hương của Quách Tấn)