1. Giới thiệu
Vào thế kỷ thứ 7-8 và 9, đất Giao Châu (tên cũ Việt Nam) lại rơi vào tình trạng nội thuộc nhà Đường (618-907), Trung Quốc và được đế quốc Trung Hoa xem như một chư hầu mạt hạng cần được đô hộ với tên gọi là An Nam đô hộ phủ. Tuy nhiên trên thực tế, việc buông lỏng chính trị đối với một chư hầu xa xôi vạn dặm ngoài vòng cương tỏa của Thiên Triều là việc thường xảy ra, nhất là vào giai đoạn phương Bắc đang rơi vào những cuộc thay ngôi đổi chủ hay nội tình tranh giành quyền lực xâu xé lẫn nhau. Mỗi khi có cơ hội thì sức mạnh đấu tranh của dân tộc lại vùng lên để đưa đến mặc nhiên tự chủ, độc lập. Trong đó thể hiện rõ nhất với những nhân vật như Mai Phùng Kiều, Khúc Dương Ngô[1] đã được trang sử Việt ghi chép những nét son rạng ngời đấu tranh độc lập dân tộc.
Đất nước độc lập, chính trị dân chủ cũng là nền tảng cho các mặt xã hội phát triển, nhất là về mặt kinh tế. Trước thời Mâu Tử (Mou Stu), Khương Tăng Hội, Giao Châu vốn là cửa ngõ giao lưu của các nhà thông sứ là “ngã tư các dân tộc và văn minh”; đặc biệt hơn cả Giao Châu còn là trạm dừng chân của các nhà truyền giáo. Ngay vào thời điểm 300 năm Phật giáo thời An Nam từ thế kỷ thứ 7 đến thế kỷ thứ 9, nhất là từ Thanh Biện, Định Không, La Quí An[2] đến Đại Thừa Đăng, v.v… tất cả cuộc đời họ đã định hình diễn đàn Phật giáo mới mà qua đó sinh hoạt đi Ấn Độ cầu pháp của Cao Tăng Phật giáo Ấn-Hoa đã trở nên phong trào. Cũng chính hiện tượng cao trào nầy có sức thu hút, mời gọi những học giả đương thời, những nhà chuyên môn của nhiều trường phái Phật giáo khác nhau cùng có mặt trên đất Giao Châu. Đón nhận từ nhiều nguồn để định hình nên dòng chảy “Cao Tăng Cầu Pháp Tây Thiên Trúc”. Để qua đó làm nên dòng chảy bản xứ có khả năng tạo nên những nhà Phật học theo tiêu chuẩn Ngũ minh thông bác, một trong số đó, nổi bật hơn cả là Đại Thừa Đăng.
Nhiều tư liệu liên hệ từ phía Trung Quốc cũng như Việt Nam đã cung cấp thông tin cũng như đưa ra chủ đề bàn cãi chung quanh về những nhà cầu pháp Tây Trúc trên đất Giao Châu. Tuy lượng thông tin còn quá khiêm tốn, thế nhưng qua đó có thể tổng hợp nhiều nguồn thông tin, vận dụng tư duy sáng tạo, kết hợp nhiều ngành khoa học, đánh giá toàn cảnh chân dung Đại Thừa Đăng với những nhà cầu pháp Tây Trúc Ấn-Hoa đời Đường trong cách nhìn tham chiếu, hầu viết tiếp trang sử Tây Du Phật giáo Việt Nam; đó cũng là nhằm giới thiệu những tâm hồn khát vọng một lần trong đời được chiêm bái, đảnh lễ Dấu Chân Xưa của người con Phật Giao Châu. Trong cách nhìn như thế, nay tìm hiểu về Đại Thừa Đăng với những Cao Tăng Việt-Hoa cầu pháp Tây Thiên Trúc đời nhà Đường.
2. Chung quanh về tên gọi Đại Thừa Đăng
Thông tin về tên gọi Đại Thừa Đăng có nguồn từ chữ chữ Phạn (Sanskrit) pradìpa. Trong Câu xá luận, Huyền Trang dịch từ nầy có nhiều nghĩa: Phổ Quang, Đại Thừa Quang. Nghĩa Tịnh, trong sách Đại Đường Cầu Pháp Cao Tăng truyện, ông có nói đến Đại Thừa Đăng và cho thông tin về việc Đại Thừa Đăng có quan hệ với Huyền Trang, là đệ tử thân cận trong trường phiên dịch. Bảy, tám phần, toàn bộ sách dịch của Huyền Trang[3] đều do Đại Thừa Đăng nhuận bút (bút thọ). Như vậy, với Nghĩa Tịnh thì tên gọi Pradìpa có nghĩa là Đại Thừa Đăng còn với Huyền Trang thì Pradìpa có nghĩa là Đại Thừa Quang, theo Giáo sư Lê Mạnh Thát thì đó là một người.
3. Vũ đài Phật giáo dưới bầu trời An Nam đô hộ phủ
Khi người con Phật động Dã Năng[4] chưa đi trọn con đường đấu tranh độc lập dân tộc bởi những đợt xâm lăng như vũ bão của triều đình phương Bắc mà cầm đầu là những tên đầu sỏ như Lưu Phương của nhà Tùy, hay những đợt xâm lăng văn hóa mang tính phá hoại lâu dài như kiểu trấn yểm những vùng đất linh (long mạch) được thực hiện bởi Cao Biền, thì tiếp sau đó là những cuộc khởi nghĩa của những lãnh tụ Giao Châu từ Mai Thúc Loan đến Ngô Quyền lại tiếp tục nổ ra. Tuy cường độ mạnh yếu có khác, thế nhưng tính xuyên suốt của dòng chảy đấu tranh thì không đời nào cạn kiệt. Nhìn chung, nhà Lý-trước (tiền Lý) định hình nền độc lập tự chủ chưa được bao lâu (544-602) thì nước ta lại bị nội thuộc nhà Đường (618-907).
Chính sách nhà Đường với An Nam đô hộ phủ[5] càng nghiệt ngã hơn. Tuy nhiên, sức mạnh Phật giáo trong quần chúng đã được trải nền vững vàng và Tăng đoàn đã có những bước đi lớn mạnh. Thiền viện Pháp Vân do Pháp Hiền (tổ thứ 2 dòng thiền Tỳ-ni-đa-lưu-chi) lãnh đạo, nơi đây đã cung cấp cho Phật giáo bản địa Giao Châu hơn 300 sứ giả Chánh pháp ưu tú, đó chính là nền tảng tạo nên lớn mạnh nhân sự Phật giáo Giao Châu về sau. Điểm nổi bật trong sinh hoạt Phật học Giao Châu lúc bấy giờ là cao trào đi Ấn Độ cầu pháp được thực hiện bởi những Cao Tăng Phật giáo Ấn-Hoa. Trước cũng như sau Đại Thừa Đăng, không hẳn là vắng bóng sự nghiệp Tây Du cầu pháp trên dòng chảy lịch sử Phật giáo Việt Nam. Bên cạnh đó, do can qua chinh chiến triền miên nên khi nhìn về mặt chân dung toàn cảnh xã hội Giao Châu thì bấy giờ lại cộm lên những gam màu tang thương dâu bể. Mặt khác, do yếu tố nội tại Phật giáo như là sự nghiệp Danh Đức-Cao Tăng “không lưu dấu vết”, cho nên những gì còn ghi nhận được về phong trào những nhà truyền giáo Giao Châu, những người mà khát vọng thực hiện chánh truyền kho tàng con mắt Chánh pháp của Như Lai vào đời Đường, quả là còn quá khiêm tốn.
4. Đại Thừa Đăng, người tiêu biểu cho đỉnh cao văn học Phật giáo (Sanskrit) trên đất Giao Châu thời nội thuộc nhà Đường
Đại Thừa Đăng, ông chẳng những là người có khả năng làm ra văn học Phật giáo bằng chữ Sanskrit mà còn chú giải cả luận văn Sanskrit: Abhidharmakosa (luận Câu-xá) bằng chính chữ Sanskrit nữa. Những đóng góp lớn lao của Đại Thừa Đăng đã để lại dấu ấn vàng son trong trang sử Việt, tạo nên một truyền thống Phật học đáng tự hào cho đương thời và cả về sau nữa.
5. Ba thế kỷ Cao Tăng Phật giáo Ấn-Hoa trong phong trào đi Ấn Độ cầu pháp, một cái nhìn tham chiếu
Cao trào Tây Du cầu pháp là khát vọng lớn không riêng gì của Cao Tăng Phật giáo Trung Quốc mà còn cả cho nhà truyền giáo Phật giáo Viễn Đông (Far East) nữa. Phật giáo Trung Quốc, tiêu biểu hàng đầu thuộc nhóm “Đường Tam Tạng thỉnh kinh” là Pháp Hiển, Huyền Trang, Nghĩa Tịnh (635-713). Phật giáo Việt Nam cũng có những Vận Kỳ, Khuy Xung, Giải Thoát Thiên (Mục-xoa-đề-bà, moksadeva), Huệ Diệm, Trí Hành, Đại Thừa Đăng. Ngoài ra còn có những đóng góp gần xa của những nhà truyền giáo như Minh Viễn, Huệ Mạng, Vô Hành, Prajnàdeva (phiên âm là Bát-nhã Đề-bà cũng gọi là Huệ Thiên), Đàm Nhuận, Trí Hoằng, Tăng-già-bạt-ma; Mộc-xoa-đề-bà, Khuy Xung, Huệ Diệm, Hội Ninh, Trí Hiền (Nhã Na Bạt Đạt La), Huyền Chiếu. Sự đóng góp nầy diễn ra do nhiều yếu tố, như yếu tố trong quan hệ thầy-trò, trong quan hệ bạn pháp, trong quan hệ gần xa.
Phải nói rằng, Giao Châu là trạm dừng chân mà Ha Lăng (Mã Lai) là trạm tiếp bước trên con đường Tây Du cầu pháp của Cao Tăng Phật giáo Việt-Hoa. Cũng có không ít Cao Tăng Giao Châu sống, truyền giáo ở vùng Viễn Đông như Vận Kỳ là một điển hình. Rồi khi sự nghiệp tranh đấu độc lập dân tộc của Mai Hắc Đế (722) diễn ra mà công cuộc khởi nghĩa đó có sự liên kết giữa Giao Châu với nước ngoài như Lâm Ấp (Chiêm Thành), Chân Lạp,[6] thì sự nghiệp đóng góp của Việt kiều nước ngoài như Vận Kỳ không phải là không có. Họ đã đóng góp Phật giáo một lần với đóng góp cho Dân Tộc.
Nhìn lại thông tin về chủ đề Tây Du cầu pháp trên đây, lần đầu tiên được giới thiệu trên văn học Phật giáo Việt Nam thấy có ngài Thích Mật Thể, Lược sử Phật giáo Việt Nam;[7] Trần Văn Giáp, Phật giáo Việt Nam; Lê Mạnh Thát, Lịch sử Phật giáo Việt Nam t.2; cùng những chủ đề bàn cãi khác ở một vài nơi trên các báo Phật giáo Việt Nam.
Đi Ấn độ cầu pháp của Cao Tăng Phật giáo, đó là đề tài muôn thuở, là khát vọng “một lần trong đời” của mỗi người con Phật xưa nay hoặc phong nầy đặc biệt thu hút những nhà truyền giáo Việt-Hoa. Tuy chính sách nhà Đường (618-907) với Giao Châu nhìn chung mà nói, quả là quá khắc nghiệt. Thế nhưng vũ đài Phật giáo Giao Châu luôn giữ vững thế chủ lưu trong dòng chảy lịch sử các đời: Mai, Phùng, Kiều, Khúc, Dương, Ngô, để qua đó đã cho ra vũ đài văn học Phật giáo một Đại Thừa Đăng, người chẳng những có ảnh hưỡng lớn lao với thời thế mà còn để lại dấu ấn về một phong cách học Phật đáng tự hào cho người sau. Phong cách Đại Thừa Đăng tiêu biểu cho đỉnh cao văn học Phật giáo (Sanskrit) trên đất Giao Châu thời nội thuộc Đường; rồi một cái nhìn so sánh về ba thế kỷ Cao Tăng Phật giáo Ấn-Hoa trong phong trào đi Ấn Độ cầu pháp cũng là đề tài có sức cuốn hút không ít tham luận có tầm cỡ chuyên môn cao trong học giới.
Tính dung hợp trường phái Thiền, Luật, Tịnh, Mật, Giáo học đã gặp nhau trên diễn đàn Phật giáo Giao Châu thời Tây Du cầu pháp thế kỷ thứ 7-8-9 thật là phong phú. Xếp theo tính chất Phật học, họ thuộc ba nhóm: nhóm Minh Viễn, Huệ Mạng, Vô Hành; nhóm Đàm Nhuận, Trí Hoằng, Tăng-già-bạt-ma; nhóm Vân Kỳ, Mộc-xoa-đề-bà, Khuy Xung, Huệ Diệm, Trí Hành và Đại Thừa Đăng.
Thông tin về những nhà cầu pháp Tây Thiên Trúc Việt-Hoa trên đất Giao Châu vào thế kỷ 7-8 và 9, đã cung cấp cho chúng ta biết rõ hơn hiện tình sinh hoạt kinh tế Giao Châu thời đó phát triển rất phồn thịnh, có đủ nhân tố mở ra những cảng biển đáp ứng cho nhu cầu đi lại của các nhà truyền giáo trên biển Đông. Chính do kinh tế phát triển mà nó đã tạo nền tảng cho việc đổi mới xã hội và cải cách chính trị để đi đến độc lập dân tộc và ngược lại.
Ba thế kỷ Phật giáo Giao Châu thời nhà Đường đã đào tạo nên những con người bản xứ, đóng góp Phật giáo một lần với những đóng góp cho nền tự chủ Dân Tộc đương thời và Đinh-Lê (968-1009) về sau. Họ chống gậy nhà chùa, giữ vững chủ quyền độc lập quốc gia, đây không phải là một hiện tương đơn lẻ, mà là một truyền thống được tiếp nối do nhiều thế hệ, Đại Thừa Đăng là một tiêu biểu trong số đó. Trong sự nghiệp độc lập dân tộc, thì pháp lý 2000 năm lịch sử đạo lý và văn hiến trên đường mở nước, giữ nước và cứu nước của Giáo hội là một sử kiện lịch sử; tuyên ngôn như thế là có cơ sở và được kiểm chứng qua các thời kỳ mà không thể nói khác đi được. Khát vọng “một lần trong đời đi Ấn độ cầu pháp và chiêm bái vùng đất thánh cũng là khát vọng xông vào nơi hiểm nạn để cứu chúng sanh lầm than”, là thông điệp muôn thuở của người con Phật Việt Nam.
[1] Mai Hắc Đế 722. Phùng Hưng, Kiều Công Tiển, Khúc Thừa Dụ, Dương Diên Nghệ, Ngô Quyền.
[2] Thuộc dòng thiền học Tỳ Ni Đa Lưu Chi.
[3] Lê Mạnh Thát, Lịch sử Phật giáo Việt Nam t2, sđd, tr. 83
[4] Quê hương của Lý Phật Tử.
[5] Thay thế nhà Tùy, nhà Đường 618-907 đổi Giao Châu thành An Nam đô hộ phủ và áp dụng chính sách đô hộ nghiệt ác hơn trước.
[6] Lê Mạnh Thát, lịch sử Phật giáo Việt Nam sdd. T2. tr. 57
[7] Hà Nội, 1943
[Tập san Pháp Luân – số 11, tr.48, 2005]