Từ ngày tổ Tỳ-ni-đa-lưu-chi sang nước ta đến nay, kể ra đã đến mười lăm thế kỷ. Phật Giáo đã ở lại cùng chúng ta một ngàn năm trăm năm, và đã cùng dân tộc Việt Nam chịu chung bao nhiêu thăng trầm vinh nhục.
Phật Giáo Việt Nam quả là một nền Phật Giáo dân tộc.
Phật Giáo Việt Nam không phải chỉ là một tôn giáo tín ngưỡng mà bất cứ thời nào, ở đâu, cũng chỉ biết có sứ mạng của tôn giáo tín ngưỡng. Không! Ở bất cứ nước nào trên thế giới cũng vậy, khi bước chân đến, Đạo Phật cũng thích nghi ngay với phong tục, khí hậu, nhân tính để biến thành một lối sống cho quần chúng. Ở Việt Nam cũng thế. Phật Giáo đã hòa hợp trong các tính dân tộc ta, đã cùng dân tộc ta xây dựng một văn hóa quốc gia độc lập.
Giở lại những trang sử vẻ vang của dân tộc, ta thấy người Việt luôn luôn có ý nguyện tạo thành một nền văn hóa độc lập để đối chọi lại với sự đe dọa đàn áp của Bắc phương. Trong công việc kiến thiết nền văn hóa độc lập ấy, Phật Giáo Việt Nam đã là một lực lượng quan trọng. Lịch-sử Phật Giáo Việt Nam trong các triều Đinh, Lê, Lý, Trần đã chứng tỏ điều ấy. Quả thực Phật Giáo Việt Nam đã là một nền Phật Giáo dân tộc.
Tính tình, tư tưởng, tập quán và di truyền của dân tộc Việt Nam có thể không thích hợp với nhiều tôn giáo khác, nhưng đã rất thích hợp với Đạo Phật. Sự thích hợp đó được chứng minh ở mọi hình thức.
Một ngôi chùa thờ Phật, một tiếng chuông nhẹ rơi, một thời kinh trầm trầm theo tiếng mõ… cho đến những quan niệm nhân sinh vũ trụ đều thích hợp với cá tính dân tộc ta. Một nhà văn đã nói: “Tâm hồn chúng ta như đã sẵn sàng để dâng cho Đức Phật. Cái gì dính dáng đến Phật Giáo đều có thể làm chúng ta rung động”.
Người dân Việt Nam dù có không học giáo lý đi nữa, cũng có những ý tưởng ngôn ngữ, và hành động thấm nhuần Phật Pháp. Gặp một tai nạn, người dân vội “lạy Phật, lạy Trời”. Đời có khổ lắm thì người dân cũng chỉ chép miệng & Kiếp trước ta đã tung tu ”. Việc kiếp này chưa xong ư? Họ hẹn kiếp sau. Ta thường nghe các bà mẹ dặn con dặn cái “Con đừng phung phí gạo cơm mà sau hóa làm vịt để đi rúc những chỗ rơi rớt”. Họ đã được thấm nhuần tự bao giờ giáo lý nhân quả luân hồi của Đạo Phật, hay chính nhờ kinh nghiệm thường nhật, trong óc họ đã nảy sinh một quan niệm thiện ác nghiệp báo tương tơ với chủ trương Phật Giáo!
Có những người thấy cây chết mà ngậm ngùi, thất nhành héo mà thương xót… Sao người Việt lại có một lòng thương rộng rãi và phong phú đến thế để có thể tiếp nhận tinh thần từ bi của Đạo Phật một cách dễ dàng?
Trong tâm hồn dân tộc Việt Nam, thật đã sẵn có mầm mống tinh thần Phật Giáo. Hèn chi mà Đạo Phật với dân tộc Việt Nam trong gần hai ngàn năm nay, bao giờ cũng theo nhau như bóng mới hình trong cuộc Sinh Hoạt toàn dân. Ai đành nhẫn tâm tính cuộc rẽ phân! Đã là viên đá nền tảng cho văn hóa dân tộc, cố nhiên Phật Giáo Việt Nam vĩnh viễn phải là một yếu tố bất ly của cuộc sống toàn diện. Ngày nay những hào nhoáng của một nền văn minh vật chất đã làm mờ mắt một số đông người. Những gì ngoại lai mới lạ, nhất thời đã được trọng thị, dù những thứ mới lạ ấy có trái nghịch lại với tinh thần dân tộc. Nhưng cơ bản của một nền văn hóa dân tộc đang còn bền chặt khiến cho người Việt Nam dù có bị lôi cuốn phần nào trong một thời gian, cũng đã hồi đầu trở lại với cội nguồn yêu dấu ngàn xưa.
Nện mạnh hồi chuông bát nhã lên, hỡi những người yêu quê hương xứ sở! Tiếng chuông cảnh tỉnh phải nâng lên trong lúc này để kêu gọi những phần tử lạc loài trở về với làng cũ mến yêu. Chúng ta hãy sát cạnh bên nhau, bồi đắp cho nền Phật Giáo dân tộc để có thể đưa nước nhà đến an lạc thái bình.
Phật giáo Việt Nam
(trích Tạp chí Phật giáo Việt Nam số 1, năm 1956)