Cây ngọc lan sát bên chánh điện chùa này đã 43 tuổi. Chắc không ai nhớ rõ ngày nó được trồng. Nhưng tuổi theo năm tháng thì thật khó quên. Mà người trồng nó, cũng không thể quên. Danh hiệu ấy đã đi vào lịch sử của Phật giáo Việt Nam: thầy Thích Quảng Hương.
Ngay sau khi ngọn lửa của Bồ tát Quảng Đức vừa bừng lên tại Sài gòn, Thầy Quảng Hương, bấy giờ đang là học tăng tại Phật học viện Trung phần, Nha Trang, viết thư thỉnh nguyện dâng Thượng tọa Giám Viện (Hòa thượng Thích Trí Thủ) bày tỏ nguyện vọng, muốn dâng hiến sắc thân của mình cho sự tồn tại của Chánh pháp. Rồi Thầy vào Sài gòn, tạm trú tại Già Lam để chờ thuận duyên.
Già Lam cho đến khi ấy được lập chưa bao lâu, chỉ xem như là ký túc xá cho các học tăng của Phật học viện Trung phần đang theo học tại các trường đại học Sài gòn. Vì thế, ban đầu chỉ gọi đơn giản là Già-lam, tức nói tắt của từ “ Tăng-già-lam” vốn phiên âm từ tiếng Phạn “Sanghàrànma”, mà Hán dịch là “Chúng viên”: vườn của Tăng. Nguyên lai, thời Phật tại thế, các vua quan hay các nhà phú hộ tại các đô thị lớn thường có các lạc viên, là những công viên để họ cùng quyến thuộc đến đó hưởng thụ ngũ dục. Một số các lạc viên (arama) này sau đó được dâng cúng Phật và Tăng làm chỗ dừng chân trên đường du hóa, để các Phật tử tại gia có nhiều cơ hội thuận tiện thân cận cúng dường, nghe Pháp.
Trong thời gian lưu trú tại Già-lam, chờ đợi cơ duyên để hoàn thành tâm nguyện Bồ tát hành của mình, Thầy Quảng Hương kiếm được một chồi ngọc lan, đem về trồng bên cạnh Chánh điện. Có thể để có việc làm trong thời gian nhàn rỗi, nhưng hẳn là trong sâu thẳm của tâm tư Thầy vẫn đang nghĩ đến thế hệ lương lai, những học tăng rồi sẽ đến lưu học tại đây, mỗi khi nghe thoảng hương ngọc lan mà nhớ đến sơ tâm xuất gia của mình, tưởng nhớ ân đức tài bồi vô biên của Thầy Tổ. Dù nơi đây, nơi chốn Già lam này, các thế hệ học tăng lưu trú một thời gian ngắn để tu học, để trang bị cho mình giới đức và trí tuệ cần thiết để rồi cất bước lên đường, kế thừa sự nghiệp của Thầy Tổ, hiến thân cho lý tưởng xuất thế. Chúng ta hãy dừng lại trong tâm trí mình, hình ảnh một học Tăng hiền từ, khiêm cung và từ ái đối với đồng học, nhiệt tình và gương mẫu cho hàng sư đệ, trong những giây phút quyết định của đời người; hình ảnh ấy tuy nhỏ nhoi nhung sừng sững vườn cao trên lằn mức sinh và tử, giữa phong ba cuồng độ của hận thù, của sân si, cuồng vọng. Người biết mình sẽ chết, cái chết mà dưới con mắt của thế gian thật vô cùng thống thiết, nhưng với Thầy, trong những lúc gần gũi Thầy vào những ngày ấy mọi người chỉ cảm nhận một điều sáng soi rực rỡ là tấm lòng bao dung, bình thản trước những gì khốc liệt sẽ xảy đến; vẫn khoan thai, từ ái đối với huynh đệ đồng cư, hằng ngày vẫn tụng kinh, bái sám, thiền hành tinh tấn. Hình ảnh đơn sơ ấy khó mà diễn hết thành lời, để không rơi vào ngôn từ sáo rỗng.
Sau ngày thiền môn trấn tĩnh, hải chúng an hòa, Thượng tọa Giám Viện (Hòa thượng khai sơn Thích Trí Thủ), quyết định đặt tên già lam là Quảng Hương Già Lam, để tưởng nhớ người học trò thân yêu của mình đã hiến thân cho sự tồn tại của Chánh pháp, và cũng để ghi tạc tâm nguyện và công hạnh cao cả của một bậc huynh trưởng khả kính, và cũng là bậc sự trưởng uy nghiêm của các thế hệ học Tăng tiếp nối.
Từ đó, cây ngọc lan, mà thoạt đầu là lùm cây bé nhỏ, chen chúc với cỏ dại sân chùa, nhưng vẫn bình thản lớn dần theo năm tháng, trải qua bao nhiêu biến cố thăng trầm của lịch sử đất nước, của quê hương và Đạo pháp. Dù nhân tình thế thái có biến đổi theo vật đổi sao dời, dù các thế hệ tiếp theo biết hay không biết, cây ngọc lan cứ đúng thời tiết thì tỏa hương. Hương lan theo gió thoảng, trong những đêm thanh vắng, cảnh tịch mịch của chùa, len vào tịnh thất với những vị canh khuya vẫn còn tỉnh thức hoặc suy niệm những lời dạy ân cần của đức Thế Tôn, hoặc nghĩ tưởng công hạnh của Thầy Tổ, hoặc có khi ưu tư về những thăng trầm bất định của thế sự đa đoan.
Rồi một thời gian sau, cứ mỗi mùa mưa đến, khi ngọc lan bắt đầu trổ hoa và ngát hương, vào mỗi buổi trưa, các thế hệ học tăng tiếp nối nhau tụ tập dưới cây ngọc lan để đợi tiếng bảng qua đường. Dù có ai ý thức hoặc không ý thức, hương ngọc lan bấy giờ quyện lẫn với hưởng của giới lan tỏa trong hư không. Những dòng nước bẩn rất thường khi theo con lũ dâng lên làm ô nhiễm không gian, những hương ngọc lan vẫn âm thầm lan tỏa chỉ có thể nhận biết hương vị thanh cao của nó vì những tâm tư vẫn còn trong sáng bởi giới đức.
Hương ngọc lan quyện lẫn với hương của giới sẽ thường hằng âm thầm nuôi dưỡng, duy trì giới thân, huệ mạng của các thế hệ học Tăng, tụ học để trưởng thành trong Chánh pháp, kế thừa gia tộc của Như Lai.
Già Lam, mùa An cư 2550