Một dân tộc sẽ tự lập thành quốc gia khi mọi người thấy họ có khả năng tách ra, tự quản lý xã hội của mình mà vẫn sống bình an, kinh tế no đủ. Tình trạng đế quốc Trung Hoa khi lên khi xuống, lúc hợp lúc tan tạo cơ hội cho người Việt nhiều lần thí nghiệm tự quản lý cuộc sống tập thể, ngay cả trong những thời gian đất Giao Châu vẫn là một bộ phận của Trung Quốc trên danh nghĩa. Nhờ các kinh nghiệm tự quản như thế, ý chí tự chủ đã được tôi luyện thêm vững vàng và sắc bén hơn.
Các giai đoạn tự quản thường diễn ra “nhân lúc bên Tàu có loạn,” Lâm Ngữ Đường nhận thấy trong lịch sử nước ông có những chu kỳ khoảng 800 năm. Nhà Chu kéo dài khoảng 800 năm (từ thế kỷ 11 TCN đến năm 221 TCN). Từ đời Tần đến nhà Tùy cũng khoảng 800 năm. Nhà Tùy đến nhà Minh cũng khoảng 800 năm. Từ đầu đời Minh đến thời Dân Quốc cũng dài cỡ đó. Lâm Ngữ Đường thấy các chu kỳ đó theo cùng một mô thức: “Bốn, năm trăm năm đầu là thái bình, hai ba trăm năm sau là loạn lạc, binh cách (vì hệ thống cai trị thành thối nát, kinh tế suy yếu, bệnh tật, giặc giã nổi lên). Lúc đầu là nước Trung Hoa chia cắt, cuối cùng là ngoại tộc xâm nhập, sau đó tiếp được dòng máu mới, lại thống nhất, văn hóa lại phát triển.” Lâm Ngữ Đường không phân tích một quốc gia mà cả một lục địa, cả khối văn minh Hán tộc. Đó cũng là ý kiến nêu lên ngay đầu bộ Tam Quốc Chí Diễn Nghĩa: Thiên hạ hợp rồi lại tan, tan rồi lại hợp.
Nhân lúc bên Tàu có loạn
Học lịch sử Việt Nam trước đây 60 năm, thế hệ tôi đều nhớ thuộc lòng câu: “Nhân lúc bên Tàu có loạn,… bèn nổi lên…” Lý Bí, Mai Thúc Loan, Phùng Hưng đều “nhân lúc bên Tàu có loạn” mà khởi nghĩa. Thường các thầy, cô giáo không cho học sinh biết lúc đó bên Trung Quốc loạn như thế nào, và tại sao bên đó loạn ly mà lại tạo cơ hội cho dân ta nổi dậy.
Các biến cố “bèn nổi lên” này chính là những lúc dân ta bắt đầu các thí nghiệm sống tự chủ. Cứ một, hai thế hệ, người Việt được cắt đứt mọi liên hệ với Trung Quốc, lập chính quyền riêng và tập thói quen sống tự trị, dù các biến cố đó do các thủ lãnh người Việt nổi lên hay các quan cai trị người Hoa tự tách khỏi triều đình Trung Quốc. Nhờ nhiều lần thí nghiệm như thế, dân Việt tăng niềm tự tin để nuôi ý chí tự chủ mạnh hơn.
Trong mấy thế kỷ đầu tiên thời Bắc thuộc, giữa thời Hai Bà Trưng và bà Triệu, người Việt chắc còn thừa kế tinh thần tự chủ thời Hùng Vương để lại. Các chính quyền nhà Hán, nhà Ngô không đủ mạnh để áp chế và ràng buộc. Cho nên họ chưa xóa bỏ cơ cấu xã hội cổ truyền dựa trên quyền bính của các thủ lãnh địa phương, các lạc tướng. Hệ thống xã hội cũ vẫn còn; các nữ anh hùng đầu tiên là giòng dõi của các lạc hầu, lạc tướng. Nền văn minh dân Lạc cũng chưa bị mất, vì chỉ có một số nhỏ tiếp xúc với chính quyền đô hộ có thể học lối sống mới. Sau cuộc chinh phạt và cuộc cải cách hành chánh của Mã Viện, hệ thống cai trị của người Hán được củng cố chặt chẽ. Mã Viện đã tàn sát các thủ lãnh địa phương, bắt những người còn lại về Tầu “để tránh hậu họa.” Sau cuộc tấn công tàn bạo này, sức đề kháng của người dân vùng đồng bằng sông Hồng chắc phải sa sút nhiều so với những đồng bào sống ở quận Cửu Chân, gồm các tỉnh miền Bắc Trung Việt ngày nay. Ngọn lửa tranh đấu đã được nuôi dưỡng tại vùng này, cũng thuộc Bộ Cửu Chân của nước Văn Lang vào thời Hùng Vương.
Biết lịch sử và địa dư của Cửu Chân sẽ hiểu biến cố này rõ hơn. Vùng Thanh Hóa là quê hương Bà Triệu Thị Trinh, người phất cờ khởi nghĩa vào thế kỷ thứ ba. Đây là một trung tâm văn minh Lạc Việt đã phát triển từ vài ngàn năm trước, còn thấy dấu vết qua 20 địa điểm di chỉ khảo cổ, từ thời dùng đồ đá cho tới thời dùng kim loại, với chứng tích là văn minh Đông Sơn. Di chỉ Đông Khối đã có những dấu vết của một “xưởng” (workshopsite) có tuổi bốn ngàn năm trước. Di chỉ Xóm Rú, Thiệu Dương, Đông Sơn có niên đại cách đây gần 3,000 năm. Tầng văn hóa thứ hai được tìm thấy ở Thiệu Dương, Đông Sơn, Đồng Ngầm phát triển khoảng 2,700 năm trước, trong cùng thời gian với các di chỉ ở Đường Cổ, vùng sông Hồng. Miền này chịu ảnh hưởng văn minh Hán tộc trễ hơn miền sông Hồng, những di chỉ đời Hán chỉ có tuổi khoảng 2000 năm trước đây.
Trong một bài nghiên cứu về đô thị cổ Dương Xá, một trung tâm kinh tế và văn hóa của Cửu Chân, sử gia Phạm Văn Kính đã trình bầy những điểm thuận lợi của vùng này để tự phát triển và liên kết được với các vùng khác trong nước Văn Lang (Đô Thị Cổ Việt Nam, Viện Sử Học, 1989). Từ Ngã Ba Đầu, con sông Mã chảy xuôi qua Hàm Rồng rồi thông ra đến biển, ở đó có thể giao thông vào phía Nam. Ngược dòng Sông Mã lại có thể qua đường rừng lên phía Bắc, liên lạc được với Hòa Bình, tới tận Sơn La. Từ Ngã Ba Đầu đi lên Ngã Ba Bông, gặp sông Lèn là đường thủy đi ra cửa Thần Phù. Cũng từ Ngã Ba Đầu, ngược theo con sông Chu đưa lên miền cao có thể vào tới Nghệ Tĩnh. Trên bộ cũng là một mạng lưới đường giao thông, trong đó con đường đi ven biển vẫn còn tên gọi là đường Mã Viện, nối ra Phủ Nho Quan và Ninh Bình. Mã Viện, khi tấn công đạo quân của Hai Bà Trưng do tướng Đô Dương chỉ huy cố thủ ở đây, đã dùng cả đường bộ và đường thủy qua cửa Thần Phù. Quân Hán sau đó đóng đồn trong vùng Dương Xá, lập ngôi thành Tư Phố, phát triển thành một đô thị. Còn rất nhiều khu mộ cổ theo kiểu đời Hán trong vùng này, chứng tỏ số quan lại và hào phú người Hán ở đây khá đông. Số mộ cổ kiểu Hán tìm được có mật độ đông hơn ở quận Giao Chỉ.
Phạm Văn Kính thấy căn bản kinh tế của đô thị Tư Phố đã được dân bản xứ xây dựng nên từ trước, trước khi quân Hán xây thành. Kinh tế phát triển nhờ đường giao thông thuận tiện và những tiến bộ về kỹ thuật đồ đồng, đồ gốm, mỹ nghệ, đồ trang sức bằng đá và bằng đồng, tất cả còn để lại dấu tích. Thương mại đã phát triển trong vùng, vì cũng tìm được nhiều đồng tiền nhà Hán trong khu vực thành và trong các ngôi mộ. Trước khi bị quân Mã Viện tấn công, tướng Đô Dương đã đặt bản doanh ở Tư Phố. Khi Bà Triệu khởi nghĩa, cũng tấn công chiếm thành Tư Phố. Về sau, những gia đình có tiếng như Khương Công Phụ (thế kỷ thứ 8), Dương Diên Nghệ (thế kỷ thứ 10) đều lập nghiệp trong vùng này. Một viên thái thú mô tả dân Cửu Chân là “tính tình hung hãn, chiến đấu gan dạ; họ quen ở trên núi, dưới nước, không quen ở đồng bằng.”
Quận Cửu Chân đời xưa còn bao gồm cả vùng Nghệ Tĩnh bây giờ, trong đó còn có Vinh, Bến Thủy, với sông Lam, núi Hồng Lĩnh và núi Dũng Quyết, nơi sau này Quang Trung đã chọn lập Phượng Hoàng Trung Đô. Dân Cửu Chân sống ở cánh đồng sông Mã, sông Chu, bên núi, bên rừng, họ cũng sống với biển cả, quen tự do tự tại. Người nông dân và chài lưới không lệ thuộc các thành trì người Hán thiết lập. Sống xa biên giới Việt Hoa, và xa trung tâm chính quyền đô hộ, họ cũng không bị ảnh hưởng Hán hóa sâu đậm như dân miền sông Hồng (xưa gọi là sông Cái). Với căn bản kinh tế trù phú và một nền văn hóa có từ lâu đời trước khi quân Hán đến, Cửu Chân đã trở thành một cái nôi của tinh thần quật khởi, nuôi dưỡng ý chí tự chủ của dân tộc Việt. Từ lúc đầu cho đến thế kỷ thứ 10 Cửu Chân vẫn là một trung tâm xuất phát nhiều cuộc kháng chiến chống quân Hán, từ Triệu Thị Trinh cho đến Mai Thúc Loan, Dương Diên Nghệ, Ngô Quyền.
Dân ta giữ mãi một thái độ đặc biệt cung kính về bà Triệu, sau này truyền tụng qua những câu hát ru con:
Ru con con ngủ cho lành
Để mẹ gánh nước rửa bành ông voi
Muốn coi, lên núi mà coi,
Có bà Triệu tướng cưỡi voi, đánh cồng.
Lại có bài đồng dao, tương truyền do một vị thần đá đọc lên: Có bà Triệu tướng – Vâng lệnh Trời ra – trị voi một ngà – Dựng cờ mở nước – Lệnh truyền sau trước – theo gót Bà Vương …” Câu ca nói Bà Triệu “vâng lệnh Trời” mà “dựng cờ mở nước,” cho thấy ý chí độc lập đã rõ ràng, coi thủ lãnh người Việt cũng chịu “mệnh trời” không kém vua Trung Quốc. Những danh hiệu Triệu Tướng, Bà Vương, do người dân Cửu Chân, vùng Thanh, Nghệ, Tĩnh bây giờ, suy tôn bà và được cả nước công nhận.
Sử chính thức ở Trung Hoa không viết về cuộc khởi nghĩa của Bà Triệu. Chắc vì họ coi dân Lạc Việt ở vùng Cửu Chân còn “kém văn minh,” các biến cố ở đó không đáng kể. Chỉ có một số dã sử sau này nói tới Bà Triệu, trong đó Nguyễn Đổng Chi thấy hai câu chứng tỏ người Trung Hoa đương thời rất sợ “Vua Bà.” Họ nhắc nhở: “Hoành mâu anh hổ dị; đối diện Bà Vương nan!” (Múa giáo bắt cọp thì dễ, đương đầu với Vua Bà thì khó). Nhiều dã sử kể lại theo truyền thuyết của người Việt. Họ thêm thắt những chi tiết như “vú dài ba thước,” có lẽ để chứng tỏ các phụ nũ “man di” ở đây vẫn chưa chịu mặc áo theo lối người Hán.
Sau Bà Triệu, không thấy tên tuổi những thủ lãnh thuộc giới lãnh đạo cổ truyền của dân Lạc Việt đứng lên đòi tự trị, cho đến thế kỷ thứ sáu. Người ta có thể ngờ rằng trong ba thế kỷ liên tiếp đó dân Việt đã hoàn toàn chịu khuất phục sống dưới quyền các quan đô hộ. Nhưng trong thời gian này vẫn có những nhân vật khác nổi lên, xuất thân trong cộng đồng những “người Việt mới!” Đó là các di dân người Hoa đã ở nước ta lâu đời, hoặc các người chỉ huy cấp thấp trong đám quân cai trị mà gốc gác là người Hoa. Khi chính quyền bên Tàu suy yếu, nhiều người trong đám này đã cùng quân sĩ cướp lấy chính quyền.
Vào thế kỷ thứ sáu Lý Bôn khởi nghĩa và xưng đế, sau mấy năm ông đã thua quân nhà Lương. Nhưng người Việt lại may mắn, vì lúc đó bên Tàu đang rối loạn nên dân ta có cơ hội kéo dài cuộc sống tự chủ. Phía Bắc Trung Quốc bị người “Hồ” tràn vào chiếm, lập các vương quốc; lúc đầu có 16 triều thay phiên chia đất xưng hùng. Cùng một lúc, triều đình Đông Tấn còn cai trị phía Nam, bao gồm cả nước ta. Nhà Đông Tấn tan, Giao Châu thuộc vào các triều đại ở phía Nam thay phiên nhau là Tống, Tề, Lương, Trần. Các triều này thường chiếm cứ từ tỉnh Hà Nam, An Huy trở xuống; trong khi phía Bắc là nước Ngụy, sau chia thành Đông Ngụy và Tây Ngụy, kế tiếp là nước Đông Tề và nước Chu. Thời gian từ 317 đến 580 đúng là lúc bên Tàu có loạn, tạo cơ hội cho người Việt nổi dậy nhiều phen!
Tướng nhà Lương là Trần Bá Tiên đánh Lý Nam Đế xong thì rút ngay về để mưu đồ chiếm ngôi vua. Tiên mang theo các toán quân tinh nhuệ về Tàu cho nên đám quân Việt còn lại có thể tiếp tục kháng cự. Năm 557 Trần Bá Tiên xưng đế, lập ra nhà Trần, nhưng vẫn còn nhiều tay hào kiệt khác tiếp tục nuôi mộng bá vương, không để yên. Việc kiểm soát ở Giao Châu vẫn lỏng lẻo, cho nên công cuộc kháng chiến của Lý Phật Tử và Triệu Quang Phục đã kéo dài cuộc thí nghiệm tự chủ thêm được nửa thế kỷ nữa. Tuy những giai đoạn thí nghiệm này chỉ qua một, hai thế hệ, ảnh hưởng tâm lý chắc còn được giữ lâu bền, nuôi dưỡng lòng tự tin và ý chí tự lập của dân Việt.
Kinh nghiệm sống tự lập
Mỗi lần “bên Tầu có loạn,” dù người Việt không nổi dậy thì nhiều viên quan cai trị ở Giao Châu cũng cắt đứt liên hệ với trung ương, biến nước ta thành một lãnh địa tự trị. Khi một triều đình cũ sụp đổ, bên Trung Quốc chưa có chủ, các quan cai trị Giao Châu thường phải chọn đứng về một phe nào trong các phe tranh chấp ở chính quốc. Phần lớn họ có thái độ “chờ, xem.” Khi ngôi vị ở trung nguyên chưa ngã ngũ ai thắng ai bại, thì họ đứng tự lập, giành lấy quyền hành động tương đối tự do. Sau đó, một triều đại thống nhất xuất hiện, thì họ lại quy phục. Có khi viên quan đứng đầu không đủ mạnh, thuộc hạ của họ cũng có thể nẩy sinh ý định ly khai. Nhiều người đã nổi lên đuổi cấp trên đi, tự xưng là thứ sử hay tiết độ sứ, hoàn toàn độc lập với các biến cố chính trị ở bên Tàu.
Tiêu biểu trong số này là các ông Sĩ Nhiếp, Đào Hoàng, Đỗ Tuệ Độ. Họ thường là những quan cai trị tử tế, được lòng dân. Khi triều đình bên Trung Hoa sụp đổ, họ vẫn nắm quyền ở đất Giao Châu. Có hai hoặc ba phe đang tranh chấp bên chính quốc, họ thấy phe nào mạnh thì xin theo mà xưng thần, khi phe khác lên thì lại đổi; vc phong nhậm cũng chỉ là hình thức bên ngoài.
Ba vị “thuần quan” kể trên được tiếng là nhân đức, không tham ác. Đất Giao Châu được bình an; trong lúc bên Tàu rối loạn chắc nhiều người đã di cư sang nước ta. Kinh tế phát triển trong những khoảng thời gian đủ lâu dài để dân Giao Châu quen thấy nhiều lợi lạc khi được sống ngoài vòng kiểm soát của các triều đình Trung Quốc. Khi cắt đứt liên lạc với chính quyền phương Bắc, các quan lại cũng không phải lo cung phụng vua quan ở trên, do đó họ không cần phải bóc lột dân nhiều như trước. Cứ như vậy, dân Việt có kinh nghiệm mỗi khi tách ra khỏi Bắc triều thì bọn quan lại bớt tàn ác, đời sống dễ thở hơn!
Những viên quan tự trị cần được người địa phương ủng hộ khi phải đối phó với các phe phái bên Tàu; cho nên họ phải tử tế với dân hơn trước. Hy vọng nuôi cơ nghiệp lâu dài, mong có thể truyền cho con cháu, các thứ sử hoặc tiết độ sứ tự lập phải tiến cử người địa phương có khả năng vào guồng máy cai trị hoặc trong hàng quân sĩ. Nhiều người Việt có cơ hội học các kỹ thuật quản trị, hành chánh và quân sự.
Tổ tiên họ Sĩ từ vùng Sơn Đông, di cư xuống Thương Ngô (Quảng Tây bây giờ) từ trước cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng. Gia đình này đã sống ở Giao Châu qua năm sáu thế hệ trước khi Sĩ Nhiếp ra đời. Người Việt sau này gọi ông là Sĩ Vương, mặc dù ông ta không bao giờ tự xưng vương, ông vẫn thờ vua Ngô (đời Tam Quốc) làm chủ. Đại Việt Sử Ký Toàn Thư mô tả Sĩ Nhiếp: “Vương là người khoan hậu, khiêm tốn, …đáng gọi là người hiền.” Đến đời cháu nội ông thì bị tấn công và xin quy phục nhà Ngô, nhưng sau cùng vẫn bị giết. Chắc vua quan nhà Ngô cũng không tin được một gia đình “lý lịch xấu” từng “phản triều đình” mấy đời như vậy.
Chuyện Sĩ Nhiếp cho thấy trong hai thế kỷ đầu ở vùng châu thổ sông Cái nước ta, nhiều gia đình người Việt gốc Hoa đã trở thành hào phú ở các địa phương, họ sống hòa đồng với dân bản xứ và được người chung quanh kính trọng; tiếng tốt còn để lại tới đời sau. Một gia đình họ Lý cũng di cư sang nước ta cùng thời với họ Sĩ; bốn trăm năm sau một người là Lý Bôn đứng về phía dân Việt phất cờ khởi nghĩa. Vào cuối đời Tam Quốc, nhà Ngô suy yếu bị quân Tấn đánh nhiều lần; thứ sử Đào Hoàng tự mình cai trị; trong thời gian tự lập đã giữ cho Giao Châu bình an và phồn thịnh trong 30 năm. Tấn Thư chép lời Đào Hoàng tâu vua Tấn, nói rằng dân Giao Châu “ít biết lễ nghĩa, thích gây họa loạn.” Chắc nói như vậy cũng cốt để các ông vua mới bên Tàu thấy nản, không nghĩ đến chuyện can thiệp vào lãnh địa của mình! Ông có vẻ được lòng dân Việt. Tấn Thư kể rằng khi ông chết “dân đã khóc như mất một người trong gia tộc.” Lời sử gia Trung Hoa viết có thể đã thổi phồng xa hơn sự thật, nhưng cũng chứng tỏ người dân có thương tiếc. Không phải họ tiếc cá nhân một ông quan mà họ tiếc một giai đoạn cuộc sống bình an tử tế có thể sắp chấm dứt.
Đầu thế kỷ thứ năm, một người Hoa sinh ở Chu Diên là Đỗ Viện từng được nhà Tấn công nhận làm thứ sử; con là Đỗ Tuệ Độ được đồng liêu cử lên nối nghiệp cha mà không cần xin ai phong nhậm vì nhà Tấn đang sụp đổ. Họ Đỗ cũng là di dân gốc Hoa, đã cư ngụ ở vùng Chu Diên từ bốn, năm đời trước. Chu Diên là một vùng giữ truyền thống Lạc Việt rất bền chặt, Phật giáo phát triển mạnh hơn các vùng khác, trong số tín đồ có nhiều gia đình hào phú, có học thức và có thế lực. Giòng họ Đỗ chắc đã hội nhập vào xã hội địa phương từ lâu, hai cha con Đỗ Viện, Đỗ Tuệ Độ đều có công bảo vệ an ninh biên giới phía Nam, từng cầm quân vào Cửu Chân ngăn chặn được các cuộc tấn công của người Champa từ nước Lâm Ấp đánh lên cướp bóc.
Sĩ Nhiếp, thế kỷ thứ ba, Đỗ Tuệ Độ, thế kỷ thứ năm, cũng như Lý Bí vào thế kỷ thứ sáu, đều là những người Việt gốc Hoa. Cơ nghiệp các gia đình họ Sĩ, họ Đỗ không kéo dài quá vài đời, cho thấy thực lực của đất Giao Châu thời đó còn yếu, không đủ sức chống lại áp lực từ chính quốc. Lý Bí chiếm được quyền hành xong đã xưng hoàng đế, dựng nền độc lập; còn trước đó những Sĩ Nhiếp và Đỗ Tuệ Độ đều chỉ nhận đóng vai thứ sử hay tiết độ sứ, vẫn giữ “quan hệ thần tử” với các triều đình bên Trung Quốc. Sau này, nhiều tay hào kiệt gốc người Việt sau khi chiếm được quyền hành cũng thường không sẵn sàng tuyên bố một quốc gia độc lập. Khi bên Trung Quốc có một triều đình mới, họ vẫn xin được phong làm một chức tiết độ sứ thôi, chứ không xưng vương, xưng đế, có thể vì thấy dân mình chưa đủ sức. Trong thời gian đó dân số Việt Nam chưa đông, thóc gạo chưa nhiều để nuôi quân; còn ở bên Tầu thì chính quyền nhà Ngô, Tấn, nhà Lưu Tống vẫn mạnh hơn nhiều, vì họ kiểm soát những vùng đất rộng và dân đông đúc hơn. Lý do quan trọng nhất là sức dân Việt chưa mạnh, lòng chưa nhất quyết muốn ly khai; nhất là chưa có những thủ lãnh thuộc giòng Lạc Việt cũ đứng lên lãnh đạo để dân tin tưởng và đông người theo hơn.
Thế kỷ thứ 7, cuối đời Tùy sang đời Đường, thứ sử Khâu Hòa được cử sang cai trị Giao Châu, đã giữ cho vùng này được yên ổn trong lúc Trung Quốc đang đổi chủ. Khâu Hòa có vẻ được lòng dân, ông còn được người Lâm Ấp cống tiến “như một vương hầu.” Khi Lý Thế Dân thắng ở Trung Quốc lập ra nhà Đường (618), Khâu Hòa lại xin thần phục và được giữ nguyên chức vụ.
Những viên quan cai trị của nhà Hán, nhà Đường dù đứng ra tự lập cũng không dám tự làm một vương quốc độc lập. Nhưng họ đã giúp cho dân Việt thấy tập thể của mình có thể sống tự lập sau khi cắt đứt liên hệ với trung tâm của đế quốc. Họ lại thấy khi được sống tự chủ thì đời sống mọi người đều no đủ, bình an hơn.
Khi nhìn lại những người nổi lên cướp chính quyền hoặc đứng ra tự trị, người đời sau có khi phân chia ra hai loại “lập trường.” Một bên là những người như Sĩ Nhiếp, Đỗ Tuệ Độ không dám ly khai, rồi sau là Lý Phật Tử, Khúc Thừa Mỹ cũng chịu đầu hàng Bắc triều. Ngay cả Dương Diên Nghệ khi chiếm được thủ phủ Giao Châu rồi cũng không xưng vương, chỉ tự nhận là một tiết độ sứ trong sáu năm. Những người không cắt đứt liên hệ với bên Tàu thường bị gắn cho nhãn hiệu “bảo thủ,” “trung thành,” hay nặng hơn, họ “khuất phục bá quyền.” Khác với họ, có những Lý Bôn, Triệu Quang Phục, Phùng Hưng, Khúc Hạo, Ngô Quyền, là những người sẵn sàng cắt đứt liên hệ với bên Tàu, được coi là có tinh thần độc lập, tự chủ, hay gắn cho nhãn hiệu “chống bá quyền.”
Gán ghép các nhãn hiệu chính trị của thời nay cho các nhân vật sống trước đây 15, 17 thế kỷ thì quá gượng ép, có thể bất công. Khi phải đối diện với đoàn quân phương Bắc, mỗi người lãnh đạo ở Giao Châu, dù là một lãnh tụ khởi nghĩa hay một quan thứ sử, đều phải quyết định trong hoàn cảnh cụ thể. Họ có hai lựa chọn, hoặc chỉ giữ quyền tự trị, hoặc quyết định ly khai hẳn. Hoặc xưng vương, xưng đế, hoặc vẫn “thần phục” nhận chức tiết độ sứ. Quyết định này dựa trên thực lực quân sự, tài nguyên kinh tế và mật độ dân số có đủ sức kháng cự hay không. Họ không chọn lựa trên căn bản “lập trường quốc gia hay quốc tế” như cách suy nghĩ bây giờ.
Triệu Đà muốn xưng đế mấy lần, có phải vì ông ta “yêu nước Nam Việt” đâu! Con trai Sĩ Nhiếp là Huy đã từng phải sang làm con tin bên nhà Ngô, về sau dẫn cả năm anh em xin hàng rồi bị giết, cũng không phải vì họ yêu nước Ngô hơn nước Việt. Sang thế kỷ thứ sáu, khi các vùng Quảng Đông, Phúc Kiến, Hồ Nam đều có người nổi lên chiếm lĩnh một góc trời, trung tâm chính trị ở bên Tàu đã tan vỡ, các vương triều chia đôi Nam Bắc, Lý Bôn mới quyết định ly khai, lập quốc, và xưng đế. Lý Phật Tử sau này biết sức còn yếu, đành ra hàng nhà Lương, nhưng cũng không thể kết luận vì ông “không yêu nước” bằng Triệu Quang Phục, người chiến đấu đến cùng. Tất cả những người đã đứng ra tự lập ở Giao Châu một thời, với quyền tự trị tương đối, đều kích thích lòng tự tin, tinh thần tự chủ, tự lập của tổ tiên người Việt.
Trong hơn nửa thế kỷ thời Nhà Tiền Lý, chúng ta thấy những người đóng vai lãnh đạo thuộc hai tập thể người Việt gốc và di dân người Hoa đã liên kết với nhau. Hai người gốc Hoa từ nhiều đời là Lý Bí và Tinh Thiều được một thủ lãnh gốc Việt là Triệu Túc ủng hộ. Sau đó Lý Phật Tử và Triệu Quang Phục có lúc đã xung đột, rồi lại giảng hòa. Vụ xung đột này có thể do khác biệt về gốc Việt và gốc Hoa; hay chỉ vì tranh chấp quyền lực? Chúng ta khó trả lời câu hỏi này. Sau đó, Triệu Quang Phục cắt đất chia cho Lý Phật Tử một vùng, cuộc xung đột đã được hòa giải.
Những viên quan cai trị giữ quyền tự trị khi bên Tàu có loạn thường là những người tương đối tử tế, cho nên dân Giao Châu được sống yên. Các giai đoạn tự trị này tạo ra những “tiền lệ” cho hành động “ly khai” sau này; vì người dân Việt đã chứng kiến, đã trải nghiệm trong đời sống, khiến tâm lý họ thay đổi. Người Việt nhận ra họ không cần phải liên hệ với trung tâm ở bên Tàu mà vẫn bình an, thịnh vượng. Ngược lại, họ thấy mình được sống dưới một bộ máy cai trị hiền lành, lương hảo hơn các quan lại Bắc triều trước đó. Họ Sĩ, họ Đỗ, Đào Hoàng và Khâu Hòa đã chứng tỏ khả năng Giao Châu có thể tự lập, mỗi giai đoạn đó kéo dài một hay hai thế hệ. Trong trí nhớ tập thể, người Việt ghi lại hình ảnh các giai đoạn sống no ấm và bình an đó. Cho nên sau này khi gặp các tham quan “khốc lại” đời Đường, người dân càng oán giận hơn và sinh quyết tâm chống đối.
Hơn nữa, qua các đời lương quan tự trị như vậy, người Lạc Việt cũng rút ra những bài học làm mẫu cho một guồng máy cai trị, có thể áp dụng khi nước mình độc lập.
Khi người dân theo các thủ lãnh nổi lên, họ cần hình dung được là nếu thành công thì xã hội sẽ thay đổi ra sao. Họ đã chứng kiến những chính quyền tử tế đặt trên nền tảng luân lý Nho Giáo, khi Giao Châu được tự trị, tự lập. Họ Sĩ, Đào Hoàng, và họ Đỗ là các ông quan không tham lam, tàn ác; họ cai trị theo các quy tắc Nho giáo. Sĩ Nhiếp được tiếng đã dậy người Việt học đọc, học viết chữ Hán, học luân lý đạo Nho. Hình ảnh của những cuộc thí nghiệm này có thể dùng làm mẫu để người Việt nuôi hy vọng, khi đứng lên tranh đấu, biết mình sẽ tổ chức xã hội ra sao. Đồng thời, người Việt cũng thấy tư tưởng chính trị của Nho giáo có thể áp dụng được. Giới thủ lãnh trong các gia đình truyền thống dù không tham gia cai trị trực tiếp nhưng cũng học hỏi, thu nhận và gạn lọc các bài học của đạo Khổng. Việc tiếp nhận luân lý Nho học, thể hiện khi hòa hợp cùng niềm tin Phật giáo, đã góp phần xây dựng nền tảng tinh thần chuẩn bị cho nền tự chủ của dân Việt Nam sau này.
Thổ nhân “hạ tiện” cũng đứng lên
Trong các xã hội bình thường, người dân không phải lúc nào cũng nghĩ đến những ước vọng lớn lao như độc lập, tự do. Người ta thường chỉ liều chết nổi lên tranh đấu khi họ “chịu không nổi” quan lại tham tàn. Trong thời Bắc thuộc, phần lớn dân Việt trong nhiều thế kỷ chỉ ghi nhớ kinh nghiệm những viên quan tham ác. Những hành động của bọn “khốc lại” diễn ra hàng ngày là lý do thiết thực thúc đẩy người dân đòi tự chủ.
Khi nhà Hán mới chiếm nước ta, trong một thế kỷ đầu họ chưa trực tiếp cai trị. Lúc họ bắt đầu kiểm soát chặt chẽ hơn thì tinh thần đối kháng cũng bắt đầu lên cao. Óc phản kháng chắc đã lên rất mạnh ngay trong thế kỷ đầu Tây lịch, khi Hai Bà Trưng nổi dậy. Chính sách của quân Hán sau khi Hai Bà thất trận năm 43 thúc đẩy lòng thù hận cao hơn. Mã Viện viết sớ tâu vua nhà Hán kể công ông ta đã bắt hàng trăm “cừ soái” Lạc Việt, những thủ lãnh địa phương đã cùng nổi lên với Hai Bà. Mã Viện thi hành chính sách “chặt đầu” những mầm mống nổi loạn; tính xóa sạch dòng dõi các lạc hầu lạc tướng. Mã Viện cũng đem “vài ngàn người thiện chiến” về Tàu; chính sách bắt lính này chắc còn tiếp tục các đời sau.
Những hành động tàn ác như thế phải tạo ra nhiều khối người bất mãn, trong số thân thuộc và làng xóm của những người bị bắt lính, hay bị lưu đầy. Những gia đình này sống rải rác khắp nơi từ Giao Chỉ xuống tới Cửu Chân, họ nuôi dưỡng niềm uất hận chung của cả dân tộc.
Một mặt triều đình Trung Quốc đưa các tội nhân bên nước họ lưu đầy sang Giao Chỉ làm lính; mặt khác, những người Giao Chỉ “bất đồng chính kiến” thì bị đầy sang Trung Quốc. Những quân lính người Hoa bị đầy sang Giao Châu; trong đó có những tội đồ bị lưu đầy, chính họ cũng dễ trở thành một lớp người bất mãn; sẵn sàng nổi dậy chống đám tham quan ô lại. Nhất là khi các viên quan mới ở bên Trung Quốc sang nhận chức không thuộc cùng một quê hương, cùng một sắc tộc với đám lính phương Bắc bị đầy. Vì vậy ngay trong hàng ngũ quan quân nhà Hán cũng xung đột thường xuyên. Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục, soạn vào đời Nguyễn, ghi lại bài sớ của Tiết Kinh, thái thú quận Hợp Phố trong thời Tam Quốc dâng lên vua Ngô, sau khi Lữ Đại tiêu diệt họ Sĩ và chinh phạt Cửu Chân được triệu về (năm 231). Tiết Kinh kể các hành động tương tàn của những viên chỉ huy địa phương tại Giao Châu . Một lý do khiến họ giết nhau dễ dàng là họ vốn gốc từ các miền khác nhau bên Trung Quốc. Thí dụ: Hoàng Cái người Nam Hải sang làm thái thú Nhật Nam, khi mới xuống xe thấy cách tiếp đón không được trọng thể, đánh chết người chủ bạ, nhưng sau Hoàng Cái cũng bị dân chúng đuổi đi. Đam Manh là thái thú Cửu Chân đãi tiệc, một thuộc hạ đứng lên múa và mời Manh cùng múa; ép quá nổi giận cầm gậy đánh. Em của người bị đánh kéo người đến tấn công phủ trị, giết Manh. Chu Phù, từng làm thứ sử ở Cối Kê, bên Tàu, sang Giao Châu đem theo nhiều người đồng hương như bọn Ngưu Bao, Ngưu Ngạn, cùng nhau chiếm đoạt của cải, bắt dân đóng thuế nặng nề, “một con cá vàng thu thuế một hộc lúa.” Dân nổi lên, “Chu Phù chạy ra biển rồi trôi dạt mất tích.” Trương Tân người gốc quận Nam Dương, cũng bị khinh thường và bị giết. Hai người được Lưu Biểu cử sang thay là Lại Cung và Ngô Cự, hai người đó lại đánh nhau. Sau đó người mới là Bộ Chất vẫn bị dư đảng của Trương Tân chống lại. Tiết Kinh kể lại các vụ tương tàn đó chứng tỏ đám quan quân nhà Hán, nhà Đông Ngô không những tham ác mà còn tàn sát lẫn nhau. Mục đích của ông ta là xin vua Đông Ngô cử người có khả năng như Lữ Đại sang Giao Châu, bảo vệ an ninh cho chính quận Hợp Phố của mình!
Các quan lại được cử sang làm thứ sử, tiết độ sứ vào đời Hán, Đường đa số tàn ác và bóc lột dân, một lý do là vì phần lớn họ cũng là những viên quan thất sủng, bị đầy đi xa. Hoặc phe cánh của họ mất thế lực trong triều đình, cho nên họ mới bị “biếm” sang Giao Châu. Trong lịch sử văn học Trung Hoa còn nhiều bài thơ của các người bị đưa đi làm quan ở các địa phương, xa “nơi cửa khuyết.” Có khi họ chỉ bị đổi tới những tỉnh xa bên Trung Quốc như Hàng Châu, Thành Đô, hay Quảng Châu, dù vẫn gần gũi “trung tâm quyền lực,” nhưng bao người vẫn than thở.
Vì thế, đa số đám quan lại được bổ tới Giao Châu chỉ mong sớm “chuộc tội,” chờ được vua ban ơn cho về gần “cửa khuyết.” Muốn “chuộc tội,” họ phải hối lộ những phe phái mạnh trong triều đình. Vì vậy, họ cần bóc lột tài nguyên đất Giao Châu; trước hết là để thâu hoạch đủ của cải nạp lên vua và quan trên, kiếm đường thăng quan tiến chức và hồi hương. Tất nhiên, các triều đình Trung Quốc đều thúc đẩy các quan lại địa phương phải nộp thuế má, cống phẩm theo “chỉ tiêu” họ đặt ra. Nhưng việc bổ nhiệm quan lại ở Giao Châu như một hình thức trừng phạt là nguyên nhân quan trọng đưa tới những chính sách sưu cao thuế nặng.
Mỗi lần dân nổi dậy, dù do các thổ hào địa phương lãnh đạo hay chỉ do những người lính bất mãn, nguyên cớ quan trọng nhất là họ chống lại chính sách tàn ác của các thứ sử hay tiết độ sứ. Người dân bị bóc lột quá đáng, họ không cần chờ khi các vị thủ lãnh kêu gọi mới nổi dậy. Sử sách còn ghi lại các chính sách sưu cao thuế nặng ở Giao Châu mà chính người Trung Hoa biết đến cũng phải chỉ trích. Lê Mạnh Hùng cho biết sử Trung Hoa ghi các thứ thuế kỳ lạ vào đời Nam Bắc Triều. Chẳng hạn, “làm nhà lợp ngói, trồng cây dâu cao một thước là phải đóng thuế.” Đến nỗi, “Dân nghèo bán cả vợ, con, lấy tiền nộp thuế cũng không đủ.” Các chính sách bóc lột tàn ác thường ảnh hưởng tới dân thường trước khi đụng tới quyền lợi các nhà hào phú. Nhiều tay lãnh tụ xuất thân từ tầng lớp thấp nhất trong xã hội đã nổi lên. Họ là những “anh hùng áo vải” đầu tiên của nước ta.
Một nhân vật độc đáo là Lương Thạc, vào đầu thế kỷ thứ tư, cuối đời nhà Tấn. Theo Tấn Thư, Lương Thạc vốn là người “xuất thân hạ tiện!” Hạ tiện là chữ mô tả một người Việt bản xứ, hoặc một di dân người Hoa bị lưu đầy. Lương Thạc đã đi lính cho chính quyền đô hộ, đủ khôn ngoan để được lên cấp dần dần, leo tới vai trò chỉ huy. Tới một lúc Lương Thạc nắm cả quyền “phế, lập” một tay mình chọn người đặt lên chức thứ sử. Có thể vì biết mình “xuất thân nghèo hèn” cho nên Thạc không tự xưng là thứ sử; nhưng cũng có thể vì sợ lòng người không phục mình do mặc cảm “hạ tiện,” nên do dự. Một thế kỷ rưỡi sau, Lý Trường Nhân, một người gốc bản xứ khác đã chiếm lấy quyền hành, tự xưng là thứ sử (năm 468). Lý Trường Nhân được sử Trung Hoa gọi là một “thổ nhân,” tức là người địa phương. Như Lý Bôn sau đó một thế kỷ cũng được sử Trung Hoa gọi là một “thổ nhân.” Cả hai cuộc nổi loạn của Lương Thạc và Lý Trường Nhân đều ngắn ngủi; nhưng cũng chứng tỏ sau khi Bà Triệu thất bại chính quyền đô hộ, trong hai thế kỷ vẫn tiếp tục bị chống đối bằng vũ lực, không thể ngồi yên. Khi viết lịch sử Việt Nam người ta thường bỏ qua không nói về các cuộc nổi dậy ngắn ngủi của các “thổ nhân hạ tiện,” khiến người đọc lầm tưởng rằng trong hai thế kỷ đó người Việt đã hoàn toàn bị khuất phục.
Chính sách đô hộ tàn khốc của hai triều đại Tùy (580 – 618), Đường (618 – 906) càng khiến cho dân Việt phẫn uất hơn. Năm 638 dân bản xứ ở vùng Thanh Nghệ bây giờ đã nổi loạn. Khi một quan đô hộ nhà Đường tăng thuế gấp đôi, nông dân không chỉ biểu tình “khiếu oan” mà đã cùng nhau đến chiếm thủ phủ, giết quan đô hộ, năm 687. Sử gia Lê Mạnh Hùng đoán các lãnh tụ hai cuộc khởi nghĩa này, Lý Tự Tiên và Đinh Kiến, đều gốc là nông dân ; vì các cuốn sử Trung Hoa không nói gì đến tổ tiên, gia tộc của họ. Họ được Tân Đường Thư ghi là “lệ hộ,” là đẳng cấp thấp nhất trong xã hội. Theo Lê Thành Khôi thì Lý Tự Tiên là một người thuộc sắc tộc Tầy. Tầy là tên chung nhiều sắc thiểu số trong vùng Đông Nam Á; đã tới nước ta trong nhiều đợt, cao nhất từ thế kỷ thứ 7. Hiện nay người Tầy là sắc tộc thiểu số đông nhất ở Việt Nam, gần một triệu hai trăm ngàn người. Nhưng trong thế kỷ thứ 7, chắc không ai phân biệt người Tầy, người Thái, với người Việt thuần túy. Tất cả xuất phát từ cùng một chủng tộc và đều chịu chung một số phận nô lệ. Chính sách tham tàn của quan lại Trung Hoa đã tạo ra mối đoàn kết giữa các sắc tộc ở nước ta. Mọi người đều thấy họ là nạn nhân của một chế độ tham tàn; muốn chấm dứt phải chung sức đứng lên đòi quyền tự làm chủ lấy mình. Vào đầu thế kỷ thứ 8, một viên quan đô hộ quá độc ác bị chính thuộc hạ của ông ta giết chết. Trong tình trạng chính quyền rối loạn, người Việt càng nức lòng đòi tự chủ; không lâu sau, Mai Thúc Loan khởi nghĩa.
_______________________________________________
Trích “Đứng Vững Ngàn Năm” của tác giả Ngô Nhân Dụng, tức Cư sĩ Chân Văn Đỗ Quý Toàn. Người Việt Books xuất bản, 2013. Giấy Vụn, 2014