Không lúc nào thông điệp của Mahatma gởi cho thế giới lại nhu yếu và cấp thiết hơn thời đại bây giờ, khi mà thế giới không ngớt bị chia năm xẻ bảy bởi óc xâm lược, bởi chiến tranh bạo động, hận thù và trên hết, bởi sự mê vọng. Mahatma Gandhi cũng sống trong một thời đại xáo trộn của quốc gia và những rối loạn của thế giới. Ấn Độ thời bấy giờ đắm chìm trong một tình trạng tuyệt vọng tưởng chừng như không thể tồn tại nổi trừ khi nhờ một phép lạ. Và quả thực là một phép lạ, khi bằng vào sức mạnh tâm linh của một người duy nhất –Mahatma Gandhi – quyết giữ chặt lấy chân lí và bất bạo động, Ấn Độ đã đưa mình ra khỏi sự thống trị của ngoại bang và tái thiết sự hòa hợp chủng tộc Ấn Hồi. Dĩ nhiên Mahatma đã bỏ cả cuộc đời của mình cho sự hòa hợp chủng tộc này, nhưng thế giới bắt buộc phải thừa nhận rằng bằng vào sức mạnh tâm linh của chính mình mà Mahatma Gandhi “đã làm điều mà biết bao đoàn binh lính chưa làm nổi”.
Nhìn vào cuộc chiến tranh lan rộng này ở Việt Nam, sự bộc phát gần đây của những xáo trộn xã hội ở Ahmedabad và những xung đột tôn giáo ở Belfast, chúng ta phải suy nghĩ nhiều về phương pháp mà Mahatma Gandhi đã ứng dụng để giải quyết những tranh chấp chủng tộc. Một sắc thái nổi bật biện hộ cho tất cả những chứng minh của Ngài là Ngài có một niềm tin mãnh liệt vào tính bản thiện của con người, như đức Phật đã dạy Phật tính bắt rễ trong mỗi người. Nhu cầu đạo đức –“một mệnh lệnh tuyệt đối” nói theo thành ngữ của Kant – được cắm sâu trong tâm khảm con người như động lực bản năng nơi các loài vật. Đấy là chỗ con người khác với thú vật. Bởi lí do đó, Mahatma Gandhi đã giải quyết những tranh chấp Ấn – Hồi bằng cách cực lực kêu gọi lương tâm nhân loại của mỗi bên, đòi hỏi mỗi phe phái hãy hi sinh cho kẻ khác. Ngài kêu gọi mỗi bên hãy hướng lòng tôn trọng về phía kẻ khác hơn là nghĩ đến cách rút tỉa một vài lợi lộc từ một biện giải hoà bình. Như thế tất cả mọi xung đột phải được giải quyết trước hết và trên hết vì nó phản lại luật nhân đạo hơn là vì nó không đem tới lợi lộc.
Để đạt được hòa bình chắc thật và lâu dài, Mahatma Gandhi khuyến cáo bất bạo động như là phương tiện duy nhất phải được chấp nhận. Chúng ta hãy ghi nhận rằng bất bạo động nay hoàn toàn không phải là một sự hèn nhát khiếp nhược. Mahatma Gandhi còn nói ngay rằng nếu Ngài phải chọn giữa sự hèn nhát khiếp nhược và sự bạo động thì thà rằng Ngài chọn cái sau. Khi giải quyết những xung đột giữa Ấn và Hồi, Ngài yêu cầu cả hai bên hãy chấp nhận bất bạo động này, như là sự kính trọng cảm thức của kẻ khác. Đây là lời của chính Ngài “khuất phục theo sự khủng bố hay sự thực dụng của bạo lực là dẫm lên lòng tự trọng và xác tín tôn giáo của mình. Nhưng một người không hề có khuất phục sự khủng bố thì thường làm bớt đi và lại còn tránh khỏi những cơ hội tạo nên sự khiêu khích.” Như thế bất bạo động theo Mahatma Gandhi đòi hỏi nhiều nhẫn nại và hi sinh. “Đây là sức mạnh của kẻ mạnh nhất giữa những kẻ mạnh”. Với Mahatma Gandhi, một người bằng đủ cách bảo vệ danh dự và tài sản của mình với ngọn kiếm cũng đáng cao quí, nhưng cao quí hơn là kẻ có thể bảo vệ chúng mà không cần bạo lực xung đột với những kẻ tác hại”. Trong phương diện này, bất bạo động có nghĩa tự nó là một cứu cánh là một sự phát xuất của tình yêu thuần thiện hơn là một phương tiện đấu tranh. Người thực hành bất bạo động thì không bận tâm đến chuyện thành hay bại, cũng không dùng đến những phương pháp bạo động, ngay cả khi những đối thủ của nó nhất ra như ở thế bất lay chuyển. Bất bạo động ở đây thực sự chỉ cho một thứ Satyagraha – giữ vững lấy chân lí – và chỉ người nào được ổn định trong tâm, người nào cưu mang trong chính mình thì mới thực hành được. Có thể nói rằng người ấy không bị khắc phục, nó đắc thắng từ khởi đầu dù thái độ của những địch thủ thế nào đi nữa và dù sự xung đột cuyển hướng ra sao đi nữa “Sự chết trong trường hợp này là một sự giải thoát vĩ đại, và giảo hình đài là một cánh cửa mở rộng cho tự do”. Bởi vì có một khu vực vẫn còn nguyên vẹn viễn cách, không thể động đến, chống lại thứ khí giới, và đó là khu vực của tâm hồn và đây là chỗ trú ngụ của kẻ giữ vững chân lí. Với Mahatma Gandhi, chân lí song hành với bất bạo động. Cũng vậy, bạo lực với mê vọng là một. Chỉ những ai có một tâm thức rối loạn, bị chia sẻ ngay trong chính mình, “những ai không biết mình đang làm gì” thì mới dùng đến phương tiện bạo động.
Không có thưởng niệm thích đáng nào đối với đứa con vĩ đại của Ấn Độ hơn là suy nghĩ sâu xa về thông điệp chân lí, bất bạo động và hòa hợp chủng tộc của Ngài, mà Ngài đã dâng trọn cuộc đời và đã hi sinh cả sự sống của chính mình. Càng trầm tư về thông điệp của Ngài, chúng ta càng thể nhận sự vĩ đại của Mahatma Gandhi, chúng ta càng cảm thấy phải cấp thiết đón nhận nó để chữa trị những ác hại của thế giới ngày này, nếu chúng ta muốn sống trong hòa bình và duy trì phẩm giá con người.
THÍCH MINH CHÂU
Diễn Văn của T.T. Thích Minh Châu, Viện trưởng Viện Đại học Vạn Hạnh, đọc trong dịp lễ kỷ niệm một trăm năm của Mahatma Gandhi tại Saigon, ngày 2-10-1969. Nguyên tác bằng Anh văn, do Tuệ Sỹ dịch lại chữ Việt.
__________
Trích Tư Tưởng số 2 (01-6-1970)