NAM MÔ BỔN SƯ THÍCH CA MÂU NI PHẬT
Kính bạch chư Tôn đức,
Kính thưa quý Đại biểu,
Thưa toàn thể Hội nghị,
Cho phép chúng tôi, thay mặt Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam, kính gởi đến chư Tôn đức, quý Đại biểu và toàn thể Hội nghị lời chào mừng trân trọng và lời cầu chúc tốt đẹp nhất.
Kính thưa Quý vị,
Cuộc sống luôn đặt ra những vấn đề buộc chúng ta phải quan tâm giải quyết. Mỗi lúc, mỗi thời, các vấn đề không ngừng phát sinh, ngày càng nhiều, càng phức tạp, cứ chồng chéo lên nhau, khiến chúng ta có cảm giác rằng không bao giờ chúng ta có thể giải quyết hết. Cái này hiện diện kéo theo cái kia, cái kia sinh bao hàm cái nọ, nhân quả nối kết trùng trùng, khiến một vấn đề phát sinh dường như bao hàm mọi vấn đề. Thật là phức tạp.
Đức Phật Sakya Muni từng dạy: “Này Ànanda, chính vì không giác ngộ, không thâm hiểu pháp Duyên sinh này mà chúng sanh hiện tại bị rối loạn như một ổ kén, rối ren như một ống chỉ, giống như cỏ munja và lau sậy babaja, không thể nào ra khỏi khổ xứ, sanh tử.”
Lời tuyên bố trên của Đức Phật cho thấy Phật giáo ý thức rất rõ tính phức tạp của các vấn đề nảy sinh trong một thế giới được xem là trùng trùng duyên khởi như thế giới của chúng ta, đồng thời cũng gợi mở một hướng tiếp cận và giải quyết xác đáng bằng việc kêu gọi con người sự nắm bắt quy luật Duyên sinh của mọi hiện hữu.
Đức Phật dạy chúng ta nắm bắt quy luật Duyên khởi để hành động hay quyết định mọi vấn đề liên quan đến đời sống của chúng ta. Chúng ta có thể nói rằng Duyên khởi là nguyên lý nhân quả phổ quát theo đó mọi sự việc hay hiện tượng phát sinh và kết thúc đều do nhân duyên. Nguyên lý này bảo cho chúng ta rằng tất cả mọi sự việc hay hiện tượng đều do nhân duyên mà sinh, chuyển biến vô thường, không có tự tánh độc lập hay ngã. Con người và cả thế giới này cũng do duyên sinh, chuyển biến vô thường, không có tự tánh độc lập hay ngã. Đây là nguyên lý mà chính Đức Phật Sakya Muni đã tự thân chứng ngộ và tuyên thuyết, và dựa vào đó mọi tư duy và hành xử Phật giáo đã được đặt để và vận dụng xuyên suốt mấy ngàn năm qua.
Do chứng ngộ sự thật Duyên khởi, Đức Phật không lẫn tránh hiện thực của mọi vấn đề phát sinh mà trong mọi hoàn cảnh Ngài luôn luôn an nhiên tích cực làm tất cả mọi việc tốt lành cho cuộc đời. Ngài cho rằng đã là con người thì phải chịu quy luật sinh diệt già, bệnh, chết, nhưng con người có thể sống hạnh phúc an lạc và xây dựng cuộc sống an lạc trên cõi đời này nếu biết cách. Vấn đề là định hướng hành động thế nào trước một quy luật như vậy. “Không làm mọi điều ác, thành tựu các hạnh lành, giữ tâm ý trong sạch” – đấy là lời khuyên hành động của Đức Phật. Nhận thức quy luật Duyên sinh vô thường về tự thân và về cuộc đời cho phép chúng ta đi đến một quyết định hành động như vậy.
Trong kinh tạng Pàli, có một câu chuyện đối thoại rất hay giữa Đức Phật và vị vua Pasenadi nước Kosala xoay quanh quy luật vô thường, sinh diệt của cuộc đời và thái độ của người hiểu biết trước thực trạng ấy. Đức Phật hỏi vua Pasenadi:
– Thưa Đại vương, Đại vương nghĩ thế nào? Nếu có người đến với Đại vương từ phương Đông, rồi một người khác đến từ phương Tây… từ phương Bắc… từ phương Nam, thân tín đáng tin cậy. Người ấy đến Đại vương và thưa: “Tâu Đại vương, mong Đại vương biết cho, con từ phương Nam lại và thấy tại đấy một ngọn núi cao như hư không, đang di chuyển và chà đạp, đè bẹp lên tất cả loại hữu tình. Tâu Đại vương, Đại vương hãy làm những gì cần phải làm”. Như vậy, thưa Đại vương, một khủng bố lớn khởi lên cho Đại vương, sự diệt tận nhân loại thật khủng khiếp, được tái sanh làm người thật khó khăn, thời Đại vương có thể làm được gì?
– Như vậy, bạch Thế Tôn, một khủng bố lớn khởi lên, sự diệt tận nhân loại thật khủng khiếp, được tái sanh làm người thật khó khăn, thời con có thể làm được những gì, ngoại trừ sống đúng pháp, sống chơn chánh, làm các hạnh lành, làm các công đức!
Kính thưa Quý vị,
Chúng tôi dẫn câu chuyện trên đây để nói lên rằng việc nắm bắt sự thật duyên sinh, vô thường là một cơ hội và thách thức lớn để con người hoàn thành các mục tiêu tốt đẹp nhất của cuộc đời mà nói theo thuật ngữ Phật học là “để chứng đắc những gì chưa chứng đắc, để chứng ngộ những gì chưa chứng ngộ.” Chúng ta không thể thay đổi sự thật sinh diệt vô thường của cuộc đời, nhưng chúng ta quyết không tạo điều ác, không làm rối loạn thêm cho cuộc đời bởi những hành vi thiếu cân nhắc hay vị kỷ. Mặt khác, nhận thức duyên sinh, vô thường là cơ hội để chúng ta nỗ lực làm điều tốt, làm điều lành, kiến tạo hạnh phúc an lạc cho tự thân và cho cuộc đời. Đức Phật nhấn mạnh sự thật duyên sinh, vô thường để khuyến khích các học trò đệ tử mình sống tốt, sống thiện, tránh tranh chấp tranh cãi, sống nhiệt tâm, tinh cần, tinh tấn để chiến thắng tham sân si, thực nghiệm an lạc Niết bàn cho tự thân và làm lợi ích cho cuộc đời.
Kính thưa Quý vị,
Chúng tôi nêu rõ hai nguyên lý nhận thức và hành động của đạo Phật với hy vọng gợi ý tưởng về tiêu chí cuộc Hội thảo khoa học của chúng ta. Chúng ta sẽ tập trung bàn thảo các vấn đề dựa trên tinh thần những lời dạy của Đức Phật. Dĩ nhiên, tất cả chúng ta đều hiểu rằng Phật giáo khó có thể cung cấp giải pháp toàn triệt cho tất cả vấn đề phức tạp hiện nay của con người và thế giới. Rõ ràng, người ta không thể kỳ vọng tìm thấy ở Phật giáo những biện pháp cụ thể cho việc giải quyết các vấn đề nảy sinh hàng ngày của một thế giới phức tạp. Tuy nhiên, giá trị to lớn của giáo lý Đức Phật nằm ở sự kiện rằng giáo lý ấy nhấn mạnh việc nắm bắt sự thật Duyên khởi hay quy luật hiện hữu cộng sinh và đề cao cơ sở đạo đức của tất cả mọi hành vi con người, hai nền tảng căn bản trên đó mọi dự án văn hóa, giáo dục, kinh tế, chính trị và xã hội có thể được thiết lập. Với nhận thức như vậy, chúng tôi nêu ra hai nguyên lý cơ bản nói rõ quan điểm và tinh thần hành động rất đặc trưng mang tính phổ quát của Phật giáo. Còn bàn giải pháp chi tiết cho từng vấn đề thế nào thì đấy sẽ là công việc của cuộc Hội thảo.
Kính thưa Quý vị,
Phật giáo nói chung và Phật giáo Việt Nam nói riêng đã có bề dày lịch sử hơn 2000 năm rất đáng tự hào bởi những cống hiến vô cùng lớn lao cho hạnh phúc của con người và hòa bình thế giới. Lịch sử ấy mãi mãi là bài học lớn để mọi người con Phật chúng ta ở khắp mọi nơi tìm thấy chính mình và tìm thấy nguồn cổ vũ động viên lớn trong mọi hoạt động phụng Đạo giúp đời. Muôn vàn ý tưởng và gương sáng tốt lành chúng ta có thể tìm thấy ở đạo Phật và mong muốn biến chúng thành hiện thực để giúp ích cho cuộc đời nhiều hơn. Chúng tôi tin rằng những bài học lịch sử và kinh nghiệm quý giá của đạo Phật sẽ giúp ích cho chúng ta rất lớn trong việc tìm ra hướng đi đích thực của Phật giáo trong thời đại mới. Chúng tôi cũng hết sức vui mừng nhận thấy tấm lòng mong mỏi và tin tưởng như vậy ở chư Tôn đức và quý Đại biểu thể hiện qua sự hiện diện quý báu của Quý vị tại buổi Hội thảo ngày hôm nay cũng như qua những bản tham luận tâm huyết mà Quý vị đã hoan hỷ gởi đến cho chúng tôi. Chúng tôi thật sự tin tưởng và cho rằng các tham luận và ý kiến phát biểu của Quý vị tại cuộc Hội thảo lần này sẽ góp phần to lớn vào việc gợi mở hướng đi thiết thực và thật sự hữu ích của Phật giáo trong thời đại mới mà nhiều người chúng ta hằng quan tâm.
Vì lý do sức khỏe, chúng tôi thật sự xin lỗi không thể tham gia đầy đủ cuộc Hội thảo quan trọng này. Thay vào đó, chúng tôi đã mời Giáo sư Tiến sĩ Lê Mạnh Thát, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam, thay mặt chúng tôi và bổn Viện chủ trì cuộc Hội thảo.
Xin chân thành cảm ơn toàn thể Quý vị và kính chúc Hội thảo thành công viên mãn.
NAM MÔ CÔNG ĐỨC LÂM BỒ TÁT MA HA TÁT
Trích phát biểu khai mạc Hội thảo quốc tế “Phật giáo trong thời đại mới: Cơ hội và thách thức”
Hòa thượng THÍCH MINH CHÂU
Viện trưởng viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam