Khát vọng bức thiết nhất của Tăng Ni, Phật tử Việt Nam hiện nay là có được một bộ Tam tạng Thánh giáo bằng tiếng Việt. Niềm thao thức ấy lâu nay đã được các vị tôn túc đáp ứng bằng cách ra sức phiên dịch một số Kinh, Luật, và Luận. Số Kinh, Luật, Luận này tuy chưa đáp ứng đầy đủ nhu cầu của độc giả Việt Nam, nhưng đó là những công trình rất quý báu và đáng trân trọng. Sự nghiệp ấy cần được tiếp tục và khẩn trương hơn nữa. Thiết nghĩ, muốn cho công trình phiên dịch đạt được chất lượng tốt nhất, có lẽ chúng ta cũng nên tham khảo và học hỏi những kinh nghiệm quý báu của các bậc tiền bối. Những kinh nghiệm này đã được các Đại sư chủ dịch tại các dịch trường đúc kết thành những công thức gọi là Lý luận dịch kinh. Sau đây, người viết xin trình bày Lý luận dịch kinh của các Đại sư Trung Quốc – qua những công trình vĩ đại và sự nghiệp bất hủ của các Ngài để lại.
Lý luận dịch kinh là quy ước dịch kinh của giới Tăng lữ do tham dự công việc thực tế lâu ngày rồi đúc kết thành những nguyên tắc. Qua thời gian, những nguyên tắc này dần dần được điều chỉnh hợp lý, chẳng hạn Đạo An có ngũ thất bản, tam bất dị; Ngạn Tôn có bát bị; Huyền Tráng có ngũ chủng bất phiên; Tán Ninh có lục lệ.
Lý luận dịch kinh và sự dịch kinh quan hệ với nhau rất mật thiết. Chúng ta có thể liên tưởng đến quá trình phát triển văn học thì sẽ thấy rõ: Tác phẩm văn học có trước rồi mới phát sinh lý luận văn học. Sự dịch kinh và lý luận dịch kinh cũng tương tự như thế. Đề xuất lý luận dịch kinh là do những người chuyên môn dịch thuật, chẳng hạn La Thập và Huyền Tráng là những vị Đại sư chủ dịch tối ưu; còn Đạo An, Ngạn Tôn cũng là những nhân vật chủ não của dịch trường. Những lý luận mà họ nêu ra là bàn về những kinh nghiệm trong công tác thực tế.
1/ Lý Luận Dịch Kinh của Đạo An (312-385)
Ngũ thất bản, tam bất dị là lý luận dịch kinh rất cụ thể mà Đạo An đã trình bày trong bài tựa bộ Ma-ha Bát-nhã ba-la-mật kinh sao vào năm Kiến Nguyên 18 (382). Trước hết, chúng ta hãy bàn về Ngũ thất bản, tức năm điều mất gốc. Đạo An cho rằng dịch văn Tây Trúc sang văn Trung Hoa có năm điều mất gốc, đó là:
- Kinh văn Tây Trúc[1]đảo lộn vị trí mà chuyển sang tiếng Trung Hoa phải theo thể thức của Trung Hoa, đó là điều mất gốc thứ nhất.
- Kinh văn Tây Trúc chuộng thực chất mà người Trung Quốc thì thích văn hoa, có văn hoa mới dễ dàng thâm nhập tâm hồn mọi người, nếu không văn hoa thì không thích hợp, đó là điều mất gốc thứ hai.
- Kinh văn Tây Trúc rất rốt ráo, đến như những lời ngâm vịnh mà lặp đi lặp lại đến ba, bốn lần cũng không ngại phiền phức, mà khi dịch thì phải cắt bỏ, đó là điều mất gốc thứ ba.
- Kinh văn Tây Trúc thường kèm theo giải thích ý nghĩa, có vẻ rườm rà, lặp lại những điều đã nói ở trước, văn cũng không khác nhau, mà khi dịch phải cắt bỏ tất cả, đó là điều mất gốc thứ tư.
- Khi việc đã hoàn thành, nói sang đoạn tiếp cũng lập lại những lời trước đó, nhưng khi dịch thì phải loại bỏ những thứ ấy, đó là điều mất gốc thứ năm.
Gần đây, Lữ Trừng đã giải thích về ngũ thất bản trong tác phẩm Trung Quốc Phật học tư tưởng khái luận, ở chương ba, ông nhận định: Nói một cách đơn giản thì có năm tình huống làm cho bản dịch không thể nhất trí với nguyên bản:
- Về mặt ngữ pháp, cần phải thích hợp với kết cấu của Trung văn.
- Về mặt văn tự, cần phải trau chuốt lời văn để thích hợp với tập quán thích văn hoa của người Trung Quốc.
- Đối với những câu trùng phức của loại kệ tụng cần phải gia tâm cắt bỏ bớt.
- Phải gọt giũa những kệ tụng được lặp đi lặp lại nhiều lần.
- Vấn đề đã nói qua rồi, đến khi đề cập sang vấn đề khác còn lặp lại đoạn văn trên một lần nữa, trường hợp này cũng phải cắt bỏ.
Đó là cách giải thích cho dễ hiểu của Lữ Trừng về ngũ thất bản.
Bây giờ trở lại cách thuyết minh về tam bất dị của Đạo An. Ông cho rằng phiên dịch kinh điển từ Phạn sang Hán có ba việc chẳng dễ:
- Như kinh Bát-nhã, bậc Thánh giả tùy theo thời đại, dùng cái tâm “tam đạt” (chỉ cho ba minh của Phật), dùng cái lưỡi “phú diện” (chỉ cho cái lưỡi rộng dài của Phật) để diễn tả, mà phong tục mỗi thời mỗi khác, nay phải cắt bỏ những khái niệm cổ kính, thanh nhã ấy để thích hợp với đương thời, đó là điều không dễ thứ nhất.
- Ngu trí cách nhau nghìn trùng, Thánh nhân thuộc một lĩnh vực riêng, mà muốn đem lời nói vi diệu cao cả của nghìn năm trước chuyển dịch cho phù hợp với phong tục thấp kém của trăm họ ngày nay, đó là điều không dễ thứ hai.
- A-nan kết tập kinh điển, cách Phật chưa lâu, Tôn giả đại Ca-diếp lãnh đạo 500 vị La-hán lục thông, xét duyệt nhiều lần rồi mới ghi chép. Ngày nay cách xa hàng ngàn năm mà muốn đem ý riêng thô thiển lượng định, cắt bỏ khi phiên dịch; các bậc A-la-hán kia trang nghiêm dường ấy, trái lại những kẻ còn bị sinh tử tầm thường thế này, há có thể làm cho những người không biết pháp phấn chấn được ư? Đó là điều không dễ thứ ba vậy.
Lữ Trừng giải thích về ba điều không dễ đối với các tình huống phiên dịch:
- Kinh điển là Thánh giáo Phật tùy theo đời đại thuyết giảng, mà thời thế phong tục xưa nay không giống nhau, nếu muốn cho phong tục thời xưa thích hợp với thời nay là điều không dễ chút nào.
- Muốn đem những lời nói vi diệu, nghĩa lý sâu xa của bậc Thánh trí ra phiên dịch cho hàng phàm phu lãnh hội, mà thời gian cách xa ngần ấy, là điều không phải dễ.
- Khi xưa những người chép kinh đều là những bậc đại trí có thần thông, mà nay đưa cho một nhóm người bình thường phiên dịch, đó là một việc làm không phải dễ dàng.
Xuất Tam tạng ký tập, quyển 15, truyện của Đạo An viết: “Đạo An thông thạo các sách vở ngoại điển, rất giỏi văn chương, con em của các quan chức ở Trường An có làm thi phú đều lấy Đạo An làm chuẩn mực và rất ca ngợi ông. Khi ông cùng với học sĩ Dương Hoằng Trung luận bàn thi phú thì rất phong nhã và đạt đến chỗ tột cùng của nghĩa lý.” Thế nên, người thời bấy giờ có lời truyền rằng: “Học bất sư An, nghĩa bất trung nan.” Nghĩa là học mà không học Đạo An, thì ý nghĩa khó mà biết cho đúng!
Qua đó ta thấy học vấn của Đạo An rất uyên thâm, những bài tựa và bạt của ông hiện còn toàn dùng thể văn biền ngẫu, điển nhã để viết, thể hiện phong cách của văn phái đời Lục Triều, có thể nói là văn đến mức tột đỉnh.
Tuy đề xuất ngũ thất bản, tam bất dị nhưng khi bàn về phương pháp dịch thuật thì ông bảo là có thể tùy thời tu chỉnh, không nhất thiết phải tuân theo những quy tắc cứng nhắc.
Tóm tắt đôi nét tiểu sử của Đạo An:
Đạo An sinh tại huyện Phù Liễu, Thường Sơn vào năm Vĩnh Gia thứ 6 (312) đời vua Hoài Đế nhà Tấn.
Năm Hàm Khang nguyên niên (335) đời vua Thành Đế đời Tấn, lúc 23 tuổi, ông thờ Phật Đồ Trừng làm thầy và theo học kinh điển.
Năm Vĩnh Hòa thứ 10 (354) đời vua Mục Đế đời Tấn, lúc 42 tuổi, ông lập chùa tại Hằng Sơn Thái Hành, sau đó vâng chiếu đến Vũ Ấp.
Năm Kiến Nguyên thứ 15 (379) đời vua Phù Kiên, Đạo An vào Trường An mới bắt đầu kết duyên với việc dịch kinh. Từ trước đến nay, những Phật điển mà ông nghiên cứu đều là những bản dịch của người trước, vì bản thân của Đạo An vốn không thông Phạn văn.
Năm Kiến Nguyên thứ 21 (385) đời vua Phù Kiên, ông viên tịch tại Trường An, hưởng thọ 74 tuổi.
2/ Lý Luận Dịch Kinh của Cưu-ma-la-thập (344-413)
Cưu-ma-la-thập theo Lữ Quang đến Kinh Châu vào năm Thái Nguyên thứ 10 (385), cư trú ở đây đến 17 năm. Vì cha con Lữ Quang không tin Phật pháp, nên La-thập chỉ có thể ôm ấp kiến giải sâu sắc của mình mà không có cơ hội thi thố. Đến ngày 20 tháng 12 năm Hoằng Thỉ thứ 3 (401) đời Diêu Tần, Diêu Hưng mời La-thập về Trường An, từ đó mới bắt đầu công việc dịch kinh hoằng pháp tại Trung Hoa. Lúc này Đạo An đã vãng sinh Tịnh độ (385) được 17 năm, nhưng các bậc thạc học cao đức đệ tử của Đạo An vẫn còn đó, họ chính là những thành viên cơ hữu trợ giúp La-thập trong công trình vĩ đại này. Công việc dịch kinh tiếp tục đến năm Hoằng Thỉ thứ 11 (409), khi La-thập nhập diệt mới đình chỉ. Như vậy, sự nghiệp dịch kinh của La-thập tại Trường An được duy trì và phát huy rực rỡ suốt chừng ấy năm, điều mà trước đây chưa từng có.
Bản dịch của La-thập được lưu truyền rất rộng rãi và rất được ca ngợi, về phương diện phổ cập thì quả thật các đại sư dịch kinh đời sau không thể nào sánh kịp. Trong Kim Cương kinh toản yếu san định ký, quyển 1, viết: “Bản kinh này do La-thập phiên dịch, câu văn lưu loát, khiến người ta thích nghe, cho đến nay già trẻ lớn bé khắp hoàn vũ không ai là không thọ trì kinh này. Bộ kinh này có sáu người dịch, mà La-thập giữ vai trò lãnh tụ trong các dịch giả ấy. Câu văn lưu loát, từ lý thông suốt, khiến người ta thích nghe chính là một trong những nét đặc sắc của bản dịch Ngài La-thập. Chúng ta không lạ gì ông được mọi người sùng thượng tột bực.”[2] Mặc dù đạt được thành quả lớn lao như vậy, nhưng ông hoàn toàn không tỏ ra kiêu hãnh. Không những ông có trình độ Phật học uyên thâm, có thái độ dịch kinh cần mẫn, mà còn có kiến giải dịch kinh siêu việt hơn tiền nhân.
Một hôm luận bàn với các đệ tử, ông nói: “Dịch từ Phạn sang Hán làm mất đi cái văn vẻ, tuy được đại ý nhưng văn thể thì cách xa, tựa hồ nhai cơm mà sú cho người khác, không những mất hết hương vị, mà còn khiến cho người ta buồn nôn.”[3] Lời ấy nói lên đức khiêm tốn và tính cẩn thận của ngài La-thập.
Trong bài tựa của Tăng Triệu viết về kinh Duy-ma-cật, có đoạn: “Pháp sư La-thập dịch lại chánh văn, nhờ giỏi phương ngôn, vận dụng kiến thức cao siêu, thầm hợp với sự thật, nên đạt đến chỗ rốt ráo, viên mãn. Bấy giờ, tay ngài cầm bản văn Tây Vức, miệng đọc lời dịch, đạo tục đều thành kính, một lời dịch lập lại ba lần, gọt bỏ rườm rà, cầu được tinh túy, phù hợp với Thánh ý. Lời văn giản dị mà thấu đáo, yếu chỉ lung linh mà sáng tỏ, những lời nói sâu xa đến đây đều hiển hiện.”[4]
Lý luận dịch kinh của La-thập có thể quy nạp thành ba điểm:
- Xem trọng văn hoa.
- Cắt giảm và tăng bổ kinh điển.
- Đính chính tên gọi cho đúng sự thật.
Về vấn đề cắt giảm và tăng bổ kinh điển, La-thập dựa và ba nguyên tắc sau đây:
1/ Để cho bản dịch phù hợp với hình thức của nguyên điển
Những bản kinh mà La-thập phiên dịch phần lớn là những bản dịch lại. Các bậc tiền nhân khi dịch kinh thường dùng những bản văn do người Tây Vức mang đến chứ chẳng phải trực tiếp sử dụng tài liệu bằng tiếng Phạn của người Thiên Trúc (Ấn Độ). Khi tham khảo các bản cựu dịch, La-thập dùng bản tiếng sanskrit của Thiên Trúc để đối chiếu, ông thấy rằng những bản kinh sau khi truyền vào Tây Vức, người Tây Vức đã dùng ý riêng của mình để thêm bớt kính điển. Gặp trường hợp như thế, La-thập đều phục hồi lại bản lai diện mục của chúng. Điển hình như Đại phẩm kinh. Trước thời La-thập, Đại phẩm kinh có hai bản dịch nổi tiếng nhất là Quang Tán và Phóng Quang. Nguyên điển của chúng đều từ nước Vu Điền của Tây Vức mà Đạo An đã từng nhiều lần so sánh đối chiếu. La-thập cho rằng phẩm mục của bộ kinh này là do người Hồ tăng thêm, cho nên ông cắt bỏ hầu hết để phục hồi lại diện mạo nguyên thủy của bản chữ Phạn.
2/ Châm chước cho phù hợp với nhu cầu người Hán
Đối với nội dung của Luận thư, La-thập không dựa vào nguyên bản để dịch đầy đủ mà chỉ tuyển chọn những bản trọng yếu nào đó rồi ra sức phiên dịch, như trong bài tựa của Luận đại Trí độ mà Tăng Duệ đã viết: “Văn của người Hồ rườm rà, đều giống như phẩm đầu, Pháp sư (La Thập) nghĩ rằng người Tần (Trung Quốc) ưa giản dị nên lược bỏ đi, nếu dịch đầy đủ văn ấy thì cũng hơn 1000 quyển.”[5] Còn Đại Trí độ luận ký, thì nói: “Từ phẩm hai trở đi, Pháp sư lược bỏ bớt, chỉ giữ lại những điểm cốt yếu, đủ để giải thích ý văn mà thôi, không dịch tất cả mà đến 100 quyển, nếu dịch đầy đủ, e gấp 10 lần như thế.”
3/ Cắt bớt hoặc bổ sung nguyên điển để cho bản dịch được lưu loát và sáng sủa
Tác giả nguyên điển của các luận thư do trình độ đầu tư không đồng, văn chương mỗi người mỗi khác, khi La-thập phiên dịch chú trọng nghĩa lý và trau chuốt ngôn từ, để tránh cho bản dịch khỏi khô khan khó đọc.
Trong bài tựa của Trung luận, Tăng Duệ viết: “Bộ luận này do Bồ-tát Long Thọ trước tác, tên đầy đủ của nó là Trung quán luận, tương truyền gồm 500 bài tụng, nhưng bản dịch của La-thập mà Đại chính tạng ghi lại chỉ có 446 bài tụng.”[6] Rồi Tăng Duệ dẫn lời của La-thập nói: “Giới học giả có tiếng tăm của các nước Thiên Trúc không ai là không thưởng thức bộ luận này, xem nó như là sách gối đầu giường, và số người giải thích nó cũng không phải là ít.”[7]
La-thập dịch Kinh, hoặc cắt bỏ những chỗ trùng lập của nguyên văn, hoặc không theo đúng thể thức của nguyên văn, hoặc thay đổi nguyên văn? Ở đây xin lấy nguyên bản tiếng Phạn của Đại Trang nghiêm kinh luận[8], đối chiếu với bản dịch để chứng minh:
a/ Cắt bớt nguyên bản:
Nếu đem tiết cuối, thiên cuối, quyển 10 của bản dịch Đại Trang Nghiêm kinh luận[9] so với Phạn văn thì rất là đơn giản. Còn tiết cuối của thiên đầu quyển 11 thì bản dịch hoàn toàn không có. Đây là minh chứng cho sự cắt bớt nguyên văn.
b/ Thêm văn vào nguyên bản
Văn của Dụ man luận[10] gồm hai thể là tản văn và kệ tụng, khi dịch hết phần tản văn, La-thập thêm vào mấy chữ thuyết kệ ngôn để nối tiếp phần kệ tụng. Mấy chữ này không có trong nguyên bản tiếng Phạn, nhưng La-thập thêm vào để phân biệt giữa hai thể tản văn và kệ tụng.
c/ Không câu nệ thể thức của nguyên văn
Một đoạn trong Dụ man luận[11], quyển 11, nguyên bản bằng tản văn, nhưng khi phiên dịch thì La-thập dịch thành thể kệ:
“Các vị Sa-di kia,
Khi vừa được thần thông,
Hóa thành những cụ già,
Tóc bạc, mặt nhăn nheo.”
d/ Thay đổi nguyên văn
Trong Dụ man luận[12], quyển 4, có một tiết nói: “Ông như tổ kiến mà muốn so sánh với núi Tu-di, để xem cao thấp.” Chữ Tu-di nguyên bản chữ Phạn viết là Mandara, hoặc Vandhya, là tên của một dãy núi mà người Tần không biết, nên khi dịch La-thập đổi ra chữ Tu-di mà người Tần đã biết, cho độc giả dễ hiểu.
Phần lớn những kinh của La-thập dịch là những bản dịch lại, phương pháp hiệu chỉnh của La-thập dựa trên ba nguyên tắc như Tăng Duệ đã trình bày trong bài tựa của Đại phẩm kinh: “Nếu âm Hồ sai thì dùng âm Thiên Trúc đính chính; nếu tên của Tần mà lầm thì dùng nghĩa của chữ để quyết định; chừng nào không thể thay đổi được nữa thì mới viết ra. Do vậy mà những tên mới thành ra hoa mỹ, những âm không chính xác đã được loại bỏ gần hết. Đây quả thật là công lao của bậc thầy vĩ đại và là sự thận trọng đặc biệt của người biên chép.”[13]
Trong sách Trung Quốc Phật học tư tưởng khái luận,[14] chương 5, Lữ Trừng cũng nêu ra nhận xét: “Chúng ta biết rằng diện mạo bản dịch lại của La-thập so với bản dịch cũ khác nhau rất nhiều. Về phương diện ý dịch thì cố gắng làm cho danh và thật đạt đến độ chính xác. Về phương diện âm dịch thì dùng âm Thiên Trúc để sửa cho đúng. Thái độ dịch kinh thận trọng như thế không những khiến cho người đương thời và muôn nghìn người đời sau ngưỡng mộ, mà chính bản thân dịch giả cũng lấy đó làm tự hào, nên gọi những kinh điển do mình phiên dịch là Tân kinh.” Trong thư phúc đáp cho Sư phụ của ông là Tỳ-ma-la-xoa, có đoạn viết: “Ở đất Hán kinh luật chưa đầy đủ, Tân kinh và luật phần lớn do Thập phiên dịch.”
Khi viết Xuất Tam tạng ký tập, Tăng Hựu đời Lương đã đánh giá La-thập rất cao: “Ôi, Pháp sư La-thập thần thái sáng rực như vàng, những vị Tăng nước Tần như Dung và Triệu trí tuệ siêu việt, cho nên tỏa sáng huy hoàng, làm rõ được nghĩa ẩn của kinh, ngôn từ sâu xa của Đại thừa đến đây là rực rỡ.”[15]
Ông Trần Dần Khác cũng tán thán La-thập như sau: “Tôi từng cho rằng công lao phiên dịch của Cưu Ma La Thập trong vòng ngàn năm qua, chỉ có Huyền Tráng là có thể sánh được với ông. Ngày nay các bản kinh Phật được lưu hành rộng rãi tại Trung Quốc như Kinh Pháp hoa… không loại nào là không do ông phiên dịch. Cho nên về phương diện phổ cập thì dù Từ Ân (Huyền Tráng) cũng không thể sánh kip.”[16]
Tóm lại, hoạt động dịch kinh của La-thập thật là nghiêm túc, vì ông có trình độ Phật học uyên thâm, nắm vững nghĩa lý của kinh điển, đạt đến mức độ “Tùng tâm sở dục nhi bất du củ”, tức theo ý muốn của mình mà không trái với quy củ. Lý luận dịch kinh của ông cũng lấy đó làm điểm xuất phát.
3/ Lý Luận Dịch Kinh Của Ngạn Tôn (557-610)
Ngạn Tôn sinh năm Cao Tường Thiên Bảo thứ 8 (557) đời vua Văn Tuyên Đế – Bắc Tề, người đời gọi ông là Y Quan, người nhà gọi là Giáp Tộc. Lúc trẻ, ông đã thông tuệ, có tài năng tiết tháo khác thường, hiểu thấu những điều huyền vi, tâm tính tương ứng với Thánh đạo, gặp vật là biết liền, ít khi phải xem lại. Lúc đầu, ông thọ giáo với Pháp sư Tăng Biên ở Tín Đô, nhân thầy bảo đọc kinh Tu đại noa, gồm 7000 chữ, mà ông chỉ đọc trong một ngày là xong.
Vào năm đầu Võ Bình (570) đời vua Cao Vĩ Hậu chúa Bắc Tề, ông được 14 tuổi, Hoàng hậu mời ông vào điện Tuyên Đức giảng kinh Nhân Vương, Quốc Thống, Tăng Đô đều theo phục vụ ông. Thính giả chừng 200 người mà toàn là những bậc tài danh. Nhà vua thân hành đến nghe giảng, văn võ các quan đều theo hầu, Hoàng thái hậu và phi tần sáu cung đều tham dự Pháp hội. Vua ra lệnh quan Thị trung Cao Nguyên Hải rước Ngạn Tôn lên pháp tòa, rồi đứng hầu một bên.
Năm Võ Bình thứ 3 (572), ông 16 tuổi, được đặc cách thọ giới Cụ túc, rồi chuyên tâm học Luật, nhiệt tâm chấn hưng Tam bảo, mỗi lần tổ chức trai Tăng đều tỏ bày sám hối. Nhà vua đích thân bưng lư hương theo sau Ngạn Tôn, hướng dẫn dân chúng khôi phục kỷ cương phép nước.
Ngày 24 tháng 7 năm Đại Nghiệp thứ 6 (610), đời vua Tùy Dương Đế Dương Quảng, ông viên tịch tại phiên kinh quán, hưởng dương 54 tuổi.
Tuy Ngạn Tôn chỉ hưởng dương 54 tuổi nhưng từng trải qua ba triều đại Bắc Tề, Bắc Chu và nhà Tùy; nhờ trí tuệ phát triển sớm, lại nhận được sự đãi ngộ đặc biệt của các vua chúa, các bậc hiển quý và văn sĩ, nên danh tiếng ông vang lừng trong thiên hạ.
Ngạn Tôn bắt đầu công việc dịch kinh từ lúc 27 tuổi. Tại dịch trường, ngoài việc đối chiếu Phạn bản và chỉnh lý văn nghĩa, thì ông chỉ là người trợ dịch. Việc viết tựa các kinh tựa hồ là chuyên trách của ông, còn bản thân ông hoàn toàn không có bản dịch nào truyền lại ở đời. Lý luận dịch kinh của ông là do việc tham gia phiên dịch mà đúc kết, có phần nào giống với Đạo An.
Sách Biện chính luận[17] do Ngạn Tôn trước tác, trong đó phần bàn về lý luận dịch kinh được tóm tắt thành bát bị, tức tám việc hoàn bị, nội dung như sau:
- Thành tâm yêu pháp, chí nguyện lợi người, không ngại thời gian, là bị thứ nhất.
- Muốn sang bờ giác, trước phải giữ giới, không sợ chê bai, là bị thứ hai.
- Tinh thông Tam tạng, hiểu rõ hai thừa, không có ngu tối, là bị thứ ba.
- Đọc khắp sách sử, trau dồi điển chương, không để thiếu sót, là bị thứ tư.
- Trong lòng an tịnh, khí độ ung dung, không hay chấp trước, là bị thứ năm.
- Đắm mình vào đạo, lạnh nhạt lợi danh, không thích khoe khoang, là bị thứ sáu.
- Học vấn uyên bác, thông hiểu tiếng Phạn, phiên dịch chính xác, là bị thứ bảy.
- Thường xem thương nhã, hiểu rõ triện lệ, am tường văn lý, là bị thứ tám.
Tám điều trên đây đầy đủ, mới xứng đáng là một dịch giả lịch lãm. Đây chính là những tiêu chuẩn cần thiết để tuyển chọn nhân viên làm việc tại dịch trường. Chúng ta có thể tóm tắt nội dung Bát bị thành ba điểm chính yếu như sau:
- Dịch giả cần phải hội đủ những đức tính cao quí của một Tăng sĩ (gồm các điều 1, 2, 5 và 6).
- Dịch giả cần phải tinh thông Phật học (điều thứ 3).
- Dịch giả phải tinh thông văn tự của Phạn và Hán (các điều 4, 7 và 8).
4/ Lý Luận Dịch Kinh Của Huyền Tráng (601-664)
Đại sư Huyền Tráng sau khi du học Ấn Độ trở về Trường An vào năm Trinh Quán 19 (645), liền bắt đầu sự nghiệp dịch kinh của mình cho đến lúc vãng sanh ngày 5 tháng 2 năm Lân Đức thứ nhất (664) mới chấm dứt, trước sau gần 20 năm. Trong thời gian ấy chưa từng gián đoạn một ngày, dịch được 73 bộ, 1330 quyển kinh luận. Căn cứ vào sự đồ sộ của số quyển mà nói thì quả thật xưa nay ông là người số một. Trong gần 20 năm sinh hoạt dịch kinh, lý luận dịch kinh của Huyền Tráng đại khái có thể đúc kết thành ba điểm:
- Tìm cầu những bản kinh nguyên vẹn.
- Tuyệt đối trung thành với nguyên điển.
- Có năm trường hợp không thể phiên dịch.
Hai điểm 1 và 2 có thể gộp chung lại để luận bàn, nhân vì ông bất mãn với những bản cựu dịch mà phát sinh.
Đại sư Huyền Tráng đã có những bất mãn về những bản dịch cũ từ lâu. Trước khi sang Ấn Độ cầu pháp, ông đã từng đi tham vấn các danh Tăng trong nước, dấu chân từng trải khắp các nơi như Lạc Dương, Trường An, Thành Đô, Tương Châu (Hà Nam), Triệu Châu (Hà Bắc), gần như hầu hết học thuyết và kinh điển đang lưu hành từ Nam đến Bắc lúc bấy giờ, ông đều tham học tất cả. Dù du học khắp nơi trong nước, ông vẫn chưa thỏa mãn được nguyện vọng tìm hiểu của mình. Chuyện của ông trong Tục cao Tăng truyện, quyển 4, viết: “Tôi đi khắp Ngô Thục, lần đến Triệu Ngụy, cuối cùng đi tới Chu Tần, nghe đâu có trường giảng đều đến tham dự, những lời dạy bảo đã ban ra, đều ôm ấp vào lòng, còn những gì chưa nói ra, thì không có cách nào để hiểu. Nếu không liều chết bỏ mạng, thề đến Thánh địa thì làm sao thấy được chân kinh, hiểu biết thấu đáo, tận mắt nhìn được pháp sáng, văn gốc và nghĩa mầu…”[18]
Sở dĩ Huyền Tráng xem thường những bản dịch cũ có thể là do ông căn cứ vào hai nhân tố dưới đây:
- Vì những bản dịch cũ không phải là những bản nguyên vẹn.
- Vì những bản dịch cũ không trung thành với nguyên điển.
Trước hết hãy bàn về sự đánh giá của Huyền Tráng đối với những bản dịch không đầy đủ. Huyền Tráng hoạt động dịch kinh trước sau gần 20 năm, đại khái có thể chia làm ba giai đoạn:
- Sáu năm đầu (645-650) lấy việc dịch Du-già Sư địa luận[19]làm trung tâm, đồng thời dịch những trước tác liên quan đến bộ luận này.
- Mười năm giữa (651-660), lấy việc phiên dịch Luận Câu-xá[20] làm trung tâm, và dịch những trước tác liên quan đến Câu-xá.
- Bốn năm sau cùng (660-664), lấy việc phiên dịch Kinh đại Bát-nhã[21] làm trung tâm.[22]
Một sự kiện xảy ra khi ngài Huyền Tráng chuẩn bị dịch bộ Kinh đại Bát-nhã: Vào ngày mồng một tháng giêng, mùa xuân, năm Hiển Khánh thứ 5 (660), ông bắt đầu dịch Kinh Bát-nhã. Bản chữ Phạn tổng cộng gồm 200.000 bài tụng, văn từ quá bao la, nên đồ chúng yêu cầu ông cắt lược bớt. Pháp sư định tùy theo ý nguyện của đồ chúng, như cách phiên dịch của La-thập, bỏ rườm rà, cắt trùng lặp. Nhưng khi mới nghĩ như vậy thì ban đêm nằm mộng thấy những việc cực kỳ đáng sợ, nhằm để cảnh tỉnh: như thấy đi qua những chỗ nguy hiểm, hoặc thấy mãnh thú bắt người, khiến ông run rẩy toát mồ hôi, rồi mới thoát được. Khi thức dậy hoảng sợ, kể lại giấc mộng vừa rồi với đại chúng, rồi theo như trước phiên dịch đầy đủ, thì đêm ấy ông thấy chư Phật Bồ-tát phóng hào quang từ giữa hai hàng lông mày, ánh sáng chạm đến thân mình, tâm ý thư thái. Pháp sư lại thấy tay mình cầm đèn hoa, cúng dường chư Phật; hoặc lên tòa cao, thuyết pháp cho đại chúng, có nhiều người vây quanh, khen ngợi cung kính; hoặc mộng thấy có người biếu mình những trái cây đặc biệt. Khi tỉnh giấc rất hoan hỷ, không dám cắt xén mà dịch đúng như bản chữ Phạn.[23]
Lý do vì sao Ngài Huyền Tráng không thể dịch bộ Kinh đại Bảo tích:[24] Ngày mồng một tháng giêng mùa xuân năm Lân Đức thứ nhất, các Đại Đức dịch kinh cùng với Tăng chúng chùa Ngọc Hoa ân cần thỉnh cầu dịch Kinh đại Bảo tích, Pháp sư thấy tấm lòng Tăng chúng rất chí thành, miễn cưỡng dịch được mấy hàng, liền xếp bản chữ Phạn lại, dừng nghỉ bảo với mọi người: Bộ kinh này dung lượng bằng kinh đại Bát-nhã, Huyền Tráng tự lượng khí lực của mình, sẽ không làm xong bộ này, ngày chết sắp đến, chẳng còn bao xa, nay muốn đến các cốc Lan Chi v.v., lễ bái từ giã Cu-chi Phật tượng.” Thế rồi, cùng với môn nhân ra đi, Tăng chúng nhìn nhau, không ai không cảm thấy bùi ngùi. Khi đảnh lễ xong, trở về chùa, chuyên tinh hành đạo, rồi chấm dứt hẳn việc phiên dịch.[25]
“Ngũ chủng bất phiên” là lý luận dịch kinh cụ thể nhất của Huyền Tráng được ghi chép trong Nam tông pháp vân phiên dịch danh nghĩa tập, quyển 1, như sau:
- Vì bí mật nên không phiên dịch, ví dụ như Đà-la-ni (thần chú)
- Vì hàm súc nhiều nghĩa, nên không phiên dịch, như Bạc-già-phạm, bao hàm đến sáu nghĩa.
- Vì ở Trung Hoa không có, nên không dịch, như cây Diêm-phù chẳng hạn.
- Vì theo người xưa nên không dịch, như A-nậu, Bồ-đề. Thực ra những chữ này có thể dịch được, nhưng từ Ma-đằng trở đi đều giữ nguyên âm Phạn cho nên không dịch.
- Vì để phát sinh điều lành nên không dịch, như để nguyên Phạn âm bát-nhã thì có vẻ trân trọng, còn dịch thành trí tuệ thì có vẻ bình thường; vì muốn cho người ta sinh lòng tôn kính, cho nên không dịch.
Theo nội dung của ngũ chủng bất phiên thì hoàn toàn thuộc về vấn đề dịch âm các danh tướng của Phật giáo. Huyền Tráng tổng kết ý kiến của người trước, hiệu đính thành năm nguyên tắc cơ bản của việc dịch âm. Xưa nay, những thuật ngữ của Phật giáo thường mang nhiều ý nghĩa hàm súc, nên khi muốn dịch âm, phải chọn một chữ Hán nào đó đủ sức biểu âm, mà không liên quan gì đến ý nghĩa để chuyển dịch. Nhưng những chữ đồng âm của Trung Quốc thì quá nhiều, cho nên, cùng một danh tướng (thuật ngữ) mà do người dịch khác nhau nên có nhiều tên dịch khác nhau. Do vậy rất dễ dẫn đến tình trạng sai lầm do xem văn mà liên tưởng đến ý nghĩa.
Giờ đây xin giải thích rộng về ngũ chủng bất phiên của Huyền Tráng:
1/ Vì bí mật nên không phiên dịch
Như Đà-la-ni (thần chú), nguyên tác Phạn văn, dhàrani, phiên âm Đà-la-ni, có chỗ ghi đà-la-na, đà-lân-ni v.v., chia thành bốn loại là: Pháp đà-la-ni, Nghĩa đà-la-ni, Chú đà-la-ni và Nhẫn đà-la-ni. Ý nghĩa ban đầu là “Trì, tổng trì, năng trì, năng già”, thông thường gọi thần chú là Đà-la-ni. Bất cứ tôn giáo nào cũng đều có tính chất thần bí, chú ngữ là một trong những loại đó, phải trì tụng đúng nguyên âm thì mới phát huy được năng lực thần thông lớn lao của chú ngữ. Trong Thông chí nhị thập lược của Trịnh Tiều, nói: “Nay Phạm tăng chú mưa thì có mưa rơi, chú rồng thì có rồng hiện, chỉ trong khoảnh khắc, theo âm thanh mà biến hóa. Nhưng Tăng sĩ Trung Hoa cũng học âm thanh ấy mà không linh nghiệm, là vì chưa đạt đến trình độ âm thanh chính xác vậy.”[26] Đại khái Huyền Tráng vì lý do bảo tồn nguyên âm của chú ngữ, cho nên chủ trương dịch âm chú ngữ, như chú ngữ sau cùng trong bản dịch Bát-nhã-ba-la-mật-đa tâm kinh của ông:
“Yết đế yết đế, ba la yết đế, ba la tăng yết đế, bồ đề tát bà ha”.
Nguyên tác Phạn văn: Gate gate pāragate pārasaṃgate bodhi svāhā.
Ý dịch của đoạn chú ngữ này là: “Đi qua, đi qua, đi qua bờ bên kia, tất cả qua bờ bên kia, hướng đến giác ngộ mà đi.”
Trước thời Huyền Tráng, La-thập dịch Ma-ha Bát-nhã-ba-la-mật đại minh chú kinh, đoạn chú ngữ này cũng được dịch âm.
2/ Vì hàm súc nhiều nghĩa nên không dịch
Như Bạc-già-phạm, nguyên tác chữ Phạn Bạc-già-phạm là bhagavat, có nhiều tên dịch như: Bà-già-bạn, Bà-già-phạn, bạc-a-phạn, bà-già-bà, bà-già-bạt-đế, v.v., nguyên ý là Thế Tôn, là tôn hiệu của Phật. Nhất thiết kinh âm nghĩa, quyển 3 nói: “Bà-già-bà, bản cũ gọi là công đức lớn, tên gọi bậc Chí Thánh, gọi đúng là Bạc-già-phạm.”[27]
Nhất thiết kinh âm nghĩa, quyển 10, nói: “Bạc-già-bạn, Phạn ngữ hoặc gọi là Bạc-già-phạm, Bà-già-bà, Bạc-già-bạt-đế, đều là đức hiệu thứ 10 của Phật.”[28]
Phật địa luận, quyển 1, nói: “Bạc-già-phạm bao hàm sáu nghĩa như sau: 1/ Tự tại; 2/ Xí thịnh; 3/ Đoan nghiêm; 4/ Danh xưng; 5/ Cát tường; 6/ Tôn quí.”
Vì bhagavat bao hàm nhiều nghĩa, nếu dịch một nghĩa nào đó thì không bao gồm hết các nghĩa khác, nên dịch âm là thỏa đáng nhất.
Trong Niết-bàn kinh du ý của Cát Tạng, nói: “Chẳng hạn chữ ma-ha, vốn là phiên âm của chữ mahā, dịch nghĩa là đại. Nhưng đại có sáu nghĩa: 1/ Thường hằng; 2/ Rộng rãi; 3/ Cao siêu; 4/ Sâu xa; 5/ Phong phú; 6/ Thắng diệu.”[29]
3/ Vì ở Trung Quốc không có nên không dịch
Như cây diêm-phù nguyên văn tiếng Phạn là Jambù. Phật học Đại từ điển của Đinh Phúc Bảo giải thích: “Một loại cây cao tại Ấn Độ, tên khoa học của nó là Eugeniajambolana, tuy là một loại thực vật rụng lá, nhưng thời gian rụng lá rất ngắn, lá non liền mọc ra ngay, lá ấy thẳng và nhọn, nở hoa vào khoảng tháng tư, tháng năm, có màu vàng trắng nhạt, hình dáng nhỏ nhắn, quả mới ra có màu vàng trắng, dần dần biến thành màu đỏ tía, và chín thì có màu đen hoặc là tía đậm, hình thù cỡ trứng chim sẻ, có vị chát hơi chua và ngọt. Kinh Niết-bàn bản Nam truyền, nói: “Cây am-la và cây diêm-phù, mỗi năm thay lá ba lần.”
Vì Trung Quốc không có cây diêm-phù, nên chỉ có thể dịch âm tên của nó. Hễ gặp những gì ở Trung Quốc không có như thế thì Huyền Tráng đều theo tiêu chuẩn này.
4/ Dựa theo người xưa nên không dịch
Như a-nậu, bồ-đề. Thực ra hai chữ này có thể dịch được, nhưng từ Ma-đằng đến nay đều giữ nguyên âm Phạn nên noi theo đó mà không dịch.
Chữ a-nậu nguyên văn tiếng Phạn là anu, có chỗ dịch âm là a-thỏ, a-nỗ. v.v., nguyên ý là rất nhỏ. Pháp uyển nghĩa lâm chương, quyển 5, của Khuy Cơ đời Đường giải thích: “A-nỗ nghĩa là cực kỳ bé nhỏ, nên gọi tên nó là cực vi.”[30] Bồ-đề nguyên chữ Phạn là bodhi, cách dịch cũ gọi là đạo, cách dịch mới gọi là giác.
Luận đại Trí độ nói: “Bồ-đề, tiếng nước Tần gọi là trí tuệ vô thượng.”[31] Những chữ vừa nêu trên đều có thể dịch ý, nhưng vì từ Ca-diếp-ma-đằng thời Đông Hán trở đi, đều dùng cách dịch âm, đã trở thành quy ước thông tục, ai nấy đều hiểu, không cần sáng tạo thêm một tên dịch mới, nên không dịch. Khi gặp các trường hợp tương tự như thế, Huyền Tráng đều chủ trương theo xưa không dịch.
5/ Vì để phát sinh điều lành nên không dịch
Như dùng từ Bát-nhã thì có vẻ trân trọng, còn dịch thành trí tuệ thì có vẻ tầm thường. Vì muốn người ta sinh lòng cung kính nên không dịch.
Chữ bát-nhã nguyên tác tiếng Phạn là prajñā, có các tên dịch như ban-nhã, ba-nhã, bát-la-nhã, bát-thích-nhã, bát-la-chỉ-nương, bát-lại-nhã, ba-lại-nhã, bát-thận-nhương, ba-la-xương, v.v… Nguyên ý là tuệ, trí tuệ, sáng suốt. Đối với Phật giáo, trí tuệ được phân biệt thành nhiều tầng bậc cạn sâu, nhưng Bát-nhã là đệ nhất, vô thượng, vô tỷ, vô đẳng, không gì hơn trong các loại trí tuệ.[32] Nếu như chỉ dịch bát-nhã là tuệ, trí tuệ, sáng suốt, thì không đủ để biểu đạt các khái niệm đệ nhất, vô thượng, vô tỷ, vô đẳng và không gì hơn. Khi gặp những trường hợp như vậy, Huyền Tráng cho rằng nên dùng cách dịch âm, mới có thể khiến người ta sinh lòng cung kính.
Nói tóm lại, tìm kiếm những bản kinh nguyên vẹn, trung thành với nguyên điển, có năm trường hợp không dịch, đó chính là trọng tâm lý luận dịch kinh của Huyền Tráng. Sự thành tựu về những phương diện này hết sức khả quan. Luật sư Đạo Tuyên đời Đường đánh giá ông rất cao: “Ở đời có Trang Công, cao trội hơn đồng loại, đi về chấn động, đã từng kinh lịch qua hơn trăm nước, quân thần đều tôn kính, tiếp xúc luận bàn, vạch rõ những yếu chỉ sâu xa, khiến cho người Hoa, Nhung đều vui thích. Thế nên vào đời Đường, ông thuộc về những người dịch kinh lớp sau mà không cần bắt chước người trước, cầm bản Phạn văn lên so sánh thẩm định, đã sửa chữa nhiều chỗ sơ suất của người trước.”[33]
5/ Lý Luận Dịch Kinh Của Tán Ninh (919-999)
Đại sư họ Cao, pháp danh là Tán Ninh, nguyên quán ở Bột Hải, vào cuối đời Tùy dời đến ở huyện Đức Thanh thuộc quận Ngô Hưng. Ông nội tên Huyền, cha tên Thẩm, đều ở ẩn giữ đức không ra làm quan. Mẹ ông họ Chu. Ông sinh tại nhà riêng ở núi Kim Vũ, vào năm Kỷ Mão (919), niên hiệu Trinh Minh thứ 7 đời nhà Lương. Ông xuất gia trong khoảng năm Thiên Thành (926 – 930) đời Hậu Đường. Vào đầu năm Thanh Thái (934) ông vào núi Thiên Thai thọ giới Cụ túc, học luật Tứ phần, tinh thông luật của Nam Sơn (Đạo Tuyên). Sau đó Ngô Việt Trung Ý Vương tấn phong Tán Ninh làm Lưỡng nhai Tăng Thống, hiệu là Minh Nghĩa Tôn Văn Đại Sư.
Theo Thích thị kê cổ,[34] quyển 4, thì Tán Ninh viên tịch tháng 2, mùa xuân, năm Hàm Bình thứ 2 (999), hưởng thọ 81 tuổi, đến tháng 3 nhập tháp tại chùa Thiên Thọ. Đến năm Thiên Thánh thứ 7 (1029) người chắt của ông là Tôn Thạnh mở tháp đem nhục thân trà tỳ, thu di hài xá lợi mang về an táng tại quê nhà là Tiền Đường.
Sách Tương sơn dã lục, quyển hạ, viết: “Tăng Lục Tán Ninh có học thức sâu rộng, thông bác mọi việc xưa nay, viết hàng trăm quyển sách, Võ Xưng Vương Nguyên, Từ Kỵ Tỉnh Huyền hễ có nghi nghờ điều gì đều đến hỏi ông, và hết sức thán phục ông.”[35]
Lý luận dịch kinh của Tán Ninh được ghi chép trong Tống cao Tăng truyện,[36] quyển 3, do ông biên soạn như sau: Tôi thấy Đạo An soạn ngũ thất bản, tam bất dị; Ngạn Tôn nêu ra bát bị, Minh Tắc thì soạn phiên kinh nghi thức, còn Huyền Tráng thì đề xuất ngũ chủng bất phiên, những loại này tương tự như những tổng kết của Tả Thị, giống như thể lệ của các sử gia.
Giờ đây tôi đúc kết lý luận phiên dịch thành tân ý lục lệ như sau:
- Dịch chữ, dịch âm.
- Hồ ngữ, Phạn ngữ.
- Dịch lại, dịch thẳng.
- Thô ngôn, tế ngữ.
- Hoa ngôn, nhã tục.
- Trực ngữ, mật ngữ.
Tán Ninh sáng tạo ra tân ý lục lệ, tức sáu quy tắc mới mẻ, là bắt chước việc làm của tiền nhân.
Các quy tắc trên được ông giải thích đại khái như sau:
1/ Dịch chữ, dịch âm
Đây là văn dịch kinh điển của chữ Hán, đầy đủ cả âm và nghĩa, chính là yếu tố tiên quyết của việc dịch kinh.
2/ Hồ ngữ, Phạn âm
Tại Ngũ Thiên Trúc (Ấn Độ) thuần túy Phạn ngữ, còn miền Bắc Tuyết Sơn thuộc về Hồ. Khi kinh luật của Thiên Trúc truyền đến nước Quy Tư, người Quy Tư không nói được tiếng Thiên Trúc, gọi Thiên Trúc là nước Đặc-già, rồi đem kinh luật ấy dịch ra tiếng nước Hồ (Quy Tư), nếu chỗ nào không hiểu thì giữ nguyên tiếng Phạn, do đó mà cả Hồ và Phạn lẫn lộn với nhau.
3/ Dịch lại, dịch thẳng
Như kinh điển truyền đến Lĩnh Bắc, Lâu Lan, Yên Kỳ, nơi đây không biết tiếng Thiên Trúc, họ bèn dịch sang Hồ ngữ. Sau đó kinh điển này truyền sang Đông Hạ (Trung Hoa), rồi người Trung Hoa dịch sang tiếng nước mình. Đó là dịch lại. Còn trường hợp kinh điển từ Thiên Trúc đem đến Đông Hạ, rồi người Đông Hạ đem dịch ra tiếng bản địa. Đó gọi là dịch thẳng.
4/ Thô ngôn, tế ngữ
Như dùng những lời nói phổ thông của thời đại để dịch kinh, đó gọi là thô ngôn. Còn khi dùng những ngôn ngữ tế nhị, tao nhã để biểu đạt ý kinh thì gọi là tế ngữ.
5/ Hoa ngôn, nhã tục
Như dùng văn tự để ghi lại lời nói là nhã, còn dùng ngôn ngữ thông dụng để nói là tục. Nhã ngữ như các loại văn chương ngày xưa của Trung Quốc được dùng trong Kinh Thư, Tử Thư, Chu Dịch, Lão Trang, v.v… Còn tục ngữ là chỉ cho người dịch kinh dùng những ngôn ngữ phổ thông đương hiện hành để dịch kinh. Loại này tương tự như thô ngôn đã nói ở trên.
6/ Trực ngữ, mật ngữ
Căn cứ vào ý nghĩa của văn tự tiếng Phạn mà phiên dịch là trực ngữ. Còn căn cứ vào ý nghĩa tế nhị tiềm ẩn của Phạn văn mà phiên dịch là mật ngữ. Chẳng hạn tiếng phạn “Bà-lưu-sa” mà dịch là “Đừng ác khẩu” là trực ngữ, còn dịch thành “Bồ tát biết được bờ bên kia” là mật ngữ. Người nghiên cứu Phật điển Hán dịch cần phải hiểu những điểm ấy, nếu không thì rất dễ ngộ nhận ý nghĩa của kinh, phạm sai lầm trông gà hóa cuốc.
Trên đây, chúng tôi đã trình bày những lý luận dịch kinh khá cô đọng và súc tích theo tiến trình thời gian của các Đại sư Đạo An, La-thập, Ngạn Tôn, Huyền Tráng và Tán Ninh. Hy vọng những tư liệu này có thể giúp ích được phần nào cho các dịch giả Phật giáo Việt Nam đang tiến hành chuyển ngữ Tam tạng Thánh giáo chữ Hán và các ngôn ngữ khác sang tiếng Việt – là tiếng nói của dân tộc mình. Một công trình mà các nước bạn Phật giáo láng giềng Việt Nam đã thực hiện từ lâu.
_____________
[1] Chỉ cỗ ngữ Sanskrit và Pāli
[2] Trường Thủy Sa-môn Tử Tuyền Lục, Kim cương kinh toản yếu san định ký, quyển 1 (長水沙門子璿錄。金剛經纂要刊定記卷第一): CBETA, T33, no. 1702.
[3] Lương Hội Khể Gia Tường Tự Sa-môn Thích Huệ Hiệu soạn, Cao Tăng truyện, quyển 2, Cưu-ma La-thập (梁會稽嘉祥寺沙門釋慧皎撰。高僧傳卷第二鳩摩羅什): CBETA, T50, no. 2059.
[4] Hậu Tần Thích Tăng Triệu tuyển, Chú Duy-ma-cật kinh, quyển 1, Tinh Tự (後秦釋僧肇選。注維摩詰經卷第一并序): CBETA, T38, no. 1775.
[5] Trường An Thích Tăng Duệ thuật, Đại Trí độ luận, Ma-ha Bát-nhã-ba-la-mật kinh thích luận tự (長安釋僧叡述。大智度論,摩訶般若波羅蜜經釋論序): CBETA, T25, no. 1509.
[6] Thích Tăng Duệ, Trung luận tự (釋僧叡。中論序): CBETA, T30, no. 1564.
[7] Thích Tăng Duệ, Trung luận tự (釋僧叡。中論序): CBETA, T30, no. 1564.
[8] Mã Minh Bồ-tát tạo, Hậu Tần Tam tạng Cưu-ma La-thập dịch, Đại Trang nghiêm luận kinh (馬鳴菩薩造,後秦三藏鳩摩羅什譯。大莊嚴論經): CBETA, T04, no. 201.
[9] Mã Minh Bồ-tát tạo, Hậu Tần Tam tạng Cưu-ma La-thập dịch, Đại Trang nghiêm luận kinh (馬鳴菩薩造,後秦三藏鳩摩羅什譯。大莊嚴論經): CBETA, T04, no. 201.
[10] Trần Dần Khác (1927), Đồng thụ Dụ man luận Phạm văn tàn bản bạt, Thanh Hoa học báo: 陳寅恪 (1927),童受喻鬘論梵文殘本跋,清華學報.
[11] Trần Dần Khác (1927), Đồng thụ Dụ man luận Phạm văn tàn bản bạt, Thanh Hoa học báo: 陳寅恪 (1927),童受喻鬘論梵文殘本跋,清華學報.
[12] Trần Dần Khác (1927), Đồng thụ Dụ man luận Phạm văn tàn bản bạt, Thanh hoa học báo. 陳寅恪 (1927),童受喻鬘論梵文殘本跋,清華學報。
[13] Trường An Thích Tăng Duệ, Xuất Tam tạng ký tập, quyển 8, Đại phẩm kinh tự đệ nhị. CBETA, T55, no. 2145. 長安釋僧叡。出三藏記集卷8,大品經序第二。CBETA, T55, no. 2145。
[14] Lữ Trừng (2010), Trung Quốc Phật học tư tưởng khái luận, Thiên Hoa Xuất Bản Xã, Đài Bắc. 呂澂 (2010),中國佛學思想概論,天華出版社,臺北。
[15] Thích Tăng Hựu soạn, Xuất Tam tạng ký tập. CBETA, T55, no. 2145. 釋僧祐撰。出三藏記集序。CBETA, T55, no. 2145。
[16] Trần Dần Khác (1927), Đồng thụ Dụ man luận Phạm văn tàn bản bạt, Thanh hoa học báo. 陳寅恪 (1927),童受喻鬘論梵文殘本跋,清華學報。
[17] Tục Cao Tăng truyện (續高僧傳), quyển 2: CBETA, T50, no. 2060, p. 436, b15 – p. 439, c15.
[18] Tục Cao Tăng truyện (續高僧傳), quyển 2: CBETA, T50, no. 2060, p. 436, b15 – p. 439, c15.
[19] Di Lặc Bồ-tát thuyết, Tam tạng Pháp sư Huyền Trang phụng chiếu dịch, Du-già sư địa luận (彌勒菩薩說,三藏法師玄奘奉詔譯。瑜伽師地論): CBETA, T30, no. 1579.
[20] Tôn giả Thế Thân tạo, Tam tạng Pháp sư Huyền Trang phụng chiếu dịch, A-bì Đạt-ma Câu-xá luận (尊者世親造,三藏法師玄奘奉詔譯。阿毘達磨俱舍論): CBETA, T29, no. 1558.
[21] Tam tạng Pháp sư Huyền Trang phụng chiếu dịch, Đại Bát-nhã Ba-la Mật-đa kinh (三藏法師玄奘奉詔譯。大般若波羅蜜多經): CBETA, T05, no. 220.
[22] Lữ Trừng (2010), Trung Quốc Phật học tư tưởng khái luận, Chương 8 – Sự hưng khởi và phát triển tông phái, Thiên Hoa xuất bản xã, Đài Bắc.
[23] Đại Đường Tây Minh Tự Sa-môn Thích Đạo Tuyên soạn, Tục cao Tăng truyện, quyển 4, Kinh Đại từ ân tự Thích Huyền Trang truyện nhất (大唐西明寺沙門釋道宣撰。續高僧傳卷第四。京大慈恩寺釋玄奘傳一): CBETA, T50, no. 2060.
[24] Đại Đường Tam tạng Pháp sư Bồ-đề Lưu Chí phụng chiếu dịch, Đại Bảo tích kinh (大唐三藏法師菩提流志奉詔譯。大寶積經): CBETA, T11, no. 310.
[25] Đại Đường Tây Minh tự, Sa-môn Thích Đạo Tuyên soạn, Tục cao Tăng truyện, quyển 4, Kinh Đại từ ân tự Thích Huyền Trang truyện nhất (大唐西明寺沙門釋道宣撰。續高僧傳卷第四。京大慈恩寺釋玄奘傳一): CBETA, T50, no. 2060.
[26] Tống Trịnh Tiều soạn, Vương Thụ Dân điểm hiệu (1995), Thông chí nhị thập lược, Trung Hoa Thư Cục. 宋鄭樵撰,王樹民點校。通志二十略。中華書局。
[27] Phiên Kinh Sa-môn Huyền Ứng soạn, Nhất thiết kinh âm nghĩa, quyển 1, Đệ tam quyển (翻經沙門玄應撰。一切經音義卷1,第三卷): CBETA, C056, no. 1163.
[28] Phiên Kinh Sa-môn Huyền Ứng soạn, Nhất thiết kinh âm nghĩa, quyển 1, đệ Tam quyển. CBETA, C056, no. 1163. 翻經沙門玄應撰。一切經音義卷1,第三卷。CBETA, C056, no. 1163。
[29] Sa-môn Cát tạng soạn, Niết-bàn kinh du ý. CBETA, T38, no. 1768. 沙門吉藏撰。涅槃經遊意。CBETA, T38, no. 1768。
[30] Cơ soạn, Đại thừa pháp uyển nghĩa lâm chương, quyển đệ ngũ. CBETA, T45, no. 1861. 基撰。大乘法苑義林章卷第五。CBETA, T45, no. 1861。
[31] Trường An Thích Tăng Duệ thuật, Đại Trí độ luận, quyển 1, Ma-ha Bát-nhã-ba-la-mật kinh thích luận tự. CBETA, T25, no. 1509. 長安釋僧叡述。大智度論卷一,摩訶般若波羅蜜經釋論序。CBETA, T25, no. 1509。
[32] Trường An Thích Tăng Duệ thuật, Đại Trí độ luận, quyển 1, Ma-ha Bát-nhã-ba-la-mật kinh thích luận tự. CBETA, T25, no. 1509. 長安釋僧叡述。大智度論卷一,摩訶般若波羅蜜經釋論序。CBETA, T25, no. 1509。
[33] Tục Cao Tăng truyện (續高僧傳), quyển 2: CBETA, T50, no. 2060, p. 436, b15 – p. 439, c15.
[34] Ô Trình Chức Lí Bảo Tướng, Tỳ-kheo Thích Thị Kê Cổ Lược, quyển 4. CBETA, T49, no. 2037. 烏程職里寶相比丘釋。釋氏稽古略卷四。CBETA, T49, no. 2037。
[35] Tống Văn Oánh Soạn, Trịnh Thế Cương, Dương Lập Dương điểm hiệu (1984). Tương Sơn Dã Lục, Tục Lục, Ngọc Hồ Thanh Thoại. Trung Hoa Thư Cục. [宋]文瑩撰,鄭世剛,楊立揚點校(1984)。湘山野錄·續錄·玉壺清話。中華書局。
[36] Tống Tả Nhai Thiên Thọ Tự Thông Huệ Đại sư, Tứ Tử Sa-môn Tán Ninh đẳng phụng sắc soạn. Tống Cao Tăng truyện, Quyển thứ 3. CBETA, T50, no. 2061. 宋左街天壽寺通慧大師賜紫沙門贊寧等奉勅撰。宋高僧傳卷第三。CBETA, T50, no. 2061。