Bài viết này toát yết từ chuyên đề khảo cứu nghi lễ tự tứ mà chúng tôi viết cách đây ba năm, với tựa đề “CẦN HIỂU LẠI NGHI LỄ TỰ TỨ”. Mục đích giúp cho quý Phật tử nắm rõ kiến thức về nghi lễ truyền thống này. Có lẽ nhiều Phật tử Bắc tông hằng năm đi chùa, chứng kiến buổi lễ tự tứ được tổ chức tại các tự viện nhưng không hiểu ý nghĩa của nghi thức này khởi nguyên từ đâu? Đôi khi còn ngộ nhận đó là một buổi lễ sám hối của chư Tăng sau ba tháng an cư tu tập. Do đó mà chúng tôi trích lược cương yếu để mọi người có cái nhìn tổng quan về nghi thức này.
Thời xưa, nghi lễ tự tứ của Phật giáo được tổ chức theo lịch Ấn-độ vào ngày trăng tròn của tháng āśvayuja hoặc kārttika. “Kārttika” là tháng 8, “āśvayuja” tương ứng giữa tháng 9 đến giữa tháng 10.
Trong luật Tăng-kỳ của Đại chúng bộ (Mahāsaṅghika) ghi chép thời gian tự tứ: Tự tứ vào thời gian thứ nhất là ngày 15 tháng bảy (tức đã qua 3 tháng an cư ở giai đoạn đầu [tiền an cư], từ ngày 16 tháng tư đến ngày 15 tháng bảy). Tự tứ vào thời gian thứ hai là ngày 15 tháng tám (tính theo giai đoạn an cư sau [hậu an cư], từ ngày 16 tháng năm đến ngày 15 tháng tám).
Về các nước theo Phật giáo Nam truyền, họ tổ chức vào ngày 15 tháng chín Âm lịch. Nhưng luật Pāli lại nói có thể tự tứ một trong hai ngày, 14 tháng chín (cātuddasikāpavāraṇā), hoặc 15 tháng chín (paṇṇarasikāpavāraṇā) đều được. Nhưng Phật giáo Lào cũng là Phật giáo Nam truyền lại cử hành vào ngày trăng tròn tháng 10, gọi là lễ Boun Ok Phansa (lễ hội mãn chay) cuối mùa chay của Phật giáo (Buddhist Lent), sau lễ Wan Khao Phansa (mùa an cư). Ngày nay, tại Việt Nam, Phật giáo Bắc phương tự tứ vào ngày 15 tháng 7 Âm lịch. Ở Hàn Quốc, nó được thực hiện hai lần một năm vào cuối các khóa tu thiền mùa hè và mùa đông.
1. Nghĩa “tự tứ”:
Về thuật ngữ “tự tứ 自恣”, Nghĩa Tịnh dịch “tùy ý 隨意”. Sanskrit: pravāraṇā, Pāli: pavāraṇā; giống với nghĩa “xin phép cho cơ hội” – luật Tứ phần dịch: cầu thính 求聽, Ngũ phần dịch “vấn thính 問聽”. Cầu thính 求聽 và “vấn thính 問聽” tương đương nghĩa Pāli: okāsakata, là dành cho cơ hội, hay cho phép. Nghĩa là muốn cử tội tỳ-kheo, hay muốn chỉ lỗi ai, trước hết hỏi vị ấy có chịu nghe không, nếu chịu nghe thì mới được nói. Tuy nhiên danh từ “cầu thính”, “vấn thính” mang ý nghĩa: cá nhân chỉ lỗi cá nhân; còn “tự tứ” là nhờ tập thể Tăng chỉ lỗi.
Hình thức nghi lễ diễn ra như sau: Tỳ-kheo tự tứ đối trước vị nhận tự tứ (thọ tự tứ nhân 受自恣人) thưa, “Hôm nay Đại đức chúng Tăng tự tứ, tôi tỳ-kheo… cũng tự tứ. Nếu thấy, nghe, nghi tôi có tội, xin Đại đức trưởng lão thương xót chỉ bảo tôi. Nếu tôi thấy có tội sẽ như pháp sám hối (懺悔, Pāli: paṭikarissāmi).” Tất cả trong chúng, mỗi người, từ vị Thượng tọa lớn nhất cho đến tỳ-kheo nhỏ nhất, phải tự mình yêu cầu Tăng chỉ điểm.
2. Nguồn gốc của nghi lễ:
Trong một số bản kinh cổ (Trung A-hàm, Kinh Tự tứ v.v…) ghi chép: Vào ngày rằm tháng bảy v.v… Đức Phật ngồi giữa chúng tỳ-kheo, Ngài nói: “Này các tỳ-kheo, bây giờ Ta tự tứ (tức yêu cầu chỉ điểm), các thầy có khiển trách gì Ta đối với thân, khẩu chăng?” (văn Pāli trong Tương ưng: handa dāni, bhikkhave, pavāremi vo. Na ca me kiñci garahatha kāyikaṃ vā vācasikaṃ vā). Xá-lợi-phất đứng dậy, chắp tay bạch: “Chúng con không có gì chỉ trích Thế Tôn về thân hay về khẩu.” Rồi Xá-lợi-phất cũng thưa: “… Thế Tôn có điều gì chỉ trích con hay không, về thân hay về khẩu chăng?” Đức Phật bảo: “Ta không có gì chỉ trích ông về thân hay về khẩu.” Sau đó, tôn giả Vaṅgīsa (Bàng-kỳ-xá 傍耆舍) nói kệ:
“Nay ngày rằm thanh tịnh,
Năm trăm tỳ-kheo họp
Bậc Thánh cắt kết phược,
Vô phiền, đoạn tái sanh…”
Hình thức nghi lễ tối cổ của Phật giáo nói trên rất giống nghi lễ Paryushana của Kỳ-na giáo. Kỳ-na giáo (Jainism) do Mahavira sáng lập vào khoảng năm 600 trước Tl. (hoặc năm 599 – năm 527 trước Tl.), phái này phân thành hai truyền thống cổ là Digambaras và Śvētāmbaras. Digambaras chủ trương lõa thể, Śvētāmbaras chủ trương vận y phục (mặc y trắng). Hai hệ phái này đều có lễ hội quan trọng nhất hàng năm, phái Śvētāmbaras gọi là lễ Paryushana (Paryuṣan), nghĩa là an trú, hoặc đến cùng nhau. Digambaras gọi là lễ Dasa lakshana (Daśalakṣaṇa), nghĩa “mười phẩm chất tôn giáo”. Nó được tổ chức từ ngày 12 của trăng khuyết trong tháng âm dương, theo truyền thống của Bhādrapada lịch Ấn-độ; tương ứng với tháng 8 hoặc tháng 9 Tây lịch. Lễ hội kéo dài tám ngày đối với Śvētāmbaras, và mười ngày đối với Digambaras. Trong thời gian này là Tăng, ni, tín đồ Kỳ-na giáo học tập, suy ngẫm và thanh lọc chuyên sâu… Ngày cuối cùng liên quan đến việc thú tội và cầu xin sự tha thứ. Sự tha thứ được yêu cầu bằng cách nói “Michchhāmi Dukkaḍaṃ”, hoặc “Khamat khamna”, hay “Khamau Sa” với người khác. Điều này có nghĩa là, “Nếu tôi đã xúc phạm bạn theo bất kỳ cách nào, cố ý hay vô tình, trong suy nghĩ, lời nói hoặc hành động, thì tôi mong bạn tha thứ.” Nếu theo lịch Ấn-độ, lễ hội này diễn ra vào thời gian cuối mùa mưa, Tăng, ni Kỳ-na giáo đã trải qua an cư một chỗ.
Như vậy, chúng ta thấy nghi thức sách tấn nhắc nhở nhau sau ba tháng tu tập trong mùa mưa đã có từ lâu và trở thành nghi lễ truyền thống trên đất Ấn-độ. Sau đó, Phật giáo dần dần có những cuộc cách mạng sinh hoạt tôn giáo riêng, dựng lại một câu chuyện khác để lễ tự tứ tổ chức có lý do chính đáng và tránh hướng tương đồng với các phái ngoại đạo; như duyên khởi trong Luật tạng ghi chép, do các tỳ-kheo sống ba tháng an cư, tự lập quy chế không nói chuyện với nhau để tránh tranh chấp, khiến cho đức Phật chế, sau an cư phải cùng dạy bảo nhau. Lợi dụng cơ hội này, Nhóm sáu tỳ-kheo lại cử tội tỳ-kheo thanh tịnh. Từ đây khiến Phật quy định tiếp là sau an cư phải tự tứ và muốn chỉ lỗi ai phải xin phép trước.
Câu chuyện cải biên trong luật là muốn công kích, phê phán cách sống “im lặng” của biệt lập cá thể, tách rời đời sống tinh thần Tăng-già hòa hợp thanh tịnh. Do đó, lễ tự tứ mang mục đích Tăng-già hòa hợp, sách tấn dạy bảo nhau bởi tập thể có thẩm quyền cố vấn tinh thần. Dù một tu sĩ sống rút lui khỏi cấu trúc tổ chức xã hội thế tục, đeo đuổi một đời sống tâm linh cũng cần có một tổ chức theo nguyên tắc. Hoặc nó biểu hiện một xã hội Phật giáo phi cá thể, được điều hành bởi một hiến pháp dân chủ và cộng hòa. Cho nên dù tỳ-kheo an cư một mình, đến ngày tự tứ cũng phải tâm niệm: “Hôm nay ngày mười lăm làm lễ tự tứ (tùy ý), tôi bí-sô… ngày mười lăm cũng tâm niệm tự tứ (Ajja me pavāraṇā).”
Lễ tự tứ hoàn toàn không phải nghi lễ sám hối. Vì trong luật định, ngoại trừ phạm ba-la-di sẽ bị trục xuất khỏi Tăng, còn lại từ Tăng tàn trở xuống đều phải sám hối trước khi làm lễ tự tứ. Nếu tỳ-kheo có tội chưa sám hối không cho dự lễ tự tứ, trường hợp này gọi là “mất cơ hội tự tứ”, hoặc “có tội [không được] tự tứ” (pavāraṇāṭhapana).
Tâm Nhãn
Tài liệu tham chiếu:
- Jens Wilkens, Buddhist Monastic Life in Central Asia — A Bilingual Text in Sanskrit and Old Uyghur Relating to the Pravāraṇā Ceremony.
- Tăng-kỳ 27, T22n1425, p. 451b10. Tứ phần 38, T22n1428, p. 840b4; Ngũ phần 20, T22n1421, p. 133b18 & Yết-ma yếu chỉ, p. 294, v.v…
- officeholidays.com/holidays/lao/boun-ok-phansa.
- http://learnthaiwithmod.com/…/wan-khao-phansa-buddhist….
- en.wikipedia.org/wiki/Jainism; http://pluralism.org/paryushana-and-the-festival-of… & wisdomlib.org.
- Kinh Tự tứ (7. Pavāraṇāsuttaṃ) trong Tương ưng Tôn giả Vaṅgīsa, Tương ưng bộ (Saṃyuttanikāya I, 8. Vaṅgīsasaṃyuttaṃ, pp. 190 seq.);
- Trung A-hàm (Madhyamāgama) 29, 121 (T1n26, p. 610a8 – c21): Kinh Thỉnh thỉnh.
- Tạp A-hàm (Saṃyuktāgama) 45, 1212 (T2n99, p. 330a4 – c19): Kinh Hoài thọ.
- Tạp A-hàm (biệt dịch, Saṃyuktāgama) 12, kinh số 228 (T2n100, p. 457a29 – c28).
- Tăng nhất A-hàm (Ekottarikāgama) 24, phẩm 32, kinh thứ 5 (T2n125, pp. 676b28 – 677b27).
- Kinh Thọ tân tuế kinh, T1n61 (p. 858a14).
- Kinh Tân tuế, T1n62 (p. 859a28).