NĂM 1937 Hòa thượng Thích Trí Thủ, vâng lệnh Bổn sư là Ngài Viên Thành, về trú trì chùa Ba La. Nhân sự kiện này Hòa thượng Bích Phong, trú trì chùa Quy Thiện, cũng vừa là một nhà văn chương thi phú lỗi lạc trong giới Tăng sĩ Huế thời bấy giờ, đã đề tặng Hòa thượng Trí Thủ một bài thơ Đường, tựa đề “TRÍ THỦ PHÁP KHẾ TÂN NHẬM BA LA TỰ CHỦ CHI TẶNG, HÒA VẬN” – (Thơ tặng Hòa thượng Trí Thủ, người bạn đạo thân thiết, vừa được bổ nhiệm trú trì chùa Ba La). Bài thơ như sau:
. Phiên âm:
“Quân thị nhân trung ương bát la
Y truyền bất quý tác dương gia
Pháp thừa sơ tổ đình tiền tuyết
Đạo khế năng nhân thủ lý hoa,
Giảng tịch nhi kim xưng cự phách
Phật trường ức tự chiếm cao khoa
Thí tương pháp trao hoành Nam Phổ
Nguyệt sắc quang hàm vạn khoảnh ba”.
. Tạm dịch:
“Thầy là đóa Đàm Hoa vô nhiễm
Thọ bát y không thẹn Đạo nhà
Thừa Tổ nghiệp ví bằng Tuệ Khả
Ngộ Phật tâm sánh với Diếp Ba
Chốn đèn sách Thầy không thua kém
Tuyển Phật trường lại chiếm thủ khoa
Pháp thuyền một mái về Nam Phổ
Bát Nhã trăng soi sáng mọi nhà “
1-2:
Ưu bát la (Utpala) tức Ưu bát la Long vương, là tên của một trong tám vị Long vương theo đó, họ thường cùng nhau dẫn theo nhiều quyến thuộc đến non Linh Thứu nghe Phật thuyết kinh Pháp Hoa và nhiều kinh Đại thừa khác.
Ưu bát la, còn là tên một loài hoa, hoa Ưu đàm bát la (Uđambara) mà ta quen gọi là hoa Ưu đàm hay hoa Ưu bát la. Loại hoa này thật hiếm hoi trổ bông, sử chép những ba trăm năm mới một lần trổ) và khi ấy có Thánh nhân ra đời, có Phật xuất thế. Bởi thế trong Hoa ngữ gọi là Linh Thụy hoa; loài hoa ra đời mang niềm vui điềm lành đến cho nhân thế. Kinh Niết Bàn còn ví những hành giả hành trì Kinh Niết Bàn, sống trong phiền não mà không bị phiền não sử sai, như hoa Ưu bát la, hoa Bát đầu ma, hoa Câu-vật-đầu, hoa Phân-đà-lợi – mà cả hoa sen nữa chứ – là những loài hoa sanh ra và lớn lên từ chốn bùn lầy nước đọng nhưng chẳng chút lấm ô.
Người mà công hạnh uy dũng như tượng vương, long vương, và tâm hồn trong sáng vui tươi như hoa linh thụy, hoa vô nhiễm, ngửa lên không phụ ân Phật, nhìn xuống không thẹn chí kế thừa Tổ nghiệp. Đó là đức tánh, là đạo phong cốt cách của một Như Lai sứ giả, hành Như Lai sự, mà Thiền sư thi sĩ Bích Phong mang tặng Hòa thượng Thích Trí Thủ, lúc Người đến nhậm chức Trí trì chùa Ba La năm 1937.
“Thầy là đóa Đàm hoa vô nhiễm
Thọ bát y không thẹn đạo nhà“.
3-4:
Thuở xưa Tổ Bồ Đề Đạt Ma, từ Ấn Độ sang Trung Hoa không tìm được người để tâm truyền Chánh pháp, trọn ngày ngồi nhìn vào vách im lặng, trong chín năm tại chùa Thiếu Lâm Ở Trung Sơn. Chúng tăng không ai hiểu được. Người đời gọị Ngài là Bích quán Sa môn. ít lâu sau, có vị Tăng tên là Thần Quang, đến cầu đạo. Đường đi “Thiên Trượng) và nhiêu khê. Tới “Thiếu thất đình tiền”, Thần Quang chấp tay im lặng “hàn lập tuyết” hướng về Ngài. Đến sáng, tuyết ngập đến đầu gối mà gương mặt vẫn thản nhiên. Bồ Đề Đạt Ma thấy thế thương tình quay trở ra quở: “Pháp chân thừa đâu dễ truyền. ông lấy gì để minh chứng cho lòng cầu đạo ?” Nghe qua Thần Quang lén lấy dao chặt đứt cánh tay trái để chứng minh lòng khẩn cầu chánh pháp của mình. Về sau Thần Quang được Sơ Tổ Bồ Đề Đạt Ma, tâm truyền Chánh pháp và có tên là “Tuệ Khả” làm vị nhị Tổ Trung Hoa.
Hồi Phật tại thế, có vị đại đệ tử tên là Ca Diếp) còn gọi là Ca Diếp Ba. Vị đệ tử này nổi tiếng về khổ hạnh, phạm hạnh, là lối tu nhằm tịnh hóa tâm hồn. Ông cũng còn nổi tiếng là bậc xuất chúng về thâm hiểu mật ý của Phật. Một hôm, Phật Thích Ca, dịch là “Năng Nhân”, Ở trong hội Linh Sơn, tay cầm hoa sen đưa cao lên, cả hội chúng đều ngơ ngác, chẳng ai hiểu gì, chỉ một mình Ca Diếp Ba là đắc ý mĩm cười – niệm hoa vi tiếu – một cử chỉ biểu lộ sự lĩnh hội ý Phật. Về sau, Ca Diếp Ba được Phật Năng nhân, truyền trao Chánh pháp nhãn tạng, làm vị Sơ Tổ Ấn Độ, thống lãnh Tăng đoàn kế thừa Như Lai sự nghiệp.
Nhìn lại quảng đường mà Hòa thượng Thích Trí Thủ đã đi qua, trong ngót 3/4 thế kỷ, công hạnh tu trì, sự nghiệp truyền thừa chánh pháp và những cống hiến lớn lao cho Giáo hội, cho ngôi nhà Phật giáo nói chung, mẫu người như vậy, thấy cũng hiếm hoi trong hậu bán thế kỷ 20. Cho nên Thiền sư thi sĩ Bích Phong đã ví von Hòa thượng Thích Trí Thủ với những nhân vật lịch sử thời Phật, như Ca Diếp và sau Phật như Huệ Khả. Quả thật là không ngoa ngôn.
“Thừa Tổ nghiệp ví bằng Tuệ Khả
Ngộ Phật tâm sánh với Diếp Ba.”
5-6:
Nay thì với bạn bè đồng thuyền cùng hội trong sự nghiệp học hành tham cứu hoằng pháp lợi sanh, Hòa thượng cũng là người lỗi lạc. Đã vậy, trong kỳ thi tuyển để thọ giới cự túc, tại chùa Từ vân Đà Nẵng vào năm 1928, Hòa thượng đã trúng tuyển thủ Sa di trong số 300 giới tử. Bổn sư là Ngài Viên Thành lấy làm hài lòng và ban cho pháp hiệu Thích Trí Thủ.
“Chốn đèn sách thầy không thua kém
Tuyển Phật trường lại chiếm thủ khoa.”
7-8:
Chùa Ba La do Hòa thượng Viên giác, bổn sư Ngài Viên Thành, dựng lập. Ngài Viên Thành là bổn sư của Hòa thượng Thích Trí Thủ. Chùa tọa lạc tại làng Nam Phổ, xã Phổ Thượng, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên.
Nay với tay chèo cự phách, Hòa thượng sẽ đưa con thuyền Chánh pháp về cập bến Ba La. Nơi đây, Hòa thượng sẽ rót ánh sáng trăng Lăng Già mầu nhiệm, nhuần thấm muôn nhà.Thật vậy, bây giờ tại vùng đất trời Ba La Vỹ Dạ, hễ nhắc đến Hòa thượng Ba La thì không mấy ai không biết, vì trong thời gian dừng trú tại dây, Hòa thượng đã gieo rắc ánh Đạo đến khắp vùng.
“Pháp thuyền một mái về Nam Phổ
Bát Nhã trăng soi sáng mọi nhà.”
Bây giờ, bài thơ còn đó, mà người làm bài thơ đã tặng lẫn người được tặng bài thơ, đều đã đi cách xa chúng ta những muôn vạn dặm dường chân lý! Vói thì không thấu mà tìm thì biết đâu!
Nhạn quá trường không
Ảnh trầm hàn thủy
Nhạn vô di tích chi ý
Thủy vô lưu ảnh chi tâm
(Hương Hải Thiền Sư)
Cho hay, thiền sư đến và đi không hề để lại dấu tích. Người khổ lụy hữu tình ở lại, thì còn chưa sạch được âm thừa bi lụy. Hôm nay, ngày lễ giỗ đầu của Hòa thượng, đọc lại bài thơ mà tưởng nhớ đến Người ! Tâm tư dạt dào thương tiếc không nguôi!
50 năm qua rồi, 50 năm, kể từ ngày bài thơ xuất hiện (1937), vun vút băng qua trên ngút ngàn sự đổi thay qua nhân tâm và thế sự, hình bóng Người cũng thôi không còn nữa với thời gian, nhưng công hạnh của Người được xưng tụng trong bài thơ thì hãy còn kia và ngày một hiện thực rõ nét. “Đàm hoa lạc khứ hữu dư hương”.
[Kỷ yếu tưởng niệm HT Thích Trí Thủ]
1 Comment
Pingback: Thích Thiện Hạnh: Nhân một bài thơ về HT Thích Trí Thủ