“Tam giới bất an, do như hỏa trạch”
Kinh PHÁP HOA
HOÀN CẢNH HIỆN TẠI CỦA CHÚNG TA: HOÀN CẢNH MỘT NHÀ LỬA
Ngày nay, vấn đề hòa bình cũng được người ta biến thành một con bài trong cuộc tranh chấp. Vì vậy, trong thế giới loài người, ngoại trừ Chánh pháp vẫn được những người phục vụ có giữ tinh thần thuần túy của nó thì không kể, còn bao nhiêu cơ cấu xã hội và hết thảy cạnh khía sinh hoạt khác đều đang được huy động để tranh chấp với nhau, đang được đặt vào trọng thái chuẩn bị chiến tranh. Loài người, nhất là những kẻ la to nói lớn, đang làm gì, nếu không phải đang phun vào nhau lửa dữ của lòng họ để rồi thực sự dội bom lửa xuống đầu nhau? Lịch sử đã chứng minh điều đó. Và bởi vậy, thế giới loài người quả thật đang như một cái nhà lửa, đã cháy và sẽ cháy dữ dội. Lửa bén mồi khắp nơi, đã thiêu hủy và sẽ thiêu hủy hết thảy! Lửa, cả nghĩa bóng lẫn sự thật! Đức Phật đã từng phải nói: Tam giới vô an, do như hỏa trạch. Ý thức được một cách thâm thiết hoàn cảnh hiện tại của chúng ta, chúng ta càng cảm thấy lời nói ấy như diễn tả được nỗi thống cảm vô tận vang dội tự thâm tâm của mỗi con người.
NHỮNG HOÀN CẢNH ẤY LẠI LÀ PHẢN CHỨNG CHO NIỀM TIN TƯỞNG TUYỆT ĐỐI
Niềm tin tưởng ấy là tin tưởng vào “giá trị chân thật của con người”.
Con người được kết hợp bởi những khả năng xấu có, tốt có. Nhưng nói như vậy thực không bằng chứng minh rằng khả năng chỉ là khả năng: tất cả cái xấu của con người là do tự con người đã áp dụng sai những khả năng ấy, nên con người mới thành ra con người hiện tại, và hoàn cảnh mới thành ra hoàn cảnh hiện giờ. Như vậy, chính những cái xấu, nhất là những cái xấu cao độ của con người, lại có thể chứng minh rằng con người có những giá trị chân thật tức tất cả khả năng của nó mà nếu được phát huy bằng cách đảo lại sự áp dụng như loài người chúng ta đã dùng giá trị của mình hiện giờ thì con người có thể trở thành hoàn toàn: trở thành một hoàn nhân, một đức Phật. Cho nên đức Phật đã từng nói những giá trị chân thật là “ngọc minh châu gói trong áo rách của kẻ nghèo hèn”. Loài người chúng ta hiện giờ giàu hiểm họa mà thiếu hòa bình, chỉ vì cái vốn hòa bình chúng ta đã bỏ quên gần như cố ý, bằng cách đem ra mà sản xuất hiểm họa! Nhưng giá trị chân thật của con người vẫn là những giá trị chân thật: đó là niềm tin tưởng tuyệt đối, đối với những người tha thiết với sự tiến bộ hợp lý của nhân loại.
NIỀM TIN TƯỞNG ẤY BUỘC TA PHẢI CÓ MỘT NỖ LỰC PHI THƯỜNG…
Bởi vì con người chứa đựng trong bản thân cả một kho tàng giá trị chân thật nhưng giá trị ấy phải được phát huy bằng một cuộc đảo lợi sự áp dụng sai lạc của loài người, một công việc hiện giờ rất ít người để ý đến nó, chứ đừng nói là có nhiều kẻ theo đuổi và theo đuổi một cách dễ dàng. Tuy nhiên, chính những giá trị chân thật làm cho con người dầu gian hùng đến mức độ nào đi nữa cũng chỉ như một kẻ sống trong cơn ác mộng, nhưng đời họ, ít nhất, cũng có những phút tự giác việc làm của mình là phi lý: chính đó là niềm tin tưởng của những người phục vụ Chánh pháp. Sứ mạng của những người phục vụ Chánh pháp là gì, nếu không phải là gieo rắc và làm nảy nở sự tự giác của con người, hay nói một cách khác, nếu không phải là kêu gọi và khuyến khích nhân loại trong sự áp dụng một cách hợp lý những giá trị chân thật của họ? Và sự áp dụng hợp lý ấy càng ít kẻ ý thức, càng ít người theo đuổi ngần nào, sứ mạng người phục vụ Chánh pháp càng phải có một kiên nhẫn và một nỗ lực phi thường ngần ấy, một kiên nhẫn và một nỗ lực phi thường do niềm tin tưởng vô tận của họ đối với nhân loại.
ĐỂ MÀ PHỤC VỤ CHÁNH PHÁP, NGHĨA LÀ PHỤC VỤ NHÂN LOẠI
Cho dẫu thế nào chăng nữa con người cũng vẫn có những phút tự giác, sống với giá trị chân thật của mình, chính có là những điều làm cho những người phục vụ Chánh pháp nếu đã tin tưởng vào con người ngần nào, thì cũng tin tưởng vào Chánh pháp ngần ấy. Số mạng độc nhất của Chánh pháp là chứng minh và phát triển giá trị thật của con người, đồng thời cũng chứng minh và đề cao rằng chỉ có giá trị thật mới là lẽ sinh tồn của nhân loại. Nhân loại không thể nào gọi là sinh tồn văn minh, hạnh phúc, trong lừa đảo thù oán và chiến tranh, nói tóm, nếu nhân loại áp dụng sai những giá trị chân thật của mình là nhân loại tự tử. Cho nên muốn cái viễn ảnh tự tử ấy đừng biến thành sự thật, thì công việc căn bản là phải áp dụng Chánh pháp, tức áp dụng đúng những giá trị chân thật của con người. Và những ai thành tâm phục vụ nhân loại như thế đó chính là phục vụ Chánh pháp.
Người ta sẽ đem cái hiện trạng cuồng loạn của loài người mà bảo rằng việc làm của những người phục vụ Chánh pháp là một việc làm không có kết quả. Nhưng sao lại không có kết quả? Có thể nào bảo một việc cần thời gian lâu dài, cần tỉ mỉ với một kiên nhẫn và một nỗ lực phi thường mới đạt được, là một việc làm không có kết quả chăng? Nhưng nói đúng đắn, việc làm hợp lý thì cái lý nó buộc những người thành thực với nhân loại phải làm, làm theo ý nguyện của mình: còn cái kết quả không thể nói là không có mà phải nói là lâu xa ấy, không vì vậy mà những người phục vụ Chánh pháp từ bỏ hay giao động sứ mạng của mình. Chính điều này, biểu lộ sự tin tưởng tuyệt đối vào Chánh pháp đối với nhân loại. Những người phục vụ Chánh pháp tin như tin đức Phật, tin như tin giá trị đời sống của họ, rằng nếu Chánh pháp bại trận hoàn toàn ở đâu, thì ở đấy nhân loại phải tiêu diệt, thì ở đấy nhân loại đã có nghĩa là tiêu diệt rồi.
VÀ ĐÂY: MỘT GƯƠNG MẪU CỦA SỰ PHỤC VỤ ẤY
Trong kinh Pháp-hoa có chép việc Ngài Thường-bất-khinh. Thường-bất-khinh có nghĩa là khiêm tốn, đồng thời cũng có nghĩa là không khinh thị giá trị chân thật, không khinh thị ý thức tự giác của con người, Ngài Thường-bất khinh, vì vậy, khi nào cũng nói câu nói duy nhất này:
“Tôi không dám khinh các người. Các người cũng có khả năng thành một đức Phật. Các người sẽ thành Phật. Nói như vậy dầu bị chửi rủa, đuổi đánh, cũng vẫn không ngừng trong trăm đời ngàn kiếp.
Chúng ta thấy gì trong cái gương phục vụ ấy? Trước hết, “mọi người đều sẽ thành Phật” là một lời nói biểu lộ bằng tất cả mọi việc làm, chứ không phải chỉ có lời nói mà thôi. Thứ nữa, lời nói đó là cái đích, cái hướng của sự phục vụ Chánh pháp, những người phục vụ Chánh pháp phải hướng mọi hành động của mình vào đấy. Sau hết, phải ý thức rằng chỉ có điều đó mới là lý tưởng hoạt động của Chánh pháp chỉ có điều đó mới có giá trị thật đối với nhân loại.
Chính vì cái điều sau hết này, mà ai có ý nghĩ rằng phục vụ Chánh pháp là phải xông pha vào những lối rẽ khác, đặt tính chất thời đại vào sự phục vụ Chánh pháp, thì đây chỉ là ý nghĩ bị khuynh loại, bị giao động, ý nghĩ của sụ nông nổi, sau hết, đấy là ý nghĩ của dục vọng. Kẻ đó thật là người có tội đối với Chánh pháp vụ Nhân loại. Sự chiến đấu toàn diện của những người phục vụ Chánh pháp trước hết, là nhằm vào ý tưởng đó.
TRÍ QUANG
(trích Tập chí Phật giáo Việt Nam, số 1 năm 1956)