Tạo dựng mùa xuân của đất trời là do đất trời quan hệ với nhau mà tạo thành. Sự oi bức và rắn rỏi của mùa hạ, sự mát dịu và thanh đạm của mùa thu, sự âm thầm và lạnh buốt của mùa đông đều đã góp phần cho sự có mặt của mùa xuân đầy sức sống và ấm áp để cho ngàn đóa hoa đua nở và để cho ngàn chim muông hát ca.
Nhìn xuân ta không nhìn bằng đôi mắt đơn điệu mà phải nhìn sâu để hiểu thấu và để cảm nhận những gì mà xuân đang hiến tặng cho ta.
Ta thường quen nghĩ mùa xuân hoa mới nở, nhưng thực ra trong trời đất bốn mùa đều có hoa nở. Mùa xuân có hoa Lan nở, mùa hạ có hoa Sen nở, mùa thu có hoa Cúc nở và mùa đông có hoa Hải Đường hay hoa Trà Mi nở. Trong bốn mùa, mùa nào cũng có hoa nở, nhưng liệu ta có nhận ra điều đó để nuôi sống và tạo nên thiên đàng hạnh phúc cho ta hay không!
Có khi ta sống giữa mùa xuân, nhưng ta lại đi tìm kiếm xuân, và cũng có khi ta đang sống giữa mùa đông, nhưng ta không lạnh lẽo, ta vẫn có chất liệu ấm áp của mùa xuân. Ta có mùa xuân trong cuộc sống của ta hay không là do khả năng quán chiếu và thực tập chánh niệm của ta. Ta thực tập chánh niệm càng nhuyễn và sâu, thì mùa xuân luôn có mặt trong ta.
Ta có chánh niệm là ta có khả năng lựa chọn những thức ăn thích hợp để nuôi thân và tâm ta.
Mùa xuân ta có thể ăn rau tía tô, mùa hạ ta có thể ăn rau diếp cá, xà lách, mùa thu ta có thể ăn măng và mùa đông ta có thể ăn giá, gỏi và gừng…
Thực phẩm hay rau trái của mỗi mùa, đều có tác dụng giúp cho thân thể ta tiêu thụ trong chiều hướng thuận hợp và khinh an, nếu ta biết chọn lựa.
Ta không có khả năng chọn lựa thực phẩm để nuôi dưỡng sự khinh an của thân là do ta sống không có chánh niệm. Ta sống không có chánh niệm thì ta không có khả năng tạo dựng mùa xuân cho ta và cho những người xung quanh ta.
Ta có thể tạo dựng mùa xuân cho ta bằng chất liệu Lắng Yên.
Lắng Yên là không lao xao, không vội vã, không bồn chồn. Nghĩa là khi ta nhìn, nghe, ngửi, nếm, tiếp xúc và nghĩ đến một cái gì thì chỉ là cái đó và ta bám sâu về cái đó để thấy và để hiểu. Nhờ vậy mà tâm ta được yên lắng. Do tâm ta yên lắng, nên ta có khả năng tạo dựng mùa xuân cho ta và cho những người chung quanh ta.
Ta có thể tạo dựng mùa xuân cho ta và cho những người chung quanh ta bằng chất liệu Soi Sáng.
Soi Sáng là thắp sáng và soi chiếu. Nghĩa là ta thắp sáng tâm ta lên không để cho tâm ta bị ngủ vùi ở trong bóng tối. Và nếu ta không có khả năng thắp sáng tâm ta lên thì ta cũng không có khả năng soi chiếu.
Tâm ta thường bị ngủ vùi ở trong những cảm giác, những tri giác, những tập khí của chủng tử và những nhận thức sai lầm.
Ta thắp sáng tâm ta lên bằng ý thức chánh niệm và ta soi sáng vào các cảm giác, tri giác, tập khí chủng tử và những nhận thức sai lầm ấy thì tức khắc những sai lầm của cảm giác, tri giác, tập khí, chủng tử và nhận thức của ta sẽ được chuyển hóa và chúng ta sẽ được thăng tiến trong một chiều hướng tốt đẹp. Và như vậy, ta đã tạo dựng được mùa xuân ngay từ nơi cảm giác, tri giác, chủng tử và nhận thức của ta. Ta có có khả năng tạo dựng mùa xuân cho ta, thì ta mới có khả năng tạo dựng mùa xuân cho những người chung quanh.
Ta cũng có thể tạo dựng mùa xuân cho ta và cho những người chung quanh bằng chất liệu Cảm Thông.
Cảm Thông là cảm nhận được nỗi đau của người cũng có thể là nỗi đau của mình, nỗi khó khăn hoặc bất hạnh của người cũng có thể là nỗi khó khăn và bất hạnh của mình, do đó tâm ta khởi lên sự thông cảm, tha thứ và bao dung. Khi tâm ta có chất liệu cảm thông là đời sống của ta không còn bị đóng khung ở trong một ốc vỏ khô cứng nghèo nàn. Ta có sự cảm thông là đời sống của ta bắt đầu giàu có, mùa xuân trong đời sống của ta không còn là hồn nhiên mà là mùa xuân trưởng thành, ta có thể xây dựng mùa xuân cho ta bất cứ ở đâu và bất cứ lúc nào. Đối với bất cứ ai, ta cũng đều có thể giúp cho họ tạo dựng mùa xuân cho chính họ.
Ta cũng có thể tạo dựng mùa xuân cho ta và cho những người chung quanh ta bằng chất liệu NẮM LẤY TAY NHAU.
NẮM LẤY TAY NHAU là ta hiện hữu. Ta hiện hữu với những gì có mặt chung quanh ta.
Mặt trăng, mặt trời đã mỉm cười và nắm lấy địa cầu để soi sáng, địa cầu đã mỉm cười và nắm lấy mặt trời, mặt trăng để chuyển động, bình minh và hoàng hôn đã nắm lấy tay nhau và giúp nhau có mặt, sông và núi đã giúp nhau và có mặt trong nhau và đã cùng nhau hiện hữu.
Ta không nắm lấy tay nhau là ta không còn hiện hữu. Ta không nắm lấy tay nhau là ta phản bội sự sống và ta phản bội chính ta.
Mùa xuân đã nắm lấy tay mùa hạ để đi và nắm tay mùa đông để về, và mùa thu nắm lấy tay mùa đông để đi và nắm tay mùa hạ để về, mùa Đông đã nắm lấy tay mùa xuân để đi và nắm tay mùa thu để về, mùa hạ đã nắm lấy tay mùa thu để di và nắm tay mùa xuân để về. Không những chúng nắm tay nhau để đi và về mà chúng còn hiện hữu ở trong nhau.
Ta cũng vậy, không những ta với mọi người, mọi loài hiện hữu trong nhau, không có người thương, ta không sống nổi đã đành mà không có nước uống, không có không khí, mặt trời, mặt trăng, biển cả, núi rừng, dòng sông… thì ta cũng không tài nào sống nổi.
Ta không nắm lấy tay nhau thì ta không thể sống và không thể nào tạo dựng mùa xuân cho ta và cho những người chung quanh ta. Khi nào ta biết nắm lấy tay nhau thì khi đó ta mới có khả năng tạo dựng mùa xuân cho nhau.
Ta cũng có thể tạo dựng mùa xuân cho ta và cho những người chung quanh bằng chất liệu CÙNG BƯỚC ĐI và CÙNG HÁT CA.
CÙNG BƯỚC ĐI và CÙNG HÁT CA, nghĩa là trong đời sống ta không thể dừng lại và vui một mình. Ta phải đi theo bước đi chung và ta phải vui trong niềm vui chung của mọi người.
Sống là gì ? Đó là cùng đi và cùng chuyển động. Và chết là gì? Đó là dừng lại tách rời và hình hài tan rã.
Ta không cùng bước đi, thì ta không thể hát ca vì không có âm thanh nào tự nó vang lên mà không có sự tác động của cái khác. Tiếng đàn không thể tự nó ngân lên từ cây đàn, nếu không có tác động của bàn tay người đánh đàn.
Hơi thở của ta cùng bước đi với trái tim, mạch máu, buồng phổi, dạ dày, lá lách, gan, ruột… của ta, nó chưa hề đi một mình. Âm thanh của ta cũng vậy, nó chưa bao giờ tự phát ra một mình, nó cùng đi với cổ họng, miệng lưỡi, hơi thở, trái tim, mạch máu, khối óc… của ta.
Ta hãy cùng bước đi và cùng hát với nhau. Ta không thể đi một mình và hát một mình, vì ta đi một mình và hát một mình, ta sẽ không tạo được mùa xuân cho ta và cho những người xung quanh.
Ngày 19 tháng 11 năm 2000 vừa qua, chị Hà Thanh từ Hoa Kỳ về, đến chùa Từ Hiếu thăm tôi, chị cùng chúng tôi bước đi và hát bài hát “Bên rừng nở rộ hoa mai” của thiền sư Nhất Hạnh. Chị vừa đi vừa hát và hát rất hay. Chị đã hơn sáu mươi tuổi, nhưng giọng hát và nét mặt đang còn trẻ. Bằng nét mặt, tâm hồn và giọng hát, chị đã tạo dựng một mùa xuân cho chính chị và cho những người chung quanh chị, mặc dù lúc đó thời tiết đang là mùa đông của Huế.
Thế kỷ 20, con người không chịu cùng đi và cùng hát ca với nhau, nên đã gây ra nhiều thảm họa và băng giá cho loài người.
Thế kỷ 21, nếu con người không biết nắm tay nhau, cùng bước đi và cùng ca hát, thì mùa xuân cũng không bao giờ có thực với chúng ta. Đất trời đã biết cùng đi với nhau để tạo dựng mùa xuân cho nhau và biết cho nhau mùa xuân, tại sao ta không biết cùng nắm tay nhau, cùng bước đi để tạo dựng mùa xuân cho nhau và cùng nhau hát ca nhỉ!
(trích tập san Nghiên cứu Phật học số 3)