Bắt đầu một năm mới tinh khôi, nghĩa là phải có một tháng, một tuần, một ngày, một giờ, một phút, một giây hoàn toàn mới, từ tương lai bước vào hiện tại. Nhưng một cái gì hoàn toàn mới, xuất hiện một cách mơ hồ trên lịch, chỉ là một ý niệm, một quan điểm. Do người ta đặt để, đo lường, tạo một qui ước về thời gian — căn bản dựa trên sự chuyển dịch của địa cầu qua hai vầng nhật nguyệt[1] — để ổn định sinh hoạt xã hội, mà từ hàng ngàn năm trước đến nay, ngày-tháng-năm được xuất hiện trên những tấm lịch, những cái đồng hồ (mặt trời, cát, nước, đeo tay, treo tường), máy vi tính và điện thoại.
Ý niệm về thời gian, qui định về thời hạn, thời khắc, bao trùm toàn bộ đời sống nhân loại. Ngày nay, bỏ đi lịch và đồng hồ, xã hội sẽ loạn. Không ai sống trên đời mà không cần đến thời hạn, thời khắc. Ngay cả những kẻ ẩn dật trên núi cao, không tiếp xúc với người, vẫn để ý mặt trời mọc và lặn, trăng tròn hay trăng khuyết. Phải có một mốc thời gian nào đó trong ngày-tháng-năm, và trong đời. Con người khi sinh ra là sinh ở một kỳ hạn, và từ đó, sống theo vô số kỳ hạn khác cho đến hạn kỳ cuối cùng là giã từ cuộc chơi trong cõi mộng hư phù. Mỗi sớm mai thức dậy là bắt đầu với những cuộc hẹn tiếp nối không ngừng trong ngày. Càng đa sự càng nhiều cuộc hẹn. Giữ cho đúng những cuộc hẹn thì được xem là người uy tín, đáng tin cậy. Dù muốn dù không, người ta không thể nào rời bỏ được những cuộc hẹn trong đời.
Nói theo ngôn ngữ thơ, đời là cuộc ước hẹn. “Một ước hẹn đã chôn vùi tang tóc”[2]. Ước hẹn với người. Ước hẹn với tự thân. Ước hẹn với số đông, như một lời nguyền, một ước nguyện, một chí nguyện. Chúng ta sống ở đây, bây giờ, nhưng bước tới với những ước hẹn trước mắt, ở tương lai.
Có những ước hẹn có thể giữ được, đạt được. Có những ước hẹn đạt được, nhưng sau đó không giữ được. Trễ hẹn, thất hứa, vẫn thường xảy ra trong cuộc sống, từ chuyện nhỏ cho đến chuyện lớn. Không phải có hẹn là có thành; không phải đã thành là sẽ tồn tại mãi. Bởi vì hẹn ước thời gian là hẹn ước với tương lai, là cái chưa xảy ra, và chỉ có thể thực sự xảy ra ngay nơi chính ngày-tháng-năm hay giờ phút nó vừa đến. Không có gì chắc chắn ở tương lai. Cho nên không thực sự có một ngày mới hay năm mới. Cái mới không thể hiện hữu nếu không liên kết nó với cũ. Vì có cái cũ nên mới có cái mới, mà cái cũ đã qua rồi, cái mới lấy gì mà liên kết? Nếu nói cái cũ làm nhân để sinh cái quả mới tương lai thì tương lai đã có sẵn trong quá khứ; có sẵn trong quá khứ rồi thì đâu cần được sinh ra nữa[3]. Ngay cả cái hiện tại, cũng không thể là cái mới nhất, hay là cái trung gian giữa quá khứ và tương lai được, vì vừa khi nó chạm đến cái tương lai kề cận, chính nó đã trở thành quá khứ. Thời gian quá khứ không có thật; thời gian hiện tại không thật; nên thời gian tương lai cũng không thật[4]. Ba thời gian này tương tác đối đãi nhau mà huyễn hiện như là có thật; mà kỳ thực, chúng chỉ được nhận thức từ sự chuyển động, biến dịch của vật thể trong không gian. Căn cứ nơi vật thể sinh-diệt vô thường mà có cái ý niệm về thời gian. Vật thể vô thường không thật thì thời gian cũng không thật. Ngày mới, năm mới không có thật.
Quán sát bản chất của thời gian là để giải thoát tri kiến, vượt khỏi những buộc ràng của vọng chấp si mê, đạt được niềm an vui tĩnh tại nội tâm giữa một thế giới biến động, bất an, bất toàn. Quán sát như thế không phải để lìa xa cuộc đời, mà chính là để có thể sống thật và an nhiên với cuộc đời không thật. Và như vậy, vẫn như hàng tỷ người trên hành tinh, lật đến tờ lịch cuối cùng của năm để thấy một ngày mới, năm mới, với tình thương và những nguyện ước thâm sâu, hướng về nhân loại và sinh chúng, mong tất cả đều được an lành, phúc lạc.
California, trước thềm năm mới dương lịch 2022
Vĩnh Hảo
www.vinhhao.info
________________
[1] Địa cầu tự xoay một vòng là một ngày một đêm; quay quanh mặt trời một vòng là một năm; quay quanh mặt trăng một vòng là một tháng.
[2] Thơ Tuệ Sỹ, bài Cánh Chim Trời, mở đầu với câu: “Một ước hẹn đã chôn vùi tang tóc / Cánh chim trời xa mãi giữa lòng sâu…”
[3] Xem Trung Luận, phẩm Quán Thời thứ 19.
[4] Nghiệm từ câu “Quá khứ tâm bất khả đắc, hiện tại tâm bất khả đắc, vị lai tâm bất khả đắc” (Kinh Kim Cang Bát Nhã Ba-la-mật).