Trước đây năm mươi ngàn năm, chưa có ai nghĩ mình là người da trắng hay người da đen, người Hán, người Hồ, hay người Việt. Có thể đoán ai cũng đen như củ súng khi các cụ tổ loài người bắt đầu từ Phi châu đi sang các lục địa khác. Người ta cũng mới khám phá ra tất cả các ngôn ngữ đều xuất phát từ miền Trung và Nam Phi châu. Hiểu như thế, cũng bớt óc phân biệt, kỳ thị chủng tộc.
Từ châu Phi, một làn sóng di dân đi qua lục địa Ấn Độ, một nhóm tách ra về phía Đông, sang tận Úc châu bây giờ. Những đám khác đi lên phía châu Âu; hoặc đi ngược lên phía Bắc châu Á, qua miền Siberia, rồi vào mươi ngàn năm trước còn kéo nhau sang châu Mỹ, lúc đó chưa bị eo biển ngăn cách như bây giờ. Vì sống xa cách nhau, phải thay đổi theo điều kiện đất đai, khí hậu từng địa phương, loài người ở mỗi nơi riêng lẻ phát triển theo các hướng khác nhau, dần dần phân biệt màu da, tiếng nói, tóc tai cho đến nét mặt. Người ta kiếm ăn bằng việc săn bắn, hái lượm, chế ra đồ dùng bằng đá, khi biết dùng kim loại là đã bắt đầu gọi là văn minh. Nhưng khoảng mười ngàn năm trước đây chắc cũng chưa có nhóm nào tự nhận mình là một dân tộc. Họ tụ họp thành bộ lạc; khi cần tranh giành nhau đất sống họ liên kết các bộ lạc; mấy ngàn năm trôi qua mới có người tự xưng làm vua, gọi vùng đất mình kiểm soát là một nước.
Ở Trung Quốc trước đây dăm ngàn năm, miền Giang Nam (tức phía Nam con sông Trường Giang); hay trong vùng Lĩnh Nam (phía Nam rặng núi Ngũ Lĩnh), có những sắc dân khác hẳn người Hán hay gọi là người Hoa ở phía Bắc. Người Hán sống bên con sông dài họ đặt tên là Hà, con sông mà Lý Bạch nhìn thấy như trên trời đổ xuống: “Hoàng Hà chi thủy thiên thượng lai.” Người Hán đã sáng tạo một xã hội văn minh sống quanh các con sông Hoàng và sông Hoài. Họ tự coi là “Nước ở Chính Giữa,” Trung Quốc, hoặc “Hoa Hạ,” nghĩa là vùng đất tốt tươi, đẹp đẽ. Các nhóm sống ở phương Nam thuộc những chủng tộc khác, nói những thứ tiếng khác. Vì đất đai phong thổ khác nhau cho nên phong tục tập quán của họ không thể giống người Hán. Đối với người Trung Quốc 5000 năm trước đây thì các sắc dân ở ngoài vùng Hoa Hạ đều là “man di,” chưa biết đến “ánh sáng văn minh!” Hai thế kỷ trước Công Nguyên, ông Triệu Đà còn tự nhận là “đại trưởng lão của dân man di.”
Người Trung Hoa ở miền Hoa Nam khác các “đồng bào” của họ sống ở phía Bắc miền sông Hoàng Hà. Ngược lại, họ chia sẻ nhiều đặc tính giống các sắc dân vùng Đông Nam Á và các đảo Nam Thái Bình Dương. Người Hoa Bắc da nhợt nhạt, thân hình cao lớn, mũi cao hơn, trông giống người Mông Cổ hơn. Người dân Quảng Đông hay Phúc Kiến là họ hàng gần gũi, có liên hệ huyết thống với người Việt, người Thái Lan, Indonesia, Phi Luật Tân, người Hawaii, nhiều hơn là với người Hán ở phía Bắc.
Không một dân tộc nào trên thế giới thuộc một chủng tộc thuần nhất. Mỗi dân tộc ngày nay đều là kết quả những cuộc giao thoa, trao đổi và hội nhập của nhiều sắc dân. Trong quá trình pha trộn đó, một dân tộc thành hình vì họ bắt đầu thấy mình có một bản sắc, lâu ngày hãnh diện về những đặc tính mà tổ tiên truyền lại. Họ quyết định, tự chọn mình phải bảo vệ bản sắc đó, tự tách biệt mình với dân tộc khác. Những làn sóng di dân trong lục địa Á châu hơn mươi ngàn năm trước đã tạo thành các dân tộc ngày nay, qua những cuộc trao đổi và hội nhập.
Vẽ một bản đồ phân bố chủng tộc trước đây năm, mười ngàn năm không thể chính xác như khi quan sát các tầng địa chất. Vì con người thay đổi, nhiều khi không để lại dấu vết. Người ta sẽ cố tìm các điểm tương đồng giữa nhiều nhóm người, qua ngôn ngữ hay qua huyết thống “gien” di truyền. Tuy nhiên các bằng chứng thường rải rác, đứt đoạn, ít khi thuần nhất. Trước khi môn học về di truyền phát triển dùng phương pháp so sánh những tế bào sống DNA căn bản, người ta thường quan sát và so sánh, đối chiếu các tiếng nói để tìm hiểu các cuộc di dân trong thời tiền sử. Những ngôn ngữ có nét tương đồng chắc cùng sinh ra từ một gốc. Đào xuống sâu nhiều tầng ngôn ngữ, sẽ thấy các sắc dân miền Nam Trường Giang từ thời rất xa xưa khác người Hán.
Đến từ Hy Mã Lạp Sơn
Ngôn ngữ người miền Bắc Trung Quốc thuộc họ Hoa-Tạng; còn tiếng nói người phía Nam đó có tiếng Hmong Mien hay Thái Kadai. Tiếng nói người Hoa Nam chung một gốc với các ngôn ngữ trong vùng Đông Nam Á, và ngôn ngữ Nam Đảo (Austronesian) phổ biến trên các quần đảo rải rác ở phía Nam Thái Bình Dương, hay Nam Dương.
Những nhóm dân nói tiếng Nam Á phát xuất từ vùng chân núi Hy Mã Lạp Sơn, Đông Bắc Ấn Độ, tràn xuống Đông Nam Á và miền Nam Trung Quốc bây giờ. Một nhóm người dùng Ngôn ngữ Nam Á còn ở lại ở trung bộ Ấn Độ bây giờ, là người Munda, họ nói một thứ tiếng trong họ ngôn ngữ Nam Á được coi là cổ nhất so với các tiếng nói đã bị pha trộn ở các nước Đông Nam Á.
Tiếng Môn-Khơ Me là một nhánh lớn của ngôn ngữ Nam Á; gốc từ sắc tộc Khasi sống ở Assam. Người nói tiếng Môn-Khơ Me từ Ấn Độ đi xuống khoảng gần 5000 năm trước đây, theo các con sông Irrawaddy, Salween (Miến Điện), Mekong, và sông Hồng, lan xuống khắp Đông Nam Á. Tất cả các con sông này đều phát xuất từ cao nguyên Tây Tạng. Họ từng lập một vương quốc Môn tại miền Nam Miến Điện bây giờ. Một số khác tới định cư ở Campuchia và một số vùng của Thái Lan, Lào ngày nay. Theo giả thuyết của nhà ngữ học André-Georges Haudricourt từ đầu thập niên 1950, tiếng nói của người Việt và người Mường đều chung gốc từ tiếng Môn-Khơ Me. Người Mường là những anh chị em gần nhất với người Việt; hiện nay còn gần một triệu, phần lớn sống ở vùng Hòa Bình, Yên Bái, Ninh Bình và Nghệ An. Vì ảnh hưởng của tiếng Tày Thái và tiếng Hoa, tiếng Việt-Mường chia hai ngành. Tiếng Mường giữ nhiều đặc điểm Môn-Khơ Me hơn tiếng Việt vì trong thời Bắc thuộc tổ tiên họ đã kéo nhau lên núi, bất hợp tác với người Hán.
Trong số dân tiếng nói gốc Nam Á cũng có nhóm từ cao nguyên Tây Tạng di chuyển theo các con sông Brahmaputra ở vùng Bengal, tràn qua các tỉnh Tứ Xuyên và Vân Nam ngày nay, họ định cư ở vùng phía Nam, đi dần về phía Đông tới tận bờ biển. Cuộc di dân này tạo ra các sắc dân miền Hoa Nam; khác với những cuộc di cư của các nhóm dân nói tiếng Hoa Tạng cũng từ cao nguyên Tây Tạng tràn xuống, trong đó có tổ tiên người Hán.
Ngoài ra còn làn sóng di chuyển của những người nói ngôn ngữ thuộc họ Thái – Kadai bên con sông Hoàng Hà. Trên con đường bành trướng dọc theo Hoàng Hà, một nhóm người Hán đi về phía Nam theo sông Hán Thủy, con sông cũng xuất phát từ vùng Thiểm Tây ngày nay sát bên cao nguyên Tây Tạng; cho đến khúc sông Hán đổ vào Trường Giang.
Ngoài các yếu tố ngôn ngữ, các cuộc nghiên cứu về cơ cấu “gien” di truyền gần đây cho thấy các giống dân bản thổ sống ở Đông Nam Á, và nhiều nhóm dân miền Nam Trung Quốc, có họ hàng rất gần với nhiều bộ lạc ở miền Đông Bắc Ấn Độ; cho thấy người Trung Hoa ở miền Nam và ở miền Bắc xuất phát từ các nguồn gốc khác nhau. Liên hệ huyết thống này thấy rất rõ ràng khi khảo sát nhiễm sắc tố Y (Y-chromosome), truyền theo dòng dõi phía người cha. Còn phần người mẹ thì tính di truyền không rõ ràng chắc chắn bằng. Có lẽ những đám dân di cư đầu tiên, trong nhiều thế kỷ, phần lớn là đàn ông. Hoặc họ bị lưu đầy; hoặc được đưa đi xâm lăng rồi ở lại; hoặc có khi cả một đoàn quân với tướng sĩ cùng lính tráng bỏ chạy sau khi một triều vua mà họ ủng hộ bị sụp đổ.
Trong khoảng thời gian một ngàn năm trước Tây Lịch người nói tiếng Nam Á đã tiếp xúc với người Hán tại vùng Hồ Bắc, thuộc địa giới nước Sở ngày xưa. Tại vùng này, người ta thấy ngôn ngữ địa phương bây giờ còn pha nhiều tiếng Nam Á. Một thí dụ hay được nêu lên là tên gọi con sông. Trong tiếng Hoa có bốn chữ chỉ con sông: 水 thủy, 川 xuyên, 江 giang, và 河 hà. Trong bốn tiếng đó, những tiếng Giang và Hà vốn là tên riêng để gọi hai sông bây giờ gọi là Hoàng Hà và Trường Giang (Dương Tử).
Tiếng “Giang” vốn gốc là một danh từ chung người dân vùng Nam Á dùng để gọi các con sông (trong tiếng Nam Á gốc, phát âm là krong, người Việt đọc là sông). Khi người Hán tiến xuống miền Nam tới vùng Trường Giang, họ nghe những người địa phương nói tiếng krông rồi tưởng đó là tên riêng con sông này. Họ biến một danh từ chung, chữ “Krong,” mà họ đọc chệch là Giang, thành tên gọi riêng cho con sông. Hiện tượng vay mượn danh từ chung từ ngôn ngữ khác để biến thành danh từ riêng trong địa dư vẫn xảy ra trong tiếng nói khắp thế giới. Nhiều tên đất, tên sông ở Mỹ là do các danh từ chung của thổ dân châu Mỹ, như tên con sông Mississippi trong tiếng Algonquin vốn nghĩa là con sông lớn. Wisconsin vốn có nghĩa là cái hồ lớn bây giờ là tên một tiểu bang. Nước Canada mang tên này vì trong thổ ngữ của người Mohawk “canada” có nghĩa là làng, xóm.
Khi người Trung Hoa đời Hán gọi tên Giang Nam (江南), phía Nam Trường Giang (Dương Tử), thì tên đó dùng để chỉ các vùng từ Trường Sa (長沙) thuộc Hồ Nam tới Dự Chương (豫章) thuộc Quảng Tây ngày nay. Đó là một vùng rộng lớn nằm ở khúc giữa Trường Giang phía Tây Vũ Hán, nơi có ngọn Vu Giáp trong chuyện vua nước Sở nằm mơ, cũng là khúc sông Chu Du và Tào Tháo đua tài thủy chiến.
Khối dân nói thứ tiếng thuộc họ ngôn ngữ Hoa – Tạng từ cao nguyên Tây Tạng lan xuống miền Tây Bắc Trung Quốc trước đây khoảng 6,000 năm; họ dần dần bành trướng xuống sang phía Đông và xuống phía Nam. Sau này, họ dần dần đồng hóa những sắc tộc nói tiếng Nam Á và Tày Thái ở phía Nam Trường Giang, trong khoảng vài ngàn năm, trước và sau Thiên Chúa giáng sinh.
Trong khi các ngôn ngữ Nam Á và Hoa Tạng tràn xuống lục địa châu Á thì từ 3,000 đến 1,000 năm trước Công Nguyên, những sắc dân nói tiếng Nam Đảo từ cao nguyên Tây Tạng, cũng lan xuống miền Tây Nam Trung Quốc. Một nhóm tiến xa hơn về phía Đông, ra tới biển; một số khác theo các con sông Irrawaddy, Mekong, sông Hồng di chuyển về phía Nam tới Miến Điện, Thái Lan, Bắc Việt. Từ Lào, Thái Lan họ đi xuống Campuchia, bán đảo Mã Lai, rồi qua tới các hòn đảo ở Indonesia và Phi Luật Tân bây giờ. Các nhóm đầu tiên gọi tên chung là Tiền Mã Lai (Mã Lai Cổ). Những nhóm dân này tiến bộ cùng một nhịp như nhau, tiêu biểu thấy trong các di chỉ của nền văn minh Hòa Bình, Bắc Sơn, gọi tên theo các địa điểm đào thấy ở Việt Nam. Họ dùng đồ đá mài nhẵn, thờ các vị thần thiên nhiên và thờ cúng tổ tiên. Họ đã biết nuôi trâu bò, lợn, làm ruộng và buôn bán, đã làm đồ gốm và dùng thứ thuyền thúng gọi là pĕrahu trong tiếng Mã Lai.
Một nhóm trong những người “Tiền Mã Lai” theo các vùng đất thấp ven bờ biển đi ngược lên miền Trung Việt Nam, phối hợp với những người Nam Đảo sẵn tại chỗ thành tổ tiên dân Champa và dân Việt cổ. Người Việt với người Champa (Chàm) cùng có gốc từ những tổ tiên chung này, và chia sẻ gốc tích với nhiều sắc tộc ở cao nguyên Trường Sơn như người Ê Đê, Giarai, Raglai. Cuộc di dân đó giải thích phần nào giả thuyết của Bình Nguyên Lộc về “Nguồn gốc Mã Lai của Dân tộc Việt Nam,” như ông đã viết thành sách.
Vào lúc người Champa phát triển nền văn hóa Sa Huỳnh thì họ đã xây dựng một văn minh tách biệt với người Việt và cao hơn các sắc tộc thiểu số trên. Trong vùng Trường Sơn thuộc lãnh thổ Việt Nam nay còn hơn 20 sắc tộc với ngôn ngữ thuộc họ Môn Khơ Me, như dân tộc Bru, Ktu, Bana, Xơ đăng, Muông, Kơ Ho, nhiều nhóm lan sang bên Lào. Người nói tiếng gốc Nam Đảo có các sắc tộc Chor, Hơ Rông, H’roi, vân vân, đa số sống ở Gia Rai, Kon Tum, Đắc Lắc.
Các cuộc di dân lớn trên ảnh hưởng sâu đậm đến quá trình tạo thành giống dân là tổ tiên người Việt Nam sau này.
Lên thuyền ra biển
Khảo sát tiếng nói các sắc dân ở miền ven biển và các đảo ở vùng Đông Nam Á cho thấy họ chia sẻ nguồn gốc ngôn ngữ; cho thấy một làn sóng di dân khác có thể bắt nguồn từ miền Nam Trung Quốc. Làn sóng di dân lớn này có thể do bị áp lực của người Hán từ phía Bắc tràn xuống, nhưng hiện chưa thấy bằng cớ chắc chắn nào về áp lực đó. Điều người ta biết chắc là: Một số “thuyền nhân” từ miền Nam lục địa kéo nhau ra biển, đi thuyền về phía Đông, xuống phía Nam, ra tận các hải đảo Nam Thái Bình Dương. Tiếng nói của các sắc dân này có nhiều điểm giống nhau, được xếp cùng vào một họ ngôn ngữ của các đảo ở phía Nam Thái Bình Dương, được đặt tên là họ Nam Đảo (Austronesian) mặc dù nguồn gốc xuất phát là lục địa châu Á. trong cuộc di cư kéo dài hàng ngàn năm, các di dân này mang theo những thành quả của nền “văn minh biển” như kỹ thuật đóng thuyền, nghệ thuật làm đồ gốm. Họ tới các vùng đất mới, hòa nhập với dân bản địa tạo ra nhiều sắc dân mới, mỗi nhóm phát triển độc lập với nhau. Vì sống trong những vùng cách biệt bởi đại dương hay núi rừng, hiện nay họ nói cả ngàn thổ ngữ khác nhau, trong cùng họ Nam Đảo.
Các di dân trước hết đi thuyền qua tới Đài Loan; rồi từ đó lan sang các đảo ở Phi Luật Tân, Indonesia. Họ đi xa hơn nữa về phía Nam, sang tận các đảo ở Úc và Tân Tây Lan bây giờ. Một số “thuyền nhân” này cũng tới Mã Lai,. Sau khi dân Nam Á tới kết hợp với dân Nam Đảo, một nền văn minh mới thành hình ở nước ta và trong miền Đông Nam Á, bắt đầu từ thế kỷ thứ bảy trước Công Nguyên, dấu tích còn thấy trong các di chỉ Đông Sơn.
Một nhóm trong số di dân còn phiêu lưu sang tận đảo Madagascar ở bờ Đông châu Phi, khoảng hơn 1,200 năm trước đây. (Một cuộc nghiên cứu mới công bố vào năm 2012 cho biết tổ tiên giống dân đang sống ở Madagascar chắc không có ý định di cư mà có thể chỉ “đi lạc;” khi thuyền của họ bị sóng gió kéo trôi giạt đến hòn đảo này. Người ta đoán rằng đây là những thuyền buôn nô lệ thời đó, bị lạc trên biển vì giông bão. Các nhà nghiên cứu dựa trên phương pháp di truyền học, còn tính được là trong đám người đầu tiên lập nghiệp đó chỉ có 30 phụ nữ! Dân Madagascar có thể là dòng dõi những người buôn nô lệ và 30 phụ nữ bị bắt bán làm nô lệ. Các nhà Nghiên cứu hứa sẽ tìm hiểu nhiễm sắc chất Y [Y – chromosomes] để tính xem có bao nhiêu đàn ông trong đám này.
Trong đám di dân Nam Đảo từ phía Nam lục địa Trung Hoa đi ra biển, thổ dân ở Đài Loan hiện nay được coi là mang nhiều đặc tính thuần túy nhất. Họ đã dừng chân lại hòn đảo này, sống hẻo lánh, ít bị lai giống, cho nên giữ được nhiều đặc tính cổ nhất, theo những cuộc nghiên cứu về ngôn ngữ cũng như về giên di truyền. Còn những đám thuyền nhân đi xa hơn ra ngoài biển khơi thì ngày nay đã biến thái rất nhiều sau khi tiếp xúc với dân bản địa trong mấy ngàn năm sau đó, không thể nói còn giống dân nào Nam Đảo thuần chủng. Các dân tộc ở Phi Luận Tân, Indonesia, Mã Lai hiện nay là hợp chủng của những đợt di dân trong năm, ba ngàn năm; pha giống với người bản địa nên mỗi nước mang những sắc thái riêng.
Cuộc di dân trên mặt biển này diễn ra chắc vì một phát minh thay đổi kỹ thuật làm thuyền phát khởi. Người ta ghép một hoặc hai cây gỗ, kèm bên con thuyền độc mộc, giúp thuyền được cân bằng, dễ điều khiển hơn trong cuộc hành trình vượt sóng. Những thuyền nhân đi về phương Nam, trên con đường tránh gió Bấc lạnh lẽo, nhưng tại sao họ phải ra đi? Có thể vì tránh “nạn nhân mãn” sau khi nhiều nhóm dân từ phía trong và phía Bắc lục địa kéo tới sống chung khiến đất màu mỡ thành khan hiếm, thức ăn không đủ? Hay chỉ vì những hứa hẹn của sóng biển khơi, vì tiếng gọi của trùng dương thăm thẳm? Chính nhờ đã dám bạo dạn “phiêu lưu” đi xa như thế cho nên các đám dân di cư đã sống cách xa khối người Hoa, người Hán đang từ phía Bắc kéo xuống vùng Giang Nam. Họ giữ được những bản sắc lâu đời, tinh thần tự do, phóng kháng, không bị Hán hóa như những người đồng chủng còn ở lại lục địa.
Trong vùng đất liền Đông Nam Á
Một cuộc di dân khác đưa những người nói thứ tiếng thuộc họ ngôn ngữ Tày – Thái – Kadai, từ miền Tây Nam lục địa Trung Hoa đi xuống phía Nam. Họ tới các nước Miến Điện, Thái Lan, Lào bây giờ. Tới Việt Nam, họ gặp những người thuộc dòng nói tiếng Nam Á và Nam Đảo đã tới đó từ trước.
Nhờ khi đi về phương Nam, những người nói tiếng Thái trên sống cách xa hẳn khối người Thái còn ở lại vùng Tứ Xuyên, Vân Nam về sau chịu nhiều ảnh hưởng Hoa Bắc. Lại thêm núi non cách trở, khí hậu khác biệt, cho nên các đám di dân này cũng tránh khỏi cuộc “xâm thực văn hóa” của người Hán ở vùng Hoa Nam. Ngày nay, người ta ít chú ý tới những yếu tố Môn Khơ Me trong giòng máu các dân tộc Miến Điện, Thái Lan, Lào, vì yếu tố ngôn ngữ Thái của lớp di dân sau mạnh hơn đã nổi bật lên.
Ở miền Bắc Việt Nam, trong vùng châu thổ Sông Cái (Hồng Hà) những người nói ngôn ngữ Tày Thái đã gặp gỡ đám dân sống trong vùng từ giải Trường Sơn đã lên từ trước, cùng nhau khai phá miền đất mới bồi, phát triển nghề trồng Lúa Nước. Ngôn ngữ Môn-Khơ Me của sắc dân phía Nam pha được trộn với tiếng Tày-Thái, thành một ngôn ngữ mới, gọi là Tiền Việt-Mường, là tiếng nói gốc gác của người Kinh và người Mường bây giờ. Có hàng chục bộ lạc ở Lào, miền Bắc Việt Nam và cả miền Nam Trung Quốc vẫn còn nói những thứ tiếng cùng gốc Việt Mường cổ đó.
Những người nói tiếng Tày Thái trong vùng Đông Nam Á nhờ di cư lại tạo được bản sắc văn hóa độc đáo hơn, sau khi tiếp nhận ảnh hưởng văn hóa Ấn Độ giáo và Phật giáo. Nhưng các nhóm dân cùng trong họ ngôn ngữ Thái còn ở lại lục địa Trung Hoa hầu hết đã bị đồng hóa. Chỉ còn những tụ họp nhỏ tại miền Tây Nam Trung Quốc, trong các tỉnh Tứ Xuyên, Vân Nam, Quảng Tây. Một số người khác nói thứ tiếng thuộc họ Miao – Yao, không giống tiếng Hoa – Tạng hay tiếng Tày – Thái, cũng bị người Hán đồng hóa, ngày nay chỉ còn những ốc đảo rải rác trong lục địa Trung Hoa và các nước khác khắp vùng Đông Nam Á, trong đó có người Hmong, ở Việt Nam gọi là người Mèo. Vùng thượng du Bắc Việt dưới biên giới Việt Hoa còn nhiều sắc tộc khác ngôn ngữ cũng trong họ Tày Thái, tổng cộng hơn ba triệu người; đông nhất là người Tày (Tày), Thái (mỗi nhóm hơn một triệu), người Nùng, San Quan, Bố Y, Lu. Người Tày và Nùng từ Sơn La cũng xuống tới Thanh Hóa, Nghệ An.
Các cuộc di dân trên diễn ra trong đất Đông Nam Á trong ba bốn ngàn năm trước Công Nguyên, mảnh đất Việt Nam lần lượt đón nhận các di dân này. Người nói ngôn ngữ Nam Đảo từ miền Hoa Nam tới nước ta dọc theo con sông Hồng, trên đường bộ chứ không chỉ theo đường biển. Người nói ngôn ngữ Nam Á xuất hiện vào giữa thiên niên kỷ thứ hai trước Công Nguyên, dần dần kết hợp với người Nam Đảo. Ngôn ngữ Nam Á được coi là xuất phát từ phía Đông Ấn Độ đi sang vùng đất liền ở Đông Nam Á; nhưng cũng có giả thuyết ngược lại, cho là gốc người Nam Á chính là vùng Đông Nam Á, từ đó họ đã di cư sang vùng Bengal trên bán đảo Ấn Độ. Tất cả những giả thuyết trên đây sẽ còn được nghiên cứu lại liên tục, phải chờ có những khám phá mới về khảo cổ hay các cuộc nghiên cứu về di truyền và ngôn ngữ mới xác định được.
Đất trời phù hộ dân Lạc Việt
Từ thiên niên kỷ sau cùng trước Công Nguyên, cuộc di dân lớn của người Hán bắt đầu khi những người ở miền các con sông Hà, Hoài đi chinh phục phương Nam. Quá trình bành trướng của Hán tộc bắt đầu khoảng đời Nhà Chu (1100 – 221 Trước Công Nguyên), sau hai ngàn năm đã biến các sắc dân ở miền Nam sông Dương Tử thành người Hán. Những nhóm sớm biết đi sống ở xa thì tránh được; nhờ địa thế xa xôi nên họ không bị đồng hóa. Thiên nhiên giúp cho nhiều dân tộc tồn tại; như Việt Nam, Miến Điện và Lào đều không nằm trên con đường bành trướng của Hán tộc nhờ núi non ngăn cách; Hàn Quốc không bị Hán hóa chắc vì khí hậu khắc nghiệt người Hoa không thiết tha di cư tới ở; Nhật Bản thì may mắn được biển ngăn cách nên quân Trung Quốc chưa từng chiếm đóng.
So sánh những người gốc Thái ở các nước khác trong vùng Đông Nam Á hiện nay với các “anh chị em họ xa” của họ còn sống ở Vân Nam thì thấy địa dư góp phần quyết định tương lai. Cùng là sắc dân đã dựng lên các vương quốc Nam Chiếu, Đại Lý, người Vân Nam nay đã trở thành dân một tỉnh của Trung Quốc sau khi bị quân Mông Cổ chiếm đóng vào thế kỷ thứ 12. Trong khi đó, tổ tiên những người gốc Thái chạy đi từ thế kỷ thứ tám, thứ chín qua sống ở Miến Điện, họ tạo nên một vương quốc độc lập ở Pagan, rồi các đợt di dân sau cũng lập ra các vùng thiểu số Karen, Shan, trong quốc gia Myanmar bây giờ.
Riêng tổ tiên người Việt chúng ta thì sống quá gần, ngay sát bên nước Trung Hoa cho nên đã bị người Hán xâm chiếm, thống trị hơn một ngàn năm; sau đó còn tiếp tục bị xâm lăng nhiều lần nữa. Người Việt Nam vẫn giữ được một quốc gia độc lập, nhờ bảo vệ được bản sắc văn hóa của mình. Người Việt Nam giải thích đó là do sức đề kháng quật cường của dân tộc mình, một điều huyền bí, thiêng liêng, nhưng không thể chối cãi được. Ngôn ngữ, tín ngưỡng, và nếp sống riêng đã bám rễ lâu đời có thể đã giúp dân Việt tự đứng lên vững chãi đương đầu với áp lực Hán hóa.
Nhìn với con mắt khách quan hơn, có thể thấy nhiều yếu tố bên ngoài đóng góp vào khả năng đề kháng của dân Việt: Ngoài núi non cách trở, dân Việt Nam còn sống ở một vùng khí hậu không thích hợp với người Hán phương Bắc. Những người “Hoa” di cư sống được ở nước ta phần lớn là dân gốc phía Nam, như Quảng Đông, Phúc Kiến, nơi khí hậu không khác vùng Sông Cái nhiều quá. Mà những người này thực ra có văn hóa, phong tục và cả máu huyết giống người Việt và khác người Hán. Sống ở nước ta, dần dần họ biến thành người Việt một cách tự nhiên. Còn những người gốc Hán thực sự từ phương Bắc, những quan cai trị và lính viễn chinh, khi tới nước ta họ chỉ mong sớm quay về, vì “phong thủy” không thích hợp. Những vi trùng và ký sinh trùng ở miền nóng đã tấn công các đoàn quân, các quan lại từ phương Bắc xuống. Khi mắc bịnh mà không biết đến vi trùng, người ta giải thích là do “lam sơn, chướng khí.”
Khí hậu, thủy thổ có thể là một “thần linh phù trợ” dân tộc Việt Nam trong quá trình đề kháng. Các quan cai trị phương Bắc quen phong thổ miền khô, không khí lạnh lẽo. Đất Giao Châu nóng và ẩm, các vi sinh vật sinh sôi nhanh chóng, trong đó có những vi trùng gây bệnh mà miền Bắc không có. Cư dân ở miền Nam sống chen chúc mấy ngàn năm trong một môi trường riêng; họ đã quen những bệnh thời khí, những vi trùng trong vùng. Sau năm bẩy ngàn năm sống trong khí hậu, thời tiết địa phương với những vi trùng gây bệnh truyền nhiễm, thể xác người phương Nam đã phát triển được những kháng thể, truyền lại cho các thế hệ sau một “gia tài miễn nhiễm” nên họ không chết vì các căn bệnh thời khí đó. Người phương Bắc không có sẵn trong mình những kháng thể chống lại những vi trùng và vi khuẩn phát sinh ở phương Nam. Họ còn bị các ký sinh trùng miền nhiệt đới như giun, sán, tấn công. Các loài vi khuẩn hoặc ký sinh tìm được những “mảnh đất màu mỡ” trong những người “khách” từ phương xa tới. Những giống ruồi, muỗi ở phương Nam hỗ trợ sức bành trướng, sinh sôi nảy nở của các loại vi trùng. Người phương Bắc thấy đây là nơi khó sống. Khi bị bệnh thì họ có thể nghĩ là các vị thần linh địa phương trừng phạt mình.
Trong thời Bắc thuộc có nhiều đợt di dân từ Trung Quốc sang Việt Nam, nhưng chắc đại đa số là người dân miền sát biên giới, từ Quảng Đông sang Phúc Kiến. Số người gốc Hán thật sự, từ miền Bắc xuống, chắc không thích ở lâu đất Giao Châu, vì sợ bệnh tật.
Nhiều viên thư lại sống lâu ở Giao Châu, cũng như các di dân người Hoa chọn lập nghiệp ở xứ này có thể nghĩ rằng nếu họ chịu học theo cách ăn uống, cách sinh hoạt của dân địa phương, chịu thờ phượng các thần thánh địa phương, thì hy vọng sẽ chống lại được các căn bệnh do đất, nước, mưa gió, thời tiết, “thần linh” và “ma quỷ” bản địa gây ra. Những gia đình sống lâu ở nước ta vì thế càng muốn tập sống theo lối địa phương.
Phải nêu lên những điều kiện khách quan về địa dư, phong thủy trên đây để thấy thêm một lý do tại sao người dân Việt tại Giao Chỉ, Cửu Chân không bị đồng hóa dễ dàng. Nhưng nói đến các yếu tố thiên nhiên đó không phải là để hạ thấp giá trị tinh thần quật cường của dân Việt. Chính tinh thần tự chủ mới là yếu tố quyết định giữ được hồn tính, bản sắc của người Việt Nam. Bởi vì chỉ giải thích bằng lý do địa dư thôi chưa đủ. Tây Tạng cũng được ngăn cách với Trung Quốc bằng những cao nguyên và núi non hiểm trở, nhưng cuối cùng vẫn bị chiếm đóng từ đời nhà Thanh đến nay. Vùng đất ngay phía Bắc biên giới Hoa Việt khí hậu cũng không khác gì mấy so với khí hậu, phong thủy ở miền châu thổ Sông Cái; vậy mà sau hơn một ngàn năm đều đã Hán hóa. Giống dân được người Hán gọi là Việt, ở nước Việt của Câu Tiễn trước, đã từng lập quốc ở vùng Triết Giang, phát triển rất mạnh kể từ các thế kỷ thứ năm, thứ sáu trước Tây Lịch; sau khi nước Việt của Câu Tiễn mất họ di cư tới Phúc Kiến tạo thành nước Mân Việt, sau cùng cũng bị Hán hóa cả, mặc dù chậm hơn.
Quan trọng hơn đất đai phong thủy, chúng ta có thể giải thích sự tồn tại của giống dân Việt Nam bằng hai yếu tố; những sản phẩm tinh thần làm nổi bật sự khác biệt giữa người Việt và người Hán. Một là người Việt bảo vệ được tiếng nói của mình, không để bị Hán hóa quá nhiều như những người phía Bắc biên giới Việt Trung. Hai là trước khi gặp văn minh Hán tộc người Việt sống ở ngã tư quốc tế, đã hấp thụ thêm ảnh hưởng của những nguồn văn minh khác, từ các sắc dân vùng Đông Nam Á và từ bán đảo Ấn Độ. Đó là những động lực giúp ý chí giữ gìn bản sắc của người Việt.
Chúng ta càng cảm thấy sự tồn tại của một nước Việt Nam là một hiện tượng lạ, khi nhìn lại quá trình miền Nam Trung Quốc bị Hán hóa trong cùng thời gian người Hán đô hộ người mình. Ở phía Nam Trường Giang có những sắc dân tương cận với người Lạc Việt, những sắc tộc rất mạnh, nhiều người rất thông minh và tài hoa. Họ đã xây dựng lên một số nước rất cường thịnh trong lúc tiếp xúc với văn minh Hoa Hạ. Nhưng số phận họ, sau cùng lại bị Hán hóa, khác hẳn số phận dân tộc Việt Nam.
______________
Trích “Đứng Vững Ngàn Năm” của tác giả Ngô Nhân Dụng, tức Cư sĩ Chân Văn Đỗ Quý Toàn. Người Việt Books xuất bản, 2013. Giấy Vụn, 2014