HƯỚNG VỀ QUỐC HỌC
Tạp chí Tư Tưởng của Đại học Vạn Hạnh kỳ này muốn trở về tìm hiểu bản thân văn hóa dân tộc để tự ý thức đời sống cá nhân và đoàn thể Việt nam ở các phương diện ý chí, tình cảm và lý trí trong điều kiện địa lý và lịch sử ngõ hầu vun tưới cho cái gốc cây luân lý «Văn hiến Chi bang» đã mục nát trước khi chắp tiếp với các cây luân lý tốt đẹp ngoại lai. Nó muốn nói lên tiếng nói của Văn khoa phát biểu nguyện vọng sinh viên đòi hỏi một nền Quốc học có tinh thần thâu hóa sáng tạo.
Bởi thế nên chúng tôi chú trọng về bài học quốc sử và địa lý nhân văn, về văn học và nghệ thuật, về tư tưởng và tín ngưỡng làm sao phản chiếu trung thực Quốc hồn, Quốc túy của dân tộc đã dày công bồi đắp bằng xương bằng máu cho giải đất bán đảo Ấn độ China nơi giao chỉ của chủng tộc và văn minh thế giới ở quá khứ cũng như hiện tại. Với tinh thần Đại học, chúng tôi tôn trọng sự thật trước hết, tôn trọng các ý kiến tư tưởng khác nhau nhưng thành thật không tuyên truyền xuyên tạc theo đúng tinh thần xây dựng cho một xã hội nhân bản khai phóng. Khai phóng có nghĩa là không độc tôn một chủ nghĩa, một tôn giáo mà thông cảm và tôn trọng lẫn nhau trong sự hợp tác. Đứng ở giữa trường giao lưu thế giới, nhà Nam mở cửa đón gió bốn phương, dân Việt nam muốn có một kế hoạch xây dựng hòa bình cho dân tộc ắt phải mau mau tự ý thức lấy mình sau khi có thực chủ quyền. Bởi thế mà phát triển quốc học là công việc khẩn trương, tối thiết yếu nếu chúng ta muốn thâu hóa khoa học kỹ thuật không vì mục đích duy vật vị kỷ, không muốn biến thành con người kỹ thuật chuyên viên chỉ biết thừa hành cách máy móc quyền lợi ngoại lai. Chúng ta thực muốn thâu hóa có sáng tạo để xây dựng cho một nước Việt nam mới, một con người Việt, cởi mở phong phú và nhất là có sắc thái độc đáo, chúng ta không cần phải theo gương ai hơn là theo gương tổ tiên mình từng đã có những tri thức và hành động xứng đáng làm gương muôn đời.
Vậy trở về quốc học chân chính không có chỉ là bảo thủ, làm cản trở cho công việc thâu hóa nhất là thâu hóa khoa học. Cái quốc học chúng ta đã mất từ lâu có chấn hưng lại thì mới mong thâu hóa các sắc thái văn hóa thế giới để làm cho nẩy nở phong phú hơn ở trên đất văn hóa của mình, và mới có gì để trao đổi với người.
Chúng tôi mong cầu với lòng tha thiết qui vị độc giả trong nước cũng như ngoài nước hãy cùng chúng tôi cộng tác và hợp tác vào cái ngôi nhà Quốc học Vạn hạnh với tinh thần Vạn hạnh vi Thiền sư đã tượng trưng cho tinh thần lập quốc Việt nam ở Đông Nam Á châu này tinh thần «Dung Tam tế», «Đồng qui nhi thù đồ» «l’Unité dans la Diversité».
PHÂN KHOA VĂN HỌC và KHOA HỌC NHÂN VĂN
ĐẠI HỌC VẠN HẠNH
(Tạp chí Tư tưởng, số 1/ 1973)