Đắc các định vô sắc vi tế
Trên đường tầm đạo, đức Cồ-đàm (Gotama) trước tiên đi đến hai vị thầy chỉ dẫn Ngài tu chứng hai trạng thái ‘vô sắc’ huyền bí vượt ra ngoài tri giác của giác quan, mà sau đó Phật dung hội vào giáo pháp của mình. Tuy nhiên, những đoạn dịch sau đây cho thấy hai vị này chưa đạt mục đích cần đạt đến.
L.10 Học ‘vô sở hữu xứ’ với Āḷāra Kālāma
Này các tỳ-kheo, sau khi xuất gia như vậy, đi tìm cái gì chí thiện, tầm cầu đạo lộ vô thượng dẫn đến an tịnh tối thắng, Ta đến gặp Āḷāra Kālāma và thưa rằng: ‘Tôn giả Kālāma, tôi muốn sống đời phạm hạnh trong pháp và luật này’.[1] Này các tỳ-kheo, nghe nói vậy, Āḷāra Kālāma nói với ta như vầy:
‘Hiền giả, hãy sống ở đây. Pháp này (giáo lý và những gì nó dẫn tới) là như vậy, khiến kẻ có trí không bao lâu tự chứng nhập và an trú trong ấy, tự mình bằng thắng trí mà tác chứng pháp của tôn sư của mình’.
Này các tỳ-kheo, không lâu sau đó, rất nhanh chóng, Ta đã thông suốt Pháp ấy. Này các tỳ-kheo, nếu Ta nói về thuyết giáo của kẻ trí và thuyết giáo của bậc trưởng thượng, cho đến mức chỉ bằng tụng đọc nơi môi và tụng đọc lặp lại suông thì Ta, và những kẻ khác cũng vậy, có thể tuyên bố: ‘Tôi biết và tôi thấy’.
Này các tỳ-kheo, ta suy xét rằng: ‘Không phải chỉ bằng tín mà Āḷāra Kālāma tuyên bố rằng, do tự mình tác chứng pháp ấy bằng thắng trí mà chứng nhập và an trú trong pháp ấy. Thật vậy, Āḷāra Kālāma biết và thấy Pháp này mà an trú’. Này các tỳ-kheo, rồi ta đi đến Āḷāra Kālāma và hỏi rằng: ‘Tôn giả Kālāma, phải chăng, cho đến chừng mực ấy, tôn giả tuyên bố rằng, do tự mình tác chứng bằng thắng trí mà tôn giả chứng nhập và an trú trong Pháp này?’ Này các tỳ-kheo, Āḷāra Kālāma trả lời mà tuyên bố về vô sở hữu xứ.[2]
Này các tỳ-kheo, Ta suy xét rằng: ‘Không chỉ Āḷāra Kālāma có tín, Ta cũng có tín tâm; không chỉ Āḷāra Kālāma có tinh tấn, Ta cũng có tinh tấn; không chỉ Āḷāra Kālāma có niệm, Ta cũng có niệm; không chỉ Āḷāra Kālāma có định, Ta cũng có định; không chỉ Āḷāra Kālāma có tuệ, Ta cũng có tuệ.[3] Vậy Ta hãy nỗ lực tác chứng Pháp mà Āḷāra Kālāma tuyên bố, do tự mình tác chứng bằng thắng trí mà chứng nhập và an trú.’ Này các tỳ-kheo, không lâu sau đó, rất nhanh chóng, Ta chứng nhập và an trú Pháp ấy do tự mình tác chứng bằng thắng trí.
Này các tỳ-kheo, rồi ta đi đến Āḷāra Kālāma và nói rằng: ‘Tôn giả Kālāma, phải chăng, cho đến chừng mực ấy, tôn giả tuyên bố rằng, do tự mình tác chứng bằng thắng trí mà tôn giả chứng nhập và an trú trong Pháp này?’ ‘Hiền giả, cho đến chừng mực ấy, tôi tuyên bố rằng do tự mình tác chứng bằng thắng trí mà chứng nhập và an trú Pháp này.’ ‘Tôn giả Kālāma, cho đến chứng mực ấy, Tôi cũng chứng nhập và an trú trong Pháp này tự đạt và an trú trong Pháp này do tự mình tác chứng bằng thắng trí.’
‘Hiền giả, lợi đắc thay cho chúng tôi, thật khéo lợi đắc thay cho chúng tôi khi chúng tôi có một đồng phạm hạnh như vậy. Vậy Pháp mà tôi tuyên bố chứng nhập và an trú do tự mình tác chứng bằng thắng trí, cũng là Pháp mà hiền giả chứng nhập và an trú do tự mình tác chứng bằng thắng trí. Và Pháp mà hiền giả chứng nhập và an trú do tự mình tác chứng bằng thắng trí, cũng là Pháp mà tôi chứng nhập và an trú do tự mình tác chứng bằng thắng trí. Vậy hiền giả biết Pháp mà tôi biết, và tôi biết Pháp mà hiền giả biết. Tôi như thế nào, thì hiền giả cũng như thế ấy; hiền giả như thế nào, thì tôi cũng như thế ấy. Hãy đến đây, hiền giả, nay chúng ta hãy cùng lãnh đạo hội chúng này.’
Này các tỳ-kheo, như vậy Āḷāra Kālāma là đạo sư của Ta, lại đặt Ta, đệ tử của vị ấy, ngang hàng với mình, và tôn sùng Ta với sự tôn sùng tối thượng. Tuy vậy, này các tỳ-kheo, Ta suy xét rằng: ‘Pháp này không dẫn đến yểm ly, ly tham, tịch diệt, tịch tĩnh, không dẫn đến thắng trí, giác ngộ, Niết-bàn, mà chỉ dẫn đến tái sanh vào cõi vô sở hữu xứ.’ Này các tỳ-kheo, không thỏa mãn với Pháp ấy, thất vọng với Pháp ấy, Ta từ giã.
Ariya-pariyesana Sutta: Majjhima-nikāya I.163–165, dịch Anh G.A.S.
L.11 Học ‘phi tưởng phi phi tưởng xứ’ với Rāma-Tử
Trong đoạn này, đức Cồ-đàm (Gotama) vượt hơn thầy của mình là con trai của Rāma bằng chứng đắc trạng thái mà chỉ có Rāma mới đạt được.
Này các tỳ-kheo, đi tìm cái gì chí thiện, tầm cầu đạo lộ vô thượng dẫn đến tối thắng an ổn, Ta đi đến Uddaka, con trai của Rāma (Rāmaputta), và thưa rằng: ‘Tôn giả, tôi muốn sống đời phạm hạnh trong pháp và luật này’. Này các tỳ- kheo, nghe nói vậy, Uddaka con trai của Rāma nói với Ta như vầy: ‘Hiền giả, hãy sống ở đây. Pháp này (giáo lý và những gì nó dẫn tới) là như vậy, khiến kẻ có trí không bao lâu tự chứng nhập và an trú trong ấy, tự mình bằng thắng trí mà tác chứng pháp của tôn sư của mình’.
Này các tỳ-kheo, không lâu sau đó, rất nhanh chóng, Ta đã thông suốt Pháp ấy. Này các tỳ-kheo, nếu Ta nói về thuyết giáo của kẻ trí và thuyết giáo của bậc trưởng thượng, cho đến mức chỉ bằng tụng đọc nơi môi và tụng đọc lặp lại suông thì Ta, và những kẻ khác cũng vậy, có thể tuyên bố: ‘Tôi biết và tôi thấy’.
Này các tỳ-kheo, Ta suy xét rằng: ‘Không phải chỉ bằng tín mà Uddaka, con trai của Rāma, tuyên bố rằng, do tự mình tác chứng pháp ấy bằng thắng trí mà chứng nhập và an trú trong pháp ấy. Thật vậy, Uddaka con trai của Rāma biết và thấy Pháp này mà an trú’. Này các tỳ-kheo, rồi ta đi đến Uddaka con trai của Rāma và hỏi rằng: ‘Tôn giả Uddaka, phải chăng, cho đến chừng mực ấy, tôn giả tuyên bố rằng, do tự mình tác chứng bằng thắng trí mà tôn giả chứng nhập và an trú trong Pháp này?’ Này các tỳ-kheo, Uddaka con trai của Rāma trả lời mà tuyên bố về phi tưởng phi phi tưởng xứ.[4]
Này các tỳ-kheo, Ta suy xét rằng: ‘Không chỉ Uddaka con trai của Rāma có tín, Ta cũng có tín tâm; không chỉ Uddaka con trai của Rāma có tinh tấn, Ta cũng có tinh tấn; không chỉ Uddaka con trai của Rāma có niệm, Ta cũng có niệm; không chỉ Uddaka con trai của Rāma có định, Ta cũng có định; không chỉ Uddaka con trai của Rāma có tuệ, Ta cũng có tuệ. Vậy Ta hãy nỗ lực tác chứng Pháp mà Uddaka con trai của Rāma tuyên bố, do tự mình tác chứng bằng thắng trí mà chứng nhập và an trú.’ Này các tỳ-kheo, không lâu sau đó, rất nhanh chóng, Ta chứng nhập và an trú Pháp ấy do tự mình tác chứng bằng thắng trí.
Này các tỳ-kheo, rồi Ta đi đến Uddaka con trai của Rāma và nói rằng: ‘Tôn giả Uddaka, phải chăng, cho đến chừng mực ấy, tôn giả tuyên bố rằng, do tự mình tác chứng bằng thắng trí mà tôn giả chứng nhập và an trú trong Pháp này?’ ‘Hiền giả, cho đến chừng mực ấy, tôi tuyên bố rằng do tự mình tác chứng bằng thắng trí mà chứng nhập và an trú Pháp này.’ ‘Tôn giả Uddaka, cho đến chừng mực ấy, Tôi cũng chứng nhập và an trú trong Pháp này, tự đạt và an trú trong Pháp này do tự mình tác chứng bằng thắng trí.’
‘Hiền giả, lợi đắc thay cho chúng tôi, thật khéo lợi đắc thay cho chúng tôi khi chúng tôi có một đồng phạm hạnh như vậy. Vậy Pháp mà tôi tuyên bố chứng nhập và an trú do tự mình tác chứng bằng thắng trí, cũng là Pháp mà hiền giả chứng nhập và an trú do tự mình tác chứng bằng thắng trí. Và Pháp mà hiền giả chứng nhập và an trú do tự mình tác chứng bằng thắng trí, cũng là Pháp mà tôi chứng nhập và an trú do tự mình tác chứng bằng thắng trí. Vậy hiền giả biết Pháp mà tôi biết, và tôi biết Pháp mà hiền giả biết. Tôi như thế nào, thì hiền giả cũng như thế ấy; hiền giả như thế nào, thì tôi cũng như thế ấy. Hãy đến đây, hiền giả, nay chúng ta hãy cùng lãnh đạo hội chúng này.’
Này các tỳ-kheo, như vậy Uddaka con trai của Rāma, đồng phạm hạnh của Ta, lại đặt Ta vào địa vị bậc thầy[5], và tôn sùng ta với sự tôn sùng tối thượng. Tuy vậy, này các tỳ-kheo, Ta suy xét rằng: ‘Pháp này không dẫn đến yểm ly, ly tham, tịch diệt, tịch tĩnh, không dẫn đến thắng trí, giác ngộ, Niết- bàn, mà chỉ dẫn đến tái sanh vào cõi vô sở hữu xứ.’ Này các tỳ-kheo, không thỏa mãn với Pháp ấy, thất vọng với Pháp ấy, Ta từ giã.
Ariya-pariyesana Sutta: Majjhima-nikāya I.165–166, dịch Anh G.A.S.
_____________________
[1] Tức là, giáo thuyết và thực hành mang tính tôn giáo-triết học.
[2] Hoặc ‘không có gì’, mà trong giáo pháp của Phật sau này đây là tên của tầng định vô sắc thứ ba (xem *Th.142). Tuy nhiên, trong Phật giáo, định (samādhi) này được đạt đến phải y chỉ trên bốn tĩnh lự (bốn thiền/ dhyāna), nhưng đó không phải là trường hợp nói đây.
[3] Tín, tấn, niệm, định và tuệ là năm thiện căn cũng được nói trong Phật giáo (xem *Th.89).
[4] Cũng là tên gọi của một tầng định vô sắc trong Phật giáo: tầng định thứ tư, vượt lên tầng vô sở hữu.
[5] So sánh với đề nghị đồng hàng đạo sư của Āḷāra Kālāma, ở đây Uddaka Rāmaputta tôn lên hàng đạo sư trọn vẹn chứ không chỉ là bậc thầy.