Đời Lý có thể gọi là thời kỳ thịnh nhất của Phật Giáo Việt Nam. Trong hơn 200 năm, trải qua tám đời vua, Phật Giáo đã giữ một địa vị độc tôn, và trên công cuộc xây dựng một nền văn hóa quốc gia, Phật giáo đã góp một công trình vĩ đại.
Nếu không phải là viên đá duy nhất để xây dựng một nền tảng văn hóa ban đầu thì ít ra, Phật giáo đời Lý cũng phải là một viên đá to nhất. Về phương diện tinh thần cũng như về phương diện vật chất, ảnh hưởng Phật giáo ăn sâu vào tất cả các ngành hoạt động trong nước. Ngày nay, tinh thần đạo Phật đã không tách rời khỏi tinh thần dân tộc, văn hóa Phật giáo đã hầu là một yếu tố căn bản trong nền văn hóa dân tộc Việt Nam, là vì trong buổi đầu của sự tạo dựng văn hóa, dân tộc Việt Nam đã được nuôi sống bằng những món ăn bổ dưỡng và cần thiết của Phật giáo.
SỰ NGHIỆP VĂN HỌC
Ở đời Lý, các tăng sĩ học hiểu rất rộng, nên tăng già có rất nhiều ảnh hưởng đến văn hóa đương thời. Nhờ sách Thiền Uyển Tập Anh và một số bia tạo dựng từ đời Lý, những vần thơ đời ấy còn để lại. Bao nhiêu sách vở và thi văn xuất hiện ở thời ấy, phần nhiều là do các bậc tăng già. Các nho gia cũng được thấm nhuần tư tưởng Phật giáo nên trên thi văn của họ, ảnh hưởng của Phật giáo cũng rất sâu đậm.
Mỗi ngôi chùa thời ấy là một nơi diễn đàn, một chốn học đường mà số người theo học không những là thường dân mà là cả những công hầu khanh tướng. Mỗi chùa có thể gọi là một trường đại học dạy về tâm học ở đó sự học hỏi nhất luật bình đẳng, không phân biệt sang hèn, già trẻ. Học trò không quản công lao gian khổ; các bực danh thần như Thái úy Tô Hiến Thành và Thái bảo Ngô Hòa Nghĩa cũng đã phải xin thị giác theo lễ, học với Thiền sư núi Cao Dã, trải qua mười năm mới được gặp mặt thầy. Người nào được thầy truyền cho tâm ấn mới là mãn nguyện.
Về văn chương trong lịch sử độc lập của nước ta, câu chuyện bài thơ đầu tiên thuộc về hai vị sư: pháp sư Đỗ Thuận và pháp sư Khuông Việt. Ấy là năm 978, văn hào Lý Giác phụng sứ nhà Tống sang phong cho Lê Hoàn làm Tĩnh Hải tiết độ sứ. Pháp sư Đỗ Thuận phụng mệnh vua ra tiếp. Các sách Thiền Uyển Tập Anh và Đại Việt Sử Ký Toàn Thư chép rằng pháp sư giá làm người chèo thuyền cho Lý Giác. Thấy hai con ngỗng bơi, Giác văn thích làm thơ, ngâm:
Nga nga lưỡng nga nga,
Ngưỡng diện hướng thiên nha.
(Song song ngỗng một đôi
Ngửa cổ ngó ven trời)
Người chèo đò nghe, ứng khẩu đọc tiếp:
Bạch mao phô lục thủy
Hồng trạo bãi thanh ba.
(Lông trắng phô dòng biếc
Sóng xanh chân hồng bơi)
Giác nghe lấy làm khâm phục. Đến khi gặp vua, Giác tỏ vẻ và kính trọng. Khi Giác từ biệt về nước, vua nhờ Khuông Việt pháp sư làm một bài hát theo điệu “Tăng vương lang quy” đưa tặng. Sách Thiền Uyển Tập Anh còn chép bài ấy:
Tường quang phong hảo cẩm phàm trương.
Thần tiên quy đế hương.
Thiên lý vạn lý thiệp thương lương.
Cửu thiên quy lộ trường. Nhân tình thảm thiết đối ly trường.
Phan luyến sứ tinh lang.
Nguyện tương thâm ý vị Nam cương.
Phân minh bảo ngã hoàng.
Dich:
Trời quang, gió thuận, buồm dương
Thần tiên phút đã giục đường bồng lai.
Mênh mang muôn dặm biển khơi,
Lối về trong bóng chim trời xa xa.
Bâng khuâng trước chén quan hà,
Nhớ ai lòng những thiết tha nỗi lòng
Xin ai vì cõi Nam Trung
Rõ ràng gửi lại mặt rồng trước sau
(Ngô Tất Tố dịch)
Bài ca soạn xong, vua thiết tiệc chúc sứ lên đường, cùng nhau nâng chén tiễn biệt. Trong lịch sử ngoại giao của nước Việt, bài hát này là lời tửu chúc từ thân thiện đầu tiên. Mà lời chúc từ này lại là của một nhà sư!
Sang Triều Lý, các nhà sư không tiếp sứ nữa, vì các nho thần đã đủ để lo việc ngoại giao. Nhưng các thiền sư vẫn luôn luôn là những người tài giỏi và hay chữ nhất trong xã hội. Sách Thiền Uyển Tập Anh chép chuyện các thiền sư, trong chuyện nào cũng có ghi một vài bài thơ của thiền sư để lại. Nguồn thơ là nguồn đạo lý sâu xa. Có những bài thơ bày tỏ lại sự hiểu đạo đọc lên ý tứ sâu kín thâm trầm. Có những bài thơ dễ hiểu hơn đọc lên ta cảm thấy được sự thanh thoát của những đời sống tĩnh mặc.
Về phái nho, các nhà thi văn chịu ảnh hưởng nhiều của đạo Phật vì hằng ngày đều có giao thiệp với chư tăng. Thi văn của họ ngày nay mất mát gần hết, ngoài một ít bài được giữ lại nhờ sách Thiền Uyển Tập Anh.
Nói tóm lại, văn học đời Lý cũng đã có thể gọi là thịnh và chịu ảnh hưởng đạo Phật rất nhiều. Nhờ đạo Phật với các bia ký, các kinh sách và tác phẩm còn được giữ lại một phần. Như thế, đối với sự phát triển và bảo tồn văn học nước nhà, Phật giáo đã có một sự nghiệp to tát vậy.
SỰ NGHIỆP MỸ THUẬT
Về các ngành mỹ thuật như kiến trúc, hội họa, điêu khắc, đạo Phật đã là một động lực thiết yếu cho sự phát triển mạnh mẽ.
Thiền gia đời Lý đã để lại bốn công trình mỹ thuật, gọi là An Nam tứ đại khí:
-
THÁP BÁO THIÊN
Tháp Báo Thiên là một bảo tháp gọi là Đại Thắng Tư Thiên, xây năm 1057 ở chùa Sùng Khánh, trong phạm vi chùa Báo Thiên (nay là khu đất mé đông hồ Hoàn Kiếm). Tháp này cao đến 10 trượng, có tất cả 12 từng, mỗi viên gạch đều có in niên hiệu Long Thụy Thái Bình. Đến đời Hồ, tháp này đổ mất ngọn. Năm 1427, Lê Lợi làm một cái chòi cao bằng tháp ấy để nhìn vào thành Đông đô của giặc. Sau nhà Tây Sơn dở gạch tháp ấy để xây dựng việc khác.
-
PHO TƯỢNG QUỲNH LÂM
Đây là một pho tượng bằng đồng ở chùa Quỳnh. Báo Đuốc Tuệ số 77 có bài “Luận về di tích chùa Quỳnh” của Đồ Nam Tử Nguyễn Trọng Thuật, có đoạn: “Cứ trông cái lòng bia cổ cao lớn ở ngoài vườn của chùa có chép kích thước và bề cao cái điện che pho tượng ấy, thì chùa Quỳnh để tiếng đến nay không phải là vô cớ. Cái bia đá cao đến 8, 9 thước, xung quanh chạm long ổ rất khéo mà đứng giữa trời bị nắng mưa dầu dãi nay, nét chạm cũng bị tiêu mòn khó nhận như nét chữ trong bia. Song so lời bia với lời tục truyền phù hợp thì đứng ở bến đò Triều mé nam huyện Đông Triều cách chùa Quỳnh ước 10 dặm, mà còn trông thấy cái nóc điện che sát đầu pho tượng ấy thì biết tượng ấy to hơn tượng Chấn Vũ nhiều…”
-
ĐỈNH PHỔ MINH
Một cái Đỉnh vĩ đại ở Nam Bạnh, và
-
CHUÔNG QUY ĐIỀN
Một đại hồng chung đúc năm 1080 ở chùa Diên Hựu, Bắc Ninh. Năm 1426, bọn Vương Thông bị Lê Lợi đánh thua ở trận Tụy Động, hết quân khí, mới phá chuông Quy Điền và đỉnh Phổ Minh để làm súng đạn.
Ở triều Lý, các chùa tháp được xây dựng với một quy mô rộng lớn. Những danh lam còn lại hiện giờ ở Bắc Việt phần nhiều đều do từ đời Lý Lập ra. Những thắng tích ở Hà Nội như quán Trấn Vũ (102), chùa Một Cột (1049), đền Hai Bà (060). Đền Voi Phục đều được khởi tạo từ đời nhà Lý.
Các vua Lý còn tạo dựng nhiều cung điện ở Thăng Long, những nơi đến chơi, những nơi làm lễ, xem gặt, xem cày. Tuy những kiến trúc này không phải là của Phật giáo nhưng đã chịu rất nhiều ảnh hưởng của sự dựng chùa. Về kiến trúc, ta hãy xem đoạn này mà giáo sư Hoàng Xuân Hãn đã trích dịch trong chiếc bia “Sở Trụ Chiếu Trát Tăng Tu” của nhà Tống nói về sự tạo dựng chùa một cột của vua Lý Nhân Tông:
“Ở vườn Tây Cấm, dựng chùa Diên Hựu (chùa Một Cột). Theo dấu chế độ cũ, thêm mưu mới của nhà vua. Tạc hồ Linh Chiểu. Trên hồ dựng lên một cột đá. Trên cột đá, nở một hoa sen nghìn cánh. Trên hoa lại gác một toà điện. Trong điện, đặt tượng Phật Vàng. Chung quanh hồ có hành lang bao vây, tường vẽ. Ngoài hành lang lại có hồ Khang Bích bọc bốn bề. Mỗi bề có cầu thông ra ngoài sân. Trong sân, kề đầu cầu ở trước chùa, có dựng hai tháp lợp ngói sứ”.
Những cung điện chùa miếu cũ nay không còn, song các di vật như một vài tòa tháp, một ít tấm bia, bệ đá hay ít nhiều tảng đá chạm trổ còn lại, cho ta thấy rằng, nghề kiến trúc và điêu khắc đời Lý rất tinh vi và hùng vĩ, các đời triều đại sau không sánh kịp.
SỰ NGHIỆP CHÍNH TRỊ
Trong giới tăng sĩ, có nhiều vị, ngoài sự hiểu biết về đạo học, còn tinh thông được nhiều môn khác. Các vị ấy bác lãm sách vở, hiểu tường được đại thế thiên hạ. Các vì vua có tôn trọng tăng độ một phần vì mến đạo, nhưng một phần cũng vì lý do chính trị. Nước ta vừa mới được thoát ra khỏi thời kỳ đô hộ dài đằng đẵng mà được độc lập, các nhà vua Đinh Lê phần nhiều là những kẻ vũ biển. Những cực hình như cột đồng đốt nóng, vạc dầu đun sôi, cũi ngâm sông, chuồng hổ báo của các vua Đinh Lê dùng để trừng phạt kẻ có tội phản chiếu được một phần nào tính cách dã man của một triều đại trong bước đầu xây dựng văn hóa. Đời Lý, chính trị đã nhờ học vấn và tài lực của chư tăng mà được cải thiện, văn minh hơn nhiều.
Pháp sư Ngô Chân Lưu người đầu tiên được mời ra tham gia công việc triều chính giúp vua Đinh Tiên Hoàng và Lê Đại Hành, Pháp sư được ban chức Tăng Thống, hiệu là Khuông Việt đại sư, có nghĩa là vị đại sư khuông phò nước Việt.
Sách Thuyền Uyển Tập Anh có chép, sau khi Lê Hoàng lên ngôi “phàm sự quân quốc, đều giao cho sự hết”.
Thiền Sư Vạn Hạnh cũng đã có ảnh hưởng rất lớn trong giai đoạn lập nghiệp đầu tiên của nhà Lý. Từ đời Lê, thiền sư đã nổi tiếng là một bậc quảng kiến. Khi đánh Tống và đánh Chiêm, vua Lê Đại Hành đã từng hỏi ý kiến thiền sư. Chính thiền sư đã biết trước rằng nhà Lê sắp mất, nhà Lý sẽ lên thay, và đem việc ấy nói với Lý Công Uẩn.
Ông Nguyễn Đổng Chi, trong sách Việt Nam Cổ Văn Học Sử có trích dịch một đoạn về những lời của Viên Thông thiền sư giải bày với vua Thần Tông về lẽ hưng vong trị loạn: “Thiên hạ cũng như một đồ vật, để nó vào nơi yên thì yên vào nơi nguy thì nguy, cốt trông ở chỗ sở hành của nhà vua; nếu có cái đức hiếu sinh thấm vào lòng dân thì dân yêu như cha mẹ ngóng như trời trăng; ấy là đặt thiên hạ vào nơi yên đó… Lại trị và loạn ở tại trăm quan, được người thì trị mà không được người loạn. Tôi trải xem các bậc đế vương đời trước, chưa có khi nào không dùng quân tử mà hưng, không dùng bậc tiểu nhân mà vong, mà đến như thế chẳng phải một mai một chiều đâu, tự nó dần dần lại vậy. Trời đất không thể thay nóng đội rét liền mà dần dần ở mùa xuân, mùa thu. Bậc vua chúa không làm hưng hay vong liền mà dần dần ở sự thiện hay ác. Bậc thánh Vương xưa biết như thế cho nên mới bắt chước đức trời không nghỉ để sửa mình, bắt chước đức đất không nghỉ để yên người. Sửa mình là thận trọng ở bề trong, run sợ như dẵm lên băng mỏng. Yên dân là kính kẻ dưới, hãi hùng như cưỡi ngựa nắm dây cương mục. Theo lối đó thì hưng, trái đi thì vong. Sự hưng vong là dần dần sinh ra thôi”.
Xem qua những lời trên đây, ta thấy các thiền sư thật đã xứng đáng là những nhà cố vấn vững vàng về chính sự. Đó là một bài học chính trị rất đích đáng cho kẻ làm vua, một bài học chính trị thấm nhuần tinh thần Phật giáo. Như thế, đủ biết công nghiệp của chư tăng trong phạm vi chính sự cũng không phải là nhỏ.
SỰ NGHIỆP XÃ HỘI
Phần nhiều các chùa đời Lý đều có ruộng và kho của riêng: tài sản ấy là lộc để cứu cấp những dân đói khổ và những năm mất mùa. Cửa chùa là cửa rộng, có thể dung được những người hoạn nạn, những kẻ lỡ đường. Sách Thiền Uyển Tập Anh có chép rằng nhà vua và các tín chủ giàu có thường cúng dường của cải để cho chư tăng bố thí lại cho dân nghèo hay làm những việc cứu trợ công đức khác. Thiền gia thường nương vào sự giúp đỡ của chính quyền để thỉnh thoảng mở ra những pháp hội trong mấy đêm ngày, chẩn tế, bố thí cho dân nghèo đói, xin giảm án và ân xá cho các tội phạm.
Các thiền sư cũng tinh thâm y học, phát minh và chế ra nhiều phương dược để cứu cấp cho quần chúng, đồng thời dùng làm phương tiện truyền đạo. Sách xưa ghi lại những thiền sư có tài y học như Nguyễn Minh Không, như Đạo Huệ,…
Tinh thần đạo Phật, giáo lý tử bị trí tuệ và những tư tưởng cứu thế của Phật giáo đã ảnh hưởng rất sâu đậm trên phong tục và văn hóa nước ta về triều Lý. Phong tục của triều đình thuần hậu hơn nhiều, so với Đinh và Lê. Những cực hình dùng hàng ngày, những thói giết chóc của các vua Đinh, Lê chứng tỏ rằng tập tục dã man rừng rú của họ vẫn còn nhiều. Sự tàn nhẫn, phàm phu, tư lợi còn điều khiển hành vi của những kẻ nắm quyền: việc Đô Thích giết cha con vua Đinh Tiên Hoàng, việc Ngọa Triều giết em là Lê Trung Tông đủ chứng minh điều đó.
Nhưng sang đến đời Lý thì khác hẳn. “Tuy rằng trong các vụ hành quân ở Chiêm hay đánh Tống có giết hại nhiều người, tuy rằng khi có loạn trong nước, vẫn có gia tội tử hình, nhưng ta phải nhận rằng, chưa có đời nào, như ở đời Lý, mà vua có độ lượng khoan hồng đối với dân hay là đối với kẻ địch. Lý Thái Tông đã tha tội cho Nùng Trí Cao. Lý Thánh Tôn đã tha chết anh vua Chàm là Chế Củ. Tuy rằng đó là có lợi cho đường chính trị, nhưng nếu không có sẵn từ tâm, thì ắt không nghĩ đến sự khoan hồng đã làm lợi cho chính trị mình”.
(Hoàng Xuân Hãn: Lý Thường Kiệt, trang 407)
Lượng khoan hồng ấy, mối từ tâm ấy chính là nhờ ở lực lượng giáo hóa của đạo Phật. Sách Đại Việt Sử Ký còn chép lại những cử chỉ đáng kính của các vua Lý. Mùa đông năm 1055, trời gió rét, Lý Thánh Tông nói với các quan: “Ta ở trong cung kín sưởi lò than, mặc áo ấm mà còn rét thế này, huống chi những kẻ tù nhân chịu trói buộc khổ sở trong lao ngục, ăn không đầy bụng, mặc không che thân. Vì gió rét, nên có kẻ chết không nơi nương tựa. Ta thật lấy làm thương”. Nói rồi, vua sai phát chăn chiếu cho tù, và cấp cho mỗi ngày hai bữa cơm ăn.
Một hôm, vua Thánh Tông chỉ Động Thiên công chúa mà nói với các quan: “Lòng trẫm yêu dân cũng như yêu con trẫm dây. Ngặt vì trăm họ ngu dại làm càn nên phải tội, vậy bây giờ tội nào cũng nên giảm bớt đi”.
Không phải lòng thương người ấy là một phương tiện giả dối của nhà chính trị mà chính là kết quả của một lòng từ bi do Phật giáo un đúc nên.
Sau các đời vua hung hãn của triều Định Lê, ta thấy xuất hiện những kẻ cầm quyền có độ lượng khoan hồng, những người giúp việc ít tham lam phản bạn. Giáo sư Hoàng xuân Hân đã viết: “Đời Lý có thể gọi là đời thuần từ nhất trong sử nước ta. Đó chính là nhờ ảnh hưởng đạo Phật”. (Lý Thường Kiệt 409)
KẾT LUẬN
Văn hóa Việt Nam từ triều Lý đã có một cơ sở vững chãi. Cơ sở ấy được tạo dựng nên một phần lớn nhờ đạo Phật Việt Nam, để rồi càng ngày càng được bồi đắp cho thêm huy hoàng sáng rỡ. Chúng ta phải nhận thức rằng Phật giáo mãi mãi vẫn phải là một yếu tố bất ly trong công việc xây dựng và bồi đắp nền văn hóa dân tộc. Chúng ta không muốn mất gốc rễ, hẳn chúng ta phải chú trọng tới sự bồi đắp nền quốc giáo ngàn xưa.
[tạp chí Phật giáo Việt Nam, số 1, 1956]