Nguồn gốc
Vào năm 1960, có một số Tăng sinh các Phật học viện miền Trung học xong Tú tài hai, vào Sài Gòn học không có chỗ ở. Quý thầy xin gởi Tăng sinh ở các chùa rất khó khăn. Do đó, Hòa thượng Thích Trí Thủ đích thân đi tìm chỗ để xây Tăng xá cho học Tăng ở đi học.
Sau một thời gian lặn lội tìm kiếm, cuối cùng Hòa thượng cũng đã chọn được lô đất với diện tích 3.940 m2 của ông bà Bùi Văn Sử tọa lạc tại số 300 đường Lê Quang Định, xã Hạnh Thông, quận Gò Vấp, tỉnh Gia Định (nay là số 498/11 Lê Quang Định, phường 1, quận Gò Vấp, TP. Hồ Chí Minh).
Giá tiền lô đất này là 400.000đ (Bốn trăm ngàn đồng). Sau khi ông bà Bùi Văn Sử biết Hòa thượng mua đất xây chùa nên chỉ lấy một nửa số tiền và cúng lại một nửa. Tuy có hai trăm ngàn đồng nhưng thời bấy giờ đối với chùa rất khó khăn, không đủ tiền để mua. Cũng may Hòa thượng gặp hai ông bà Hoàng Mạnh Thường phát tâm cho mượn. Sau đó chùa đã vận động Phật tử người nhiều kẻ ít góp trả lại cho ông bà. Nhờ Phật, sau hai năm chùa trả xong nợ mua đất.
Hòa thượng đã chính thức ký giấy tờ mua bán đất vào ngày 26-01-1962. Người đứng ra lo liệu thủ tục giấy tờ nhà đất, điện nước, bước đầu là Phật tử Trần Văn Long ở Thị Nghè giúp đỡ. Tính đến nay được 47 năm, gần nửa thế kỷ rồi. Sau năm 1975, chùa có mua thêm một số đất nữa sát chùa để mở rộng thêm. Hiện nay tổng diện tích được trên 5.000 m2.
Vậy, khai kiến QHGL là HT. Thích Trí Thủ, Giám hiệu PHV. TP. Để tưởng nhớ Ngài, tôi xin trích nguyên văn lời phát biểu của HT. Thích Thiện Siêu nhân ngày Đại tường như sau:
“Hôm nay vừa đúng hai năm sau ngày Hòa thượng an nhiên quy tịch. Hai năm hàng Tăng Ni Phật tử chúng tôi phải trải qua những tháng ngày trống vắng một bậc Cao tăng, một vị Thầy đạo hạnh tôn kính, có dáng mạo đoan nghiêm, đạo phong thanh thoát, thái độ ân cần thân mật, hoan hỷ bao dung, có nụ cười ấm mát tươi vui, biết quý người có học có đức nhưng không khinh chê người kém cỏi, sẵn lòng giúp đỡ mọi người, không phân biệt việc lớn việc nhỏ, miễn thấy có lợi cho Đạo cho đời, xứng hợp với lòng từ bi thì không hề từ chối.
Đã mang sẵn hoài bão thừa Như Lai sứ, hành Như Lai sự, nên hễ gặp Phật sự gì đòi hỏi, Hòa thượng đều sẵn sàng vui vẻ gánh vác, không luận chức vụ gì, khi làm trú trì, khi giáo sư, giảng sư, thư ký, Hội trưởng, Viện trưởng Viện Hóa đạo, Chủ tịch HĐTS v.v… Tuy danh xưng, chức vụ có khác nhưng không hề có sự mâu thuẫn giữa chức nọ với chức kia, vì trước sau trong tâm tư Hòa thượng cũng chỉ đeo đuổi một mục đích, chí nguyện hoằng dương Chánh pháp, lợi lạc quần sanh, thương yêu tổ quốc đồng bào với tinh thần vô ngã vị tha, với hạnh Phổ Hiền thượng cầu hạ hóa, với đức tánh tịnh mà không trầm, động mà không loạn, ở trên người mà người không thấy nặng, ở dưới người mà người không thể khinh. Hòa thượng đã hiến trọn đời mình cho Đạo pháp, cho dân tộc, cho nhân loại, cả trong nước, cả ngoài nước, cả chúng sinh”.
Mục đích
Như đã nói trên, mục đích kiến tạo QHGL ban đầu là làm nơi cư trú cho sinh viên Tăng có điều kiện tu học để tương lai có khả năng phụng sự Đạo cũng như đời. Do đó, học tăng được tự do chọn môn học thích hợp với khả năng và sở trường của mình. Thời gian qua QHGL đã đào tạo được nhiều giáo thọ, bác sĩ, dược sĩ, kiến trúc sư, kỷ sư, giáo sư triết học,văn học, trú trì v.v… đi nhiều nơi trong cũng như ngoài nước phụng sự Đạo pháp và nhân loại.
Việc đào tạo Tăng tài là mục đích chính của QHGL từ ngày thành lập đến nay. Mặc dù đất nước cũng như Đạo pháp có nhiều biến chuyển, đổi thay nhưng QHGL vẫn trước sau như một, hoằng pháp lợi sanh là sự nghiệp.
Song song với việc đào tạo Tăng, QHGL còn lo việc tu học cho giới cư sĩ tại gia Ưu bà tắc, Ưu bà di bằng cách mở lớp giáo lý, khóa tu Bát quan trai, lớp học tình thương cho các con em nghèo thất học, tổ chức Gia đình Phật tử giáo dục lớp thanh thiếu niên, làm từ thiện xã hội, tặng nhà tình thương, bắc cầu, đào giếng, xây chùa, tạo tượng, đúc chuông, in kinh sách, tụng niệm bái sám nguyện cầu âm siêu dương thái pháp giới chúng sanh đồng triêm lợi lạc.
Số lượng Tăng sinh
Ngày đầu tiên thu nhận Tăng sinh vào năm 1960 là 6 vị. Sau đó mỗi năm tăng dần, vào năm 1974 lên đến 110 vị. Cuối năm 1975, số lượng giảm đột ngột vì thời cuộc biến chuyển, một số trở về chùa thầy tổ, một số ra nước ngoài, một số đi theo Cách mạng, một số hoàn tục, chỉ còn lại vỏn vẹn sáu thầy trò kể cả HT. Khai sơn. Sau đó tăng dần, đến năm 1983 được trên 30 vị.
Đến năm 1984 biến cố lại xảy ra, HT. Khai sơn viên tịch, thầy Trí Siêu, thầy Tuệ Sĩ, thầy Nguyên Giác ở tù, những người tạm trú phải ra đi, chỉ còn lại 9 người có hộ khẩu được ở. Hết mưa trời lại tạnh, sau một thời gian lạnh lẽo vắng vẻ, quý thầy ra khỏi tù trở về, học Tăng lại quy tụ tăng dần lên, hiện nay là gần 80 vị. Cuộc đời vô thường, thịnh suy thăng trầm như thế, QHGL vẫn giữ vững lập trường tu học theo Chánh pháp, đào tạo Tăng tài, hoằng Pháp lợi sanh là sự nghiệp.
Tên chùa
Đầu tiên HT. Khai sơn đặt tên chùa là GIẢI HẠNH GIÀ LAM, sau ngày thầy Quảng Hương tự thiêu, vào năm 1964, Ngài đổi tên là QUẢNG HƯƠNG GIÀ LAM.
GIÀ LAM là tiếng Phạn nói tắt, nói đủ là là TĂNG GIÀ LAM MA (sanghāmā) nghĩa là khu vườn chư Tăng ở, tức là Tăng viên hay Tăng viện, tự viện, chùa v.v…
GIÀ LAM lúc đầu có cảnh trí già lam thật; khu vườn nằm trong hẻm vắng vẻ, lạnh lẽo, cây cối um tùm, nhiều bụi tre. Thời điểm đó, Gò Vấp còn hoang vắng, rất yên tĩnh. Nghe kể lại, trước đó quý Sư cô chùa Từ Thuyền đã ở tại khu đất này nhưng vắng vẻ quá, quý cô sợ ma không dám ở nên mới dời ra ở mặt đường như cảnh chùa bây giờ. Sau Từ Thuyền, quý Sư cô tịnh xá Ngọc Phương cũng đến ở đây một thời gian ngắn rồi cũng chuyển ra phía trước. Già Lam đến sau tồn tại phát triển cho đến ngày nay.
GIẢI HẠNH, chữ GIẢI là hiểu biết, kiến giải, học hỏi. HẠNH là hành trì. GIẢI HẠNH là học và hành. Tu và học cả hai phải song song mới có hiệu quả, nên Hòa thượng đặt tên GIẢI HẠNH GIÀ LAM – nơi chúng Tăng ở tu và học, chứ không phải chỉ học thôi hay chỉ chuyên tu. Hạnh giải tương ưng là vậy. Nhưng chữ GIẢI HẠNH lúc ấy còn mới quá, chưa quen nên Phật tử thường gọi chùa Già Lam cho gọn.
QUẢNG HƯƠNG là tên của một thầy xuất thân từ Phật học viện Hải Đức Nha Trang, được Giáo hội bổ nhiệm làm trú trì chùa Khải Đoan – Buôn Ma Thuột. Thời Pháp nạn năm 1963, thầy phát nguyện tự thiêu để bảo vệ Chánh pháp. Trước khi thiêu, thầy về ở tạm tại chùa Già Lam, đến ngày 05-10-1963 (18-08 năm Quý Mão) vào lúc 12 giờ trưa, thầy châm lửa tự thiêu tại bồn binh chợ Bến Thành – Sài Gòn. Sau đó, chính quyền Ngô Đình Diệm đã cướp xác thầy. Ba hôm sau, họ đến báo cho chùa biết là họ đã đem chôn xác thầy Quảng Hương tại nghĩa trang Quân đội Gò Vấp (hiện nay là công ty xe hơi đường Quang Trung Gò Vấp).
Họ chỉ cho một ngôi mộ mới đắp đất có tấm bảng bằng ván ghi tên thầy Quảng Hương rõ ràng. Từ đó, hằng năm đến ngày giỗ Thầy, chúng tôi đến đốt hương, tảo mộ cúng dường. Nhưng sau 1975, lúc có lệnh giải tỏa nghĩa trang Quân đội Gò Vấp, chúng tôi đến hốt cốt đem về chùa thờ, lúc đào lên chỉ thấy cái hòm trống rỗng, không có gì trong đó cả! Lúc ấy mới biết chính quyền Ngô Đình Diệm đã thủ tiêu xác của thầy rồi!
Hiện nay tại chùa Khải Đoan – Buôn Ma Thuột có tháp thờ vọng thầy Quảng Hương (với thầy Quang Huy), chứ không có nhục thân Thầy trong đó.
Tại Già Lam, trong lúc chờ đợi đến ngày tự thiêu để thực hiện hạnh nguyện của mình, Thầy đã tự tay trồng cho Già Lam một cây ngọc lan phía bên hông phải chánh điện, hiện giờ cây đã cao to xanh tốt, hàng năm đến mùa trổ hoa thơm ngát sân chùa, và thầy đã viết lời phát nguyện như sau:
Thảm trạng đau lòng khi pháp nhược
Quê hương tan tóc lúc ma cường
Cờ thiêng phất phới đang tung gió
Bạo quyền triệt hạ khắp Nam phương!
Chủ trương kỳ thị nền Phật giáo
Mở đầu chính sách đổ lư hương!
Hỡi ơi! Tín ngưỡng thiêng liêng ất
Bị kẻ bạo tàn giáng họa ương.
Những ai tàn bạo giáng họa ương
Gây nên thảm cảnh đoạn can trường
Ai kẻ đứng lên đòi tín ngưỡng
Bắn giết giam cầm khảo đả thương
Tôi người tu sĩ trong Phật giáo
Không lẽ ngồi nhìn cảnh nhiễu nhương.
Phát nguyện thiêu thân cầu Tam bảo
Hộ trì đạo Phật được miên trường.
Thích Quảng Hương
Hiện nay tên chùa có ba cách xưng hô:
a) Chùa Già Lam
Từ này không đúng lắm, vì chùa tức là già lam; già lam cũng nghĩa là chùa. Tuy vậy, từ này phổ cập hơn hết, nói chùa Già Lam ai cũng biết vì lâu ngày đã quen.
b) Tu viện Quảng Hương Già Lam
Từ này cũng bị trùng lặp. Tu viện tức là già lam; già lam nghĩa là tu viện.
c) Quảng Hương Già Lam
Từ này theo tôi thích hợp hơn hết, không dư không thiếu. Có thể gọi chùa Quảng Hương hay tu viện Quảng Hương, nhưng ít ai gọi, có gọi cũng chẳng ai hiểu nếu thiếu chữ Già Lam trong đó.
Kiến thiết
Ngày đầu tiên đặt chân đến Già Lam là khu vườn đầy cây cỏ, có căn nhà tranh cũ kỹ, với một số ngôi mộ mới chôn ở góc trước phía bên phải chánh điện. Sát đó có hai ngôi mộ cổ chôn từ thời nào không rõ vì cũ kỹ lắm rồi, bia mộ cũng bị xói mòn không còn chữ, cũng không thấy người thân đến thăm viếng chạp giỗ. Hiện nay chùa vẫn bảo quản giữ gìn.
Gần nửa thế kỷ qua, theo thời gian và khả năng tài chánh, chùa được xây dựng và có nhiều thay đổi. Nay tôi chỉ ghi lại vài nét kiến trúc hiện có ở thời điểm này 2011 như sau:
a) Chánh điện:
Ngôi chánh điện đầu tiên là căn nhà tranh vách gạch xây năm 1962. Đến năm 1964 bị triệt hạ để xây chánh điện mới bằng bê tông cốt thép hình bát giác, mái đúc dán ngói âm dương, gồm 2 tầng. Tầng trên thờ Phật, tầng dưới là trai đường. Lễ đặt đá vào ngày 19-09 năm Giáp Thìn (24-10-1964). Sau 5 tháng thi công là Hòan thành.
Lễ thỉnh Phật an vị ngày 15-02 năm Ất Tỵ (17-03-1965). Trùng tu lần này do ông bà Nguyễn Cao Thăng phát tâm cúng dường. Số lượng Phật tử quy tụ về chùa tu học ngày càng đông, mỗi khi làm lễ không đủ chỗ đứng. Do đó, chánh điện được trùng tu bằng cách nối tiếp và mở rộng thêm phía trước. Nối từ ngôi chánh điện bát giác ra đến tượng Quán Âm lộ thiên. Lễ khởi công trùng tu lần này vào ngày 19-09 năm Tân Dậu (16-09-1981), và hoàn thành sau 6 tháng thi công. Lễ Khánh tạ vào ngày 19-02 năm Nhâm Tuất (24-03-1982). Trong dịp này, chùa tổ chức Đại Giới đàn truyền trao giới pháp cho một số đông Tỳ kheo, Tỳ kheo ni, Sa di, Sa di ni, Thức xoa, Thập thiện và Bồ tát xuất gia – tại gia. Như vậy chánh điện đã qua hai lần trùng tu. Lần trùng tu này do Phật tử Tâm Nghĩa, tự Vân Nam – Huế, phát tâm cúng dường.
b) Hậu Tổ:
Hậu Tổ là dãy nhà nằm ngay phía sau chánh điện, rộng 7m, dài 11m, gồm 1 trệt 2 lầu. Tầng trệt thờ linh ảnh, cúng quảy hằng ngày. Tầng lầu một thờ liệt vị Tổ sư và chư Tôn đức Tăng đã viên tịch. Tầng lầu hai làm phòng lưu niệm, cất giữ hình ảnh và các kỷ vật của HT. Khai sơn. Nhà Tổ được xây xong năm 1967.
c) Đông lang:
Đông lang là phía bên trái chánh điện. Phía này có 2 dãy lầu. Dãy trước 1 trệt 1 lầu. Tầng trệt phía trước dùng làm văn phòng của chùa, phần sau và toàn bộ trên lầu làm phòng ở của chư Tăng. Diện tích dãy lầu này rộng 11m, dài 24m, xây xong năm 1966.
Dãy lầu phía sau là thiền thất 1 trệt 1 lầu, rộng 6m, dài 11m, xây xong năm 1970. Dãy này dành riêng cho chư tôn Hòa thượng ở. Trước năm 1975, có Hòa thượng Đệ I Tăng thống ở. Sau năm 1975, HT. Thích Thiện Minh ở. Hiện tại HT. Thích Trí Quang đang ở.
d) Tây lang:
Tây lang là phía bên phải chánh điện. Từ phía Tam quan nhìn vào tuần tự như sau:
Dãy thứ nhất 1 trệt 1 lầu, rộng 7m, dài 15m, là nhà để hài cốt Phật tử.
Tầng lầu hai có ngôi tháp nhỏ 3 tầng thờ hài cốt chư Tăng. Dãy này xây xong năm 1972.
Dãy lầu kế tiếp 1 trệt 1 lầu, rộng 11m, dài 24m, xây xong năm 1976.
Tầng trệt làm giảng đường, tầng lầu làm phòng chư tăng ở.
Dãy nhà sau giảng đường 1 trệt 2 lầu. Tầng trệt, một nửa trước làm kho và phòng để xe gắn máy của Tăng sinh; nửa sau làm phòng ăn của Phật tử. Tầng lầu một là phòng ở của chư Tăng. Tầng lầu hai là thư viện và lớp học.
Sau nhà ăn của Phật tử là nhà bếp, phòng trai soạn khá rộng rãi thoáng mát, đầy đủ tiện nghi.
e) Tam quan:
Tam quan đúc bê tông cốt thép, cổ lầu, được xây xong năm 1986. Có 3 cửa. Cửa giữa thường xuyên đóng, cửa hai bên mở suốt ngày đêm, vì ngoài tam quan có tường bao bọc và cổng ra vào bảo vệ rồi. Cổng tam quan chia sân chùa làm hai khu vực: Sân trước cho xe hơi ra vào và đậu lại ở đó. Sân sau để cây cảnh và đi bộ thôi.
Trên tam quan phía trước thờ ngài Hộ Pháp, có câu đối:
“Vệ già lam nhi thanh tịnh
Hộ Phật pháp dĩ trường tồn”
Phía sau tam quan, nhìn vào chánh điện, bên trên thờ Phật Thiên thủ thiên nhãn, có câu đối:
“Nghìn mắt sáng soi bao ước nguyện
Nghìn tay cứu vớt vạn nguy nan”.
f) Bảo tháp:
QHGL có hai ngôi tháp. Tháp nhỏ 3 tầng nằm trên lầu ba của dãy nhà thờ cốt phía Tây lang. Thứ hai là tháp của HT. Khai sơn, cao 7 tầng nằm phía Đông lang, gần hậu Tổ và thiền thất, xây xong cuối năm 1984. Nhục thân Hòa thượng nằm trong kim quan bằng gỗ Giáng Hương; kim quan lại nằm trong kim tỉnh xây gạch. Trên nắp kim tỉnh có tượng Phật A Di Đà đứng, cao 3,20m.
Vào năm 1983, Hòa thượng về Huế thăm và xin chư Tôn túc trong môn phái xây tháp tại Báo Quốc gần bên tháp Tổ, đã có lập biên bản rồi, hiện tôi chưa tìm ra biên bản ấy.
Ở QHGL, Hòa thượng cũng đích thân chỉ cho đệ tử, sau khi Hòa thượng tịch thì chôn tại chỗ xây tháp hiện tại, sau ba năm dời về Báo Quốc. Khu vực này trước đây, đích thân HT trồng 2 cây xoài. Sau này hạ dần để xây nhà ở, hiện giờ còn lại một cây độc nhất trước tháp, sát bên trái chánh điện. Mỗi năm đến ngày giỗ Ngài, mồng 1 tháng 2 âm lịch, cây xoài cho trái rất nhiều, hái vào cúng Phật, cúng Hòa thượng và Tăng chúng.
Đến nay đã 25 năm qua, lời dặn dò ấy, chúng tôi vẫn chưa thực hiện được vì nhiều lý do, bên trong có, bên ngoài có. Hiện nay các đệ tử và chư Tôn đức Tăng Ni đều có ý kiến nên để nhục thân Hòa thượng nằm yên ở Già Lam, nơi mà Ngài khai sơn, ở miền Nam cần có hình bóng của Hòa thượng hơn.
Sở dĩ tôi nêu lên các chi tiết dài dòng như vậy, để tránh tình trạng sau này người nói đông, kẻ nói tây, không biết nhục thân Hòa thượng nằm ở Già Lam – Sài Gòn hay Báo Quốc – Huế, như vài trường hơp các vị Tổ trước đây đã xảy ra.
Công trình xây dựng từ chánh điện đến nhà Tăng, Bảo tháp, Tam quan,… hầu hết do kiến trúc sư Võ Đình Diệp thiết kế bản vẽ và Phật tử Trần Đình Lạc, Pháp danh Nguyên Quang, đốc công.
Pháp tượng – Pháp khí
a) Tượng Phật:
Tại chánh điện, bàn giữa trên hết thờ tượng đức Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni ngồi bằng đồng, cao 3,50 m, nặng 300 kg tính luôn tòa sen. Lễ rót đồng ngày 19-06 năm Bính Tý (03-08-1996). Lễ An vị ngày 17-11 năm Bính Tý (26-12-1996). (Tượng cũ bằng xi măng được thỉnh về thờ tại chùa Ba La Mật – Huế). Trước tượng Bổn Sư là tượng A Di Đà đứng cao 1,50 m, nặng 50kg, đúc năm 2000. Trước tượng Di Đà là tượng Chuẩn Đề ngồi 18 tay, cao 1,20 m, nặng 30kg, đúc năm 2004. Trước tượng Chuẩn Đề là tháp Xá lợi Phật được thỉnh về thờ ngày 17-05-1991. Trước tháp Xá lợi là tượng Phật Di Lặc ngồi cao 0,60 m luôn đài sen, nặng 15kg, đúc năm 2008.
Bàn bên trái thờ đức Quán Thế Âm ngồi cao 1,60 m luôn tòa sen, nặng 120kg, đúc năm 2002.
Bàn bên phải thờ tượng Địa Tạng ngồi cao 1,60 m luôn tòa sen, nặng 120 kg, đúc năm 2002.
Toàn bộ tượng Phật và Bồ tát lớn nhỏ thờ tại chánh điện toàn bằng đồng.
Ngoài ra sân trước chánh điện có tượng Quán Âm lộ thiên bằng xi măng cốt thép cao 3,50 m đứng giữa hồ sen. Trên tháp HT. Khai sơn có tượng Phật Di Đà đứng bằng xi măng cốt thép cao 3,50 m.
Tại giảng đường có tượng Bổn Sư Thích Ca nằm dài 1,5 m, bằng gỗ sơn son thếp vàng, thỉnh ở ngoài Bắc vào.
b) Kinh sách:
Toàn bộ Kinh sách để tại Thư viện. Đại tạng kinh gồm có: bộ Đại Chánh Tân tu, Tục tạng, tạng Càn Long, Đại tạng Nhật Bản, Đại tạng Đại Hàn, Đại tạng Việt Nam, Tạng Pali. Các kinh, sách chữ Hán, chữ Phạn, tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Việt v.v… trên ngàn cuốn.
c) Pháp khí:
Tương đối đầy đủ: Đại Hồng chung, chuông báo chúng, chuông gia trì, trống lớn, trống nhỏ, linh, tang, bê tích, khánh, bảng đầy đủ.
Nhân sự
Trú trì: Từ ngày thành lập cơ sở năm 1960 đến năm 1984 do HT. Thích Trí Thủ khai sơn chỉ đạo. Dưới Hòa thượng có một vị trú trì giúp mọi việc trong chùa do Hòa thượng chỉ định. Thứ tự theo thời gian như sau:
– Từ năm 1962 đến năm 1964: Thầy Phước Chương (đã mất)
– Từ năm 1964 đến năm 1966: Thầy Đức Chơn
– Từ năm 1966 đến năm 1975: Thầy Huyền Giác (đã tịch)
– Từ năm 1976 đến năm 2004: Thầy Đức Chơn
– Từ năm 2004 đến nay: Thầy Nguyên Giác.
Quản lý:
– TT. Thích Nguyên Phương, từ 1964 đến 1975
– TT. Thích Hoằng Khai, từ 1975 đến 2008
– TT. Thích Quảng Việt, từ 2008 đến nay.
Giáo thọ:
– TT. Thích Trí Siêu
– TT. Thích Tuệ Sỹ
– Thầy Nguyên Hồng
– TT. Thích Minh Tuệ
– TT. Thích Thái Siêu
– TT. Thích Nguyên Giác
– TT. Thích Nguyên Phương, từ 1964 đến 1975
Giảng sư:
– TT. Thích Thanh Huyền
– TT. Thích Đức Thắng
– ĐĐ. Thích Pháp Thủy
– ĐĐ. Thích Khế Đạo
– ĐĐ. Thích Quảng Thiện,…
Quản chúng:
– TT. Thích Thái siêu,
– TT. Thích Minh Tuệ B.
Kết luận
Xin ghi lại đôi nét đại cương về tiến trình sinh hoạt của QHGL trong thời gian qua để đánh dấu mốc thời gian cho những vị sau này muốn tìm hiểu về QHGL có cơ sở tham khảo. Từ ngày thu nhận 6 tăng sinh đầu tiên vào QHGL đến nay là 50 năm qua gặp nhiều thăng trầm, vui buồn, khó nhọc, nhưng QHGL vẫn kiên trì lèo lái, giữ vững mục đích của mình: đào tạo Tăng tài, hoằng pháp lợi sanh làm sự nghiệp mà PHV TP. đã giao phó.