– Kính bạch Chư Tôn Hòa Thượng, Thượng tọa, Đại đức,
– Kính thưa Ông Tổng trưởng Bộ Giáo dục,
– Kính thưa quí vị Quan khách,
– Cùng toàn thể quí vị Giáo sư và Anh Chị em Sinh viên.
Hôm nay là lễ cấp phát văn bằng lần thứ hai cho sinh viên tốt nghiệp Cử nhân Phật Khoa, Văn Khoa, và lần đầu tiên cho sinh viên Phân khoa Khoa Học Xã Hội, Viện Đại học Vạn Hạnh. Chúng tôi xin chân thành cảm tạ Ông Tổng trưởng Bộ Giáo dục đã vui lòng đến chủ tọa buổi lễ cấp phát văn bằng hôm nay và luôn luôn sẵn sàng giúp đỡ và ủng hộ Viện Đại học Vạn Hạnh trong những cố gắng giáo dục của chúng tôi.
Chúng tôi cũng xin chân thành ghi ơn Chư tôn Hòa thượng, Thượng tọa, Đại đức, quí vị Giáo sư và quí vị thân hữu đã vui lòng cộng tác với chúng tôi trong quá khứ và hiện tại. Chính nhờ sự cộng tác chân thành và quý báu ấy mà hôm nay chúng tôi mới có thể tổ chức lễ cấp phát văn bằng trọng đại này. Trong buổi lễ trang nghiêm và đơn giản hôm nay, và trước sự hiện diện đông đủ của tất cả quí vị, chúng tôi xin long trọng ghi ơn và mong mỏi Ông Tổng trưởng Bộ Giáo dục cùng toàn thể quí vị hãy luôn luôn dành cho chúng tôi những ưu ái và sự cộng tác chân thành ấy.
Kính thưa quí vị,
Ý thức được sự tàn phá kinh khủng của chiến tranh trên tổ quốc quê hương và ảnh hưởng tai hại của rối loạn xã hội trên thế hệ trẻ sinh viên hiện tại, chúng tôi những nhà giáo dục im lặng và khiêm tốn, tự đảm nhận trách nhiệm làm tròn ba nhiệm vụ của mình: một là đóng vai trò xây dựng của một nhà giáo dục giữa những sụp đổ cá nhân, gia đình và xã hội luôn luôn xảy ra xung quanh chúng tôi; hai là làm sống dậy lòng tin cho tuổi trẻ trong khi chính tuổi trẻ là nạn nhân đau đớn nhất của thời cuộc hiện tại, và thứ ba là trang bị cho tuổi trẻ những hành trang kiến thức, khả năng và tác phong đạo đức cần thiết để sinh viên chuẩn bị ra đời.
Trong hoàn cảnh của một cuộc chiến triền miên, trong khung cảnh của những rối loạn xã hội thường xuyên, con người có thể có những thái độ yếm thế buông xuôi, khoanh tay chờ thời, thản nhiên thụ hưởng, ngồi suông chỉ trích hay phá hoại bạo động. Chúng tôi thiết nghĩ nhà giáo dục không thể có thái độ tiêu cực đầu hàng, vì nhà giáo dục phải là những người có tin tưởng; tin tưởng ở khả năng giáo dục có thể cải thiện con người, cải thiện xã hội và tương lai, tin tưởng ở sức phục hồi thần diệu của con người Việt Nam và quốc gia Việt Nam. Con người giáo dục cũng không thể trùm chăn chờ thời, vì thời gian như dòng nước chảy qua kẻ tay không bao giờ trở lại. Mỗi phút trôi qua trong thụ động vô vi là mỗi phút thất bại trong nhiệm vụ giáo dục của mình. Nhà giáo dục cũng không thể chấp nhận thái độ thản nhiên thụ hưởng, sống chết mặc ai, vì con người bắt đầu hưởng thụ là bắt đầu phá giá nhân cách của mình; và nhà giáo dục chấp nhận hưởng thụ là tự trở thành những người buôn bán văn bằng, buôn bán trí thức. Nhà giáo dục cũng không thể chấp nhận thái độ ngồi suông chỉ trích, tự cho mình là bậc Thánh ngồi bên lề xã hội mà chỉ trích vung vít, bừa bãi. Chỉ trích để xây dựng là một thái độ đáng khuyến khích, còn ngồi suông vạch lá tìm sâu, lớn tiếng thị phi để tự cho mình là bậc Thánh, thì thật là một thái độ hoàn toàn vô trách nhiệm. Nhà giáo dục cũng không bao giờ tin tưởng ở bạo lực cuồng tín độc tôn, không bao giờ tin tưởng ở sức mạnh phá hoại để mà phá hoại. Trong hơn 25 năm nay, bạo lực đã hoành hành tàn phá quê hương chúng ta, đã cướp mất biết bao sinh mạng Việt Nam, mà đã giúp giải quyết gì cho vấn đề Việt Nam, hay chỉ làm cho người Việt Nam tàn hại nhau hơn, nghi kỵ nhau hơn, xã hội Việt Nam bấn loạn nhiều hơn, rách nát nhiều hơn, đau khổ nhiều hơn.
Do vậy, từ năm 1964 đến nay, chúng tôi chỉ biết im lặng và khiêm tốn đóng vai trò nhà giáo dục xây dựng của mình, mặc dù chứng kiến biết bao sự chuyển biến thời cuộc và lòng dạ đổi thay của con người.
Ý thức xây dựng giáo dục của chúng tôi bắt nguồn từ gương sáng xây dựng trong suốt 45 năm thuyết pháp giáo hóa của đức Phật Thích Ca và những lời giảng dạy của Ngài. Ngài ra đời và truyền đạo trong một xã hội mà giai cấp Bà la môn đã khống chế và thống trị một cách toàn diện. Đức Phật tự nhiên phải đả phá chế độ hà khắc cũ để xây dựng một trật tự mới, một quan niệm mới. Nhưng Ngài chỉ trích để xây dựng, chớ không phải chỉ trích để đạp đổ. Ngài chỉ trích tánh cách thần khởi của ba tập Vệ Đà, nhưng Ngài đã thay thế xây dựng một ý thức hệ mới với ba Tạng giáo điển. Trong Kinh Tevijjà (Tam Minh), đức Phật không chấp nhận thái độ tôn thờ và cọng trú với Phạm Thiên của ngoại đạo mà chưa từng ai được đối diện hay thực chứng. Nhưng Ngài đã xây dựng một định nghĩa mới cho Phạm Thiên là một vị không dục ái, không hận tâm, không hại tâm, không nhiễm tâm, được tự tại, để xây dựng giới thiệu một đường hướng tu hành: Tứ vô lượng tâm, phương pháp tu hành này sẽ tác thành con người không có dục ái; không có hận tâm, không có hại tâm, không có nhiễm tâm, và được tự tại; nghĩa là có thể cọng trú với Phạm Thiên.
Trong Kinh Dhammacakkapavattana (Chuyển pháp luân kinh) đức Phật đả phá hai đời sống cực đoan: Kàmasukhali-kànuyogo, ,một đời sống thụ hưởng dục vọng của những Bà la môn được vua chúa sủng tín và Attakilamathànuyogo, một đời sống khổ hạnh ép xác của Phái Kỳ na ngoại đạo. Và đức Phật xây dựng một đường hướng tu hành rất đặc biệt của Ngài, đó là con đường Bát chánh đạo Atthangikamagga, hướng đến an tịnh, thắng trí, giải thoát, Niết bàn. Đức Phật đã cho chúng ta một bài học xây dựng con người, xây dựng xã hội, và chúng tôi tự nghĩ, nhà giáo dục nhất là trong giai đoạn hiện tại, phải luôn luôn ý thức được vai trò xây dựng khiêm tốn của mình. Luôn luôn ý thức được vai trò xây dựng khiêm tốn của mình. Luôn luôn chúng tôi dùng danh từ khiêm tốn, vì trong hoàn cảnh hiện tại, với những khó khăn tài chánh và nhân sự, với những bạo động, rối loạn xảy ra thường xuyên, có làm được gì cũng bị hạn chế rất nhiều, và hạn chế nguy hiểm nhất vẫn là sự thiếu thốn của những người thật sự thâm hiểu giáo dục Đại học, thật sự thực hành tinh thần Đại học và thật sự bảo vệ và ủng hộ giáo dục Đại học.
Trách nhiệm thứ hai mà Viện Đại học Vạn Hạnh luôn luôn cố gắng thực hiện là đem lại lòng tin cho tuổi trẻ, giúp đỡ tuổi trẻ giữ vững sự hăng say, lạc quan và cầu tiến của những tâm hồn còn giữ được sự trong trắng của tuổi thanh xuân. Tuổi trẻ hiện tại sinh ra trong lòng chiến tranh, lớn lên trong lòng chiến tranh, là nạn nhân trực tiếp hay gián tiếp của chiến tranh và rối loạn xã hội. Vì vậy sinh viên rất dễ mất lòng tin tưởng. Tuổi trẻ mất hết lòng tin tưởng thời không còn là tuổi trẻ. Quốc gia mất tuổi trẻ là mất hết cả một tiềm lực xây dựng đất nước sau này. Nên chúng tôi luôn luôn chú trọng xây dựng lòng tin cho tuổi trẻ, bằng cách xây dựng một môi trường học tập và sinh hoạt thích hợp với tuổi sinh viên. Tất cả sự cố gắng của chúng tôi nhằm mục đích rất khiêm tốn và giản dị là khơi dậy và nuôi dưỡng lòng tin cho tuổi trẻ, làm cho sinh viên sống đôi chút thoải mái khi tuổi trẻ đến với chúng tôi. Trong bối cảnh của cuộc chiến khốc liệt, đối diện với những rối loạn thường xuyên, tuổi trẻ còn giữ được lòng tin của tuổi trẻ, còn chịu trau dồi kiến thức và tác phong, còn nuôi dưỡng được những thoải mái của những tâm hồn non trẻ và trong sạch, đối với chúng tôi, đó là những hình ảnh tươi đẹp nhất và ý nghĩa nhất cho tương lai đất nước chúng ta.
Chúng tôi luôn luôn được khuyến khích, bồi dưỡng và hướng dẫn trong sứ mệnh giáo dục này, nhờ gương sáng giáo hóa của đức Phật, trong suốt 45 năm thuyết pháp của Ngài. Đối với Gotami, một người mẹ điên loạn thất vọng vì mất người con thân yêu, đức Phật lấy ví dụ hột cải để nàng ý thức được định mệnh vô thường của con người và hướng dẫn nàng bước dần trên con đường thanh bình và hy vọng của những tâm hồn còn tin tưởng ở giải thoát và giác ngộ. Đối với Angulimala, một tên cướp hung hãn chỉ tin vào bạo lực và tàn sát, đức Phật đã hiện ra với câu hỏi: Ai đứng ai đi, để Angulimala hiểu rằng chính mình đang còn dấn thân đi trên con đường hung bạo hận thù, còn đức Như Lai thời đã dừng nghỉ từ lâu mọi tâm niệm ác độc thô bạo. Đối với ba mươi thanh niên cùng với vợ và bạn gái rủ nhau hoan lạc trong rừng sâu, hoảng hốt chạy tìm người dâm nữ đã ăn cắp đồ đạc trốn thoát, đức Phật hỏi tuổi trẻ có nên để thì giờ chạy tìm những người thiếu nữ trộm cắp hay nên nhìn vào tự thân để tìm hiểu mình, và sống đời sống đem đến giá trị cho tự thân. Ba mươi thanh niên tỉnh ngộ, dứt bỏ các thú vui dục lạc, sống đời sống thanh tịnh giải thoát để sau này trở thành ba mươi vị A la hán.
Đức Phật trong suốt thời kỳ giáo hóa của Ngài, đã đem lại sự tin tưởng yêu đời cho biết bao nhiêu nạn nhân của tà đạo và bất công xã hội, thì ở đây chúng tôi cũng cố gắng trong phạm vi nhỏ hẹp của chúng tôi là những nhà giáo dục, chúng tôi muốn làm sống dậy lòng tin tưởng và tinh thần xây dựng cho tuổi trẻ. Chúng tôi muốn tuổi trẻ đến với chúng tôi không phải với những bộ mặt chán nản mệt mỏi của những người đam mê dục vọng, cũng như không phải với những bộ mặt hung hãn và si mê của những người hận thù và cuồng tín.
Chúng tôi chỉ muốn sinh viên đến với chúng tôi, với những bộ mặt tươi sáng của những tâm hồn còn trong sạch, với những ánh mắt tin tưởng của những bầu nhiệt huyết muốn xây dựng tương lai. Chúng tôi muốn anh chị em sinh viên Vạn Hạnh luôn luôn là những người, là những sức mạnh, là những khả năng, sống động tình người nhân loại, tình người Việt Nam và tình người Vạn Hạnh.
Không những Viện Đại học Vạn Hạnh nuôi dưỡng lòng tin tưởng cho tuổi trẻ, chúng tôi còn cố gắng làm cho sinh viên ý thức rõ rệt trách nhiệm của mình là xây dựng tương lai đất nước sau này. Và muốn xây dựng tương lai đất nước, ngay từ bây giờ sinh viên phải tự tạo cho mình những kiến thức căn bản, những khả năng chuyên môn và tác phong đạo đức cần thiết. Cho nên trách nhiệm thứ ba của chúng tôi là tạo một môi trường thật sự Đại học, giới thiệu những đường hướng giáo dục căn bản để trang bị cho sinh viên những tư tưởng, kiến thức, khả năng và tác phong cần thiết để sinh viên chuẩn bị tiến bước vào đời. Đường hướng giáo dục chúng tôi theo đuổi phụng sự ở Đại học Vạn Hạnh này là một đường hướng giáo dục toàn diện, xây dựng trọn vẹn hạnh đức, tâm đức và tuệ đức cho sinh viên, không đào tạo những chuyên viên bán sách, bán chữ và bán nghề mà phải là những vị, vừa là giáo sư vừa là nhà giáo dục trong ý nghĩa tốt đẹp nhất của giáo dục. Đường hướng giáo dục của Viện Đại học Vạn Hạnh là một đường hướng giáo dục dân tộc, giúp anh chị em sinh viên tìm hiểu và thưởng thức được những cái hay cái đẹp của văn hóa dân tộc Việt Nam, giúp anh chị em sinh viên tự mình hãnh diện làm con người Việt Nam và giúp anh chị em sinh viên thực sự đoàn kết để xây dựng quốc gia xã hội Việt Nam sau này. Đường hướng giáo dục Vạn Hạnh là một đường hướng giáo dục nhân bản, đào tạo những con người, còn giữ được tình người nhân loại, những con người Vạn Hạnh còn giữ được tình người Vạn Hạnh. Tóm lại, nếu nói đến tinh thần Trung Đạo của đạo Phật, thời đường hướng giáo dục của Đại học Vạn Hạnh là tránh xa hai sự thái quá của hai nền giáo dục thế giới, một là giáo dục Âu mỹ đào tạo những con người bị nô lệ hóa bởi dục vọng và máy móc, dầu rằng chúng tôi không phản đối kỹ thuật và khoa học; hai là giáo dục Cộng sản, đào tạo những con người bị nô lệ hóa bởi hận thù và đấu tranh cuồng tín, dầu rằng chúng tôi không chấp nhận mọi hình thức đế quốc độc tài.
Cùng toàn thể anh chị em sinh viên tốt nghiệp,
Lễ cấp phát văn bằng hôm nay đánh dấu một ngày đáng mừng trong đời sống sinh viên của anh chị em và một khúc quanh quan trọng trong đời sống hiện tại của anh chị em.
Một số anh chị em sẽ tiếp tục học thêm, một số anh chị em sẽ phải từ giã môi trường Đại học lý thuyết này để bước chân vào ngưỡng cửa Đại học thực tế của một đời; dầu anh chị em có ở đâu, làm việc gì, chúng tôi chỉ mong anh chị em luôn luôn gìn giữ và phát huy ba chí hướng căn bản sau đây:
Hãy gìn giữ và xây dựng tình người nhơn loại, để đừng làm điều gì suy giảm giá trị con người, bất cứ ở đâu và tại chỗ nào. Hãy gìn giữ và xây dựng tình người Việt Nam, để người Việt Nam chúng ta ngồi lại với nhau, xây dựng lại xã hội và đất nước Việt Nam của chúng ta. Hãy gìn giữ và xây dựng tình người Vạn Hạnh để cùng nhau xây dựng cơ sở giáo dục này cho thế hệ sinh viên hiện tại và tương lai. Chỉ khi nào lòng tin tưởng sống động của tuổi trẻ, phối hợp sát cánh với lòng tin tưởng trầm lặng của các nhà giáo dục, chúng ta mới có thể xây dựng được một cái gì tốt đẹp cho ngôi nhà giáo dục Việt Nam thân yêu của chúng ta.
Xin trân trọng kính chào quí vị.
THÍCH MINH CHÂU
___________________
*Diễn văn của Thượng Tọa Viện Trưởng Viện Đại học Vạn Hạnh trong dịp phát Văn bằng Cử Nhân kỳ 2 ngày thứ ba 01-02-1972, tại Viện Đại học Vạn Hạnh.
[Tạp chí Tư Tưởng số 1, năm 1972]