Con người đối xử với nhau và muôn loài dễ thương là bởi trong con người có thiện tánh biểu hiện. Và con người đối xử với nhau và muôn loài dễ ghét là vì trong con người biểu hiện ác tánh.
Ác tánh trong con người do được nuôi dưỡng bởi thầy tà, bạn ác, bởi những nhận thức sai lầm từ các giáo thuyết, học thuyết, triết thuyết và chủ thuyết.
Và thiện tánh trong con người lại được nuôi dưỡng từ thầy hiền, bạn tốt, bởi những cái hiểu, cái thương đúng đắn từ những giáo lý nhân ái, bác ái, từ bi, vị tha, vô ngã và nhân duyên
Thế nào là thầy tà, bạn ác và thế nào là những nhận thức sai lầm từ các học thuyết, triết thuyết và chủ thuyết?
Thầy tà là vị thầy giáo dục không hướng dẫn học trò sống nếp sống cao thượng và chính bản thân của vị thầy đó cũng không hề có đời sống ấy. Hoặc vị thầy ấy chỉ nói những điều tốt đẹp cho người khác làm, còn chính bản thân không làm, bản thân sống bê bối.
Bạn ác là những người bạn đưa ta đi đến chỗ phe nhóm, băng đảng ăn chơi trác táng, đọa lạc.
Và những nhận thức sai lầm từ các giáo thuyết, học thuyết, triết thuyết, chủ thuyết, khi mà những thuyết ấy cho rằng, con người chỉ thuần về vật chất và vật chất có thẩm quyền giải quyết toàn bộ vấn đề hạnh phúc của con người, hay con người chỉ thuần về tâm linh, tâm linh quyết định mọi yếu tố hạnh phúc của con người.
Những giáo thuyết như vậy, không phải sai, nhưng chỉ là một khía cạnh của con người. Con người khổ đau hay sinh hoạt mất bình thường là do nghiêng về một trong hai khía cạnh và cho một trong hai khía cạnh ấy là tất cả.
Nhận thức như vậy là nhận thức sai lầm, giáo thuyết dạy cho con người sống như vậy là giáo thuyết sai lầm, học và hiểu như vậy là học và hiểu theo học thuyết sai lầm. Phân tích, chia chẻ, luận lý, chứng minh cho quan điểm ấy, cho lập trình ấy là đúng, đó là triết thuyết sai lầm và chủ trương sống và hành động như vậy, buộc mọi người phải sống như vậy, không thể sống khác đi, đó là chủ thuyết sai lầm. Chính ý nghĩ sai lầm đó huân tập tạo thành tri kiến sai lầm. Và từ tri kiến sai lầm, tạo thành chủng tử sai lầm, lại từ chủng tử sai lầm tạo thành ác tánh, nên con người đã đối xử với nhau và muôn loài bằng những ác tính ấy.
Có những ngày, từ 4 giờ sáng tôi đã đi thiền hành, từ chùa Thuyền Lâm về đường Lê Lợi, Nguyễn Trường Tộ, qua đường Trần Phú rồi trở lại chùa, và cứ mỗi buổi sáng như vậy, tôi lại thấy phần nhiều mọi người dậy sớm không phải để làm thiện mà để làm ác. Chùa và nhà thờ, ánh đèn điện đều sáng choang, nhưng chỉ văng vẳng vài tiếng kinh cầu vọng ra từ bàn thờ Phật và Chúa, ấy thế mà khi nghe tiếng những chiếc xe nổ, tôi đã nhìn thấy nhiều người chở những thây heo trên xe để đi tới các quán ăn nhậu, và các quán ăn nhậu nầy, lại có những cô thiếu nữ, mặt mày cũng tươi tắn, đang cầm dao phay chặt và xẻ thây của những chú heo ra từng mảnh rồi bỏ vào nồi nước đang sôi sùng sục. Nhìn những cảnh ấy, tôi đứng yên lặng, lạnh người và tự nghĩ, con người mở đầu cho một ngày mới là như vậy sao?
Con người mở đầu cuộc sống chỉ là đồ tể trực tiếp và gián tiếp hay là những người đồng tình với đồ tể ấy ư?
Có khi nào con người tự hỏi lại chính mình, tại sao ta phải ăn thịt? Nếu không ăn thịt thì ta có thể sống được không? Có ai ăn thịt người không? Và mình có muốn người khác và loài khác ăn thịt mình không và ăn thịt bà con mình không?
Ngày trước tôi còn nhỏ, mẹ tôi kể cho tôi nghe, quỷ La-sát là loài quỷ ở trên các hải đảo, là loài thích ăn thịt người. Từ đó tôi ghét loài quỷ La-sát lắm, tôi không muốn nhắc nhở đến tên của loài quỷ La-sát nầy. Thật ra có loài quỷ La-sát nào ăn thịt người đâu, chỉ là chuyện kể thôi mà! Nhưng trong thực tế, ta chỉ thấy người ăn thịt mới là quỷ La-sát của mọi loài.
Ngày ba mươi Tết, tràn ngập tiếng heo kêu eng éc bởi những nhát dao và những bước chân của những chú bò, chú trâu rùng mình với đôi mắt rươm rướm bước vào lò mổ, quỳ xuống trước dao búa của người đồ tể. Nếu con người có chút thiện tánh, họ tự đặt lại câu hỏi, ta ăn Tết, ta vui Xuân, ta cầu cho ta và gia đình ta được bình an và hạnh phúc, vậy các loài nầy có ăn Tết, có vui Xuân, có cầu cho nó và những gì liên hệ với nó bình an không hả? Ta chỉ cần biết đặt câu hỏi như vậy thôi, thì ác tánh nơi ta không còn đủ cơ hội để biểu hiện và thiện tánh nơi ta bắt đầu xuất hiện.
Làm sao ta có mùa Xuân và sự bình an, khi muôn loài và sự sống quanh ta đang bị ta tàn hại? Xuân về cho ta sự sống, đáng lẽ con người là anh cả của muôn loài, con người phải biết tiếp nhận sự sống và biết tạo ra sự sống cho cả muôn loài để cùng nhau vui Xuân, thì con người mới phải đạo làm người và đạo làm anh chứ?
[Tập san Pháp Luân, số 35]