Nhận Thức Quán – Mười Liệu Pháp Chánh Niệm
Tác giả: Henepola Gunaratana
Dịch Việt: Thanh An
_____________
Lời Tựa
अभयं सत्त्वसंशुद्धिर् ज्ञानयोगव्यवस्थितिः
दानं दमश्च यज्ञश्च स्वाध्यायस् तप आर्जवम् ।।*
‘Với tâm tư thuần tịnh, không sợ hãi, Bậc trí an trụ giữa trí tuệ và định tâm, sống trung dung với lợi sanh, tự thúc, hy sinh, nhiếp thánh điển, mộc mạc và chất trực’. Trên tột đỉnh tịch liêu là tâm thái thong dong như đoá hoa Quỳnh khoe sắc và nhả hương giữa trời đêm tĩnh lặng. Hết thảy mọi gợn nhơ và cáu bẩn bỗng chốc tan biết mà chẳng hề lưu dấu vết giữa rừng thiên thu đất trời, bởi khoảng lặng ban sơ trong tâm thức của mỗi chúng sinh là nơi mà chỉ có ánh sáng vô nhiễm mới soi rọi chiếu thấu và tuyệt nhiên nơi ấy chẳng có dáng dấp của một gã lang thang, nhếch nhác bụi trần lảng vảng dẫu chỉ là sát na. Ở nơi đó, mọi dấu ấn của khái niệm từ ngôn ngữ trừu tượng đến giản đơn thô sơ cũng đều vắng bóng, có chăng thì chỉ là bản thể tròn đầy tựa tinh chất của đan sa vốn không dung tạp mà chỉ dửng dưng bất động từ vô thỉ tận vô chung vẫn thế. Khách trần vãng lai có đến rồi thoạt đi tựa như những vạt nắng sớm mai lướt qua kẽ lá nơi giọt sương khuya còn đọng để khuếch đại lên tán lá ánh nắng sớm mai chỉ đủ để đánh thức những sắc tố lục diệp đang còn ngủ mê bên đời mộng mị, và rồi cũng tan tành theo hơi hướng của duyên sinh miên viễn.
Mọi pháp sinh khởi, tương tục đến đi như một áng mây chiều thu tan tụ rất chóng vánh nhưng với những mảnh tâm đang quờ quạng trong đêm dài ảo vọng thì thật là một nguồn cơn u tối, đau khổ đến tang thương chưa lần mò được lối thoát. Rạng đông của tỉnh thức chỉ soi rọi cho những tâm tư cởi mở vốn bị trói thắt bởi các xiềng xích đen sì, rỉ máu bấy lâu, ngọn gió mát thanh lương chỉ hướng đến những con mắt sáng đang linh hoạt nhìn đời, nhìn người trong tuệ quán tịch tĩnh và an nhiên. Đó là hệ quả tất yếu của những ai biết lắng nghe tận tâm tư những gì Tố Đạt Lãm đã chỉ bày và chuyên chú kiên định như ánh mắt của Sư tử chúa tập trung vào mục tiêu khi đang hoạt dụng thân và tâm hành. Khi thân ướt đẫm những cơ duyên tắm mát nơi Tố Đạt Lãm và an trụ nơi sự kiên định thực tập thì cái khoảnh khắc mà thân tâm được tận hưởng không khí tuyệt mỹ nơi bốn thứ Tam ma bát để chỉ là trong nháy mắt hay như lực sỹ duỗi co cánh tay mà thôi. Bằng không, muôn kiếp trôi lăn lặn hụp nơi ố trọc tanh hôi của vũng sình đau khổ do chính tay khổ chủ đêm ngày tận tình đào bới mà chẳng mảy may hay biết.
Chỉ có những ai biết lấp đầy vũng bùn ấy bằng những trải nghiệm thuần khiết của tâm tư và nỗ lực thực tập các pháp lành thì khi nắng hạ chiếu soi đánh bay cái tanh hôi bùn nhơ sanh tử thì hương thơm thanh khiết của hoa sen sẽ toả hương xông ướp lấy ngũ phần trân quý cho tự thân. Vốn dĩ hương thanh khiết thuần tịnh ấy ẩn sâu trong chính mỗi hữu tình như đã nói là bị chính hữu tình kéo mây mù ngu si che lấp mà thôi. Mọi nỗi đau thương thống khổ dẫu cho có tác nhân ngoại lai tác hợp thì cốt lõi vẫn chính là sự trói buộc của nhận thức nơi tự thân vào những triền phược câu hữu vi tế mà chiêu cảm ra cả. Khi trong trí có được sự thấu hiểu nơi các Ma đác lí ca và khai mở được con mắt giác tánh thì các chấp trước Mạt na sẽ được thay thế bằng cái nương tựa nơi sự sáng suốt của Thức Bạch tịnh. Duy chỉ nhất lộ hướng đến đó chính là sự thấu triệt bản chất của các pháp và tư duy sắc sảo với sự nhạy bén của trí tuệ kim cương mới mở toang được cánh cửa u ám khoá chặt bấy lâu. Tất cả chính là bằng nơi sự quán chiếu nhận thức. Nhận Thức Quán chính là dùng con mắt pháp mà tĩnh chiếu vạn hữu để sáng tỏ cái chân thật tướng của hữu vi cùng vô vi. Các pháp ấy vốn xưa nay như thế, dù Đức Thế Tôn có tuyên bày, chỉ dạy hay không thì bổn tính nó vẫn thế. Và do nơi sự tự nhiên đó nên con đường đạo hành đến cánh cửa chân thật nghĩa cũng như nhiên bất biến, chỉ là chúng ta không biết, chưa biết hay đã biết mà chưa chịu thực hành mà thôi. Bằng trí tuệ vô lậu và thiện xảo, Đức Thế Tôn đã từng bước dẫn đường chỉ bày cho hàng đệ tử thấy được thực tướng các pháp và phương pháp để đạt được sự an lạc tuyệt đối xa lìa các khổ phược. Bản chất ‘huyễn thân mộng trạch, không trung vật sắc’ cần được quán chiếu và xả ly. Từ những ví dụ minh hoạ giản đơn cho đến siêu quần bạt tục của Bậc Đại trí thì tuỳ nơi căn cơ thích ứng mà Ngài dẫn đạo. Có lúc vô ngại như Duy Ma Cật, lúc thành khẩn trừu tượng tựa Phu Nhân Thắng Man, hay căn tánh thượng đẳng như Văn Thù Sư Lợi, hay nhẹ nhàng thực tiễn như với thanh niên Kutadanta mà Đức Thế Tôn chỉ bày các pháp. Chỉ có thế một sát na chuyển đổi như Long Nữ thành Đấng Trượng Phu hay Tôn giả Girimānanda tuần tự thứ lớp mà sạch bệnh. Há chẳng phải là vị lương y tuỳ cơ nghi cho thuốc, và ‘giác tánh viên minh, trùng lai trạm tịch’ đó hay sao.
Bằng những phương thuốc khi thượng đẳng, lúc bình dân, Đức Thế Tôn đã chữa lành vô vàn cơn khổ bệnh cho hàng thất chúng, mang lại lợi ích chân thật và tuyệt đối cho những ai thực hành và thấu triệt các phương thuốc ấy. Những liều thuốc thần được kê toa bằng lời nói, bằng ngôn ngữ chuyển tải nơi Kinh tạng đầy thâm sâu và thiết thực. Quyển sách này, nguyên bản Anh ngữ là Meditation on Perception – Ten Healing Practices to Cultivate Mindfulness, cũng là một liều thuốc với đầy đủ các thiết thực và lợi ích như thế. Bằng sự quán chiếu về sự nhận thức, mười phương pháp trị liệu bằng chánh niệm được phô bày từ thiển cận đến thâm sâu, từ bề ngoài đến vi tế bên trong. Tất cả cũng chỉ cốt để chữa lành các căn bệnh đau đớn cố hữu cho nhân sinh do nơi bó buộc, chấp trước mà ra. Với sự phô diễn lối văn tuần tự và thứ lớp, bài Kinh dưới cái nhìn thiền quán đã thứ lớp giải quyết những khúc mắc, trói buộc về các uẩn, chỉ rõ bản chất của các pháp. Dưới cái nhìn của một vị Thiền Sư chứng đắc, Ngài Henepola Gunaratana đã một lần nữa hướng dẫn chi tiết cho những ai muốn thoát khỏi những ràng buộc hệ luỵ mà được cái vui giải thoát chân thật bằng con đường thiền tập chánh niệm. Giá trị của tác phẩm được khẳng định qua tính thiết thực giải quyết các trăn trở trong tâm thức của nhân sinh hiện đại và cũng được Ngài Bhikkhu Bodhi giới thiệu bằng sự trân trọng và cảm mến nhất. Nhân duyên bắt gặp của người dịch với tác phẩm là quá trình nghiên cứu tìm hiểu các tương đồng và dị biệt cũng như các đặc trưng trong các phương pháp và triết lý Thiền của Mahayāna và Theravāda. Thấy được sự lợi ích thiết thực nhưng lại tiếp cận một cách nhẹ nhàng, trầm lắng như thế nên mong muốn chuyển ngữ để giới thiệu thêm về những gì lợi ích đích thực mà Pháp Phật mang lại.
Nguyện đem tất cả lòng thành khấn nguyện niệm ân lên mười phương Tam Bảo, nguyện cầu Chánh Pháp trường tồn. Xin dâng trọn niềm biết ơn sâu sắc hướng về Hoà Thượng Bổn Sư, Cha Mẹ, Chư vị Tôn Túc đã nuôi dưỡng thân tứ đại và trưởng dưỡng tâm thức cho con. Cám ơn Chư vị bằng hữu, thiện tri thức đàn na tín thí đã có mặt cho nhau nơi đời. Với tất cả tâm tư và cẩn trọng cho bản dịch và chú nhưng chắc chắn vẫn có những sơ suất. Kính Chư Thiện tri thức chỉ bày để cho bản dịch được hoàn thiện hơn.
Khánh nguyện vạn loại an nhiên trong chánh pháp và chứng nhập bản chất các pháp như Ngài Long Thọ đã nói: ‘Tất cả các pháp sinh khởi, tồn tại và hoại diệt cũng đều như vạt nắng, tựa giấc chiêm bao và dường như thành thị giữa chốn hoang mạc vậy.’
“यथा माया तथा स्वप्नो गन्धर्व – नगरम् यथा।
तथोस्पाद तथा स्थानम् तथा भन्ग उदाह् – रितह्॥’’
Sri lanka, ngày 15 tháng 07 năm 2020.
TK. Thích Thanh An
Kính ghi.
______
* Châu Báu Phạn Văn.