HỒI KÝ THÀNH LẬP
HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM
HT. Thích Trí Hải
___________________________
Mục lục
Thời Kỳ Thứ Nhất: Lục Hòa Tịnh Lữ
Thời kỳ thứ hai: Phật học tùng thư
Thời kỳ thứ ba: Chùa Quán Sứ, Hội Bắc Kỳ Phật Giáo
Thời kỳ thứ tư: Hội Phật Giáo Việt Nam
Thời kỳ thứ năm: Tổng Hội Phật Giáo Việt Nam
Thời kỳ thứ sáu: Giáo Hội Tăng Già Việt Nam
Kết luận – Nhân duyên xuất gia
Có người hỏi: Trong Tổng Hội Phật giáo Việt Nam đã có Tăng già rồi nhất là Viện Tăng thống đã giữ phần tối cao cho toàn thể Phật giáo, cùng chung một tôn chỉ, mục đích là hoằng dương Phật pháp giữ vững tinh thần dân tộc… sao lại còn phải tổ chức Giáo hội Tăng già Việt Nam? Giáo hội với Hội Phật giáo có gì khác đâu?
Đứng về phương diện hội mà nói tức là hiệp hội, các hội liên hiệp lại cùng nhau lập một hội để tiến hành theo chung một mục đích. Đây phải được nhà nước cho phép hay bắt giải tán. Hoặc tự những người trong tổ chức hội không muốn liên hiệp cùng nhau nữa, tự động giải tán và chỉ báo lại cho nhà nước là tan hội. Đối với pháp luật không còn gì nữa.
Còn nói về giáo hội: Chỉ có những người thuần túy triệt để tín ngưỡng theo tôn chỉ giáo lý của vị giáo chủ sáng lập ra (thí dụ như đức Phật Thích Ca sáng lập ra Phật giáo), truyền bá giáo pháp của ngài đã chứng ngộ cho chúng sinh nói chung, nói riêng là những người thay ngài trong khi còn tại thế cũng như lúc ngài đã viên tịch để duy trì, truyền bá giáo pháp ấy càng ngày càng sâu rộng và đời đời còn mãi. Vậy phải là những người chân chính xuất gia như các Tăng Ni mới đảm nhiệm được việc đó, cũng như con cái giữ gìn cơ nghiệp của cha mẹ. Còn những người tại gia tu theo Phật pháp chỉ như những người học trò đối với thầy giáo thôi.
Đối với Phật giáo nước nhà, do từ xưa tới nay không có hệ thống tổ chức, tuy có các sơn môn nhưng cũng do đó mà chia môn rẽ phái “Phật pháp đồng, quy cũ dị”, mỗi nơi mỗi khác không đâu giống đâu, không ai theo ai như đống cát khô, nếu bị cơn cuồng phong thổi tới là bay hết. Đáng lẽ Phật giáo đối với những việc lợi ích chung cho quần chúng, việc giữ gìn tinh thần dân tộc, không việc gì là không làm được nhưng lâu nay không làm được việc gì đáng kể đối với nhân quần xã hội cũng chỉ vì thiếu tổ chức, thiếu đoàn kết.
Vì những lẽ kể trên nên muốn chấn chỉnh lại cho có quy củ hệ thống, trước hết phải tạm lập thành hiệp hội, liên kết tất cả các Phật tử xuất gia, những người có lòng nghĩ đến nhân tâm thế đạo, đến tiền đồ Phật giáo nước nhà lại, hiệp lực đồng tâm chung lo việc chấn hưng Phật giáo. Trong lúc giới xuất gia chưa có nhiều người đủ tài đức để đảm nhiệm mọi công việc của Phật pháp thì giới tại gia phải tham gia giúp đỡ phần nào trong thời kỳ quá độ thôi. Khi trong giới xuất gia có những người đủ tài đức đứng ra lãnh đạo công việc của Phật giáo, lúc đó các Phật tử tại gia chỉ còn là tín đồ theo thầy học Đạo mà thôi, hội Phật giáo cũng không cần có nữa, chỉ còn có giáo hội Tăng già và tín đồ Phật giáo.
Được chuẩn bị chu đáo về mọi phương diện từ ngày 19 đến ngày 25 tháng 7 năm Nhâm Thìn (8 đến 14 tháng 9 năm 1952), các đại biểu của các Tăng già Bắc, Trung, Nam đã tề tựu về chùa Quán Sứ số 73, phố Quán Sứ, Hà Nội để họp Đại Hội đồng Giáo hội Tăng già Toàn quốc.
Họp suốt bảy ngày, cuối cùng Hội đồng đã thông qua bản quy chế của Giáo hội, suy tôn vị Thượng thủ đứng đầu Giáo hội và bầu ra Tổng Trị sự cùng các chuyên ban để thực hành các công việc giáo hội. Đại ý cương lĩnh, bản nội quy như sau:
A) Danh hiệu, trụ sở, mục đích: Giáo hội lấy tên là Giáo hội Tăng Già Việt Nam, trụ sở đặt ở khắp Bắc Trung Nam tùy theo nơi vị Hòa Thượng Thượng Thủ ở. Mục đích của Giáo hội là:
- Phụng sự Phật giáo.
- Chỉnh lý Tăng già theo pháp Lục hòa.
- Sách tiến Tăng Ni nghiêm trì tịnh giới.
- Đào tạo Tăng Ni có đủ tài đức để hoằng dương Phật pháp lợi lạc chúng sinh, làm các việc từ thiện, văn hóa, xã hội.
B) Hệ thống tổ chức: Giáo hội gồm tất cả các Tăng Ni chân chính trên toàn quốc Việt Nam. Giáo hội suy tôn lên một vị Thượng thủ, lãnh đạo toàn thể để tiến tới thành lập Viện Tăng thống như trong điều lệ Tổng hội đã nói. Hiện thời tổ chức như sau:
- Hội đồng Pháp chủ: Hội đồng Pháp chủ gồm ba vị Pháp chủ của ba miền, có nhiệm vụ chứng minh và ủng hộ mọi công việc của vị Thượng thủ cùng ban trị sự. Chức Thượng thủ do Đại Hội đồng suy tôn vĩnh viễn
- Hội đồng Tổng Trị sự: Hội đồng Tổng Trị sự gồm: Một Hòa Thượng, một trị sự trưởng, một phó trị sự kiêm tri tạng, một tổng thư ký, một phó thư ký, một thủ quỹ, một trưởng ban giám luật, một trưởng ban nghi lễ, một trưởng ban hoằng pháp, một trưởng ban tăng tịch và ba vị dự khuyết. Các chức vụ trên do đại hội đồng bầu lên và làm việc mỗi khóa hai năm. Còn các tỉnh cho đến quận, huyện trở lên, nếu có đông Tăng Ni thì thành lập ban trị sự để thi hành công việc trong các cấp. Tùy theo công việc bầu ra các ban hợp với nhu cầu của địa phương.
Trong bản quy chế có ghi từng chi tiết cụ thể về chức vụ của mỗi người, mỗi ban cho đến những điều liên quan đến việc cư xử, đối đãi, y phục, ấn tín…
Vị Thượng thủ được suy tôn đầu tiên là Hòa Thượng Tuệ Tạng (Hòa Thượng Cồn). Dưới đây là danh sách Ban Tổng Trị sự của Giáo hội Tăng già Việt Nam khóa đầu tiên:
- Trị Sự Trưởng: Thượng Tọa Trí Hải
- Trị Sự Phó kiêm Tri tạng: Thầy Tâm Châu
- Tổng Thư ký: Thượng Tọa Tố Liên
- Trưởng Thủ quỹ: Thượng Tọa Viên Tu
- Trưởng Ban Giám luật kiêm Nghi lễ: Thượng Tọa Đôn Hậu
- Trưởng Ban Giáo Thụ: Thiện Tọa Thiện Hòa
- Phó Thư ký: Thầy Hải Ninh
- Trưởng Ban Hoằng pháp: Thầy Thiện Siêu
- Trưởng Ban Tăng tịch: Thượng Tọa Thanh Tùng
Ba vị dự khuyết:
- Thượng Tọa Vĩnh Tường
2. Thượng Tọa Mật Hiển
3. Thượng Tọa Mật Nguyện
Trong suốt thời gian đại hội, từ hôm khai mạc đến hôm bế mạc, đại hội nhận được rất nhiều thư từ điện tín từ khắp Bắc Trung Nam gởi đến chúc mừng và còn có nhiều đại biểu của các đoàn thể Phật giáo cùng Tăng Ni thiện tín tới chúc mừng đại hội.
Thành phần hội nghị gồm: 6 vị Hòa Thượng trong Ban Chứng Minh Đạo sư của Phật giáo Toàn quốc, ba vị Pháp chủ trong ba phần (Bắc, Trung, Nam), ba giáo hội Tăng già của ba phần (mỗi giáo hội có bốn đại biểu), hai đại biểu của Tổng hội Phật giáo Toàn quốc, các vị trong Hội đồng Pháp chủ, Ban Trị sự Tăng già Bắc Việt cùng các vị trị sự trưởng của Tăng già Bắc Việt ở các tỉnh đều được mời về dự hội nghị. Ngoài ra còn có đại biểu của các hội Phật giáo, Phật học trong cả ba phần được mời về dự hội nghị nhưng chỉ tham dự với tư cách quan sát viên, khi biểu quyết chỉ có các Hòa Thượng, Thượng Tọa đại biểu chính thức mới được quyền biểu quyết.
Trong thời gian đại hội, vào những buổi nghỉ họp, ban tổ chức đều đưa các đại biểu đi tham quan những nơi danh lam thắng tích trong và ngoài Hà Nội. Có các chùa như Châu Long, Hai Bà, chùa Am và cá nhân cư sĩ như ông Nguyễn Huy Xương đã thiết trai cúng dường các đại biểu.
Những việc Giáo hội đã làm sau khi thành lập
- Công nhận Ban chấp hành của Hội Phật giáo Thế giới tại Việt nam.
- Cử đại biểu Phật giáo Việt Nam sang Nhật Bản dự Đại hội đại biểu Phật giáo Thế giới khóa hai.
- Can thiệp với chính quyền cho bãi bỏ việc bắt các sư từ 18 đến 45 tuổi phải tòng quân. Việc này được kết quả ngay.
- Cử các sư thanh niên xuất dương du học nước ngoài như sau: Bốn người sang Nhật Bản: Thầy Tâm Giác, Chân Từ (Thanh Kiểm) ở Bắc; Thầy Thiên Ân ở Trung; Thầy Nhật Liên ở Nam. Các vị đi Ấn Độ: Thầy Minh Châu, Trí Không (ở Trung); Thầy Phúc Tuệ, Quảng Độ (ở Bắc).
Còn các công việc khác thì từng phần được tiến hành tốt đẹp tại các địa phương.
Dưới đây lại nói thêm về công việc riêng của Phật giáo ở miền Bắc
Giữa năm 1953, khi tôi còn làm Trưởng Ban hưng công xây dựng trường Vạn Hạnh và kiến thiết chùa Hàm Long, Hà Nội của giáo hội Tăng già Bắc Việt, đã làm xong được phần lớn trường học, tiếp đến việc làm chùa mà tiền thì chưa có ngay. Cả việc xây trường học, Hội cũng chỉ giao cho ban chúng tôi một tờ biên bản với tất cả công việc mà không giao một đồng tiền nào.
Trong thời gian trên dưới sáu tháng chúng tôi đã làm được công việc như đã nói ở trên (xin xem phần Trường Vạn Hạnh), đã chi tiêu hết hơn 1.000.000 đồng Đông Dương. Số tiền này nhờ thập phương Tăng Ni thiện tín phát tâm ủng hộ cùng sự đóng góp của Ban Ưu bà di học Phật. Ngoài ra chúng tôi còn mượn tạm của Phật tử cùng mua chui nguyên liệu để làm mà bấy giờ chưa thanh toán được.
Chùa Phật giáo Hải Phòng
Việc làm giảng đường và trường học của chi hội Phật giáo Hải Phòng được đề xướng từ năm 1952, dự trù làm một ngôi chánh điện để lễ bái, giảng đường để diễn giảng và phòng làm việc của Hội. Ngoài ra còn có trường học để mở trường theo chương trình nhà nước. Dự chi khoảng 2.00.000 đồng Đông Dương. Công việc còn đang trong thời kỳ dự định thì Chi hội Trưởng là ông Thanh Phương mất, Chi hội lại bầu ông Tô Văn Lượng lên làm Chi hội Trưởng để tiến hành công việc. Đã chuẩn bị được một số tiền và mua được một số vật liệu nhưng mãi đến năm 1953 vẫn chưa làm được. Tới khi Hiệp định Genève (1954) ký kết, hòa bình được lập lại, quân Pháp rút lui, đất nước bị tạm chia hai miền Nam Bắc, nhiều người dao động, hoang mang, sinh ra cảnh kẻ ở người đi bối rối. Tiền của Chi hội cũng chỉ còn mấy vạn để ở nhà băng. Nếu không lấy ra thì nhà bằng sẽ chuyển vào Nam, mà lấy ra thì không biết ai ở lại mà giao cho giữ. Khởi công làm thì trong hội viên không ai dám đứng ra đảm nhiệm. Thỉnh các vị Hòa Thượng, Thượng Tọa trong địa phương thì vị nào cũng bận công việc của chùa, đều từ chối. Thỉnh mãi không được, Chi hội yêu cầu Trung ương cử người xuống chủ trương, trông coi giúp với các hội viên trong việc xây cất. Trung ương cử mãi không được ai. Cuối cùng lại ủy tôi xuống trông coi giúp.
Bấy giờ vào khoảng tháng 7, 8 âm lịch, đang giữa mùa mưa. Tôi vẫn đi lại xem xét các công việc, hội họp, bàn bạc để tiến hành. Hỏi đến tiền quỹ thì Hội cho biết chỉ còn chín vạn để trong nhà băng và tiền mặt còn mấy nghìn đồng; vật liệu thì còn 400 bao xi măng với một số sắt, 500 tấm tôn xi măng. Chỉ có thế thôi. Ngoài ra vôi, gạch, cát… chưa có. Nếu không làm thì tan nát hết, lòng người cũng chán nản.
Tôi bàn với hội: Hiện nay có hai cách làm. Một là làm theo như kiểu mẫu đã vẽ: Hai tầng có cả trường học, có đến đâu làm đến đó hay làm cố lấy một tầng rồi sau có sẽ làm tiếp. Hai là bỏ kiểu cũ làm kiểu khác: Chỉ làm một tầng, làm xong sớm để lấy chùa cúng Tết Nguyên Đán. Tôi hứa Tết tới tôi cũng sẽ ở đây cùng các vị. Tuy nói làm rút lại nhưng không làm nhỏ lại, chỉ bớt đi một tầng và làm cao lên còn diện tích vẫn theo kiểu trước (400 m2). Ngoài số vật liệu và tiền đã có, còn thiếu khoảng 400.000 đồng nữa mới có thể làm được. Tôi đề nghị các đạo hữu trong hội, vị nào có khả năng có thể cho mượn, khi nào xây xong chùa sẽ hoàn trả lại. Chỉ cần ít nhất là một hai người hay ba bốn người cho mượn tạm thì có thể xây xong chùa trong một thời gian ngắn. Cũng có người nói: Dù có tiền cũng không thể làm từ nay đến Tết xong được, đến làm chùa giấy cũng không xong vì trời mưa như tầm tã biết đến bao giờ tạnh mà làm. Bàn đi bàn lại, mỗi người một ý, cuối cùng đều đồng ý xây một tầng. Số tiền thiếu bao nhiêu thì bà Vĩnh Phát Tường và bà đồng Đền Nghè (Nguyễn Thị Nam) cho mượn.
Kiến trúc sư ở Hải Phòng lúc bấy giờ không còn ai. Chúng tôi tự phác họa thành sơ đồ ròi cùng bàn bạc với các hội viên. Sau đó, cho thợ y theo đó mà làm. Bấy giờ là cuối tháng 8 sang đầu tháng 9 âm lịch mà trời vẫn còn mưa. Phải mượn máy bơm nước của Sở Công chánh về bơm nước để đào móng đóng cọc nhưng cũng không được. Sau cùng phải đào đến đâu đổ bê tông xây ngay đến đó. Kết quả, ngày 30 tháng 11 âm lịch năm Giáp Ngọ (1954) làm xong một ngôi chùa toàn bằng xi măng và cũng là ngày thanh toán được hết công thợ (vừa đúng 3 tháng). Chùa có nền cao 1 mét, rộng 400 m2, lát toàn gạch hoa, lại sắm sửa được đầy đủ tượng pháp và đồ thờ. Bắt đầu từ ngày mồng 1 tháng Chạp âm lịch năm ấy sửa soạn trang trí và đúng ngày mùng 8 tháng Chạp, ngày Đức Thích Ca thành đạo làm lễ khánh thành. Làm được một ngôi chùa mới, tất cả các tín đồ Phật giáo ở Hải Phòng ai nấy đều phấn khởi, vui mừng. Có nhiều người nông nổi nghe người khác tuyên truyền rằng sau này sẽ không còn tôn giáo nữa nên đã sửa soạn vào Nam nhưng khi thấy hội vẫn làm chùa, họ cho những lời tuyên truyền kia là giả dối, không những không đi vào Nam mà còn rủ nhau ở lại và phát tâm cúng tiền vào việc làm chùa. Do đó, sau khi khánh thành chùa, hội thanh toán được số tiền mượn của các hội viên.
Xây chùa xong còn thừa 15 tấn sắt. Lúc Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa về tiếp quản Hải Phòng, số sắt này bán cho Chính phủ được hơn sáu triệu đồng (bây giờ là 6.000$). Lam xong chùa, dự lễ khánh thành và nghỉ Tết xong tôi lại trở về Hà Nội. Ở đây, Hội lại thỉnh các Hòa Thượng chư Tăng địa phương cử các sư đến trông coi chủ trương mọi việc trong chùa nhưng chưa có ai nên Chi hội lại yêu cầu Trung ương cử tôi xuống trông coi giúp đỡ công việc chùa. Tất cả các công việc của Hội từ Trung ương đến địa phương về văn hóa, xã hội vẫn được tiến hành bình thường cho đến khi hòa bình được lập lại, tất cả các tổ chức Phật giáo trước đều được hợp lại thành Hội Phật giáo Việt Nam. Đến đây, tổng số hội viên đã gần một triệu với hơn 300 chi hội trên toàn miền Bắc. Có chi hội làm chùa quán riêng như Hải Phòng, Nam Định, Kiến An, Uông Bí, Mỹ Hào, Yên Bái…