HỒI KÝ THÀNH LẬP
HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM
HT. Thích Trí Hải
___________________________
Thời Kỳ Thứ Nhất: Lục Hòa Tịnh Lữ
Thời kỳ thứ hai: Phật học tùng thư
Thời kỳ thứ ba: Chùa Quán Sứ, Hội Bắc Kỳ Phật Giáo
Thời kỳ thứ tư: Hội Phật Giáo Việt Nam
Thời kỳ thứ năm: Tổng Hội Phật Giáo Việt Nam
Thời kỳ thứ sáu: Giáo Hội Tăng Già Việt Nam
Kết luận – Nhân duyên xuất gia
Kể từ lúc phôi thai (1924) đến khi Hội Phật giáo Việt Nam hòa hợp vào, lập thành Hội Phật giáo Thống nhất Việt Nam (1958) trải qua thời gian 35 năm với những sự việc kể trên mà chính tôi được tham gia hoạt động cùng là mắt thấy tai nghe. Thuận lợi dễ dàng cũng nhiều mà trắc trở khó khăn cũng lắm. Ngay lúc đầu vừa khởi xướng đã có nhiều người cho là viển vông không thèm để ý tới nên chúng tôi phải chạy ngược chạy xuôi suốt sáu năm mà vẫn không thu được kết quả nào. Lúc đứng ra thành lập Lục hòa tịnh lữ cũng chỉ có vỏn vẹn có mấy người còn làm tiểu với nhau, tiền không làm gì ra, phải bòn nhặt từng xu suốt năm mới góp nổi 5 đồng. Việc làm còn bỡ ngỡ nên có nhiều người cho là hội trẻ con, hội chấp tác và cũng có người cho là vắt mũi chưa sạch cũng học đòi…
Theo đuổi công việc lập hội lần đầu bị thất bại. Chuyển sang lập Phật học tùng thư thì tài non sức yếu, tiền không có. Sách in ra phát không mà tiền in vẫn phải trả trước một phần, khi lấy sách về phải trả đủ. Lúc đem kinh sách đi phát, ai đưa lại cho được đồng nào lại phải in tên người ấy vào cuốn sau mà tiền thì phần nhiều chi vào lộ phí hết. Trong thời gian này, vào các chùa còn bị coi bằng con mắt chán ghét, lạnh nhạt nên thường phải ăn nghỉ ở nhà Phật tử tại gia như nhà ông Kha chẳng hạn. Lúc bắt đầu nhận chùa Quán Sứ cũng chẳng có gì. Chùa chiền, nhà cửa bị hư hỏng mục nát còn các thứ đồ dùng sư thầy dọn về bên Bắc hết. Hôm lễ nhập tự, tôi và sư ông Tâm Giác cả hai người chỉ có 1 đồng làm lộ phí. Đi từ chùa Mai Xá, huyện Lý Nhân, Hà Nam lên hết sáu hào còn được có bốn hào làm vốn liếng ở chùa. Ngay sau khi Hội Phật giáo được thành lập, báo Đuốc Tuệ ra đời thì bên chùa Bà Đá lập thành Cổ Sơn Môn, xuất bản báo Tiếng Chuông Sớm do Nguyễn Mạnh Bổng phụ bút để đối lập…
Bên đạo khác có người ra cuốn Chân giả luận và loại sách Phục Phật xích đạo dèm pha, công kích Phật giáo. Lợi hại nhất là Phạm Tá, chủ hiệu nhuộm ở Hà Nội, vào hẳn làm hội viên trong Hội, mặc áo thụng, ăn chay, ngày đêm niệm Phật 100 tràng (10.800 câu Nam Mô A Di Đà Phật), được những người thiếu ý thức cho là mộ đạo lắm nên lên vận động với Hội cho ông ta đứng ra thành lập hội thanh niên Phật giáo để đi curoa thực dân Pháp. Không lợi dụng được, ông ta liền bỏ Phật giáo, quay ra dựa vào người Pháp lập ra Hội Phật tử ở chùa Hòe Nhai, lôi cuốn một số thiện tín cùng các sư nhẹ dạ theo, làm cho nội bộ Phật giáo sinh ra mâu thuẫn, lủng củng, bất hòa, chia rẽ nhau.
Lúc tản cư về hậu phương,trong thời gian chiến tranh, tôi có tổ chức lập nên mấy nơi để giúp đỡ các em mồ côi và những em mất liên lạc với gia định, bị bơ vơ. Lại có một số người đến chùa nói với các sư là: “Đừng ủng hộ viện cô nhi, cứ để cho thầy trò Trí Hải chết!”.
Việc thỉnh Đại Tạng Kinh, ngay lúc lập Phật học tùng thư (1932), chúng tôi đã trù bị, vận động, giao thiệp nhờ người thỉnh ở Trung Quốc nhưng không được. Sau này, khi Hòa Thượng Vĩnh Nghiêm lên ngôi vị Thuyền gia Pháp chủ, chúng tôi lại vận động mấy vị Tăng và mấy ông cư sĩ bạch Hòa Thượng, xin ngài đứng ra chủ trương cho phép thỉnh Đại Tạng Kinh và mở rộng nhà in có đủ cả chữ Hán và in Kinh sách khỏi phải khắc ván. Được Hòa Thượng chấp thuận và ủy thác cho Hòa Thượng Tế Cát, Thượng Tọa Thái Hòa và tôi thay ngài làm việc này nhưng cũng lại bị nhiều vị khác cho là việc làm chùa Quán Sứ còn cần hơn. Chưa có chùa, thỉnh Kinh để đâu. Do đó, việc này không tiến hành được.
Khi quân Nhật Bản chiếm Đông Dương, tôi lại đưa tiền cho ông Lê Dư, nhờ đại sứ Nhật Bản thỉnh giúp ở Nhật. Ngoài ra, Nhật cũng hứa tặng cho Hội một bộ Đại Tạng. Kinh chưa nhận được thì quân Nhật đầu hàng, phải về nước. Số tiền gửi cũng bị mất theo. Mãi tới năm 1950, tôi về Hà Nội vận động và giao thiệp mãi mới thỉnh được bộ Đại Chính Tân Tu Đại Tạng Kinh. Toàn bộ đóng thành 100 tập, nội dung có 2.920 bộ kính sách khác nhau. Bộ ít nhất là một quyển, bộ nhiều nhất là 600 quyển, cộng tất cả hơn hai vạn quyển, đầy đủ tất cả các kinh, luật và luận. Phí tổn đưa về tới chùa Quán Sứ, Hà Nội hết hơn hai vạn đồng Đông Dương.
Vượt qua những trở ngại khó khăn để đạt tới kết quả như ý nếu không có chí kiên trì và lòng dũng cảm sẽ không thể nào đưa tới thành công được. Với việc chấn hưng Phật giáo, nếu được tất cả các hàng Phật tử đều cùng chung sức chung lòng theo đúng tinh thần từ, bi, hỷ xả, trí tuệ, tinh tiến, nhẫn nhục, đem hết khả năng ra làm những việc lợi người lợi mình sẽ xây dựng thành nền “Nhân gian Phật giáo” hầu mong cải tạo, tiêu trừ hết những tính tham lam, ganh ghét, thù hằn, ngu si, ích kỷ của mọi người đi, đem lại bình đẳng thương yêu đối với tất cả chúng sinh trên thế giới, coi nhau là anh em ruột thịt, đến cửa Phật như con một nhà, thấy người khác bị đau khổ tưởng như chính mình bị đau khổ, thấy người khác sung sướng coi như chính mình được sung sướng. Lúc đó nhân loại sẽ không còn tiếng kêu rên than khóc, sẽ không còn ai phải trông thấy những cảnh tương tàn thảm khóc, đau thương tang tóc nữa. Lúc đó chỉ còn những người ra công bồi đắp xây dựng cho toàn thế giới này trở thành cảnh Thiên đường, Cực lạc ở ngay trên quả đất này, để đời đời cùng nhau hưởng chung hạnh phúc.
Muốn sẽ được, làm sẽ thấy. Nhưng chỉ ngày nào mà ý nghĩ, lời nói và việc làm của tất cả nhân loại trên thế giới cùng nghĩ như Phật nghĩ, nói như Phật nói, làm đúng như việc Phật làm thì ngày ấy thế giới này mới trở thành thế giới Phật tức thế giới Cực lạc ở ngay đây.
Đây chính là nguồn gốc lý tưởng của tất cả Hằng hà sa số chư Phật xuất hiện ra đời. Tất cả các ngài đều cùng chung một mục đích ấy. Mục đích muốn làm cho chúng sinh đều cùng sung sướng đời đời.
Viết xong ngày 19/5 Ất Tỵ (1965)
Sa môn Trí Hải
Chùa Phật giáo – Hải Phòng
NHÂN DUYÊN XUẤT GIA
Quê tôi ở xã Hải Trung (Quần Phương Trung), huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Hà (Nam Định). Thân phụ là Đoàn Văn Đích tự Phúc Thực, thân mẫu là Nguyễn Thị Tuất hiệu Diệu Mậu chuyên nghề làm ruộng và dệt vải.
Tôi, Đoàn Văn Tảo sinh năm 1906 đúng giờ Mậu Dần ngày Ất Mão (19) tháng Giáp Ngọ (Năm) năm Bính Ngọ. Dưới tôi còn có hai người em gái. Vì cảnh nhà nghèo không có ruộng đất nên mãi đến năm 12 tuổi tôi mới được đi học chữ Nho ở ngay chùa bản quán. Chùa này bấy giờ rất thịnh vượng, ruộng có tới gần 30 mẫu, đình đám cúng lễ rất sầm uất, có đông các sư ở nên đón thầy đồ về dạy học thêm cho các sư chú, sư bác và cho cả con em dân làng ra học. Vì nhân duyên trên mà tôi được thân cận chư Tăng. Hằng ngày, ngoài thời giờ học tập ra, tôi thường theo dõi các khóa lễ cúng, tụng niệm, rồi thấy vui mà lân la. Tôi cũng học Đạo, đọc tụng theo. Có nhiều bài thông thường đã trở nên thuộc lòng bao giờ không biết, dần dà am hiểu theo với các Sư chú, Sư bác, cả đến khóa tụng và khóa cúng… sinh ra mến cảnh chùa, cảm thấy ở đời chỉ có các vị xuất gia là giải thoát nhất: quan bất phiền, dân bất nhiễu. Tôi có bốn câu cảm hoài như sau:
“Chữ phiền phó mặc khách trần gian
Nhờ Phật quanh năm một chữ nhàn
Đèn sách sẵn sàng, cơm áo đủ
Dễ ai quấy nhiễu, dễ ai ghen.”.
Năm tôi 17 tuổi, nhân có Sư cụ Phạm Thanh Dương xuất gia ở Hà Nam (hiện nay trụ trì chùa Phú Tư, huyện Lý Nhân, Hà Nam), cũng là người Hải Trung, về thăm quê, nghỉ ở chùa. Có một hôm, Sư cụ hỏi tôi:
– Cháu có muốn xuất gia không?
– Dạ có, cháu cũng muốn đi nhưng chưa biết đi đâu.
– Còn phải đi đâu nữa? Ở ngày chùa nhà có hơn không?
– Cháu thấy không tiện vì Sư cụ bản tự ở đây là em con chú với thầy ở nhà, vậy là chỗ con cháu. Cháu thấy ở đây đối với các sư không tiện, hơn nữa gần nhà có khi cũng không tốt.
– Cháu muốn đi xa thì tôi đưa lên Hà Nam ở với các sư, quý lắm. Nếu đồng ý thì về hỏi thầy mẹ ở nhà xem có bằng lòng cho đi hay không mới được.
Tôi về thưa với phụ mẫu thì cha mẹ không ai bằng lòng với lý do tuy sinh được ba con nhưng chỉ có mình tôi là con trai. Tôi thưa: “Cha mẹ đã sinh ra con thì dù con ở nhà hay xuất gia cũng vẫn là con của cha mẹ. có phải đi xuất gia là mất đâu? Xem ngay ở xã nhà, không nhà nào, xóm nào là không có người xuất gia làm Tăng hay Ni. Hiện nay có hàng trăm vị. Ngay trong họ nhà, ở trên như cụ Hòa Thượng Phổ Tụ, trụ trì chùa Tuế Xuyên, huyện Lý Nhân, Hà Nam, trong giới Phật giáo không đâu là không nghe tiếng ngài. Dân xã nhà có việc thỉnh ngài về làm lễ thì đón rước long trọng như thế nào chắc chắn thầy mẹ hãy còn nhớ; ở dưới thì có Sư cụ trụ trì chùa xã nhà, hiện nay có bao nhiêu sư ở với Cụ. Như thế có phải đi xuất gia là mất đâu? Con thấy các vị ấy đi được, tu được thì con cũng có thể theo được. Xin thầy mẹ cho con đi. Nếu con ở nhà mà không may con có thế nào, thầy mẹ coi như không có con. Lúc ấy càng phiền não khổ sở hơn. Xin thầy mẹ cứ vui lòng cho con đi. Con sẽ theo kịp với các sư, xin thầy mẹ đừng ngại.”. Cuối cùng thầy mẹ cũng hoan hỷ cho tôi đi.
Hôm ấy là ngày 27 tháng 9 năm Nhâm Tuất (1922), Tôi đi theo Sư cụ Thanh Dương. Cụ còn đưa đi chơi nhiều nơi nên mãi đến một tháng sau, ngày 27 tháng 10 mới về tới chùa Mai Xá, huyện Lý Nhân, Hà Nam. Sư cụ Trụ trì bấy giờ là Thích Thông Dũng, đệ tử Hòa Thượng Phổ Trinh ở chùa Lương Khô cùng huyện, là anh nhà chùa Sư cụ Thanh Dương. Sư cụ Thanh Dương đưa tôi tới, xin cho tôi làm đệ tử. Cụ rất hoan hỉ. Hỏi thăm quê quán cùng sự học hành xong. Cụ vui lòng nhận ngay.
Ngày 1 tháng 11, Sư cụ làm lễ thế phát cho tôi thành người xuất gia. Về phần nghi thức tụng niệm hằng ngày tôi đã học cũng gần đầy đủ, theo kịp với các sư nên ngày 1 tháng 12 năm ấy, ở chốn Tổ Tế Xuyên có đàn giới, Sư cụ cho tôi thọ giới Sa di (Sư bác). Sư cụ cũng hết lòng phù trì, dạy bảo, cho tôi luôn được đi học, đi nhập Hạ theo với chư tăng, không nghỉ khóa nào.
Ngày 21 tháng 8 năm Ất Sửu (1925), Sư cụ đứng ra tổ chức Đàn giới cho tất cả các sư sơ tiến thụ giới, tôi cũng lại được thụ giới vào Đàn giới này. Tất cả Tăng Ni có hơn 30 vị, tôi được đứng đầu. Đúng giờ Tuất hôm ấy, tôi được đăng đàn thụ giới Tỉ Khiêu.
Hòa Thượng Phổ Tụ trụ trì chùa Tế Xuyên bấy giờ đã hơn 80 tuổi, ngài lên làm Hòa Thượng truyền giới cho Đàn giới này lần cuối cùng. Ngày 17 tháng 8 năm sau tức năm Bính Dần (1926) ngài thị tịch tại nhà của người mà thân phụ của tôi gọi bằng bác.
Thụ giới xong tôi vẫn tiếp tục đi học và đi Hạ. Tính đến nay tôi vừa 60 tuổi đã đi được 29 Hạ.
Ngày 15 tháng Chạp năm Canh Ngọ (1930), tôi bắt đầu ra trụ trì chùa Phú Đa, xã Yên Lập, huyện Bình Lục, Hà Nam. Sang năm Tân Mùi (1931), Sư cụ thầy tôi ở chùa Mai Xá viên tịch nên tôi lại trở về trông coi chùa Mai Xá. Năm ấy tôi có thỉnh chư Tăng Ni về Hạ để hồi hướng cho Sư cụ tôi. Năm Giáp Tuất (1934) tôi lên ở chùa Quán Sứ, Hà Nội để lo công việc Giáo hội… Thời gian kế tiếp đã được ghi trong quyển Hồi ký thành lập Hội Phật giáo Việt Nam. Nay ghi lại đây để nhớ từ hồi còn nhỏ.
Trí Hải tự thuật