Có người đã nói với chúng tôi rằng, nếu đức Phật còn sống cho đến hôm nay, ngài sẽ nói chuyện như thế nào trong các trường đại học, các viện nghiên cứu khoa học, và trước đông đảo quần chúng tri thức hiện nay? Ngài sẽ nói như thế nào cho phù hợp với giới trẻ tuổi ngày nay nhằm giúp họ học hiểu và hành trì giáo lý để thực sự có lợi ích? Chúng tôi đã nói rằng đó là một ưu tư cần phải đặt ra, nhưng công việc của đức phật đã hoàn tất từ lâu, và bây giờ ngài vẫn đang tiếp tục, sự tiếp tục đang diễn ra bởi những đệ tử của ngài, những người hoằng pháp, đi theo gót chân đức Phật để chuyển tải đạo lý vào cuộc đời nhằm dựng lại những gì đã đổ vỡ, xiêu vẹo, bật đèn trong đêm tối và làm cho cuộc đời tươi đẹp hơn, đúng như bản hoài của Ngài. Người đặt vấn đề đó đang có một ưu tư về vấn đề làm thế nào để giáo lý đức phật thực sự có ảnh hưởng đến nhận thức của giới trí thức, những người trẻ tuổi hôm nay. Bởi không ai không biết rằng chính tuổi trẻ là tương lai của một dân tộc nói riêng và của toàn thế giới nói chung. Họ là những người đang và sẽ gánh vác vận mệnh của đất nước, của thế giới trong hiện tại và tương lai.
Chúng ta biết rằng nhận thức của con người đã trở nên tiến bộ và khác hơn ngày xưa rất nhiều nhờ sự tiến bộ về tư tưởng, khoa học, triết học và xã hội học. Trong sự tiến bộ chung ấy nhận thức về tôn giáo của con người cũng thay đổi theo chiều hướng tiến bộ. Mà tôn giáo là cần thiết cho con người. Vì vậy chúng ta phải có bổn phận thúc đẩy sự tiến bộ của con người về nhận thức tôn giáo, khiến cho tôn giáo luôn giữ được vai trò nuôi dưỡng và phát triển tâm linh của con người và đừng bao giờ trở nên những chướng ngại, những thành kiến cố chấp và cuồng tín, cản trở sự tiến bộ và giải phóng con người toàn diện.
Tuy nhiên cho dù nhận thức của con người về tôn giáo có thay đổi thế nào đi nữa, những nguyên lý của Phật học cũng không bao giờ thay đổi. Chúng ta quyết chắc như vậy, vì những nguyên lý ấy cũng chính là những nguyên lý thường hằng của vũ trụ vạn hữu. Pháp ấy dù đức phật có nói hay không nói nó vẫn luôn có đó. Đức phật nói ra là bởi sự giác ngộ của Ngài và vì lòng thương xót chúng sanh nên nói ra để thay đổi những nhận thức sai lầm của chúng sanh. Chính những sự sai lầm trong nhận thức về cuộc đời đã làm cho chúng ta đau khổ. Đời là vô thường mà chúng ta cho là thường, đời là vô ngã mà chúng ta cho là có ngã, nên sinh tâm tham nhiễm, vướng mắc và bị trói buộc. Những nguyên lý hằng hữu ấy kinh Pháp Hoa nói:
“Thị pháp trụ pháp vị
Thế gian tướng thường trú”
Pháp trụ ấy, pháp vị ấy luôn luôn thường trú trong các pháp thế gian. Những pháp như vô thường, vô ngã, vô tướng, duyên sinh, nhất thừa thật tướng, là những thuộc tính của pháp thế gian. Nhìn sâu vào trong lòng của sự vật với con mắt quán chiếu, chúng ta có thể thấy được nó. Một kinh khác đức Phật lại nói, “người nào thấy được tính Không tướng của các tướng tức là thấy được như lai.” (Kinh Kim Cương). Nói như thế để thấy rằng những nguyên lý Phật học không bao giờ thay đổi cho dù mọi thứ có thể thay đổi. Vấn đề là chúng ta làm sao để trình bày những giáo lý ấy cho phù hợp với nhận thức của con người hiện đại.
Đức tin là nền tảng của mọi sự thành công trong đời. Mất niềm tin có nghĩa là mất đi cả ý nghĩa sống. Sống có nghĩa là tin vào một cái gì đó để phấn đấu và tiếp tục sống. Sống chứ không phải chỉ là tồn tại. Nhưng niềm tin ấy sẽ hướng dẫn con người ta sống như thế nào, vô nghĩa hay đầy ý nghĩa, lương thiện hướng thượng hay tàn ác và xuống dốc. Hoằng pháp với tuổi trẻ phải hướng dẫn cho họ một lối sống có niềm tin và hướng thượng. Giúp cho họ thấy được tính nhân bản và tự chủ của chính họ mà không phải do ai áp đặt hay bắt buộc. Mọi thứ đều để cho họ tự nhận thức và quyết định lấy.
Chẳng hạn khi nói về Vô thường và sự thật về khổ của cuộc đời, ngày xưa đã có nhiều nhầm lẫn ở điểm này và cho rằng đạo Phật là bi quan, yếm thế. “Đời là vô thường nên tôi chẳng muốn làm gì hết, làm có đó rồi cũng mất đi thôi thì làm để làm gì”; khi nói đời là bể khổ mênh mông không bờ bến, thì người ta mất luôn niềm tin yêu đối với cuộc sống. Thành kiến này vẫn còn lưu dấu khá đậm vào thời đại chúng ta. Những tác phẩm văn học cũng đã tiếp tay cho nhận thức này của con người về Phật giáo (hẳn chúng ta cũng sẽ vận dụng lĩnh vực văn học để sửa lại nhận thức sai lầm này, té ở đâu thì chống ở đó để đứng dậy). Người ta đâu để ý một khía cạnh thực tế và rất khoa học của tính chất Vô thường. Không có vô thường thì thực sự không thể quan niệm thế nào là sự sống. Hạt lúa mới gieo xuống ruộng ngày hôm qua, hôm nay đã nảy mầm và rồi với những điều kiện đầy đủ nó sẽ cho những hạt thóc lúa trong ngày mai. Không có sự thực về Vô thường thì không có tiến trình vận động đó. Niềm khổ đau của tôi hôm nay đang có mặt đó, tôi biết, nhưng không hề tuyệt vọng bởi nó sẽ ra đi, vô thường mà. Như vậy đâu phải do sự thực vô thường làm cho người ta khổ mà chính do sự chấp chặt của chúng ta. Nhận thức về vô thường sẽ cho ta một niềm tin rất tích cực vào sự biến chuyển của cuộc sống.
Khi trình bày những giáo lý như thế cho giới trẻ, chúng ta có thể sử dụng những phương tiện về tri thức khoa học để giải thích nhằm tạo ra niềm tin đúng đắn phù hợp với tri thức thời đại((xem thêm Đạo Của Vật Lý, F. Capra, Nguyễn Tường Bách biên dịch, nxb Trẻ 2001.)), nhưng cũng chú ý để đừng quá sa đà diễn giải mà thành ra chỉ tôn thêm vẻ hào nhoáng của khoa học kỹ thuật. Khoa học kỹ thuật luôn có sự hạn chế nhất định của nó, nó chỉ là tương đối. Trong sự trình bày đó, luôn phải để ý đến khía cạnh thực tế của đời sống. Mục đích của đạo Phật là nhằm giải thoát chứ chẳng phải là trói buộc con người vào những hý luận vô bổ.
Bây giờ, chúng ta nói đến khía cạnh khổ đau của Phật giáo. Đạo Phật nói về khổ đau như một chân lý hiển nhiên của cuộc đời. Bài thuyết pháp đầu tiên đức Phật nói ngay đến vấn đề khổ đau. Đó là một sự thực nên chúng ta không thể không nói đến. Nó đúng cho tất cả mọi thời. Không phải chỉ đúng với ngày xưa còn hôm nay, xã hội phát triển nên, nó không còn đúng nữa. Nếu mở mắt ra chúng ta có thể thấy xã hội ngày nay cũng đầy dẫy những khổ đau và thậm chí còn nặng nề hơn nữa là khác. Nhưng chúng ta phải nói cách nào để đánh thức dậy ý thức của giới trẻ về khổ đau. Đó là bổn phận của người hoằng pháp. Người trẻ ngày nay sự thực đang ngủ mê và đi theo tiếng gọi của sự phát triển và hào nhoáng của khoa học kỹ thuật. Họ cần có một sự trợ giúp.
Theo tôi, ý thức về khổ đau là vấn đề quan trọng, từ đó có thể bàn đến những vấn đề khác thuộc về cá nhân và xã hội. Phải thấy được bệnh trạng, thấy được sự nguy hiểm của những nguyên do khổ đau thì mới có ý thức giải thoát khổ đau một cách hữu hiệu, chứ không phải là sự chạy trốn trong cơn mê ngủ. Ý thức về khổ đau và hạnh phúc của chính mình cũng là nền tảng để nói đến việc bảo vệ hạnh phúc của kẻ khác đồng thời giúp người bớt khổ.
Chúng ta quằn quại trong đau khổ, hốt hoảng như ở trong ngôi nhà đang cháy, chịu đựng nhiều sự bức bách và não loạn không phút ngơi nghỉ. Đạo Phật không chịu đi vào huyền đàm, hý luận những vấn đề siêu thực mà luôn ý thức quay trở lại nhận diện và giải quyết những vấn đề thực tiễn trước mắt đang làm cho con người điêu đứng. Mũi tên độc phải được nhổ ra để băng bít và chữa lành vết thương chứ không ngồi đó truy tìm những nguyên nhân, những động cơ của kẻ bắn mũi tên. Phải nhận diện cho được cái khổ đau của mình và của nhân loại. Đó là phương châm hành động hữu hiệu và thực tiễn nhất. Nếu không biết ta đang mắc bệnh gì thì làm sao có thể nói đến việc chữa lành? Có thể nói rằng lý tưởng giải thoát phải được nuôi dưỡng bằng ý thức về khổ đau. Bởi vì rõ ràng nói đến giải thoát thì phải giải thoát đối với cái gì. Khi chúng ta còn thấy được nỗi khổ niềm đau của mình và của người khác thì chúng ta còn có ý hướng muốn thoát khỏi những kiềm tỏa, thiêu đốt.
Ý thức về khổ đau luôn gây cho chúng ta có một xót xa trong nội tâm. Đây cũng là một điều cần thiết để nói đến các vấn đề luân lý đạo đức của con người. Bao giờ anh không còn thấy xót xa trước nỗi đau của mình cũng như của người khác, bấy giờ luân lý đạo đức không còn được đặt ra nữa và như vậy cuộc sống loài người sẽ như thế nào?. “Nếu chúng ta có thể tăng cường khả năng sự nhạy cảm trước nỗi đau của người khác, thì càng nâng cao, ta lại càng ít chịu đựng được khi nhìn thấy nỗi đau của người khác và càng chú trọng bảo đảm mọi hành động không tác hại con người” (đức Đạt-lai-la-ma, Đạo Lý Thiên Niên Kỷ).
Vì thế, chúng ta không ngại nói đến vấn đề khổ đau đối với người trẻ, nhưng cũng phải khéo léo để họ có thể chấp nhận được một cách tích cực, và đặc biệt là để thức tỉnh. Chẳng hạn chúng ta nói về năm giới quý báu của người Phật tử có thể nói rằng nó có giá trị luân lý vượt thời gian.
Giới luật của Phật là sự tự hạn chế các động cơ và tham vọng tác hại. Nó có thể làm phát triển và bồi dưỡng cho đức từ bi, nhằm bảo vệ hạnh phúc con người, đưa con người đến giải thoát thực sự. Năm giới của người phật tử được xây dựng trên ý thức về khổ đau của đời người. Ngày xưa, có lẽ vì để cho dễ nhớ, và vì sự hạn chế về phương tiện chuyển tải văn bản mà năm giới chỉ được trình bày ngắn gọn bắt đầu với chữ “không” (không sát sanh, không nói láo, không trộm cắp, không tà dâm, không uống rượu). Nói như thế có thể người ta nghĩ rằng đó là những bắt buộc, áp đặt đối với tín đồ. Chúng ta có thể trình bày khác đi một chút về hình thức với sự tham gia của nhận thức của người nghe, người đọc chứ không thuần túy là những điều cấm kỵ. Chúng ta có thể nói, vì ý thức được những khổ đau do sự sát sanh, không tôn trọng mạng sống của con người và vạn vật diễn ra chung quanh, trong xã hội tôi và trên thế giới mang lại… Nên tôi phát nguyện không sát hại sinh mạng của bất cứ ai, nguyện tôn trọng và bảo vệ sự sống, bảo vệ các loài sinh vật và môi trường… Hay về giới Không được uống rượu, chúng ta cũng có thể nói, vì ý thức về những khổ đau do uống rượu, các chất ma tuý và các chất gây say nghiện gây ra cho tôi cũng như cho gia đình và xã hội, tôi nguyện không uống rượu và tiêu thụ các chất độc tố cho cơ thể, ý thức về những tiêu thụ của bản thân sao cho lành mạnh vân vân.
Ý thức có nghĩa là thức tỉnh, mở con mắt ra để nhìn thực trạng của gia đình và xã hội. Năm giới có thể là bài học suốt đời nhằm nuôi dưỡng và phát triển hạnh phúc của xã hội và gia đình. Cũng đề tài cũ kỹ ấy nhưng cách trình bày phải mới để thích nghi với nhận thức của mọi người, đặc biệt là giới trẻ((UNESCO trong Tuyên Cáo Năm 2000 đã nêu lên sáu điểm mà nếu so với năm giới của người phật tử thì chẳng khác là bao. Cốt lõi nằm gọn trong năm giới đó, nên tham khảo thêm.)).
Trình bày giáo lý về duyên sinh, vô ngã, vô thường trong thời đại này là cần thiết để người ta có thể hiểu được mối liên hệ giữa mình với thế giới chung quanh. Vạn vật đều sống trong mối tương quan tuỳ thuộc vào nhau. Không có một ai, một sự vật gì tồn tại độc lập. Hạnh phúc, khổ đau, tình yêu, lý tưởng đều nằm trong mối tương quan nhân duyên ấy. Trong giáo lý tương tức, cái này có tuỳ thuộc vào cái kia, hạnh phúc và khổ đau không phải là vấn đề của riêng ai, nó là vấn đề của toàn thể mọi người, luôn có sự liên hệ giữa mình với người khác, với cả những lá cây ngọn cỏ. Từ đó nói đến vấn đề bảo vệ môi trường sinh thái, môi trường xã hội, những vấn đề hết sức nóng bỏng của thời đại.
Xây dựng một môi trường tốt trong đó có mình đang sống. Cũng trong mối liên hệ, chúng ta nói đến các vấn đề đạo đức trong gia đình với cha mẹ, những người thân trong quan hệ huyết thống. Nói đến mối quan hệ trong học đường với thầy, bạn, nói đến mối quan hệ xã hội. Và nói đến mối quan hệ trong tôn giáo, là mối quan hệ trong quan hệ của gia đình tâm linh. Con người luôn có gốc rễ của mình trong nhiều mối quan hệ mà chúng ta có thể thấy rõ nhất là mối quan hệ trong gia đình huyết thống và gia đình tâm linh. Thân hợp thể năm uẩn của mỗi người đều là sự kế thừa đầy đủ của hai dòng sống tương tục đó. Đạo phật đã đi vào trong lòng dân tộc, và đã làm cho dân tộc ta trở nên một dân tộc thuần từ văn minh, có thủy có chung, có nhân có hậu. Vì thế, giáo dục cho người trẻ học tập và tìm hiểu về lịch sử của dân tộc Việt Nam cũng như lịch sử của Phật giáo Việt Nam là để chuẩn bị cho họ đầy đủ tư lương để đi vào tương lai. Nếu mất gốc rễ của mình trong hai dòng sống đó, con người chẳng có cơ hội nào để sống cho lành mạnh được. Cần thiết cho giới trẻ là ý thức được mình trong cội nguồn của mình để từ đó tiếp nhận những sinh lực cho đời sống của mình.
Nói với người trẻ phải nói tới lý tưởng, tình yêu, sự nghiệp. Tất cả những điều này đều phải nói trong những mối liên hệ, đúng như bản chất của nó; và chúng ta có thể hướng dẫn cho người trẻ trong chiều hướng tích cực.
Người trẻ thường sống và chăm lo cho tương lai. Họ luôn có một mục đích để vươn tới trong tương lai, họ đặt hoàn toàn niềm tin ở tương lai. Điều này cho họ có một sức phấn đấu mạnh mẽ. Tuy nhiên tương lai luôn phải được đặt nền tảng ở hiện tại, phải có gốc rễ trong đời sống hiện tại. Tất cả chỉ được thực hiện ở đây và bây giờ. Đôi khi người ta chỉ biết đầu tư cho tương lai, quần quật làm việc và dần dà trở thành kẻ nô lệ cho công việc lúc nào chẳng hay. Họ cho công việc là cứu cánh, làm ra tiền và chạy theo đồng tiền. Nhịp điệu của cuộc sống hiện đại có thể cuốn mất niềm an vui mà họ đang có. Công việc và máy móc do con người tạo ra để thực hiện công việc không gì khác hơn chỉ là phương tiện của sự sống, nhưng vô tình con người đã trở thành kẻ nô lệ cho công việc và máy móc.
Thiền tập trong đời sống hàng ngày có thể giúp cho người trẻ biết dừng lại và ý thức đời sống của chính mình. Thiền tập không chỉ đem lại cho con người những bình an, làm thư giản trong nhịp điệu căng thẳng của đời thường, nó còn hướng dẫn con người sống một đời sống hướng thượng. Sự dừng lại và thực tập lắng sâu để có thể nhìn sâu hơn trong những mối tương quan, chia sẻ những niềm vui trong đời sống thực tập, áp dụng những phương pháp tháo gỡ những khó khăn trong đời sống gia đình. Chúng ta phải thực hành và tìm ra những phương pháp hữu hiệu để người trẻ có thể thực hiện Phật pháp, thực hiện Thiền tập trong chính những công tác hàng ngày của họ. Không nên nói đến những giáo lý và tư tưởng Thiền học chỉ có tính cách bàn suông. Điều này có thể làm mất thời gian và làm cho nhiều người nhàm chán, bởi họ không thấy được tính chất thực tiễn của giáo lý. Trong khi đức Phật đã từng dạy cho mọi người rằng, pháp của ngài là đến để mà thấy và thể nhập, thực chứng nó, thấy được nó có thực sự ích lợi cho đời sống của người thực hành. Ai thực hành một ngày thì có hạnh phúc một ngày, một giờ thì có hạnh phúc một giờ. Đó là “Hiện pháp lạc trú”.
Người trẻ cũng có nhiều hạng người có những quan niệm khác nhau. Họ vẫn có những vấn đề tôn giáo cổ sơ((Một loại tôn giáo chỉ mang nặng hình thức cầu nguyện trước những uy quyền của Thần linh và Thượng Đế.)) và thậm chí có những mê tín. Họ tin Phật như là vị thần ban phước giáng hoạ và đến chùa chỉ để lễ lạy cầu xin. Chúng ta không thể nói một cách giống nhau trong mọi trường hợp. Có thể dùng phương tiện đáp ứng những vấn đề tôn giáo của họ rồi dần dà hướng dẫn cho họ đức tin chánh tín. Chỉ có niềm tin chân chánh trong phật pháp mới có thể giúp họ được trong đời sống và mới giữ được niềm tin của họ đối với Phật pháp. Khuyến khích người trẻ đọc và học những sách vở về Phật học nhằm phát triển trí tuệ và bồi dưỡng cho đời sống tâm linh. Trong Phật học có đầy đủ mọi phương diện để rèn luyện tâm tánh cũng như rèn luyện thể chất. Giúp cho người trẻ tiếp cận được với các nhà Phật học có uy tín, các bậc chân tu trong nước cũng như trên thế giới trong việc phát triển trí tuệ và tâm linh. Học thế học và cũng đồng thời phải học thêm về Phật học để có một sự phát triển toàn diện về nhân cách và tri thức. Con người học Phật luôn luôn chứng tỏ là người biết đi cùng và đi trước thời đại, thích nghi sống hài hoà mà không bao giờ bị đồng hóa, đi trước mà không bị ảo tưởng.
Còn một điều nữa có thể ảnh hưởng khá mạnh mẽ đối với giới trẻ đó là văn hoá nghệ thuật. “Văn dĩ tải đạo”, những tác phẩm văn học, những áng thơ, những khúc nhạc,… đều có thể làm cho người trẻ có nhiều cảm tình chân thành với đạo pháp. Trong các bài giảng có nhiều tính chất văn học, có thể có nhiều thu hút người nghe hơn những bài chỉ nói những giáo lý khô khan. Có thể lấy những áng thơ văn của người đời để làm giàu thêm cho bài giảng. Thậm chí chúng ta cũng dùng đến những khúc nhạc có thể chuyển tải được giáo lý và hát lên khi cần thay đổi không khí. Khi họ thích những áng thơ văn đó, cùng với sự dẫn dắt khéo léo của người thuyết giảng, chúng ta có thể đưa họ thâm nhập giáo lý một cách dễ dàng. Họ không còn thấy Phật pháp là cái gì khó nuốt mà là rất sống động và thực sự có niềm vui khi đi nghe pháp.
“Tất cả thế gian pháp đều là Phật pháp”, chúng ta cần để ý đến câu kinh ấy để áp dụng trong công tác hoằng pháp của mình. Tóm lại ở đề tài này, chúng tôi chỉ trình bày những nhận thức của mình về vấn đề hoằng pháp với tuổi trẻ. Điểm qua một số nguyên lý Phật học, những vấn đề đã có sẵn trong giáo lý của đức Phật, vấn đề là làm sao chuyển tải nó cho phù hợp với nhận thức của lớp người trẻ tuổi, tương lai của dân tộc và của thế giới ngày mai, nhằm làm cho Phật pháp không bị lu mờ trong đời sống con người. Chúng ta có thể nói đến ý tưởng hiện đại hoá Phật giáo cũng được, bởi vì thời đại mới, nhận thức mới, thì cũng cần có sự canh tân trong vấn đề trình bày giáo lý, không có gì sai, cốt yếu là không mất đi cái tinh ba của Phật học. Đạo Phật vẫn là chiếc bè cần thiết khi đời sống con người còn nhiều khổ đau. Và trách nhiệm nặng nề vẫn đang còn đó đối với những người hoằng pháp.
[Tập san Nghiên cứu Phật học, số 7, PL.2547]