KINH TÁM ĐIỀU GIÁC NGỘ CỦA BẬC ĐẠI NHƠN
I- ĐỊNH NGHĨA ĐỀ KINH
1- Kinh: Nói cho đủ là Khế Kinh có hai nghĩa: Khế lý: Hợp với chơn lý, lẽ phải, không trái sự thật; Khế cơ: Hợp trình độ căn cơ của mọi loài chúng sanh.
2- Bát đại nhơn giác: Là tám điều giác ngộ của bậc Đại nhơn.
a- Đại nhơn: Chỉ cho các Đức Phật, các vị Bồ- tát là những bậc Tối thắng trong tất cả các hàng chúng sanh, tài trí đức hạnh đều siêu việt tất cả.(1)
b- Giác: Hiểu đúng chơn lý, giác là đối với mê. Chúng sanh mê tâm, chấp vạn hữu là thật có. Nhị thừa diệt trừ ngã chấp, nhưng chủng tử pháp chấp vẫn còn; hàng Đại thừa Bồ-tát, ngã, pháp chấp đều đoạn, nhưng vi tế trần sa hoặc, vô minh hoặc vẫn còn. Đức Phật là bậc hoàn toàn giác ngộ, trí chiếu cùng khắp, nên gọi Ngài là Giác giả.
II- TÁM ĐIỀU GIÁC NGỘ
1- Điều giác ngộ thứ nhứt: Hiểu vạn pháp trong thế gian là vô thường biến đổi. Thân năm ấm cho đến vọng tâm phân biệt đều là nguồn gốc của mọi sự thống khổ sanh tử. Người tu hành hiểu biết và quán sát như thế, thì sẽ khỏi phải sanh tử luân hồi.
2- Điều giác ngộ thứ hai: Hiểu mọi sự khổ não của đời, bất cứ hiện tại hay tương lai là do lòng tham dục ích kỷ. Vậy nên muốn được tự tại an vui, người tu hành phải đoạn trừ tham dục.
3- Điều giác ngộ thứ ba: Hiểu rằng nguồn gốc của tội ác chính do lòng tham không nhàm chán. Người Phật tử có ánh sáng của trí huệ soi chiếu nên nguyện trừ tham dục, tu hành tri túc và kiên chí giữ đạo thanh bạch.
4- Điều giác ngộ thứ tư: Hiểu sự lười biếng trễ nhác là cội gốc của mọi sự thiệt hại, thất bại. Chí nguyện tu hành của Phật tử là thoát ly sanh tử, xa lìa huyễn chất. Vậy nên phải nguyện một mực tinh tấn tu hành và phá trừ các giặc phiền não oán thù.
5- Điều giác ngộ thứ năm: Hiểu sự ngu si là cội gốc của đường sanh tử, là căn bản của sầu khổ đọa đày. Vậy nên người Phật tử tu hành quán huệ, học rộng nghe nhiều, để phát triển trí huệ. Trí huệ có minh mẫn, sự giáo hóa mới tự tại và mới có nhiều kết quả tốt đẹp cho mình cũng như cho người. Trí huệ là tư lương của giải thoát Niết- bàn.
6- Điều giác ngộ thứ sáu: Hiểu tham lam là căn nguyên của mọi sự đau khổ, oán hận, gian tà. Muốn tận trừ nguồn gốc của tham lam người Phật tử thực hành hạnh bố thí. Muốn bố thí được bình đẳng, tất nhiên phải xa lìa niệm tưởng oán thù cừu thù. Thương yêu mọi loài, không phân biệt người thân kẻ sơ.
7- Điều giác ngộ thứ bảy: Giải thoát tất cả sự ràng buộc của thế gian. Tuy lăn lộn trong cõi đời, mà không bị đời nhiễm trước, trái lại bao giờ cũng tu hành tịnh, hạnh, nguyện, giữ chí xuất gia, duy trì pháp chủng, lợi lạc hữu tình.
8- Điều giác ngộ thứ tám: Quán sát mọi sự thống não đau khổ của chúng sanh để phát lòng Bồ-đề, nguyện cứu muôn loài ra khỏi cảnh đau khổ, bằng cách lăn mình vào đau khổ để thay thế hay ban ân cho chúng sanh. Người Phật tử quán chúng sanh đồng chung một bản thể, cho nên Phật tử nguyện đem lại hạnh phúc cho mọi loài.
III- KẾT LUẬN
Tám điều giác ngộ trên là tám điều giác ngộ của chư Phật và các vị Bồ-tát. Do tám phương tiện trên tác động; nên sau khi công hạnh tu hành đã viên mãn, nghĩa là đã chứng được Niết- bàn, các Đức Phật, các vị Bồ-tát còn trở lại thế giới Ta Bà đau khổ để hóa độ chúng sanh. Tám phương pháp giác ngộ này ngoài năng lực đem lại sự bình tĩnh an lạc cho tâm hồn ở đời hiện tại còn là phương tiện cắt đứt sợi dây ràng buộc chúng sanh vào cảnh sanh tử đau khổ, để chứng quả Niết-bàn an tịnh. Một khi căn nguyên của sanh tử là tham lam, ái dục ích kỷ, ngu si đã đoạn, trí huệ phát triển, lòng thương rộng mở; Chánh đạo hiện tiền, Phật đạo không còn xa nữa.
Vậy nên người Phật tử muốn hưởng hạnh phúc chơn chánh, muốn khỏi bị dục vọng điều khiển, thì phải tu hạnh quán huệ. Quán huệ chiếu liễu, thì vô minh hoại diệt, vô minh hoại diệt thì Chánh giác hiện tiền và đây mới thiệt là nguồn gốc của mọi sự an lạc, giải thoát, Niết-bàn. Vậy nên người Phật tử hàng ngày nên thực hành quán sát tám phương tiện giác ngộ trên này.
_____________
(1) Những người đã phát Bồ-đề tâm cũng gọi là Đại nhơn, vì đã xu hướng hạnh nguyện rộng lớn của Đại thừa.