LÝ NHÂN DUYÊN SINH
I. ĐỊNH NGHĨA
Nhân là những món có năng lực phát sinh; Duyên là những món bổ trợ giúp nhân phát sinh. Nhân duyên là một định lý nêu rõ mọi sự vật ở đời đều do các nhân duyên hòa hợp mà hình thành phát sinh.
II. VÍ DỤ
Như cái bàn do gỗ làm nhân và công thợ đinh đóng ghép làm duyên hòa hợp thành cái bàn. Như cây lúa do hột lúa làm nhân và công cày bừa gieo tưới làm duyên, hòa hợp thành cây lúa.
III. NHỮNG ĐẶC ĐIỂM CỦA LÝ NHÂN DUYÊN SINH
- Lý nhân duyên sinh là một định lý hiện thật nêu rõ sự hình thành phát sinh các pháp là do các nhân duyên hòa hợp. Định lý này Đức Phật căn cứ trên cảnh thực tại để thuyết minh trình bày.
- Lý nhân duyên sinh chi phối tất cả. Tất cả sự vật sai khác đều do các nhân duyên hòa hợp hình thành phát sinh; lý nhân duyên sinh chi phối tất cả, không một vật gì có thể thoát khỏi sự chi phối của lý này.
IV. SỰ ỨNG DỤNG LÝ NHÂN DUYÊN SINH
Nếu chúng ta đã hiểu lý nhân duyên sinh, chúng ta sẽ có được nhiều sự ứng dụng rất thiết thực.
- Lý nhân duyên sinh cho chúng ta rõ chỉ có các nhân duyên, chớ không thấy thật có một sự vật nào, mà có nhân duyên kia cũng chỉ là sự vật, cũng chỉ vì nhân duyên hòa hợp mà thành, chớ cũng không thật.
- Lý nhân duyên sinh nêu rõ sự tương quan của các pháp, các pháp hình thành toàn nhờ sự tương quan, tương duyên giữa các pháp. Trong các nhân duyên hội hợp hình thành một pháp, nếu có một nhân hay một duyên thay đổi thời pháp ấy cũng thay đổi.
- Lý nhân duyên sinh cho chúng ta rõ mọi vật đều do nhân duyên giả dối hợp thành, chớ không phải tự nhiên mà có, và cũng không phải do một vị Thượng đế sáng tạo
- Lý nhân duyên cho chúng ta rõ chúng ta tự chủ đời chúng ta, tương lai nằm trong tay chúng ta, bởi vì đời chúng ta đẹp hay xấu, thiện hay ác, hoàn toàn do những nhân duyên chúng ta tự tạo tác.
V. KẾT LUẬN
Lý nhân duyên sinh cho chúng ta rõ mọi vật chỉ là hình thành của các nhân duyên hòa hợp và nhờ vậy chúng ta hiểu được sự vật là như huyễn không chắc thật, một khi đã hiểu được các pháp; trái lại có thể xây dựng an lạc hạnh phúc cho mình, cho mọi loài được sống tự tại và giải thoát.
Người lấy trộm của người bị hai quả báo : một là nghèo hèn, cơm áo thiếu thốn; hai là thường bị các nạn giặc nước, lửa, hình phạt cướp đoạt.
KINH TĂNG NHỨT A HÀM