LỊCH SỬ ĐẠO PHẬT Ở VIỆT NAM
TỪ THỜI ĐẠI DU NHẬP ĐẾN ĐỜI NHÀ LÝ
I- THỜI ĐẠI PHẬT GIÁO DU NHẬP
A- CON ĐƯỜNG TRUYỀN GIÁO CỦA ĐẠO PHẬT Ở ẤN ĐỘ
Phật giáo khởi điểm từ Ấn Độ rồi truyền rộng ra các nước lân cận, do hai đường thủy và bộ: Về đường bộ thì qua miền Trung Á Tế Á như Tây Tạng, Mông Cổ, Trung Hoa rồi từ Trung Hoa truyền qua các nước Triều Tiên, Nhật Bản và Việt Nam. Về đường thủy thì qua đảo SriLanca, Malaysia, Indonesia, Đông Dương và Trung Hoa.
B- ĐỊA THẾ NƯỚC VIỆT NAM
Cương vực nước Việt Nam hết bảy phần mười cõi Đông Dương, người ta thường gọi chung là Ấn Độ Chi Na. Ấn Độ Chi Na là một bán đảo ở giữa biển Trung Hoa và vịnh Bangale, cấu thành bởi mấy dãy núi, từ Tây Tạng chạy về miền Đông Nam đến biển thì xòe ra như hình rẽ quạt. Giữa những dãy núi ấy là những thung lũng, đầu thì hẹp rồi dần dần tỏa ra thành cao nguyên và bình nguyên. Những con sông lớn như Ménam, sông Khung hay sông Cửu Long và sông Hồng đều phát nguyên từ Tây Tạng chạy theo các thung lũng ấy, rồi bồi thành một dãy Trung Châu ở dọc bờ biển từ Bắc đến Nam quanh co như hình chữ S.
Cứ xét theo hình thể ấy, thì nước Việt Nam ta nằm giữa hai nước Ấn Độ và Trung Hoa nên đồng thời hấp thụ ảnh hưởng văn minh của cả hai nước láng giềng ấy, nhưng vì sao ngày nay riêng nước Việt Nam lại chịu ảnh hưởng văn hóa Trung Hoa. Còn Lào và Campuchia lại hoàn toàn chịu ảnh hưởng Ấn Độ? Chính vì do hai nguyên nhân sau đây:
1- Về phương diện địa dư: Việt Nam kế cận với Trung Hoa, giữa hai nước ấy không có những trở ngại về địa thế; trái lại, đối với Ấn Độ, nước Việt Nam bị gián cách nhiều nước khác và đối với Lào, Campuchia, bị gián cách bởi dãy núi Trường Sơn.
2- Về phương diện lịch sử: Nước Việt Nam về thời bấy giờ do người Trung Hoa cai trị; trái lại, Lào, Campuchia chỉ trực tiếp chịu ảnh hưởng thừa truyền của Thái Lan mà Thái Lan lại là một nước hoàn toàn hấp thụ ảnh hưởng của Ấn Độ. Vả lại, dân hai xứ Lào, Campuchia tuy chịu ảnh hưởng Ấn Độ nhiều hơn, nhưng vì dân hai xứ ấy không đủ khả năng truyền bá và khai hóa; trái lại, người Trung Hoa rất có khả năng thành thử hiện nay nước Việt Nam chịu ảnh hưởng văn hóa Trung Hoa nhiều hơn.
C- THỜI ĐẠI DU NHẬP
Thông thường người ta chỉ biết Đạo Phật Việt Nam có từ đời Đinh. Nhưng xét ra đời Đinh, Phật giáo đã được nhận làm quốc giáo và triều chính một phần lớn do các Tăng sĩ đảm đương. Như thế Phật giáo đến đời Đinh hẳn đã được thịnh đạt lắm rồi.
Dưới đây là những sử liệu về thời đại Phật giáo du nhập Việt Nam:
1- Những thiên truyện ký của các Tăng sĩ Việt Nam viết từ thế kỷ thứ XIII và XIV có chép: “Chính đời nhà Hán thế kỷ thứ II, thứ III đã có các Đạo sĩ ở Bắc như ngài Ma-ha-kỳ-vực (Marijivaka), Khương Tăng Hội (K’ang Seng Houei) và Mâu Bác (Méou Pô), Ngài thì do đường thủy, Ngài thì do đường bộ, lần lượt đến truyền giáo ở Việt Nam”.
2- Truyện Đàm Thuyên Pháp sư có chép: Vua Cao Tổ nhà Tùy ngỏ ý cùng Pháp sư muốn dựng chùa xây tháp khắp đất Giao Châu (Quốc hiệu nước Việt Nam đời Bắc thuộc) để truyền bá Đạo Phật. Nhưng Pháp sư trả lời: “Cõi Giao Châu có đường thông sang Thiên Trúc gần hơn ta. Khi Phật giáo chưa du nhập vào đất Giang Đông này (Phật giáo tuy truyền vào Trung Quốc từ năm 67 sau Công nguyên, nhưng lâu về sau mới phổ cập tới Giang Đông) mà cõi ấy đã xây được hơn 20 ngọn bảo tháp độ hơn 500 Tăng sĩ, dịch được hơn 15 bộ Kinh rồi. Bây giờ có vị Ma-ha-kỳ-vực, Khương Tăng Hội, Chi Cương Lương và Mâu Bác đến truyền đạo… Nay Ngài muốn bố thí một cách bình đẳng, phái chư Tăng sang truyền đạo, nhưng họ đã có đủ rồi, ta không cần phải sang nữa”.
3- Sách Pháp Vụ Thực Lục có chép: Vào hồi thế kỷ thứ III có một ông tên là Kaudra gốc ở Ấn Độ, giòng Brahmanes qua Giao Châu một lần với ngài Ma-ha-kỳ-vực để truyền đạo.
Những sử liệu trên cho chúng ta rõ: Đạo Phật Việt Nam không phải có từ đời nhà Đinh mà đã có từ đời Hán bên Trung Hoa (cuối thế kỷ thứ II và đầu thế kỷ thứ III) và những vị đến truyền giáo đầu tiên ở nước Việt Nam ta là ngài Ma-ha-kỳ-vực, Khương Tăng Hội, Chi Cương Lương và Mâu Bác. Trong số bốn Ngài chỉ có ngài Mâu Bác là người Trung Hoa, còn ba Ngài kia đều là người Ấn Độ. Ngài Mâu Bác là người truyền Phật giáo đầu tiên ở đất Giao Châu vào năm 189 sau Công nguyên. Vậy ta có thể kết luận rằng: Phật giáo du nhập ở nước Việt Nam vào khoảng cuối thế kỷ thứ II vậy.
D- CÁC MÔN PHÁI ĐƯỢC DU NHẬP
Xét Phật giáo ở Việt Nam sau thời đại du nhập, phần nhiều chịu ảnh hưởng Phật giáo Trung Hoa nên bao nhiêu Kinh điển, tông phái đều do Trung Hoa truyền đến. Những tông phái được sùng chuộng hơn hết cả lúc bấy giờ là Thiền tông (Tông tu thiền trực chỉ) tông này lại được truyền vào Việt Nam trước hết, do ngài Tỳ-ni-đa-lưu-chi (Vinitaruci) truyền đến (580) và chính Ngài là Sơ Tổ Thiền tông Việt Nam. Sau lại có ngài Pháp Hiền Thiền sư được kế truyền và thành lập một phái.
Đến đời Đường (820) lại có ngài Vô Ngôn Thông ở Trung Quốc sang truyền giáo, lập thành phái Thiền tông thứ hai, rồi kế đó phái Thảo Đường, Tào Động, Lâm Tế v.v… lần lượt truyền đến Việt Nam. Xem thế, trước sau chỉ có phái Thiền tông là gây ảnh hưởng mạnh hơn cả.
II- PHẬT GIÁO QUA CÁC TRIỀU ĐẠI
A- PHẬT GIÁO ĐỜI HẬU LÝ NAM ĐẾ (571 – 602) VÀ ĐỜI BẮC THUỘC THỨ BA (603 – 939)
Từ khi Phật giáo truyền vào Việt Nam cho đến Tiền Lý Nam Đế kể ra trên 300 năm (189 đến 544 – 548) nhưng vẫn còn nằm trong thời kỳ phôi thai chưa có gì đáng gọi là thịnh hành lắm. Đến đời Hậu Lý Nam Đế (571 đến 602) và Bắc thuộc lần thứ ba (603 đến 939) Phật giáo mới bắt đầu bước vào thời thịnh đạt, vì lúc bấy giờ có ngài Tỳ-ni-đa-lưu-chi ở Trung Hoa sang (580) đem Thiền tông truyền bá và được người Việt Nam hết sức sùng mộ. Do đó, ảnh hưởng Phật giáo được lan rộng rất mạnh ở nước Việt Nam lúc bấy giờ. Điều đáng chú ý hơn hết là ba đoàn truyền giáo ở nước Việt Nam trong đó hai đoàn trước hầu hết là người Trung Hoa, nhưng đoàn thứ ba lại hoàn toàn là sáu vị Pháp sư người Việt. Bốn Ngài ở Giao Châu: Vân Ký Thiền sư, Mộc-xoa-đề-bà, Khuy Sung Pháp sư, Huệ Diệm Pháp sư và hai người Ái Châu: Trí Hạnh Thiền sư, Đại Thặng Đăng Thiền sư.
B- PHẬT GIÁO ĐỜI ĐINH (968 – 980) VÀ ĐỜI TIỀN LÊ (980 – 1009)
Đến đời Đinh, Phật giáo có thể là độc tôn, tất cả văn hóa, triều chính trong nước phần lớn đều thuộc hạng Tăng sĩ, cho nên Đạo Phật được phổ cập dễ dàng trong quần chúng, mặc dầu Nho giáo và Lão giáo đã truyền vào từ lâu. Về triều chính thì có ngài Ngô Chân Lưu làm đến chức Khuông Việt Thái sư, ngoài ra còn có ngài Trương Ma Ni làm Tăng lục Đạo sĩ và Pháp sư Đặng Huyền Quang làm Sùng Châu uy nghi.
Đến khi nhà Đinh mất, nhà Tiền Lê (Lê Đại Hành) lên kế vị, chống lại quân nhà Tống (980). Trong giai đoạn này, các Tăng sĩ lại được biệt đãi hơn vì chính vua Lê Đại Hành vẫn thường triệu thỉnh các Tăng thống vào triều để hỏi việc nước và việc truyền bá Phật giáo.
Điều đáng chú ý hơn cả là trong khi nước ta đã hòa với nước Tống, vua Lê Đại Hành liền cho sứ thần qua thỉnh Kinh “Đại Tạng” và “Cửu Kinh” để đem về truyền bá. Đấy là lần cầu Kinh thứ nhứt ở Việt Nam.
C- PHẬT GIÁO ĐỜI NHÀ LÝ (1010 – 1225)
1- Lý Thái Tổ (1010 đến 1028)
Tên húy là Lý Công Uẩn con nuôi của sư Lý Khánh Vân ở chùa Cổ Pháp thọ giới với ngài Vạn Hạnh Thiền sư. Sau khi vua Lê Ngọa Triều mất, Ngài lên kế vị lấy hiệu Thuận Thiên, đóng đô ở thành Thăng Long (Hà Nội). Lý Thái Tổ là một Phật tử thuần thành nên sau khi lên ngôi, Ngài hết sức chú trọng đến sự truyền bá Phật giáo. Ngài đã dựng rất nhiều ngôi chùa và độ rất nhiều Tăng chúng. Đáng chú trọng hơn cả là đến năm thứ 9 (1019) Ngài sai sứ thần qua Trung Quốc thỉnh Kinh đem về cất tại Kinh viện Đại Hưng.
Triều đại này có thể nói rằng một triều đại hết sức thái bình, nói đến Phật giáo thì xưa nay chưa bao giờ thịnh đạt như thế. Vả lại, các vị Thiền sư lúc bấy giờ, như ngài Vạn Hạnh Thiền sư, Đa Bảo Thiền sư, Sùng Phạm Thiền sư là những bậc danh Tăng mà nhà vua rất tín trọng. Cho nên sự truyền giáo của các Ngài rất dễ dàng mau chóng. Những vị danh Tăng này đều ở trong hai phái Tỳ-ni-đa-lưu-chi và Vô Ngôn Thông.
2- Lý Thái Tông (1028-1054)
Lý Thái Tông nối ngôi Thái Tổ lấy niên hiệu là Thiên Thành, Ngài cũng là người rất sùng mộ Đạo Phật. Sau khi đánh dẹp giặc Chiêm ở đất Hoan Châu (Nghệ An) về, Thái Tông sắc lập 95 ngôi chùa cử lễ khánh thành hạ chiếu miễn thuế cho dân trong nước một năm. Đến năm 1034 Thái Tông đổi niên hiệu là Thông Thụy; lúc bấy giờ nước Việt Nam được nhà Tống ban Đại Tạng Kinh và tự sai sứ đưa qua cho ta; thật là một ảnh hưởng khả quan cho Phật giáo nước nhà, mà cũng là một vinh dự tốt đẹp của triều đình Việt Nam lúc bấy giờ.
Lại trong khoảng 1034-1038, vua thường đến hỏi đạo với ngài Thuyền Lão Thiền sư và tự xưng làm đệ tử. Sau vua được ngài Thuyền Lão truyền tâm pháp tức là người thứ bảy, trong đời truyền thống thứ bảy của phái Vô Ngôn Thông.
Lúc bấy giờ có các vị Cao Tăng như ngài Huệ Sinh Thiền sư, Định Hương Trưởng lão, Thuyền Lão Thiền sư là những bậc danh đức tu hành và có công truyền bá Đạo Phật nhứt trong triều đại Lý Thái Tông này.
3- Lý Thánh Tông (1054 đến 1072)
Thánh Tông nối ngôi Thái Tông, đổi quốc hiệu là Đại Việt và lấy niên hiệu là Long Thụy Thái Bình. Ngài là một ông vua rất sùng mộ Đạo Phật. Năm Long Thụy thứ 5 (1059) Ngài dựng chùa xây tháp và đúc một quả chuông nặng 12.000 cân đồng, tại làng Bảo Thiên thuộc tỉnh Hà Nội, quả chuông ấy hiện nay vẫn còn.
Đến năm Kỷ Dậu (1069) phái Thảo Đường lại xuất hiện ở Việt Nam, do ngài Thảo Đường đệ tử ngài Tuyết Đậu Minh Giác bên Trung Quốc truyền sang.
Kế đó Lý Thánh Tông thọ giáo với Ngài. Sau được truyền tâm pháp làm đệ tử đầu tiên của phái Thảo Đường. Phái Thảo Đường tức là phái Thiền tông thứ ba ở nước ta vậy.
Lý Thánh Tông là một tu sĩ của Phật giáo, lại được đắc truyền tâm pháp. Như vậy cũng thấy rõ ảnh hưởng lớn lao của Phật giáo đối với dân chúng Việt Nam lúc bấy giờ.
4- Lý Nhân Tông (1072 đến 1127)
Lý Nhân Tông nối ngôi Lý Thánh Tông lên làm vua, mặc dầu nhà vua tuổi còn nhỏ nhưng rất thông minh anh dũng. Ngài lại rất hâm mộ Phật giáo. Cho nên ngoài công việc triều chính ra,Ngài còn luôn luôn lo truyền bá Phật giáo. Vả lại, lúc bấy giờ có nhiều vị danh Tăng lỗi lạc như ngài Viên Chiếu Thiền sư soạn quyển “Dược Sư Thập Nhị Nguyện Văn, Tán Thiện Giác Kinh v.v…”.
Còn ngài Ngộ Ấn Thiền sư thì chuyên môn diễn giảng, do đó Phật giáo rất được quần chúng hướng mộ và ảnh hưởng lan rộng khắp nơi.
5- Lý Thần Tông (1128 đến 1138), Lý Anh Tông (1138 đến 1175), Lý Cao Tông (1176 đến 1210) và Lý Huệ Tông (1211 đến 1225).
Trong bốn triều đại này, Phật giáo vẫn được thịnh đạt, nhưng không có gì được xuất sắc lắm.
Có các vị cao Tăng như ngài Minh Không Thiền sư và Thông Biện Thiền sư, thuộc đời Lý Thần Tông. Ngài Bảo Giám Thiền sư và ngài Viên Thông Thiền sư thuộc đời Lý Anh Tông. Ngài Trương Tam Tạng Thiền sư thuộc về đời Lý Cao Tông. Qua đời Lý Huệ Tông thì vận nước suy đồi, triều đình dấy loạn, dân sự không an. Nhà vua do đó sanh lòng chán nản, nên vào năm Kiến Gia thứ mười bốn (1224) Ngài truyền ngôi cho con gái là Công chúa Phật Kim, tức Lý Chiêu Hoàng, rồi xuất gia tu ở chùa Chân Giáo tự xưng là Huệ Quang Đại sư.
Tóm lại, Phật giáo được thịnh hành nhứt ở Việt Nam chính đời nhà Lý. Vì trong 215 năm trời, trải qua 8 đời truyền kế, vua nào cũng sùng tín Đạo Phật. Lại được rất nhiều vị danh Tăng ra đời tận tâm vì Phật sự, cho nên ảnh hưởng của Đạo Phật trong nhân gian được lan rộng và lợi lạc rất nhiều.