Diễn văn của Thượng tọa Tổng vụ Trưởng Tổng vụ văn hóa Giáo dục
đọc trong buổi lễ tấn phong Viện trưởng và khai giảng Viện Cao đẳng Phật học.
__________________
– Kính bạch chư tôn Hòa thượng, Thượng tọa trong Hội đồng Viện Tăng Thống và Viện Hóa Đạo
– Kính bạch Thượng tọa Viện trưởng Viện Hóa Đạo
– Kính bạch chư Thượng tọa, Đại Đức Tăng, Ni
– Kính thưa quý vị quan khách và Phật tử.
Nhân kỳ Đại hội Văn hóa Giáo dục Phật giáo kỳ 3 tại Đà lạt, Hội nghị có quyết định thành lập Viện Cao đẳng Phật học, tạm đặt tại Phật học Viện Huệ nghiêm. Tổng vụ Văn hóa Giáo dục chúng tôi thi hành quyết định này đã tổ chức nhiều buổi họp liên tiếp với Hội đồng chỉ đạo Phật học Viện để thảo luận và thông qua đường hướng, chương trình giảng dạy, hệ thống tổ chức và thành phần Hội đồng Quản trị Viện Cao đẳng Phật học, trình lên Viện Hóa Đạo chấp thuận bổ nhiệm vị Tân Viện trưởng, và hôm nay, ngày lễ Tấn phong và lễ khai giảng là kết quả của những cố gắng liên tục thi hành quyết định của Đại hội Văn hóa Giáo dục kỳ III tại Đà lạt.
Với sự thành lập Viện Cao đẳng Phật học này, cơ cấu tổ chức giáo dục của Giáo hội Phật giáo Việt nam Thống nhất đã được kiện toàn bằng hai hệ thống song song, một hệ thống đặt trọng tâm vào Nội điển, bổ túc với một số giờ ngoại điển, tạm gọi là chuyên khoa, gồm Sơ đẳng từ 4 đến 5 năm, Trung đẳng 7 năm, và Cao đẳng 8 năm; một hệ thống đặt trọng tâm về ngoại điển, bổ túc với một số giờ nội điển, tạm gọi là Phổ thông, gồm Tiểu học 5 năm, Trung học 7 năm và Đại học khoảng 8 năm.
Hai hệ thống vừa cố gắng đáp ứng cho những nhu cầu văn hóa và giáo dục của Giáo hội hiện tại và tương lai, vừa thỏa mãn những nguyện vọng cầu tiến kiến thức của Thanh niên Tăng Ni hiện tại. Chúng tôi không dám tự phụ xem hai hệ thống trên được kiện toàn viên mãn về cơ cấu tổ chức, chương trình và giảng huấn, nhưng ít nhất Giáo hội PGVN chúng ta cũng đã giúp cho Tăng, Ni theo đuổi sự học văn và sự tu hành từ Sơ đẳng lên đến Cao đẳng, từ Tiểu học lên đến Đại học, một cách liên tục và theo một chương trình đã được quy định, hoàn toàn được miễn học phí và phạn phí nếu ở trong các Phật học Viện, ở nơi đây, chúng tôi xin phép được tán thán công đức của chư tôn Hòa thượng, Thượng tọa, Đại đức, chư vị Giám viện, chư vị Giáo thọ và Giáo sư trong các Ban Giám đốc Phật học Viện, cùng các Đạo hữu, Thiện nam Tín nữ trong các Ban Bảo trợ Phật học Viện, đã trực tiếp hay gián tiếp giúp đỡ, đóng góp để thành lập, duy trì và phát triển các Phật học Viện. Chính nhờ công đức xây dựng và hộ trì ấy mà hôm nay Viện Cao đẳng Phật học Huệ nghiêm được thành lập và được khai giảng để kiện toàn cơ cấu tổ chức nền giáo dục của Giáo hội chúng ta.
Ở nơi đây, chúng tôi cũng không quên nhắc nhở đến sự thành lập các Viện Cao đẳng Phật học trong quá khứ, do Hòa thượng Thích Trí Thủ thống tri cho biết để chúng ta nhớ đến công đức khai sáng của chư tôn Hòa thượng, Thượng tọa:
- Viện Cao đẳng Phật học Tây thiên Huế, thành lập năm 1935 do Hòa thượng Thuyền Tôn làm Giám đốc.
- Viện Cao đẳng Phật học Báo quốc Huế, thành lập năm 1943 do Hòa thượng Tường Vân làm Giám đốc.
- Viện Cao đẳng Phật học Ấn quang, thành lập năm 1954 do Hòa thượng Thiện Hòa làm Giám đốc.
- Viện Cao đẳng Phật học Pháp hội, thành lập 1964, do Hòa thượng Trí Thủ làm Viện trưởng.
Kính thưa quí vị,
Trong ngày lễ tấn phong Thượng tọa Tân Viện trưởng và lễ khai giảng Viện Cao đẳng Phật học Huệ nghiêm hôm nay. Tổng vụ Văn hóa Giáo dục chúng tôi nghĩ có bổn phận trình bày một cách tóm tắt ở nơi đây nguyên tắc chỉ đạo, đường hướng và chương trình giảng huấn của Viện Cao đẳng Phật học Huệ nghiêm. Những nguyên tắc chỉ đạo, đường hướng và chương trình này đã được Hội đồng chỉ đạo thảo luận và thông qua.
Viện Cao đẳng Phật học Huệ nghiêm là một Viện Phật học, không phải là một tu viện dầu rằng sự tu hành luôn luôn chiếm một địa vị hết sức quan trọng của Tăng sinh ở tại đây. Viện Cao đẳng Phật học Huệ nghiêm cũng không phải là một Viện phiên dịch Tam Tạng Giáo điển, dầu rằng một trong những mục tiêu của Viện là đào tạo các dịch sư tương lai cho Giáo hội. Viện Cao đẳng Phật học trước tiên và sau cùng là một Viện Phật học, nghĩa là trong hai trách nhiệm mà đức Bổn sư đã vạch ra cho một vị Tỳ kheo: một là tu hành, hai là học hỏi giáo lý, Viện Cao đẳng đã lựa trách nhiệm thứ hai cho Tăng sinh ở tại Viện này là học hỏi giáo lý, nghiên cứu ba Tạng giáo điển. Vấn đề này sở dĩ phải đặt ra, để xác nhận vị trí của Viện Cao đẳng, khỏi phải trở thành một tu viện hay một Viện phiên dịch Tam Tạng sau này, mặc dầu hai hoạt động tu hành và phiên dịch luôn luôn là những dịch vụ quan trọng cho sinh viên Tăng ở tại Viện Cao đẳng Phật học này.
Nói đến học Phật tức nói đến học hỏi Tạng Sanskrit, Tạng Pali, Hán Tạng, Tạng Tây tạng, và chúng ta có thể kể thêm Tạng Cao ly, Nhựt tạng, Tục tạng và các bản dịch Tam tạng, Tục tạng ra các địa phương ngữ. Nói một cách khác, gia tài văn hóa của Phật giáo vô cùng phong phú, vô cùng súc tích đến nỗi một sinh viên Tăng dầu trọn đời học hỏi giáo điển cũng chỉ có thể khai thác một khía cạnh nào đó của Tam tạng và chính vì vậy mà chương trình của Viện Cao đẳng Phật học này phải chia thành phân ban, nhằm đào tạo những Pháp sư, Suitantadhàrà, tinh thông về kinh tạng; Luật sư, Vinayadhàratinh thông về Luật tạng; Luận sư, Abhidhammadhàrà, tinh thông về Luận tạng và Thiền sư, Dhyànàcariyà, tinh thông về Thiền định. Sau 6 năm, Viện hy vọng đào tạo ra một số Pháp sư, Luật sư, Luận sư và Thiền sư khả dĩ giảng dạy và phiên dịch Giáo điển ngành chuyên môn của mình.
Để thể hiện tinh thần thống nhất của GHPGVNTN và để giúp Tăng sinh thấu triệt những diễn tiến của tư tưởng Phật giáo qua các thời đại, chương trình Viện Cao đẳng Phật học bao gồm cả Bắc tông và Nam tông và đặc biệt lưu tâm đến vấn đề Lịch sử tư tưởng Phật giáo qua các thời đại. Nhờ công trình nghiên cứu của các học giả Phật giáo Đông phương cũng như Tây phương trong khoảng 200 năm gần đây, tư tưởng của Phật giáo hay là các vấn đề Phật đà quan, Vũ trụ quan, Nhân sinh quan được chứa đựng trong ba Tạng giáo điển và Tục tạng là cả một tiến trình liên tục, chia thành ba giai đoạn Phật giáo Nguyên thủy, Phật giáo các Học phái và Phật giáo Đại thừa. Tiến trình này của tư tưởng Phật giáo là một tiến trình liên tục không có giai đoạn, tuần tự nhi tiến không có đột ngột. Dầu cho sự diễn đạt đặt dưới nhiều quan điểm và khía cạnh sai khác, lồng vào những bối cảnh có thể nói là mâu thuẫn, nhưng chúng ta vẫn nhận thấy những sóng ngầm đồng nhất, thật sự nguyên thủy trong sự cố gắng của các Luận sư để diễn đạt cho thật sự trung thành giáo nghĩa nguyên thủy của đức Từ phụ. Cho nên chương trình giáo điển của Viện Cao đẳng Phật học này gồm 8 năm, ba năm đầu học tổng quát tiến trình của lịch sử tư tưởng Phật giáo gồm đủ cả 3 giai đoạn, ba năm sau chuyên ban về Kinh học, Luật học, Luận học, Thiền học, ban nào cũng bao trùm giáo điển cả 3 giai đoạn, hai năm sau cùng sẽ là hai năm viết Luận án Tiến sĩ tốt nghiệp. Và như vậy sinh viên Tăng Ni, vừa có đủ một kiến thức ba năm tổng quát về lịch sử tư tưởng Phật giáo cả ba giai đoạn Nguyên thủy, Học phái và Đại thừa, vừa được giới thiệu cặn kẽ các giáo điển phân ban mình lựa chọn cũng trong ba năm, vừa có hai năm cuối cùng viết Luận án Tiến sĩ, hoặc là một công trình tổng hợp có tánh chất sáng tạo về tư tưởng hay là những công trình khảo cứu chuyên môn của biết bao vấn đề liên hệ đến văn hóa Phật giáo.
Nhưng như tất cả quý vị đều biết, đạo Phật chúng ta đặc biệt có Giới học, Định học và Tuệ học, hay nói một cách khác, đạo Phật không phải chỉ chú trọng học chữ nghĩa; mà phần quan hệ chính trong một vị Tăng sinh, ba mặt Hạnh đức, Tâm đức, và Tuệ đức của con người đều được đặc biệt chú ý và huấn luyện. Vì quan điểm giáo dục của đạo Phật là thân có giữ giới tâm mới định tĩnh, và tâm có định tĩnh thì trí mới phát tuệ. Do đó tại Viện Cao đẳng Phật học này, Tăng sinh sẽ gìn giữ giới luật rất nghiêm minh như quý vị đã được thấy trong 10 kỷ luật tự giác của một Tăng sinh; ở đây Tăng sinh sẽ được tu tập Thiền định hằng ngày, như quý vị đã thấy một Thiền đường mới được thiết lập tại đây. Và mỗi ngày Tăng sinh được nghe và được suy tư đến những lời dạy của đức Thế tôn, những lời dạy làm phát huy và chói sáng trí tuệ con người. Chúng tôi có thể nói, Viện Cao đẳng Phật học Huệ nghiêm này được xây dựng trên nền tảng của Giới học, được kiến thiết bằng những ngôi nhà Định học và được soi sáng bằng những ngọn đèn Tuệ học.
Hơn nữa, chúng ta đều được biết, đạo Phật được gọi là Sanditthiko, đạo cho hiện tại, Akãliko, không bị thời gian chi phối và Ehipassiko, đến để mà thấy. Nói một cách khác, chánh pháp của đức Như Lai phải đem ứng dụng cho thế giới hiện tại, một thế giới đầy thù hận chiến tranh, vì chia rẽ ý thức hệ, chia rẽ tôn giáo, chia rẽ dân tộc. Lời dạy của đức Thế tôn phải được soi sáng cho xã hội hiện tại, một xã hội hoàn toàn bị máy móc, vật dục chi phối và thống trị, và những phương pháp của đức Bổn sư phải được đem ra cải thiện con người hiện tại, và con người hiện tại là một con người điên loạn, hoảng hốt, độc ác và vô cùng thủ đoạn. Đạo Phật chỉ là đạo Phật khi nào đạo Phật có thể chữa trị thân bệnh và tâm bệnh cho con người hiện tại, có thể đem lại công lý và thanh bình cho xã hội hiện tại, và có thể làm sống dậy tình thương nhân loại giữa thế giới chiến tranh và hận thù này. Do vậy, chương trình giảng huấn tại Viện Cao đẳng Phật học này có đề cập đến vấn đề đạo Phật và những vấn đề của thế giới hiện đại, cùng với những môn học Tỷ giáo giữa đạo Phật với các triết thuyết Đông tây kim cổ. Nhờ vậy các Tăng sinh dầu sống trong rừng sách Tam tạng Giáo điển Phật giáo vẫn ý thức được sự liên hệ giữa lời Phật dạy với các vấn đề cá nhân, xã hội và thế giới hiện tại, vừa nhận chân được vị trí độc đáo và đặc thù của Phật giáo, so sánh với các triết thuyết Đông tây xưa và nay. Có vậy chúng ta mới tránh được cảnh tượng rất đau lòng của những vị Phật tử xuất gia cũng như tại gia tự xưng mình là Phật tử mà vẫn chạy theo tôn thờ và phục vụ các chủ nghĩa duy vật, tư bản, hiện sinh, duy linh, duy thần… những nạn phá kiến luôn luôn xảy ra xung quanh chúng ta. Chúng ta cũng tránh luôn cái nạn đem đạo vào đời bằng cách thế tục hóa đạo Phật. Người đời nay bạo động, chúng ta cũng phải tập tành bạo động; người đời chửi bới hận thù, chúng ta cũng tập tành chửi bới hận thù; người đời nói láo và tôn trọng vật dục, chúng ta cũng học đòi nói láo, học đòi chạy theo vật dục. Tam tạng Giáo điển đã ấn định rõ ràng vị trí chánh kiến của đạo Phật đối với 62 tà thuyết và 6 ngoại đạo tà sư, như đã được thấy trong kinh Brahmajalasutta và Sãmannãphala, thời chúng ta cũng có thể ý thức rõ ràng chính kiến của Phật giáo đối với các chủ thuyết Duy vật, Tư bản, Hiện sinh,các triết thuyết Đông tây hiện tại. Đức Phật đã ấn chứng con đường Trung đạo Majjhima patipada đưa đến an tịnh, thắng tri, giác ngộ, niết bàn như đã được thấy trong kinh Chuyển Pháp luân, thời chúng ta cũng có thể minh định rõ ràng sự sai khác giữa đời sống điên loạn, máy móc, vật dục của con người hiện tại và con người giải thoát và giác ngộ mà đức Bổn sư muốn cho mỗi chúng ta thành tựu ngay trong đời sống hiện tại trên bản thân chúng ta.
Một tiêu chuẩn nữa mà chúng tôi cần phải đề cập là tiêu chuẩn Cao đẳng, Cao đẳng Phật học Viện Huệ nghiêm là một Viện Cao đẳng tức là một Viện có trình độ tương đương, nếu không phải là cao hơn, trình độ Đại học ngoài đời, và một Đại học chỉ được gọi là Đại học khi nào ngôi trường ấy áp dụng phương pháp và tinh thần Đại học trong chương trình giảng dạy và nghiên cứu. Ngày nay sự nghiên cứu Phật học lên đến một trình độ rất cao. Chúng ta hiện có nhiều Đại học Tăng già, như Đại học Chullalongkorn ở Thái lan, nhiều Đại học Phật giáo, như Đại học Kyoto ở Nhật bản và nhiều Đại học ngoài đời có chương trình Tiến sĩ Phật học như Đại học Wisconsin ở Hoa kỳ. Tại Phật học Viện Nalanda, bắt đầu từ năm ngoái đã có sinh viên viết luận án Tiến sĩ bằng tiếng Sanskrit và Pali; và tại Đại học đường Wisconsin, một sinh viên chỉ được trình luận án Tiến sĩ Phật học, khi nào vị ấy thông thạo tiếng Sanskrit hay tiếng Pali, tiếng Tây tạng, tiếng Trung hoa hay tiếng Nhật v.v… Viện Cao đẳng Phật học Huệ nghiêm nay chỉ có thể chuyên về Hán tạng, nhưng phải đào luyện cho sinh viên Tăng rất giới về Hoa ngữ và Hán tự. Nhưng nếu chỉ biết Hán tự, Hoa ngữ mà thiếu Sanskrit và Pali thì vẫn là một khuyết điểm rất lớn cho gia tài cổ ngữ của một Tăng sinh Viện Cao đẳng Phật học.
Kính bạch Chư tôn Hòa thượng, Thượng tọa
Kính thưa Chư vị Đại đức Tăng, Ni, quí vị Quan khách và đồng bào Phật tử.
Hôm nay là lễ tấn phong vị Tân Viện trưởng và cũng là ngày khai giảng Viện Cao đẳng Phật học Huệ nghiêm, chúng tôi rất hân hoan đón mừng sự thành lập và sự hiện diện của Viện Cao đẳng Phật học Huệ nghiêm trong Đại gia đình Phật học Viện toàn quốc, với lòng hy vọng đón nhận những đóng góp vĩ đại của Phật học Viện này cho nền văn hóa và giáo dục Việt nam và quốc tế. Chúng tôi cũng xin kêu gọi ở nơi đây sự đóng góp và hỗ trợ tích cực và thiết thực, trực tiếp hay gián tiếp, của chư tôn Hòa thượng, Thượng tọa, Đại đức Tăng,. Ni cùng toàn thể chư vị quan khách và thập phương thiện tín, để Viện Cao đẳng Phật học này hoàn thành được sứ mạng giáo dục và văn hóa của mình.
NAM MÔ BỔN SƯ THÍCH CA MÂU NI PHẬT
Tỳ kheo THÍCH MINH CHÂU
[Tạp chí Tư tưởng số 8/ 1971]